Dịch thuật: Tiên xuân



TIÊN XUÂN

          “Lập xuân” 立春tục gọi là “đả xuân” 打春, là nguyệt tiết của tháng Giêng theo lịch nhà Hạ, có lúc cũng ở vào tháng Chạp, ước khoảng ngày 4 tháng 2 dương lịch. Theo cách tính truyền thống, sau tiết Đại hàn 15 ngày sao Đẩu chỉ đúng vào hướng đông bắc là Lập xuân, khí ấm bốc lên, mùa xuân bắt đầu.
          Lập xuân là khởi đầu và kết thúc của 4 mùa, đánh dấu sự kết thúc của mùa đông và sự khởi đầu của mùa xuân, cho nên thời cổ cho rằng nó là một lễ tiết quan trọng. Tại Trung Quốc, sớm từ đời Chu đã có phong tục “nghinh xuân” “tiếp xuân”.
Theo Lễ kí – Nguyệt lệnh 礼记 - 月令có ghi:
Chu thiên tử dĩ Lập xuân chi nhật thân suất công khanh chư hầu đại phu Nghinh xuân vu đông giao (1)
          周天子以立春之日亲率公卿诸侯大夫迎春于东郊
          (Ngày Lập xuân Chu thiên tử đích thân dẫn công khanh chư hầu đại phu ra phía đông ngoại thành cử hành lễ Nghinh xuân)
          Trong Hán thư – Giao tự kí 汉书 - 郊祀记có ghi:
          Nghinh xuân tế Thanh Đế, Câu Mang, bách quan y giai thanh, quận quốc huyện quan, hạ chí lệnh sử, phục thanh trách.
          迎春祭青帝, 勾芒, 百官衣皆青, 郡国县官, 下至令史, 服青帻.
     (Lễ Nghinh xuân tế Thanh Đế, Câu Mang, bách quan y phục đều xanh, quận quốc huyện quan xuống đến lệnh sử đều vấn khăn xanh)
          Đến nay, đại bộ phận vùng Sơn Đông 山东vẫn còn lưu hành phong khí này. Ngày Lập xuân, nam nữ già trẻ đều ra hoạt động ngoài đồng gọi là “nghinh xuân” “tiếp xuân”. Vùng Đức Châu 德州, mọi người kết bầy  ra khỏi thôn đi về hướng đông, không cần biết xa gần, chỉ cần gặp được người mặc áo đỏ, đội mũ đỏ, choàng khăn đỏ hoặc xách túi đỏ, coi như là “nghinh xuân”.
          “Lập xuân” còn gọi là “đả xuân”, khẳng định nó có một lai lịch đặc thù.
          Nguyên là, thời xưa mọi người ngoài hoạt động “nghinh xuân” ra, còn lưu hành “đả xuân” 打春 hoặc “tiên xuân” 鞭春, cũng chính là đánh vào “xuân ngưu” 春牛bằng đất. Tập tục này cũng có lịch sử lâu dài. Cách làm là đem một con trâu làm bằng đất ra (thổ ngưu 土牛), người ta cầm một cây roi màu gọi là “thái trượng” 彩杖để xua nó đi. Hàm nghĩa là mọi người nên cần cù cày cấy (cũng có thuyết cho là dùng để đưa tiễn khí lạnh). Nếu Lập xuân gần ngày 15 tháng Chạp, người cầm cây roi đánh trâu sẽ ở phía trước trâu, biểu thị việc cày cấy năm đó phải sớm một chút. Nếu Lập xuân gần ngày 15 tháng Giêng năm sau, người cầm roi sẽ ở phía sau trâu, biểu thị việc cày cấy năm đó thích hợp muộn một chút. Còn nếu Lập xuân ở vào trước hoặc sau mồng 1 tháng Giêng, đương nhiên vị trí của người cầm roi phải ở giữa, thời gian cày cấy nông nghiệp đương nhiên cũng phải thích hợp ở giữa. Theo ghi chép, thời kì tiết Thanh minh, bên ngoài Đông Trực môn 东直门 của Bắc Kinh thiết lập “xuân trường” 春场, tại nơi đó đã chuẩn bị tơ lụa làm thành “Mang thần đình” 芒神亭 và “thổ ngưu đài” 土牛台. Trước Lập xuân một ngày, quan viên phụ trách kinh đô sẽ đưa quan viên lớn nhỏ đến xuân trường nghinh xuân. Các quan phải mặc quan phục màu đỏ, cài hoa trên đầu, dùng cờ xí nghi trượng mở đường. Cả đoạn đường có đội nhạc thổi kèn đánh trống. Đầu tiên đưa tượng Thần Câu Mang và thổ ngưu rước đến “thái bằng” 彩棚 (lều rạp được trang trí màu sắc) mà quan phủ đã chuẩn bị. Ngày hôm sau Lập xuân, các quan viên sai học trò hoặc sai dịch khiêng Mang thần đình và thổ ngưu đài đến hoàng cung chúc mừng hoàng thượng, hoàng hậu và hoàng thái tử. Trong quyển Tế Nam phủ chí 济南府志 biên soạn năm 1691 có nói:
          Trước ngày Lập xuân, quan phủ dẫn sĩ dân, chuẩn bị xuân ngưu, Mang thần, nghinh đón ở đông giao. Dọn “ngũ tân bàn” 五辛盘(2), tục gọi là “xuân bàn” 春盘, “ẩm xuân tửu” 饮春酒, “trâm xuân hoa” 簪春花.
          Dân làng, các hộ buôn bán diễn kịch ngư tiều canh độc .... Ngày Lập xuân, quan lại đều chuẩn bị roi màu, làm 3 con trâu đất, gọi đó là ‘tiên xuân’ hàm ý khuyến khích nông nghiệp.
          Không chỉ phủ quan như thế, từ tư liệu lịch sử, tập tục nghinh xuân của triều Tống, triều Minh và triều Thanh, hoạt động “tiên xuân” cực kì náo nhiệt. Kinh thành như thế, các nơi trong cả nước cũng như thế. Từ đó có thể thấy, trong xã hội nông nghiệp, bất luận là quan phương hay dân gian, bất luận là đại thần triều đình hay bách tính bình dân, đều tham gia hoạt động tiên xuân này, hi vọng mọi người cần cù, sớm thu hoạch được mùa màng.
          Hiện tại, tập tục này ở tuyệt đại bộ phận khu vực đã tuyệt tích, có một vài địa phương vào ngày mồng 3 tháng Giêng cử hành nghi thức, mang nông cụ, đánh trâu đến cánh đồng đầu thôn làm lễ cúng, biểu thị từ đó có thể xuống đồng canh tác.

