Dịch thuật: Tôn Vũ (tiếp theo kì 2)

TÔN VŨ
(tiếp theo kì 2)

          Một ngày nọ, Ngô Vương và Tôn Vũ nghị luận về nước Tấn. Ngô Vương hỏi:
          - Họ Phạm , họ Trung Hàng 中行, họ Trí , họ Hàn , họ Nguỵ , họ Triệu Quảng 赵广 là lục khanh nắm giữ đại quyền nước Tấn, mỗi người cai quản một khu vực, cùng tranh đoạt quyền lợi. Theo Tướng quân, trong lục khanh, ai là người sẽ bị diệt vong trước, ai sẽ mạnh lên?
          Tôn Vũ trầm tư một lúc rồi nói:
          - Theo thần thấy, trong lục khanh, họ Phạm và họ Trung Hàng sẽ bại vong trước.
          Ngô Vương hỏi:
          - Tướng quân dựa vào đâu mà phán đoán như thế?
          Tôn Vũ Đáp rằng:
          - Thần dựa vào chế độ mẫu đất lớn nhỏ của họ, tô thuế thu nhiều ít cùng binh sĩ nhiều ít, quan lại có thanh khiết hay không mà phán đoán. Họ Phạm, họ Trung Hàng lấy 160 bộ vuông làm một mẫu. Chế độ mẫu đất nhỏ nhất, nhưng tô  thuế thu lại nặng nhất. Tô thuế quá nặng, quan lại kiêu xa, thêm nhiều lần hưng binh, cứ mãi như thế, tất nhiên sẽ bị chúng phản thân li.
          Ngô Vương thấy phân tích của Tôn Vũ trúng vào điểm yếu của hai nhà, lại hỏi thêm:
          - Sau khi họ Phạm, họ Trung Hàng bại vong, nhà nào sẽ bại vong tiếp?
          Tôn  Vũ đáp rằng:
          - Sau khi họ Phạm, họ Trung Hàng bại vong, tiếp đó họ Trí sẽ bại vong. Chế độ mẫu đất của họ Trí chỉ lớn hơn một chút so với họ Phạm, họ Trung Hàng. Họ Trí lấy 168 bộ vuông làm một mẫu, tô thuế cũng rất hà khắc. Họ Trí, họ Phạm, họ Trung Hàng đã phạm sai lầm giống nhau: chế độ mẫu đất nhỏ, tô thuế nặng, nước giàu có, dân nghèo khổ, lại nhiều, binh nhiều, chúa kiêu căng thần xa xỉ, rốt cuộc chỉ có diệt vong.
          Ngô Vương lại hỏi:
          - Sau khi họ Trí diệt vong, sẽ đến nước nào?
          Tôn Vũ đáp:
          - Sau khi họ Trí diệt vong, sẽ đến hai nhà Hàn, Nguỵ. Hai nhà Hàn Nguỵ tuy lấy 200 bộ vuông làm một mẫu, tô thuế lại giống như họ Phạm, họ Trung Hàng, họ Trí. Nguyên nhân hai nhà đó diệt vong vẫn là tô thuế nặng, nước thì giàu dân thì nghèo, lại nhiều binh nhiều, ham công lớn. Nhưng chế độ mẫu đất lớn hơn một chút, tô thuế mà nhân dân gánh lấy tương đối nhẹ, do đó có thể kéo dài một thời gian, diệt vong sau 3 nhà kia.
          Tiếp đó Tôn Vũ nói rằng:
          - Về tình hình của họ Triệu, khác với nhiều với 5 họ kia. Trong lục khanh, chế độ mẫu đất của họ Triệu là lớn nhất, 240 bộ vuông là một mẫu. Tô thuế của họ Triệu luôn tương đối nhẹ. Chế độ mẫu đất lớn, tô thuế nhẹ nước lấy của dân có mức độ, lại ít binh ít, trên không xa xỉ, dưới được no ấm, chính sách khoan hoà được lòng dân. Họ Triệu hưng vượng phát đạt là điều tất nhiên. Chính quyền nước Tấn sớm muộn sẽ bị họ Triệu thâu tóm.
