Dịch thuật: Tế Táo (tiếp theo)

TẾ TÁO
(tiếp theo)

          Táo thần ngoài việc ban phúc ra, còn có khả năng giáng hoạ. Theo Dậu Dương Tạp Trở 酉阳杂俎 , tiền tập, quyển 14 của Đoàn Thành Thức 段成式 đời Đường có nói:
          Táo thần danh Ngỗi, trạng như mĩ nữ. Hựu tính Trương danh Đan, từ Tử Quách, phu nhân tự Khanh Kị, hữu lục nữ giai danh Sát Hiệp. Thường dĩ nguyệt hối nhật thướng thiên bạch nhân tội trạng. Đại giả đoạt kỉ, kỉ tam bách nhật; tiểu giả đoạt toán, toán nhất bách nhật. Cố vi Thiên Đế đốc sứ, hạ địa vi tinh. Kỉ Sửu nhật, nhật xuất Mão thời thướng thiên, ngu trung há hành phúc, thử nhật tế đắc phúc.
          灶神名隗, 状如美女. 又姓张名单, 字子郭, 夫人字卿忌, 有六女皆名察洽. 常以月晦日上天白人罪状. 大者夺纪, 纪三百日; 小者夺算, 算一百日. 故为天帝督使, 下地为精. 己丑日, 日出卯时上天, 禺中下行福, 此日祭得福.
          (Táo thần tên Ngỗi, hình trạng như mĩ nữ. Lại có họ Trương tên Đan, tự Tử Quách, phu nhân tự Khánh Kị, họ có 6 người con gái đều tên là Sát Hiệp. Thường vào ngày cuối tháng lên trời tâu tội trạng của con người. Người nào tội nặng sẽ bị đoạt mất kỉ, một kỉ là 300 ngày, người nào tội nhẹ sẽ bị đoạt mất toán, một toán là 100 ngày. Cho nên Táo thần là đốc sứ của Thiên Đế, xuống trần làm Địa tinh. Ngày Kỉ Sửu, lúc giờ Mão lên trời, gần trưa xuống lại ban phúc, vào ngày này nếu tế Táo sẽ được phúc)
          Có thể thấy, Táo thần không những tâu báo sự việc, số lần lên trời cũng không phải mỗi năm một lần. Ai phạm tội sẽ bị giảm thọ 1 kỉ hoặc 1 toán; thêm nữa, Táo thần có lúc còn trực tiếp trừng phạt người. Kỉ Vân 纪昀 trong Duyệt Vi Thảo Đường bút kí 阅微草堂笔记 có nói:
Lúc nhỏ thấy bà lão nấu ăn cho nhà ông ngoại, thích lấy đồ bẩn chất nơi bếp. Sau bà lão đó nằm mộng thấy có một người mặc áo đen đến quát mắng, đồng thới đánh bà một bạt tai. Tỉnh dậy một bên má bị sưng. Mấy ngày sau sưng to hơn, chất dịch từ miệng nôn ra, nôn đến mật xanh. Về sau bà lão hướng đến Táo thần khấn cầu mới khỏi.
          Táo thần còn có gia đình, 6 người con gái cũng đang đợi xuất giá, một mặt Táo thần đáng để hối lộ, mặt khác ông ta cũng cần hối lộ, tế Táo là việc tất phải làm.
          Rốt cuộc Táo thần là ai? Có người nói: Táo thần “bắt nguồn từ việc sùng bái hoả thần. Chúc Dung 祝融 từng từ hoả thần chuyển thành Táo thần.”
 (Trương Tử Thần 张紫晨 Trung Quốc dân tục dữ dân tục học 中国民俗与民俗学).
Đoàn Thành Thức lại nói rằng: “Táo thần tên Ngỗi”, lại nói họ Trương tên Đan tự Tử Quách”, nhưng khác với Táo thần hiện nay. Táo thần và Táo phu nhân hiện nay đều là già, khuôn mặt hoà ái. Khách quan mà suy đoán, với Chúc Dung, khả năng tính cực lớn. Thời cổ phong thần, chủ yếu xem có ích hay không có ích đối với nhân loại. Phàm nhân vật tạo phúc cho nhân loại, sau khi chết được mọi người tôn làm thần (theo Phạm Văn Lan Trung