Dịch thuật: Nỗ Nhĩ Cáp Xích sát đệ bí sử

NỖ NHĨ CÁP XÍCH SÁT ĐỆ BÍ SỬ

          Ái Tân Giác La . Nỗ Nhĩ Cáp Xích 爱新觉罗 . 努尔哈赤 (1559 – 1626), Thanh Thái Tổ, sinh ở Kiến Châu 建州 (nay là Tân Tân 新宾 Liêu Ninh 辽宁). Thuở nhỏ, Nỗ Nhĩ Cáp Xích rất thích võ thuật, cưỡi ngựa, bắn cung, đấu kiếm đều giỏi, nổi danh võ nghệ siêu phàm ở các bộ. Sau khi thừa tập chức vụ Kiến Châu tả vệ chỉ huy, Nỗ Nhĩ Cáp Xích dựa vào võ công và tài cán của mình liên tục chinh phục tộc Nữ Chân 女真 và các tộc Hải Tây Nữ Chân, đồng thời sáng tạo ra Mãn văn, kiến lập chế độ bát kì. Năm 1618, Nỗ Nhĩ Cáp Xích dựng cờ phản Minh, đội quân do ông thống lĩnh chỉ qua mấy năm đã đánh thắng được các thành như Phủ Thuận 抚顺, Liêu Dương 辽阳, đồng thời đem thủ đô Hãn quốc của mình, tức “Hậu Kim” 后金 dời đến Thẩm Dương 沈阳. Năm 1626, Nỗ Nhĩ Cáp Xích bị trúng tên độc, mất ở Thích Kê Bảo 祏鸡堡, con cháu đời sau mai táng ông tại Phúc Lăng 福陵.
          Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã đặt nền móng cho sự nghiệp giang sơn 300 năm của Đại Thanh sau này. Kì thực, đằng sau sự sáng nghiệp gian nan trên chiến trường của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, còn có một nhân vật cũng lập công lao hiển hách cho vương triều Đại Thanh, người đó chính là em của Nỗ Nhĩ Cáp Xích – Thư Nhĩ Cáp Tề 舒尔哈齐. Do bởi nguyên nhân lịch sử mà nhiều người không biết, người đời sau đã không đặc biệt chú ý đến. Nhưng con cháu của Thư Nhĩ Cáp Tề luôn có địa vị trọng yếu trên vũ đài chính trị của vương triều Đại Thanh, được các vị đế vương đời sau trọng thị. Hoàng đế Hàm Phong 咸丰 sau này khi giá băng tại tị thử sơn trang Nhiệt Hà 热河 ở Hà Bắc 河北, đã lưu lại di chiếu do ông đích thân viết, viết rõ ràng rằng để Thân vương Tải Viên 载垣, Đoan Hoa 端华,  Thượng thư Túc Thuận 肃顺 ... 8 người phụ chính, tám người này gọi là “Tán tương chính vụ bát đại thần” 赞襄政务八大臣. Đoan Hoa, Túc Thuận là anh em ruột, người đương thời gọi là “Đoan tam Túc lục” 端三肃六, họ đều là cháu đời thứ 8 của Thư Nhĩ Cáp Tề.
          Nỗ Nhĩ Cáp Xích có 5 anh em, nhưng anh em cùng mẹ chỉ có người em thứ ba Thư Nhĩ Cáp Tề 舒尔哈齐và người em thứ tư Nhã Nhĩ Cáp Tề 雅尔哈齐. Năm 1583, tổ phụ và phụ thân của Nỗ Nhĩ Cáp Xích bị quân minh ngộ sát, Nỗ Nhĩ Cáp Xích kế thừa chức vị của tổ phụ và phụ thân, thống lĩnh Kiến Châu tả vệ đô chỉ huy, còn được thụ phong sắc thư. Đương thời, trấn soái Liêu Đông là Lí Thành Lương 李成梁 chưa để ý đến Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Năm đó Nỗ Nhĩ Cáp Xích 25 tuổi, Thư Nhĩ Cáp Tề 20 tuổi. Để báo thù cho tổ phụ và phụ thân, hai anh em chuẩn bị binh mã, chưa đầy mấy năm, trổi dậy tại Kiến Châu, không những khiến các tộc Nữ Chân chung quang kinh ngạc, mà ngay cả triều Minh và Triều Tiên bên cạnh cũng đều biết hai anh em nhiều mưu trí, chí hướng không nhỏ. Chính phủ triều Minh lúc bấy giờ được tình báo nói lại, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tự xưng vương, người em tự xưng là Đại tướng, họ lập chí “báo cừu trung nguyên”. Triều Minh áp dụng chính sách khuyến dụ hai anh em, cho quan cao quan lộc hậu, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tấn