Dịch thuật: Hán tự cổ kim, thú vị vô cùng (kì 2)

HÁN TỰ CỔ KIM, THÚ VỊ VÔ CÙNG
(kì 2)

Sự lưu truyền và biến đổi về thư thể chữ Hán
          Trong sách cổ có nói vị Sử quan của Hoàng Đế 黃帝 là Thương Hiệt 倉頡 khi sáng tạo văn tự, “thiên vũ túc, quỷ dạ khốc” 天雨粟, 鬼夜哭 (trời mưa thóc, quỷ khóc đêm). Hoàng Đế cách nay khoảng 5000 năm, tương cận với thời đại phù hiệu khắc trên đồ gốm trước khi có sử, đó là thời kì manh nha văn tự của Hoa Hạ. Về sau trải qua thời Hạ phát triển, đến giai đoạn đầu thời Chu, ngoài đào văn (陶文 – văn tự trên đồ gốm) ra, còn có thêm đồng khí minh văn (銅器銘文 -  minh văn trên đồ đồng) (di minh 彝銘).
          Người Ân thờ quỷ kính thần, cho nên giáp cốt bốc từ lưu lại đặc biệt nhiều, cách tạo chữ mà hậu thế gọi là “lục thư” 六書 có mấy loại thấy ở đó. Giáp cốt “khế văn” 契文 là thể đầu tiên thành thục trong hệ thống chữ Hán. Sự ra đời của “di minh” tuy tương đối sớm hơn “khế văn”, nhưng số lượng lớn sử dụng lại muộn đến thời Tây Chu tảo kì. Đến Tây Chu trung và vãn kì, nét đặc sắc văn hoá thuộc người Chu dần thành thục, sang đời Chu Tuyên Vương 周宣王 Thái sử Trứu viết ra Sử Trứu thiên 史籀篇, có thể làm đại biểu của đại triện “trứu văn” 籀文.
          Từ thời Đông Chu trở về sau “văn tự dị hình”, các học giả phân làm 5 khu vực Tề, Yên, Tấn, Sở, Tần; còn ghi chép trong Thuyết văn giải tự 說文解字 có “cổ văn” 古文, “kì tự” 奇字, “triện thư” 篆書, cho nên lấy “cổ văn” đại biểu cho hệ thống văn tự Tề, Yên, Tấn; “kì tự” đại biểu cho hệ thống văn tự Sở; “triện thư” đại biểu cho văn tự Tần.
          “Cổ lệ thư” 古隸書 nguyên xuất phát vào thời Chiến Quốc vãn kì, sự biến thể của lệ thư trải qua thời Tần, thời Tây Hán tảo kì càng thêm thành thục, đến Tây Hán trung kì, thời Tuyên Đế, Thành Đế, đã thấy lệ pháp “bát phân” 八分, dần mở ra phong tục thời thượng khắc trên bia ở thời Đông Hán.
          Bút pháp “chương thảo” 章草 nét phẩy ngắn trong thế chữ lệ cũng thấy rải rác trong thẻ tre thẻ gỗ thời Chiến Quốc, còn tác phẩm “chương thảo” hoàn chỉnh xuất hiện ở trẻ tre đời Tây Hán thời Thành Đế Nguyên Đế. Trừ bỏ bút pháp “kim thảo” 今草 nét phẩy ngắn trong thế chữ lệ, cũng thấy rải rác ở những thẻ tre thẻ gỗ thời lưỡng Hán, đến thời Đông Hán trung và vãn kì đã có hình thức ban đầu cụ thể, trải qua thời Tam Quốc, thời Nguỵ Tấn dần thành thục.
          Cũng gần đồng thời với “kim thảo”, giải tán thể chữ lệ mới của lệ pháp từng bước hình thành “cổ hành thư” 古行書 và “cổ khải thư” 古楷書, kết cấu hình thể và bút pháp của chúng cũng thấy dấu vết rải rác ở những thẻ tre thẻ gỗ, trải qua thời Tam Quốc đến thời Nguỵ Tấn đã thành thục. Chung Diêu 鍾繇 đời Nguỵ, gia tộc Vương Tạ thời Đông Tấn là nổi bật.
          Đến đây, tự hình của 12 thể của chữ Hán: khế văn 契文, di minh 彝銘, trứu văn 籀文 cổ văn 古文, kì văn 奇文, triện thư 篆書, lệ thư 隸書, bát phân 八分, chương thảo 章草, kim thảo 今草, hành thư 行書, khải thư 楷書về cơ bản đã được xác lập.
