Dịch thuật: Tục phóng sinh

 TỤC PHÓNG SINH

          Cách nói mê tín thời trước cho rằng, phóng sinh các loại động vật như cá, chim ... là hành vi tích thiện hành đức, có thể mang lại điều tốt cho kiếp sau. Nhân đó các tín đồ Phật giáo ham làm điều thiện, vào một ngày lễ tết nào đó mua một số động vật đem thả. Trong Liệt Tử - Thuyết phù 列子 - 说符 có ghi:
          Hàm Đan chi dân, dĩ Chinh nguyệt chi nhật hiến cưu vu Giản Tử, Giản Tử đại duyệt, hậu thưởng chi. Khách vấn kì cố, Giản Tử viết: “Chinh đán phóng sinh, thị hữu ân dã.”
          邯郸之民, 以正月之日献鸠于简子, 简子大悦, 厚赏之. 客问其故, 简子曰: 正旦放生, 示有恩也.”
          (Dân ở Hàm Đan vào ngày nguyên đán dâng chim cưu lên Giản Tử, Giản Tử vui, ban thưởng rất nhiều. Có người hỏi nguyên nhân, Giản Tử đáp rằng: “Ngày nguyên đán phóng sinh để tỏ mình ra ơn với loài vật.”)
          Tục phóng sinh có liên quan đến ý thức totem tôn giáo “vạn vật hữu linh” 万物有灵của người nguyên thuỷ, về sau dung hợp với tư tưởng luân hồi báo ứng của Phật giáo. Có thể biết, tập tục này muộn nhất là bắt đầu từ đời Hán, về sau theo sự thịnh hành của Phật giáo tại Trung Quốc, tục phóng sinh cũng ngày càng phổ cập. Nhân vì giai cấp thống trị của các triều đại tín phụng Phật giáo, phóng sinh cũng trở thành một thiện cử của giai cấp thống trị. Cuối đời Đường lập ao phóng sinh, những năm Càn Nguyên 乾元đời Đường, Túc Tông Lí Hanh 李亨 từng lệnh cho thiên hạ lập 81 ao phóng sinh các nơi. Có thể thấy phóng sinh lúc bấy giờ đã trở thành một tập tục rất phổ biến.
          Trong Tuỳ Đường diễn nghĩa 隋唐演义 hồi thứ 20 có nói đến hành vi phóng sinh của Tuỳ Dượng Đế 隋炀帝. Hôm đó, Dượng Đế cùng Dương Tố 杨素đến ao Thái Dịch 太液câu cá, giao ước rằng ai câu được trước là thắng, người thua sẽ bị phạt rượu. Dượng Đế câu được trước 2 con, nhưng chỉ là cá nhỏ khoảng 2,3 thốn, Dương Tố tuy chậm hơn nhưng lại là một con cá lớn, hai người đang nói cười, “thấy một tên nội tướng chạy đến bẩm báo: ‘Ngoài triều môn có một người đánh cá ở Lạc thuỷ 洛水, bắt được một con cá chép lớn vảy vàng đuôi đỏ, có chút dị tướng, không dám bán, xin dâng lên vạn tuế.’ Dượng Đế nghe xong lệnh cho mang vào. Một lúc sau, hai ba tên thái giám khiêng một chiếc ang lớn đến trước mặt. Dượng Đế và Dương Tố nhìn kĩ, thấy con cá dài khoảng 5 xích, trên vảy ngắn, sắc vàng óng ánh tranh cùng ánh sáng mặt trời. Dượng Đế cả mừng, bèn cho thả vào trong ao. Dương Tố nói rằng: ‘Cá này có thần khí, e không phải là vật nuôi trong ao, chi bằng giết đi, để tránh cái lo ngày sau.’ Dượng Đế cười bảo rằng: ‘Nếu là con vật có thể hoá rồng, thì tuy có muốn giết cũng không thể được.’ Nhân đó mới hỏi tả hữu rằng: ‘Loại cá này từng có tên chưa?’ Tả hữu đáp: ‘Chưa.’ Dượng Đế bèn gọi mang bút và mực son đến viết lên trán cá 2 chữ “giải sinh” 解生để làm dấu, rồi cho thả vào ao, ban thưởng cho người đánh cá nọ rất hậu hĩ.”
