Dịch thuật: Thân Đồ Gia

THÂN ĐỒ GIA

          Thân Đồ Gia 申屠嘉 (? – 155 trước công nguyên), Tể tướng thời Văn Đế, Cảnh Đế triều Tây Hán. Nhân vì tức giận thổ huyết mà mất.

          Thân Đồ Gia申屠嘉, người nước Lương (nay là huyện Thương Khâu 商丘 tỉnh Hà Nam 河南). Lúc trẻ rất có khí lực, giỏi sử dụng cung tên. Trong cuộc chiến tranh Hán - Sở, Thân Đồ Gia đến với Lưu Bang 刘邦, tác chiến dũng cảm, được thăng làm Đội suất. Sau khi Lưu Bang xưng đế, Thân Đồ Gia theo quân thảo phạt Kình Bố 黥布, nhân vì có công được thăng làm Đô uý. Thời Huệ Đế, nhậm chức Thú ở Hoài Dương 淮阳. Văn Đế tức vị, ông được phong làm Hầu. Năm 164 trước công nguyên, làm Ngự sử đại phu. Hai năm sau, Trương Thương 张苍 bị miễn chức Thừa tướng. Văn Đế vốn muốn bái em trai của hoàng hậu là Đậu Quảng Quốc 窦广国 làm Thừa tướng, nhưng sợ đại thần nói là vì tình riêng, bèn dò theo ý đại thần mà tuyển chọn. Đương thời, lão thần thời Lưu Bang còn khang kiện, lác đác chẳng được mấy người, mà quan vị của Thân Đồ Gia là cao nhất, nên bái Thân Đồ Gia làm Thừa tướng, tiến phong là Cố An Hầu 安侯.
          Thân Đồ Gia không có học vấn gì, nhưng con người ông cương nghị tiết tháo, làm quan liêm khiết chính trực, không nhận sự thỉnh cầu uỷ thác của người khác. Đương thời, Thái trung đại phu Đặng Thông 邓通 nhân vì Văn Đế hễ động một tí là ban thưởng cho nhiều vàng bạc, còn thường đến nhà yến ẩm, nên Đặng Thông cậy có được sự sủng ái càng ngạo mạn, tại triều gặp Thân Đồ Gia cũng chẳng quan tâm. Thân Đồ Gia rất bất bình, bèn dâng tấu:
          - Bệ hạ thích bề tôi nào có thể khiến họ trở nên phú quý cũng được, nhưng lễ nghi triều đình không thể không quan tâm.
          Văn Đế liền nói:
          - Trẫm biết, trẫm sẽ răn ông ta.
          Thân Đồ Gia vẫn chưa bằng lòng, sau khi thoái triều về lại quan nha, lệnh cho Đặng Thông đến phủ Thừa tướng, đồng thời truyền lời nếu ông ta không đến sẽ chém. Đặng Thông sợ, liền cầu cứu với Văn Đế. Văn Đế bảo ông ta trước tiên nên tuân lệnh đến. Đặng Thông đành đến phủ Thừa tướng, cung kính lấy quan miện xuống, khấu kiến Thân Đồ Gia. Thân Đồ Gia ngồi trên cao đã không đáp lễ lại còn lớn tiếng trách rằng:
          - Triều đình là triều đình của Cao Hoàng Đế. Ông là một quan đại phu nhỏ,  tại triều dám mục hạ vô nhân, đó là phạm vào tội đại bất kính, theo lí phải xử trảm, giờ ta có thể giết ông.
          Đặng Thông kinh sợ dập đầu liên tục đến nỗi trán rỉ máu. Lúc bấy giờ, Văn Đế mới phái sứ thần đến phủ Thừa tướng cho triệu hồi Đặng Thông, đồng thời nói với Thân Đồ Gia:
          - Đây là tiểu thần mà trẫm thích, khanh tha cho ông ta đi.
          Lúc này Thân Đồ Gia mới thả Đặng Thông.
          Sau khi Văn Đế bệnh và qua đời, Cảnh Đế tức vị, Thân Đồ Gia vẫn nhậm chức Thừa tướng. Năm 155 trước công nguyên, Cảnh Đế nhậm mệnh Triều Thố 晁错 làm Nội sử. Để cải cách chính trị, Triều Thố thay đổi pháp lệnh, kiến nghị phải tước bỏ thế lực ngày càng bành trướng của các chư hầu vương. Thân Đồ Gia lại đưa ra ý kiến khác, nhưng chưa được Cảnh Đế tiếp nhận, vì thế Thân Đồ Gia rất giận Triều Thố. Để ra vào được tiện lợi, Triều Thố cho mở con đường phía nam, thông đến khoảng đất trống phía trước miếu Thái thượng hoàng. Thân Đồ Gia cho đó là mạo phạm miếu Thái thượng hoàng, bèn tấu thỉnh giết Triều Thố. Triều Thố ngay trong đêm cầu cứu với Cảnh Đế. Ngày hôm sau lên triều, Thân Đồ Gia lại diện kiến, tấu xin giết Triều Thố. Cảnh Đế giải thích rằng:
          - Triều Thố không phá hoại miếu Thái thượng hoàng, đó chỉ là khoảng trống phía trước miếu, hơn nữa, trẫm đồng ý cho mở thông. Triều Thố không có tội.
          Sau khi bãi triều, Thân Đồ Gia vô cùng tức giận, than với quan Trưởng sử rằng:
          - Ta hối hận không tiên trảm hậu tấu, giết Triều Thố trước đã.
          Thân Đồ Gia về đến nhà liền thổ huyết mà chết. Cảnh Đế ban thuỵ cho ông là Tiết Hầu 节侯.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 01/8/2018

Nguyên tác Trung văn
THÂN ĐỒ GIA
申屠嘉
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇

Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999
Previous Post Next Post