          Thời Nam Bắc triều, Tuỳ, Đường, Tống tuy có các danh mục như “Bắc bi thể” 北碑體, “cuồng thảo” 狂草, “hành thảo thư” 行草書, nhưng đều dừng ở chỗ điều hoà chút ít về thế bút, kết thể cấu hình của chúng đều không ra khỏi phạm trù 12 thể.
          Nói tóm lại, chữ Hán là loại văn tự được sử dụng rộng rãi trong vòng văn hoá chữ Hán, do dân tộc Hoa Hạ phát minh đồng thời không ngừng cải tiến, sơ bộ thành thục vào Thương triều tiền kì khoảng năm 1500 trước công nguyên, trải qua Thương triều vãn kì đến Tây Chu tảo và trung kì, giáp cốt “khế văn” và đồng khí “di minh” phát triển; đến Tây Chu vãn kì có đại triện “trứu văn”, tức Sử Trứu thiên 史籀篇 của Thái sử Trứu sáng tác vào thời Chu Tuyên Vương, là bộ tự thư đầu tiên với quy phạm hoàn chỉnh về chữ Hán. Sách này tuy đã thất truyền, nhưng hình thể dạng mạo của nó lại được những minh văn đồng khí trên “Mao Công đỉnh” 毛公鼎, “Tụng hồ” 頌壺 nghiệm chứng. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, chư hầu nổi lên như ong, phương âm địa vực khiến cho ngôn ngữ dị thanh, văn tự dị hình, “cổ văn” của Tề hệ, Yên hệ, Tấn hệ; “kì tự” của Sở vực, cho đến “tiểu triện” Thương Hiệt thiên 蒼頡篇 của Tần đã hoàn thành sự chỉnh lí quy phạm lần thứ 2 của chữ Hán. “Cổ lệ” cuối thời Chiến Quốc đến thời Tây Hán, thế bút mang nét phẩy gợn sóng đã triển khai một thư phong tự thể mới, đến lệ pháp “bát phân” thời Đông Hán dần đến chỗ cực trí. “Hi Bình thạch kinh” 熹平石經 thời Linh Đế là tác phẩm đại biểu cho sự chỉnh lí chữ Hán lần thứ 3. Gần đồng thời nhưng muộn hơn một chút với sự diễn biến của lệ thư là sự trổi dậy của “chương thảo”. Sự sáng chế Cấp tựu thiên 急就篇 thời Đông Hán là sự tập hợp hoàn chỉnh cách viết nhanh thể “chương thảo”. Thời Nguỵ Tấn đã điều chỉnh đối với lệ pháp, giản hoá nét phẩy gợn sóng, tăng thêm các nét liền nhau thành “kim thảo”, lại kết hợp với lệ thể mới hưng khởi thành “hành thư”, xuất hiện “Thư Thánh” Vương Hi Chi 王羲之 trong lịch sử thư pháp Trung Quốc. Còn “khải thư” mà chúng ta thành thục, cuối thời Đông Hán đã có đầu mối, trải qua sự phát triển ở thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, đến thời Bắc Nguỵ Tuỳ Đường đã đạt đến đỉnh cao, trở thành diện mạo cuối cùng trong việc xếp hàng thứ tự về sự phát triển hình thể chữ Hán, là tự thể tiêu chuẩn khi viết mà hiện nay sử dụng.
          12 thể chữ Hán nói ở trên, có thể đại biểu cho hình mạo khác nhau của các loại thư tích và sự chuyển giao thế bút trong lịch sử diễn biến của chữ Hán, trong đó nói rõ quỹ đạo diễn hoá của mỗi chữ, có thể giúp để truy ngược tính văn hoá và tính thú vị tiềm ẩn trong sự cấu hình sáng chế chữ Hán. (còn tiếp)

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 11/5/2017

Nguồn
THÚ VỊ ĐÍCH GIÁP CỐT KIM VĂN
趣味的甲骨金文
Chủ biên: Du Quốc Khánh 游國慶
Quốc lập Cố Cung bác vật viện
Năm Dân Quốc thứ 103
Previous Post Next Post