thăng Đô đốc, gia hàm Long hổ tướng quân, Thư Nhĩ Cáp Tề cũng được triều Minh ban chức Phó đô đốc, cho nên người ở Kiến Châu gọi Thư Nhĩ Cáp Tề là “Nhị đô đốc”. Đương thời, phàm quân cơ đại sự, hai anh em Nỗ Nhĩ Cáp Xích bí mật thương nghị, sau khi quyết định, như sấm vang chớp giật, không ai hiểu rõ sự tình bên trong. Nhưng đến năm 1611 (năm Vạn Lịch 万历 thứ 39), khi thống nhất nội bộ Kiến Châu Nữ Chân, diệt 2 bộ Hải Tây Nữ Chân là Cáp Đạt 哈达 và Diệp Hách 叶赫, tinh binh lên đến mấy vạn, nhìn chăm chăm về Liêu Đông, dò thám thế lực của đế vương trung nguyên, thì đột nhiên Thư Nhĩ Cáp Tề qua đời. Theo Thanh thực lục 清实录, ngày 19 tháng 8 năm 1611, Thư Nhĩ Cáp Tề “hoăng, hưởng niên 48 tuổi”. Sau này trong sử thư của triều đình tu soạn, đối với công lao to lớn của Thư Nhĩ Cáp Tề đối với vương triều nhà Thanh không thể truy tìm, quả thực khiến mọi người cất công tìm kiếm.
          Thư Nhĩ Cáp Tề vì sao mà mất? trong sử đối với việc Thư Nhĩ Cáp Tề qua đời, tang lễ như thế nào, hoàn toàn không nói đến. Triều Minh lúc bấy giờ ghi là:
Nô tù kị kì đệ Thư Nhĩ Cáp Tề binh cường, kế sát chi.
奴酋忌其弟舒尔哈齐兵强, 计杀之
(Tù trưởng sợ Thư Nhĩ Cáp Tề binh mạnh, nên lập kế giết chết)
Nỗ Nhĩ Cáp Xích sát kì đệ Thư Nhĩ Cáp tề, tịnh kì binh
努尔哈赤杀其弟舒尔哈齐, 并其兵
(Nỗ Nhĩ Cáp Xích giết em là Thư Nhĩ Cáp Tề, thu gộp binh của người em lại)
          Hoàng Đạo Châu 黄道周 đời Minh tường thuật tỉ mỉ hơn bi kịch cốt nhục tương tàn này:
          Tù nghi đệ nhị tâm, dương doanh tráng đệ nhất khu, lạc thành trí tửu, phách đệ ẩm hội, nhập thập tẩm thất, lang đang chi, chú thiết kiện kì hộ, cận dung nhị huyệt, thông ẩm thực, xuất tiện nịch. Hữu nhị danh tì tướng dĩ dũng văn, tù hận kì tá đệ, giả đệ lệnh triệu nhập trạch, yêu trảm chi.
          酋疑弟二心, 佯营壮第一区, 落成置酒, 拍弟饮会, 入十寑室, 锒铛之, 注铁键其户, 仅容二穴, 通饮食, 出便溺. 有二名裨将以勇闻, 酋恨其佐弟, 假弟令召入宅, 腰斩之.
          (Tù trưởng nghi ngờ người em có hai lòng, liền giả vờ xây dựng một khu vực to lớn, ngày hoàn thành tổ chức bữa tiệc, mời người em đến dự, đưa vào 10 gian tẩm thất, rồi dùng xích xích lại, nấu thiết đổ bịt kín cửa, chỉ chừa 2 lỗ để thông ăn uống và vệ sinh. Có 2 tên tì tướng, nổi tiếng dũng mãnh, tù trưởng hận là đã giúp cho người em nên giả lệnh người em cho triệu đến đưa vào nhà, rồi chém ngang lưng)
                                                                  (Bác vật điển hối 博物典汇)
          Trong hồ sơ vụ án đời Thanh Mãn văn lão đáng 满文老档 có ghi chép, khoảng tháng 3 năm 1609 (năm Vạn Lịch thứ 37), Nỗ Nhĩ Cáp Xích lấy lí do Thư Nhĩ Cáp Tề mưu đồ tự lập, đã giết 1 người con của Thư Nhĩ Cáp Tề cùng 1 liêu thuộc, tước đoạt quân dân mà Thư Nhĩ Cáp Tề quản lí. Hai năm sau, Thư Nhĩ Cáp Tề chết. Nếu Thư Nhĩ Cáp Tề đương thời có quân đội, đương nhiên không thể bó tay chịu bắt. Cho nên Nỗ Nhĩ Cáp Xích dùng kế bắt giam, giết thân tín là việc không thể tránh khỏi. Xem ra, người triều Minh nói Nỗ Nhĩ Cáp Xích sát hại em ruột, phần lớn không phải là ngoa truyền.