          Ngô Vương nghe những luận thuật của Tôn Vũ về sự hưng vong của lục khanh nước Tấn giống như được lên lớp về bài trị quốc bình thiên hạ, cảm thấy được nhiều gợi mở, vui mừng nói rằng:
          - Tướng quân nói hay lắm, đạo quân vương trị nước, phải yêu tiếc sức dân yêu dân như con.
          Chẳng bao lâu, Ngô Vương cho rằng đã đến thời cơ tốt nhất để phạt Sở, đã cùng với văn võ đại thần thương nghị. Ngũ Tử Tư vô cùng hân hoan về việc này, không ngừng tán dương quân Ngô là đội quân tinh nhuệ, sĩ khí mạnh mẽ, có thể quét sạch gai góc xưng hùng ở trung nguyên. Quần thần phấn khích không thôi, cho rằng xuất chinh lần này nhất định sẽ thu được toàn thắng. Tôn Vũ lại trầm ngâm không nói gì. Ngô Vương thấy Tôn Vũ không nói, liền trưng hỏi ý kiến.
          Tôn Vũ từ tốn đáp rằng:
          - Những điều khanh và chư vị bàn cố nhiên là không sai, nước Ngô hiện binh cường mã tráng, sĩ khí dâng cao. Nhưng chiến tranh phải biết người biết ta mới có thể nắm chắc thắng lợi. Thần cho rằng, nước Sở vừa mới tru sát đại gian thần Phí Vô Kị 费无忌, lòng dân quy thuận, sự phẫn nộ đã tiêu tan, nước phụ dung của Sở chưa hẳn đã xa rời Sở, thế của Sở chưa suy.
          Tôn Vũ nhìn Ngũ Tử Tư rồi nhìn Bá Bỉ, nói rằng:
          - Ngũ khanh và Bá khanh đều là khách vong mạng của Sở. Lúc này, phát động chiến tranh, bách tính hai nước Sở Ngô nhất định sẽ cho đó là hai khanh đem lòng oán hận mà gây ra chiến tranh, sẽ dẫn đến người Sở căm thù, ý chí chiến đấu dâng cao, quân Ngô cũng không cam tâm bán mạng, điều đó đối với chúng ta vô cùng bất lợi, không thể khinh suất vọng động. Trước khi giao chiến phải nắm được thắng lợi, không đánh những trận mà không chuẩn bị, không nắm vững tình thế.
          Sự phân tích địch ta của Tôn Vũ có thể nói là lập luận sắc xảo, ý kiến xác đáng, mạch lạc có lí, Ngô Vương và quần thần không ai là không tin phục. Tôn Vũ lại nói:
          - Hiện nay chúng ta cần phải làm tốt 3 điều:
          * Tăng cường quốc thế của nước ta, đối với binh sĩ phải tăng cường huấn luyện.
          * Li gián  mối quan hệ giữa nước Sở với các nước phụ dung của Sở, khiến các nước phụ dung đó quy thuận nước ta.
          * Làm cho thượng tầng nước Sở phát sinh nội loạn, nhất là làm cho khí kiêu ngạo của Sở Vương dâng cao, đợi khi hậu viện bốc lửa, chúng ta thừa cơ xâm nhập, tất sẽ thành công.
          Ngô Vương cùng quần thần nghe lời phân tích của Tôn Vũ vô cùng tin phục. Thế là nước Ngô về đối nội ra sức sửa trị, làm cho nước giàu binh mạnh, về đối ngoại li gián mối quan hệ giữa thượng tầng nước Sở  vói các nước phụ dung, đặt cơ sở vững chắc cho việc diệt Sở     (còn tiếp)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 15/02/2017

Nguyên tác
TÔN VŨ
孙武
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post