Dịch thuật: Tần Nhị Thế Hồ Hợi

TẦN NHỊ THẾ HỒ HỢI

          Hồ Hợi 胡亥 sinh vào năm Thuỷ Hoàng 始皇 thứ 17. Tần Thuỷ Hoàng có hơn 20 người con, Hồ Hợi là nhỏ nhất, Tần Thuỷ Hoàng rất yêu quý Hồ Hợi. Mẫu thân Hồ Hợi là Hồ Cơ 胡姬. Hồ Hợi lớn lên trong cung, thiên tư đảm lược đều không bằng huynh trưởng Phù Tô 扶苏. Hồ Hợi từng học ngục pháp ở Triệu Cao 赵高, nhưng học thức bình thường. Năm Thuỷ Hoàng thứ 37, Hồ Hợi 27 tuổi thị tùng Tần Thuỷ Hoàng tuần du các nơi. Lúc quay về, Tần Thuỷ Hoàng bệnh và qua đời tại Sa Khâu 沙丘. Lúc lâm chung, Tần Thuỷ Hoàng để lại di chiếu lập công tử Phù Tô. Thừa tướng Lí Tư 李斯 và Trung xa phủ lệnh Triệu Cao sửa di chiếu lập Hồ Hợi làm thái tử. Vì Tần Thuỷ Hoàng chết ở ngoài cung, Lí Tư, Triệu Cao sợ các công tử và thiên hạ sinh biến, nên đã bí mật không phát tang, quan tài được chở trên xe lớn, đưa về Hàm Dương 咸阳. Trên đường, đến những nơi nào, vẫn cứ dâng thức ăn, dâng tấu. Nhưng đương lúc giữa mùa hè nóng bức, thi thể bốc mùi, bèn lấy nước đá, cá thối chất trong xe.
          Phù Tô cương nghị dũng cảm, kết giao rất tốt với đại tướng quân Mông Điềm 蒙恬. Triệu Cao, Lí Tư nguỵ tạo chiếu thư tru sát Phù Tô, lập Hồ Hợi làm thái tử, Phù Tô bị bức phải tự sát. Hồ Hợi lên ngôi đó là Tần Nhị Thế, tại vị từ năm 210 đến năm 207 trước công nguyên, kế ngôi chỉ có 3 năm.
          Sau khi Hồ Hợi tức vị đã nhậm Triệu Cao làm Trung thư lệnh.
          Hồ Hợi hạ lệnh, các phụ nữ chốn hậu cung mà không sinh con, hết thảy đều bị tuẫn táng; đồng thời chôn sống trong mộ Tần Thuỷ Hoàng những người thợ đã xây lăng mộ Li sơn 骊山. Để củng cố quyền vị, Hồ Hợi bí mật bàn với Triệu Cao giết chết hơn 20 công tử, công chúa; lại giết chết đại thần thân tín của Tần Thuỷ Hoàng, đại tướng quân Mông Điềm cùng người em là Mông Nghị 蒙毅, những người liên luỵ bị giết nhiều vô kể, quần thần người người cảm thấy nguy hiểm. Triệu Cao nói với Hồ Hợi: Bệ hạ nghiêm pháp khốc hình, giết hết đại thần và tông thất; sau đó, thu cử di dân, để những người nghèo khó được giàu sang, để những kẻ thấp hèn được thăng cao. Dẹp trừ hết cựu thần của tiên đế, sắp đặt kẻ thân tín. Hồ Hợi vui vẻ tiếp nhận. Hồ Hợi nghe theo lời gièm của Triệu Cao, chém Lí Tư ngang lưng tại Hàm Dương; lại bức cựu thần Phùng Khứ Tật 冯去疾, tướng quân Phùng Kiếp 冯劫tự tận, người chết chất đống ngoài đường. Triệu Cao chuyên quyền.
          Triệu Cao thao túng đại quyền nói với Hồ Hợi:
- Thiên tử sở dĩ cao quý là do bề tôi chỉ nghe theo lời dặn, nghe theo hiệu lệnh, chứ không được thấy thiên nhan.
 Hồ Hợi cảm thấy có lí, bèn ngày ngày ở trong cung sâu, đắm chìm vào thanh sắc, không quan tâm chính sự. Thời gian Hồ Hợi tại vị, đã điệu tập số lượng lớn nhân lực, vật lực, tu sửa cung A Bàng 阿房 (1), điều động 5 vạn dũng sĩ bảo vệ Hàm Dương, ăn chơi vô độ, tăng thuế khoá dao dịch. Dân chúng oán thán, thiên hạ náo loạn, khói lửa bốn phương lũ lượt nổi dậy phản Tần. Hạng Vũ 项羽 tại Cự Lộc 巨鹿 bẻ gãy quân chủ lực triều Tần; Lưu Bang 刘邦 đem quân khởi nghĩa công hạ Vũ Quan 武关. Có người từ phía đông đến Hàm Dương, nói với  Hồ Hợi: bốn phía tạo phản. Hồ Hợi cả giận. Sau có sứ giả về đến Hàm Dương, Hồ Hợi hỏi qua, sứ giả lừa dối báo rằng:
- Một đám giặc cỏ gà gáy chó sủa, không đáng để lo sợ, quận thú, vệ uý truy bắt, nay đã hốt gọn.
Hồ Hợi vô cùng vui mừng. Nhưng quân khởi nghĩa công hạ Vũ Quan, Hồ Hợi thất kinh biến sắc, vội đại xá thiên hạ, sai những người mắc tội ở Li sơn xuất kích đánh quân khởi nghĩa.