          Nếu Nỗ Nhĩ Cáp Xích giết em ruột của mình, thế thì rốt  cuộc vì nguyên nhân gì khiến hai anh em phải cầm giáo trở qua, cốt nhục tương tàn? Trong đó đương nhiên có nguyên nhân tranh giành quyền lực. Cũng giống Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Thư Nhĩ Cáp Tề cũng là quan viên quản lí Kiến Châu Nữ Chân mà triều Minh nhậm dụng, có binh mã riêng của mình. Nếu Thư Nhĩ Cáp Tề nghe theo sự chỉ huy của người anh, đương nhiên sẽ vô sự, nhưng Thư Nhĩ Cáp Tề lại là người cao ngạo khó chế ngự, chỗ nào cũng muốn tranh cao thấp với huynh trưởng, giữa hai anh em khó tránh khỏi mâu thuẫn chồng chất. Tuy Thư Nhĩ Cáp Tề binh cường mã tráng không bằng người anh, vẫn quyết tâm li khai huynh trưởng. Điều này đối với Nỗ Nhĩ Cáp Xích mà nói, sự độc lập của Thư Nhĩ Cáp Tề hoàn toàn là kẻ địch bên cạnh mình, do đó Nỗ Nhĩ Cáp Xích quyết trừ khử. Về vụ tàn sát nội bộ này, cũng có người chỉ ra đó không đơn thuần chỉ là tranh đoạt quyền lực, mà là cuộc đấu tranh “phản Minh” và “ủng Minh”. Chính phủ triều Minh rất chú ý giúp Thư Nhĩ Cáp Tề làm yếu thế lực độc lập của Nỗ Nhĩ Cáp Xích,  để thiết lập lại Kiến Châu hữu vệ. Địa điểm của Hữu vệ mới thiết lập tại phía đông nam của Thiết Lĩnh 铁岭 ở Liêu Ninh 辽宁. Xem ra, vấn đề liên quan đến nghi án Thanh Thái Tổ giết em còn dính dáng đến rất nhiều phương diện khác, nhất thời khó mà làm rõ.
          Nhưng sự thực lịch sử Thư Nhĩ Cáp Tề bị người anh của mình cố ý trừ khử, về cơ bản đã được công nhận, cho dù là đấu tranh quyền lực, hoặc đấu tranh về chính kiến, hoặc có cả hai. Sinh tiền, Thư Nhĩ Cáp Tề có công lớn với triều Thanh, sau khi mất lại vắng vẻ không nghe thấy gì, nhưng lại không dám nói đến nguyên nhân. Án oan chư vương đầu đời Thanh sau này đã có không ít được các hoàng đế sau này sửa sai, duy chỉ có Thư Nhĩ Cáp Tề không được chiêu tuyết, một mặt nhân vì con cháu của Nỗ Nhĩ Cáp Xích không chịu thừa nhận ông tổ của mình mang tiếng xấu giết em; mặt khác dưới cách nhìn của các hoàng đế triều Thanh sau này, Nỗ Nhĩ Cáp Xích giết em cũng là xuất phát từ mục đích bảo vệ cơ nghiệp Đại Thanh, nhân đó không thể lật đổ vụ án thép do Thái Tổ xử lí đầu tiên. Con của Thư Nhĩ Cáp Tề là Tế Nhĩ Cáp Lãng 济尔哈朗 được phong làm Trịnh Thân Vương 郑亲王, mãi đến cuối đời Thanh con cháu của Thư Nhĩ Cáp Tề nối đời tập tước, tức tục xưng “thiết mạo tử vương” 铁帽子王 (1). Về điểm này, cũng có thể nói rằng đó là sự ban thưởng đối với công lao khai sáng đế nghiệp Đại Thanh của Thanh hoàng thất Thư Nhĩ Cáp Tề.

Chú của người dịch
1- Thiết mạo tử vương 铁帽子王: theo chế độ của triều Thanh, những người có công lao to lớn đối với vương triều sẽ được phong tước “vương”. Con cháu đời sau của họ, mỗi đời khi kế thừa tước vị sẽ hạ xuống một cấp. Riêng “thiết mạo tử vương” bất luận thừa tập bao nhiêu đời, tước vị vĩnh viễn không hạ xuống. Xã hội phong kiến gọi đó là “thế tập võng thế” 世袭罔替, dân gian gọi là “thiết mạo tử vương” 铁帽子王, ý nói chiếc mũ tước vương của họ vĩnh viễn không bao giờ bị thay đổi.

                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                   Quy Nhơn 07/7/2017

Nguồn
ĐẠI THANH HOÀNG ĐẾ KÌ VĂN BÍ SỬ
大清皇帝奇闻秘史
Tác giả: Lưu Gia Bình 刘家平
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2004
Previous Post Next Post