Dịch thuật: Lục nhạc - nhã nhạc - yến nhạc

LỤC NHẠC – NHÃ NHẠC – YẾN NHẠC

Lục nhạc 六乐
          Nhạc vũ cung đình thời cổ ở Trung Quốc có thể phân làm 2 loại: một loại mang tính lễ nghi và một loại mang tính tiêu khiển. Âm nhạc cũng phân ra nhã nhạc 雅乐và yến nhạc 燕乐.
          Nhạc vũ mang tính lễ nghi được sử dụng trong lúc cử hành những hoạt động lễ nghi trọng đại, như sách lập thái tử, nạp phi, nguyên đán, Đông chí, triều hội, yến hội v.v..., chủ yếu nhất là dùng trong tế tự.
          Theo truyền thuyết, người phát minh ra nhạc khí và đàn tấu âm nhạc sớm nhất là cổ thánh nhân Phục Hi 伏羲. Thời Hoàng Đế 黄帝 sai Linh Luân 伶伦 làm ra luật, dựa theo tiếng hót của phụng hoàng phân làm 12 âm giai, thế là sản sinh ra Vân môn đại quyển 云门大卷 – nhạc vũ mang tính lễ nghi sớm nhất thời cổ. Thời Đế Nghiêu có Hàm trì 咸池, thời Đế Thuấn có Đại thiều 大韶. Khổng Tử 孔子 từng nói đã nghe qua nhạc thiều, rất tán thưởng, khen nhạc vũ đó tận thiện tận mĩ. Thời ông Vũ Đại hạ 大夏, thời Thương  có Đại hoạch 大濩, thời ChuĐại vũ 大武. Những nhạc vũ này đều là những nhạc vũ mang tính lễ nghi nổi tiếng thời cổ.
          Thời Chu bảo toàn được hoàn chỉnh 6 bộ nhạc vũ này, gọi là “lục nhạc” 六乐, sử dụng trong những hoạt động tế tự trong đại:
          Vân môn đại quyển 云门大卷  tế tự Thiên thần
          Hàm trì 咸池  tế Địa thần
          Đại thiều 大韶  tế Tứ vọng
          Đại hạ 大夏  tế sơn xuyên
          Đại hoạch 大濩  tế Khương Nguyên 姜嫄, thuỷ tổ nhà Chu
          Đại vũ 大武  tế tổ tiên nhà Chu
          Lục nhạc lưu truyền đến đời Hán chỉ còn 2, đó là Đại thiềuĐại vũ, nhưng do bởi thời đại cách xa, những nhã nhạc này đã biến đổi ngày càng mờ nhạt, thất truyền, tàn khuyết ngày càng nghiêm trọng, lưu truyền rất gian nan. Ngoài cách kí phổ vụng về của cổ nhân ra, bản thân nhã nhạc thiếu sinh mệnh lực. Dùng nhạc vũ truyền thuật lễ nghi, điều hợp thiên địa, biểu hiện đức nhân, quả thực là khó cho nhạc vũ, nhạc vũ gánh vác sứ mệnh trọng đại này làm sao có thể không nghiêm túc, chững chạc, công minh.

Nhã nhạc 雅乐
          Nhạc vũ nhã nhạc mang tính lễ nghi phân làm 2 loại: văn vũ 文舞và võ vũ 武舞, tượng trưng cho văn trị võ công. Trong đội múa của văn vũ, mỗi người tay trái cầm thược (nhạc khí), tay phải cầm địch (vũ cụ). Trong đội múa của võ vũ, mỗi người tay cầm nhạc khí như chu can 朱干 (cái thuẫn), ngọc thích 玉戚 (cái búa).
          Nhã nhạc dùng trong những trường hợp chính quy. Các đế vương khi ở trước nhã nhạc, không được nảy sinh tạp niệm, cũng không được cảm thấy thoải  mái. Thời Chiến Quốc, Nguỵ Văn Hầu 魏文侯 hiếu cổ, khi nghe nhã nhạc muốn từ trong đó nghe được chút mùi vị gì đó. Nào ngờ, nhã nhạc chưa tấu xong, Nguỵ Văn Hầu đã mơ màng như muốn ngủ. Nguỵ Văn Hầu không thể không nói với Tử Hạ 子夏 – học trò của Khổng Tử rằng:
- Quả nhân nghe nhạc cổ luôn muốn ngủ, còn nghe thanh âm của nước Trịnh nước Vệ, không cảm thấy mệt mỏi chút nào.
“Trịnh Vệ chi âm” là loại âm nhạc mà Nho gia bài xích cho đó là dâm tà. Tử Hạ liền biện giải cho nhã nhạc, nhưng Nguỵ Văn Hầu vẫn không hứng thú. Nhân đó trong sử thư có nói:
Nguỵ Văn Hầu tuy ham nhạc cổ, nhưng khi nghe nhạc cổ lại mơ màng muốn ngủ, thế là dâm thanh như ngọn lửa bùng lên còn nhã nhạc lại lụi tàn.