          Triệu Cao từ sau khi giữ chức Thừa tướng, muốn soán đoạt quyền thống trị tối cao của vương triều Tần, nhưng lại sợ quần thần không phục, thế là Triệu Cao nghĩ ra một cách để thử. Một ngày nọ, quần thần triều kiến thiên tử. Triệu Cao đem một con hươu dâng lên Tần Nhị Thế. Triệu Cao chỉ vào con hươu, nói với Nhị Thế rằng:
- Đây là một con ngựa, vi thần dâng con ngựa này lên bệ hạ.
Nhị thế Hồ Hợi cười lớn, nói rằng:
- Thừa tướng nhầm rồi, đó là hươu, không phải ngựa.
Triệu Cao kiên trì ý kiến của mình. Nhị thế hỏi các đại thần bên cạnh rốt cuộc là hươu hay ngựa? Kết quả, phàm ai nói đúng sự thật sẽ bị Triệu Cao chế tài. Từ đó về sau, quần thần không ai không tuân mệnh. Đời sau dùng “chỉ lộc vi mã” 指鹿为马 để ví với việc cố ý điên đảo thị phi, tác oai tác phúc.
Triệu Cao nắm giữ trọng quyền, dâng sàm ngôn, Hồ Hợi giết Thừa tướng Lí Tư, lại bức Phùng Khứ Tật, Phùng Kiếp tự sát. Sau khi Triệu Cao chuyên quyền, lại giết Nhị thế Hồ Hợi. Học giả đời Hán, Thái sử lệnh Tư Mã Thiên 司马迁 khi thuật lại giai đoạn lịch sử này đã cảm thán rằng:
Thống tai ngôn hồ! nhân đầu súc minh!
痛哉言乎! 人头畜鸣!
          Ý của Tư Mã Thiên là: quả thật là đáng tiếc! tuy là người, nhưng ngu xuẩn như đầu của súc vật. Đời sau dùng “nhân đầu súc minh” để ví hành vi của người mà cực đoan ác liệt.
          Tần nhị thế Hồ Hợi hôn dung vô đạo, ngày đêm say mê tửu sắc, tìm hoan tác lạc, sự vụ triều chính toàn bộ giao cho Thừa tướng Triệu Cao. Quân khởi nghĩa tiến đến gần Hàm Dương, nhìn thấy không cách nào ẩn giấu, tháng 8 năm Nhị thế thứ 3, Triệu Cao sai con rể là Hàm Dương lệnh Diêm Lạc 阎乐 cùng em là Triệu Thành 赵成 đem hơn ngàn quân tiến vào Vọng Di cung 望夷宫, bí mật mưu tính giết Nhị thế. Diêm Lạc lãnh quân ngoại công, Triệu Thành tại nơi ở của Nhị thế là Vọng Di cung làm nội ứng. Triệu Cao lại sợ con rể không đáng tin bèn bắt mẫu thân của Diêm Lạc làm con tin. Diêm Lạc lãnh binh giết chết mấy chục vệ lệnh của Vọng Di cung. Hồ Hợi vừa sợ vừa giận, vội triệu tả hữu, nhưng không ai hộ giá. Diêm Lạc bức, lệnh cho Hồ Hợi tự sát. Hồ Hợi nài xin hai ba lần, xin được gặp Triệu Cao. Diêm Lạc không cho. Hồ Hợi khẩn cầu không làm hoàng đế, chỉ xin làm chủ một quận. Diêm Lạc không đồng ý, Hồ Hợi tiếp tục khẩn cầu, xin không làm chủ một quận, chỉ làm Vạn Hộ Hầu. Diêm Lạc cũng không đồng ý. Cuối cùng Hồ Hợi  van xin để cho ông và vợ được bảo toàn tính mạng, làm bách tính bình dân. Diêm Lạc cũng vẫn không đồng ý. Hồ Hợi không còn cách nào khác đành tự sát.

Chú của người dịch
1- Về chữ trong tên cung 阿房:
          Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có 2 âm “phòng” và “bàng”. Với âm “bàng” ghi rằng:
A bàng 阿房 tên cung điện của nhà Tần.
                              (trang 223, nxb tp/ Hồ Chí Minh, năm 1993)
          Trong Khang Hi tự điển 康熙字典:
          - bính âm fáng.
 Đường vận 唐韻, Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 đều phiên thiết là PHÙ PHƯƠNG 符方, âm (phòng).
          - bính âm páng.
Quảng vận 廣韻 phiên thiết là BỘ QUANG 步光
          Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 phiên thiết là BỒ QUANG
Đều âm (bàng). Trong Quảng vận 廣韻 ghi rằng:
A Bàng, Tần cung danh
阿房, 秦宮名
(A Bàng là tên một cung nhà Tần)
          (trang 362, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, năm 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 20/8/2017

Nguồn
HOÀNG TRIỀU ĐIỂN CỐ KỈ VĂN
皇朝典故纪闻
Tác giả: Hướng Tư 向斯
Bắc Kinh: Trung Quốc văn sử xuất bản xã, 2002
Previous Post Next Post