Dịch thuật: Mễ Phí vẽ tranh

MỄ PHÍ VẼ TRĂNG

          Ngày trước, tại phía đông cầu Thiên Thu 千秋 ở Trấn Giang 镇江 có một thư hoạ gia rất nổi tiếng tên là Mễ Phí 米芾. Mễ Phí vẽ cái gì giống cái đó, y như thật, đáng gọi là thần bút. Tính khí của Mễ Phí rất cổ quái, mọi người đều gọi ông là “Mễ  điên” 米颠. Nói Mễ Phí điên, thực ra ông không điên, ông rất có cốt khí, không thích nịnh bợ người khác, nhất là với những người có quyền thế. Lớn như thiên tử đương triều, nhỏ như huyện lệnh châu quan, ngay cả một lời cung kính ông ta cũng không nói. Cho nên tuy tài năng một bụng, nhưng chưa làm qua chức quan lớn.
          Có một người cùng làm việc với Mễ Tá 米佐, phụ thân của Mễ Phí, nhàn cư ở Trấn Giang, nói ra là chỗ giao tình nhiều năm cùng Mễ Phí, nhưng Mễ Phí luôn xem thường anh ta, bởi người này thấy được cục xương làm quan thì mềm ngay.
          Có một lần, người này nịnh vị đại quan đương triều, mặt dày đến xin Mễ Phí vẽ cho một bức trung đường để đem hiếu kính đại quan. Người nọ nói một lần, Mễ Phí đáp ứng một lần, nói  hai lần, Mễ Phí đáp ứng hai lần, nhưng đáp ứng đã ba năm sáu tháng rồi mà chưa từng vẽ qua.
          Về sau, vị đại quan ở kinh thành quả thực đợi đến phát chán, năm lần bảy lượt giục người nọ:
          - Mễ Phí sao mà chưa vẽ xong tranh?
          Người nọ như kiến bò trong chảo nóng, sợ vỗ đít ngựa (nịnh hót – ND) không thành lại bị ngựa đá. Sáng sớm hôm đó, anh ta liền chạy đến nhà Mễ Phí, ngồi xin Mễ Phí vẽ tranh cho.
          Anh ta ngồi từ sáng sớm đến trưa, rồi từ trưa đến chiều tối, nói mãi chỉ thấy Mễ Phí gật đầu mà không thấy Mễ Phí ra tay. Mãi đến lúc trăng mọc lên, Mễ Phí mới từ từ từng bước từng bước, bước vào thư phòng mài mực.
          Người nọ vừa nhìn thấy, miệng cười ngoác đến tận mang tai, cũng vội theo vào thư phòng. Anh ta mới bước vào thư phòng đã thấy Mễ Phí cuốn tấm giấy Tuyên lại. Ái chà! Quả là thần bút, vẽ mới nhanh làm sao. Lúc bấy giờ, Mễ Phí giao cuộn giấy Tuyên cho anh ta, đồng thời dặn dò:
          - Được rồi, ông cầm đi đi. Nhưng trên đường chớ có xem, về đến nhà mới có thể xem. Tôi không thể vẽ được bức thứ hai đâu!
          Anh ta nhận lấy rồi quay đầu chạy. Anh ta chạy, chạy mãi, trong lòng đã hơi nghi: Mễ Phí sao mà vẽ nhanh như thế chứ? Ông ta khùng khùng điên điên, hay là đem ta ra đùa. Ông ta dặn mình trên đường không được xem, bảo ta không được xem ta cứ xem, trên đường xem cũng giống về nhà xem chứ gì. Lúc bấy giờ anh ta vừa đến cầu Thiên Thu, vừa mới mở tranh ra, chỉ nghe một tiếng “bùm”, một “thứ” gì đó đã nhảy xuống sông mất. Anh ta cúi xuống nhìn, chỉ thấy vầng trăng chìm xuống nước, trong bóng nước có hai vầng trăng. Nhìn lại tờ giấy Tuyên, bên trên chẳng có gì. Anh ta nghĩ rằng: hoá ra là ông ta vẽ mặt trăng, nhưng hiện đã rơi xuống nước rồi.
          Anh ta vội quay đầu chạy tìm Mễ Phí, Mễ Phí nói:
          - Ai bảo ông xem tranh trên đường? điều này chỉ trách ông mà thôi, tôi đã nói qua là không thể vẽ được bức thứ hai.
          Anh ta không còn cách nào khác đành ra đi. Trên đường về vẫn chưa cam lòng, anh ta lấy chiếc giỏ trúc đến bên sông để vớt trăng. Vớt đã ba ngày ba đêm mà không vớt được.
          Sau sự việc này, tiếng đồn lan ra, Mễ Phí càng nổi tiếng. Có người bảo:
          - Mễ Phí căn bản không vẽ cho người nọ, mà chỉ là bọc cái nghiên mực.
          Có người lại nói:
          - Mễ Phí dự đoán người nọ đến cầu Thiên Thu sẽ xem, nên mới vẽ mặt trăng. Mặt trăng rớt xuống nước khiến người nọ lấy giỏ vớt mãi trăng.

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 30/9/2017

Previous Post Next Post