Dịch thuật: Cát Tiên Công trừ yêu

CÁT TIÊN CÔNG TRỪ YÊU

          Theo Lịch thế chân tiên thể đạo thông giám 历世真仙体道通鉴
          Cát Tiên Công 葛仙公, tên Huyền , tự Hiếu Tiên 孝先, là phụ thân của Cát Hồng 葛洪 - vị đạo sĩ nổi tiếng thời Tấn.
          Có một lần, Tiên Công cùng tuỳ tùng của mình đi qua một địa phương nọ. Nơi đó có một ngôi thần miếu, phàm những ai đi ngang qua phải cách miếu mấy trăm bước xuống xe đi bộ, nếu không sẽ làm kinh động vô số chim trên mấy chục cây lớn gần miếu. Khi chim bị kinh động sẽ tấn công người, tình cảnh đó rất nguy hiểm, vì thế mọi người đều rất sợ. Tiên Công không biết tình huống này cho nên khi đến đó không xuống xe mà cứ ngồi trên xe đi ngang qua miếu, cuồng phong đột nhiên nổi lên, vô số chim từ tổ bay ra, lại có cát bay đá chạy, che khuất mặt trời. Đám tuỳ tùng của Tiên Công cực kì lo sợ. Tiên Công thấy thế, giận dữ thét lên:
          - Tiểu yêu dám làm càn như thế.
          Tiếp đó Tiên Công dùng tay chỉ, cuồng phong lập tức dừng. Tiên Công lại lấy một đạo bùa ném vào trong miếu, lũ chim thi nhau rớt chết trên mặt đất, ngôi miếu cũng tự nhiên bốc cháy. Tiên Công nói với tuỳ tùng, đó chẳng qua là đám tiểu yêu làm càn, không có gì là lạ.
          Lại một lần khác, Tiên Công đi qua Vũ Khương 武康, bắt gặp một vu sư đang đuổi tà trị bệnh cho một nhà nọ liền dừng lại xem. Nào ngờ vị vu sư nọ trong quá trình làm phép thuật bị quỷ tinh nhập vào người. Vu sư mà quỷ tinh nhập vào người, bưng rượu đến trước mặt Tiên Công mời uống. Tiên Công biết trong rượu có độc nên kiên quyết không uống. Vu sư thấy Tiên Công không uống liền mở miệng mắng. Tiên Công thét lớn rằng:
          - Loại quỷ gian tà dám làm như thế!
          Thế là gọi thần Thổ Địa bắt vu sư (quỷ tinh) trói vào trụ, sau đó dùng roi quất vào lưng. Chỉ nghe thấy tiếng roi đánh và tiếng kêu thảm thiết của quỷ tinh, sau đó thấy quỷ tinh đổ máu trên mặt đất. Quỷ tinh cầu xin Tiên Công:
          - Tôi có mắt mà không biết Thái sơn, mạo phạm chân nhân, xin thứ tội.
          Tiên Công bảo rằng:
          - Ngươi là loại tà ma nào, mau khai thực ra.
          Quỷ tinh đáp rằng:
          - Tôi là quỷ tinh ở sau núi.
          Tiên Công bảo:
          - Muốn ta tha cho nhà ngươi cũng được thôi, nhưng nhà ngươi phải nội trong 3 ngày trị khỏi bệnh cho bệnh nhân.
          Quỷ tinh lập tức bằng lòng. Ba ngày sau, quả nhiên người bệnh khỏi hẳn.
          Và một lần khác, một anh học trò ở Hoa Âm 华阴bị xà tinh mê hoặc, xà tinh hoá thành một cô gái xinh đẹp khiến anh học trò say mê si dại, thần hồn điên đảo. Tiên Công nhìn thấy tình huống đó, cảm thấy xà tinh không chỉ mê hoặc cả một đời anh học trò, mà còn có thể đi hại người khác. Thế là, một ngày nọ Tiên Công thấy anh học trò sắp ra ngoài, liền hoá thành một nông phu đánh bò cày ruộng. Đợi anh học trò đi ngang qua, Tiên Công liền đón đầu nói với anh học trò:
          - Anh thân đã ở vào nơi nguy hiểm, người con gái nọ là một xà tinh, trước đó đã ăn thịt biết bao nhiêu người. Nếu anh không nhanh chóng rời xa, anh cũng sẽ bị nó ăn đấy.
          Thấy anh học trò nửa tin nửa ngờ, Tiên Công bèn dẫn anh ta đến bên cạnh một cái giếng khô, chỉ vào đống xương trắng trong giếng, nói rằng:
          - Đây là đống xương của những người bị xà tinh ăn thịt.
          Anh học trò thấy vậy liền tin những lời của Tiên Công. Tiên Công dặn anh học trò lén về nhà quan sát, thấy trong mùng một con rắn lớn đang nhe nanh trợn mắt, bên cạnh còn có một con rắn nhỏ. Cô gái đó quả nhiên là xà tinh. Tiên Công tiến lên, tay vung dao chém chết xà tinh. Lúc bấy giờ lại thấy có vô số rắn nhỏ đến cứu xà tinh, Tiên Công cũng giết chết toàn bộ. Sau đó, Tiên Công lại lấy ra một đạo bùa, bảo anh học trò nuốt vào bụng. Một lát sau, anh học trò từ trong bụng nôn ra một số giun, ếch nhái. Như vậy anh học trò mới bảo toàn được tính mệnh.

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 03/7/2018

Nguyên tác Trung văn
CÁT TIÊN CÔNG TRỪ YÊU
葛仙公除妖
Trong quyển
ĐẠO KINH CỐ SỰ
道经故事
Biên soạn: Dương Ngọc Huy 杨玉辉
Tứ Xuyên văn nghệ xuất bản xã, 2002
Previous Post Next Post