Dịch thuật: Những quy định của Chu Hi đặt ra cho học trò

NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA CHU HI ĐẶT RA CHO HỌC TRÒ.

1- Nghiêm cẩn tiến hành nghi lễ vào ngày mùng 1 và ngày rằm
          Rạng sáng hôm đó, người trực nhật sẽ chủ quản việc đánh mõ. Đánh lần đầu, mọi người thức dậy, đánh răng, rửa mặt, vấn tóc, chải đầu, mặc quần áo, đội mũ. Đánh lần thứ 2. mọi người đều mặc trang phụ chính thức, hoặc trang phục màu trắng; đăng đường; vị sư trưởng dẫn học trò đến trước tượng Khổng Tử bái 2 lần, thắp hương; sau đó lại bái một lần nữa rồi lui. Sư trưởng đứng vào hướng tây nam, người lớn tuổi nhất trong các học trò sẽ đưa mọi người theo thứ tự lần lượt hướng về hướng đông bắc tái bái, sư trưởng sẽ nâng họ dậy; người lớn tuổi trong đám học trò sẽ đọc lời phát biểu, hoàn tất, lại tái bái; sư trưởng vào nhà trong, các học trò theo thứ tự lần lượt tái bái, thoái lui, ai nấy về chỗ của mình.
2- Ngày thường đi đứng nằm ngồi phải cung kính
          Cư trú phải có địa điểm cố định, ngồi trên chiếu phải theo thứ tự tuổi tác. Phàm khi ngồi, thân thể nhất định phải ngay thẳng đoan chính, không được duỗi chân, tì dựa, tréo chân, rung đùi. Khi đi ngủ, phải sau trưởng bối. Lúc ngủ không được nói chuyện. Khi học hoặc đọc sách, không được ngủ.
3- Đi lại phải trang nghiêm
          Lúc đi, bước đi phải từ tốn, lúc đứng phải nắm tay. Phải để trưởng bối đi trước, không được quay lưng lại với người được tôn trọng. Không được giẫm lên ngạch cửa, không được tựa cột cửa.
4- Nói năng phải nghiêm cẩn
          Khi nói năng phải thận trọng, nên nói những lời thành tín, ngữ khí phải cung kính, không được tuỳ tiện, không được nói bừa, không được bỡn cợt, ồn ào. Không được chê khen chỗ mạnh yếu của người khác, và nói những lời thô tục vô ích.
5- Dung mạo phải trang trọng
          Dung mạo nhất định phải trang trọng, không thể khinh suất, không được thô lỗ ngạo mạn, không được dễ dàng biểu lộ sự vui buồn giận ghét.
6- Áo mũ phải chỉnh tề sạch sẽ
         Không được ăn mặc quần áo kì dị loè loẹt, cũng không được ăn mặc quần áo cũ rách xuề xoà. Cho dù lúc rảnh rỗi cũng không ở trần phô bày thân thể, cho dù lúc nóng nhất cũng không được bỏ giày bỏ tất.
7- Ăn uống phải chừng mực
          Không được ăn quá no, không được tham món ngon. Ăn uống nhất định phải đúng giờ. Đừng xấu hổ khi ăn cơm thô. Không phải ngày lễ ngày tết và không được sư trưởng cho phép thì không được uống rượu. Khi uống không được quá ba li, không được uống say.
8- Đọc sách phải chuyên tâm
          Khi đọc sách phải có thái độ nghiêm túc siêng năng, đọc đi đọc lại nhiều lần. Sau khi đọc nhiều lần mà chưa thuộc thì đọc lại đến khi thuộc mới thôi. Đọc chưa đến số lần cần đọc mà đã thuộc, thì cũng đọc cho đủ số lần đặt ra mới dừng. Khi đọc thuộc một quyển nào đó mới chuyển sang đọc quyển khác, không tham đọc nhiều. Nếu không phải là sách thánh hiền thì không đọc, nếu văn chương không có ích thì cũng không nên xem. Khi viết dùng thể chữ khải, phải nghiêm cẩn, không được qua loa, không được nghệch ngoạc.
9- Xưng hô phải theo tuổi tác.
          Với một người lớn tuổi nên xưng là X bá, X thúc; nếu người lớn hơn khoảng 10 tuổi thì gọi là X huynh; nếu tuổi tác ngang nhau thì gọi bằng tên tự. Khi viết thư cũng như thế.
10- Khi hội kiến
          Phàm có khách đến gặp sư trưởng, trước tiên mời họ vào ngồi, người trực nhật đánh mõ báo hiệu, các học trò mặc lễ phục, đăng đường, lần lượt theo thứ tự vái chào, rồi đứng hầu một bên, khi sư trưởng cho phép lui mới được lui. Nếu khách muốn gặp người nào đó trong số các học trò thì đợi sau khi hội kiến sư trưởng xong, người đó đến chỗ khách để hội kiến. Nếu không phải người như mình thì không được thân cận suồng sã.

                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                    Quy Nhơn 09/3/2017

Nguồn
Previous Post Next Post