          Trong Liêu trai chí dị 聊斋志异 hành vi phóng sinh như thế cũng có tương đối nhiều, hơn nữa lại có nhiều ứng nghiệm. Truyện Hoa Cô Tử 花姑子 miêu tả chàng Cống sinh Thiểm Tây là An Ấu Dư 安幼舆, “tính tình hào phóng, ham làm việc nghĩa, thích phóng sinh, thấy thợ săn bắt được chim thú liền không tiếc tiền bạc, mua lại để phóng thích.” Ngày nọ đi thăm bà con, chiều tối  về giữa đường đến Hoá nhạc 华岳 bị lạc, may gặp được một nhà nọ chiêu đãi nhiệt tình. Trong nhà có một cô gái tên Hoa Cô Tử, xinh đẹp như tiên, An Ấu Dư đem lòng mến mộ, khi về lại nhà nhờ người làm mai đến cầu thân, nhưng không được như mong muốn. An Ấu Dư thất vọng trở về, tương tư thành bệnh, bệnh tình ngày càng nặng, hơi thở suy yếu dần. Sau nhờ có Hoa Cô Tử đến cứu nên thoát chết. Một lần khác, nhân vì nhớ đến Hoa Cô Tử nên đêm khuya vào núi, bị xà tinh hút tinh huyết mà chết, sau cũng may nhờ Hoa Cô Tử đến cứu mới sống lại. An Ấu Dư cảm thấy kì lạ, gặng hỏi đôi ba lần, Hoa Cô Tử mới nói rõ đầu đuôi. 5 năm trước An Ấu Dư từng đi ngang qua Hoá sơn 华山, trên đường có mua một con chương (1) bị người ta săn được đem thả. Con chương được thả đó chính là cha của Hoa Cô Tử.
          Trong Tây hồ chủ 西湖主, miêu tả việc phóng sinh được báo đáp càng rõ. Trần Bật Giáo 陈弼教từng làm thư kí cho Phó tướng quân Giả Oản 贾绾. Ngày nọ họ Giả đậu thuyền ở hồ Động Đình 洞庭, lấy cung tên bắn trúng và bắt được con trư bà long 猪婆龙 (2). Trần Bật Giáo nhìn thấy trư bà long dường như có ý cầu cứu, trong lòng không nỡ, nên xin thả. Về sau Trần Bật Giáo đi nhầm vào phủ đệ của Tây hồ chủ, bị nghi có ý dò xét nên tội đáng chết, may được một tì nữ nhận ra liền đến cứu. Nguyên lai là người phi của Tây hồ chủ chính là trư bà long được cứu ngày trước. Với ơn đó, Trần Bật Giáo không những được vô tội mà ngược lại trở thành phò mã, cực giàu sang trên đời.
          Ngày trước, những nhà hào hoa phú quý làm lễ mừng thọ, cũng có phóng sinh. Trong Hồng lâu mộng 红楼梦 hồi thứ 71, lễ mừng thọ Giả Mẫu 贾母80 tuổi rất long trọng, trước tiên nam nữ lớn nhỏ trong tộc, gia nhân, a hoàn cùng khấu đầu bái thọ, “sau đó nhiều lồng chim sẻ được đưa đến phóng sinh trong sân.”
          Tục này ngày nay đã ít dần, nhưng quan niệm phóng sinh đã thành một  một loại văn hoá thẩm thấu vào tâm lí và vào trong hành vi tư duy của con người.

Chú của người dịch
1- Chương : cũng được viết là , theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu:
“Giống như con hươu mà nhỏ, không có sừng, lông hơi vàng vàng, núi rừng nào cũng có.
2- Trư bà long 猪婆龙:
Tức con “đà” , cũng gọi là Dương Tử ngạc 扬子鳄  (cá sấu sông Dương Tử), dài khoảng hơn 2m, vảy trên lưng có chất sừng, thức ăn gồm những loại như cá, ếch nhái, gà, chuột... sống ở vùng hạ du Trường giang 长江 cùng các ao hồ ở lưu vực Thái hồ 太湖.
          Theo https://baike.baidu.com.item/......

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 25/8/2018
                                                                      Rằm tháng 7 năm Mậu Tuất 
                                                              
Nguyên tác Trung văn
PHÓNG SINH
放生
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC ĐẠI TỪ ĐIỂN
中国风俗大辞典
Chủ biên: Thân Sĩ Nghiêu 申士垚, Phó Mĩ Lâm 傅美琳
Trung Quốc Hoà Bình xuất bản xã xuất bản, 1994.
Previous Post Next Post