Yến nhạc 燕乐
          Yến nhạc là nhạc khúc được diễn tấu khi các đế vương tổ chức yến nhạc nơi hậu đình cung uyển. Học giả khảo cứ về cổ đại là Trịnh Huyền 郑玄 nói một cách xác thiết rằng: yến nhạc là nhạc trong phòng (phòng nội nhạc 房内乐). Minh Tuyên Tông cho rằng, Chu Công làm ra nhạc gọi là “thược” , lại có  “phòng trung chi nhạc” để ca ngợi đức của hậu phi. Rõ ràng, yến nhạc là để giải trí, tiểu khiển, để vui tai thoả tình, nhẹ nhàng thoải mái. Nó tương phản với nhã nhạc phải nghiêm túc, chững chạc, nhân đó mà nó bị chỉ trích cho là dâm thanh, điều mà gọi là
Dâm vu sắc nhi hại vu đức, thị dĩ tế tự bất dụng dã.
淫于色而害于德, 是以祭祀不用也
(Dâm ở sắc mà hại ở đức, cho nên tế tự không dùng đến)
          Khi vua Trụ nhà Thương dâm loạn thiên hạ, từng lệnh cho quan nhạc sư Sư Diên 师延 làm ra những âm thanh lả lướt. Nhạc lưu truyền ra, khiến dân ngày càng khinh mạn, bỉ tiện vô thường, nhân tâm tư loạn. Vũ Vương phạt Trụ, Sư Diên tự biết tội mình, hoảng sợ nhảy xuống sông tự tận. E rằng đó là yến nhạc sớm nhất, còn sớm hơn “phòng trung nhạc” của Chu Công.
          Yến nhạc do bởi thông tục, đơn giản nên được gọi là “tục nhạc” 俗乐, đại đa số xuất phát từ dân gian. Thời Xuân Thu, Chiến Quốc, âm nhạc dân gian nước Trịnh nước Vệ uyển chuyển, Nho gia chỉ trích cho là “dâm mị chi thanh” 淫靡之声, Tử Hạ cho Trịnh âm là “hiếu lạm dâm chí” 好滥淫志, cho Vệ âm là “thú số phiền chí” 趣数烦志, từ đó “Trịnh, Vệ chi âm” 郑卫之音trở thành đại từ  chỉ loại yến nhạc diêm dúa lẳng lơ.
          Nho sinh thời Tiên Tần đối với yến nhạc ngày đêm nơm nớp lo sợ, sợ yến nhạc sẽ thay thế địa vị của nhã nhạc, dẫn đến việc sang hèn không phân biệt, mẫu mực nho nhã bị quét sạch. Từ Tần Hán về sau, nhã nhạc, yến nhạc ngày càng phân đường, mỗi loại có chỗ dùng riêng của mình, không loại nào thay thế cho loại nào được. Về sau, nhã nhạc không ngừng suy bại, tuy các đời ra sức phù trì nhưng khó cứu vãn, dường như ứng vào nỗi lo của các Nho sinh thời Tiên Tần. Nhưng trên thực tế, sự suy bại của nhã nhạc không có liên quan gì đến yến nhạc.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 26/6/2017

Nguồn
HOÀNG TRIỀU ĐIỂN CỐ KỈ VĂN
皇朝典故纪闻
Tác giả: Hướng Tư 向斯
Bắc Kinh: Trung Quốc văn sử xuất bản xã, 2002
Previous Post Next Post