Chú của người dịch
1- Theo Lễ kí dịch giải 禮記譯解 quyển thượng do Vương Văn Cẩm 王文錦  dịch giải,  câu này là:
          Lập xuân chi nhật, thiên tử thân suất tam công, cửu khanh, chư hầu, đại phu dĩ Nghinh xuân ư đông giao.
          立春之日, 天子親帥三公, 九卿, 諸侯, 大夫以迎春於東郊.
          (Bắc Kinh - Trung Hoa thư cục, 2007)
2- Ngũ tân bàn 五辛盘
          Ngũ tân bàn 五辛盘còn gọi là “tân bàn” 辛盘 “xuân bàn” 春盘, tức trong mâm có 5 món rau mang vị cay, dùng làm thức ăn nguội.
          Theo Phong thổ kí 风土记 đời Tấn có nói:
 Nguyên đán dọn ra ngũ tân bàn. Dùng ngũ tân để cho khí của 5 tạng phát ra. Ngũ tân tức hành, tỏi, hẹ, cải cay, rau thơm.
          Chữ “tân” (cay) hài âm với chữ “tân” (mới), hàm ý của người xưa  cũng mong muốn sự việc được mới mẻ.
          Theo https://baike.baidu.com/item

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 04/02/2018
                                            Lập xuân 19 tháng Chạp năm Đinh Dậu

Previous Post Next Post