Quốc thông sử). Chúc Dung mang lửa đến cho nhân loại, công đó không gì sánh bằng; thêm vào đó, táo và lửa có mối quan hệ mật thiết nhất, nhân đó, Chúc Dung trở thành Táo thần cũng là việc hợp tình hợp lí. Ngoài ra, Táo thần  rốt cuộc là người của cả nước, hay là người của một nhà dường như là vấn đề trước sau không rõ ràng. Kỉ Vân 纪昀 trong Duyệt Vi Thảo Đường bút kí 阅微草堂笔记  từng nêu qua nghi vấn này, nói rằng: nếu như là Táo thần của cả nước, ông ta làm sao có thể quản được việc của các nhà? Còn nếu như là Táo thần của một nhà, thì thần sao mà nhiều thế? Hỏi rất xác đáng, chẳng qua vấn đề đó không quan trọng lắm, để tồn nghi cũng không sao.
Tế phẩm dâng cúng Táo thần hơn hai ngàn năm nay cũng có nhiều biến hoá. Thời Hán, Âm Tử Phương dùng dê. Ban Cố 班固 khi soạn Bạch Hổ thông nghĩa 白虎通义 có viết:
Tế Táo dĩ kê
祭灶以鸡
(Tế Táo dùng gà)
          Tập tục này kéo dài mãi cho đến thời Tống. Trong thơ của Tô Đông Pha 苏东坡 có câu:
Minh nhật đông gia ưng tế Táo
Chích kê đẩu tửu định phiền ngô
明日东家应祭灶
只鸡斗酒定膰吾
(Ngày mai bên hàng xóm tế Táo
Cúng con gà đấu rượu xong sẽ mời ta đến dự)
Nhưng cũng không hoàn toàn là gà, cũng có khi là dùng cá. Dùng đường cúng khởi đầu từ đời Tống: Đông Kinh mộng hoa lục东京梦华录 ghi rằng:
Ngày 24, ….. dán Táo mã trên bếp lò, lấy hèm rượu bôi lên cửa lò, gọi đó là “tuý Tư mệnh” 醉司命.
Thời Nam Tống đã có ghi chép về việc dùng đường và món chay để cúng. Ngô Tự Mục 吴自牧 trong Mộng lương lục 梦粱录 có nói:
Ngày 24, bất kể nhà giàu nghèo, đều chuẩn bị rau đường đậu để cúng Táo thần.
“Đường” ở đây là dùng mạch nha nấu thành, vừa ngọt vừa dẻo, dùng để làm cho dính miệng thì không gì hơn. Nhưng đời Minh vẫn còn tình hình
dùng cá để cúng. Đến đời Thanh rất phổ biến dùng món chay tế Táo. Hiện từ những văn tự của mấy tỉnh được chép trong Trung Hoa toàn quốc phong tục chí 中华全国风俗志 của Hồ Phác An 胡朴安, có thể thấy:
Tại Giang Tô 江苏 “ngày 23, các nhà đều tế Táo, dùng Táo đường, Táo cao cúng Táo thần, lại còn cắt cỏ, rải đậu làm lương cũng dùng để tế.”
Huyện Tỉ Nguyên 沘源 tỉnh Hà Nam 河南 thì dùng “bánh nướng 2 chiếc, gọi là Táo hoả thiêu 灶火烧; nha đường 1 miếng, gọi là Táo đường 灶糖; gà trống 1 con, gọi là Táo mã 灶马; .... lương thực 5 loại; nước trong 1 chén, gọi là mã thảo 马草.”
Tại Bắc Kinh 北京: “đường là chủ yếu ..... ngoài đường ra còn có trà, cỏ, đậu. mì, bánh nướng.”
Các nơi tuy không hoàn toàn giống nhau, nhưng dùng món chay về cơ bản lại nhất trí.
Hiện tập tục tế Táo vẫn tồn tại, nhưng nghi thức và tế phẩm không phong phú và phức tạp như trước.

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 21/01/2017
                                                               Ngày 24 tháng Chạp năm Bính Thân

Nguyên tác Trung văn
TẾ TÁO
祭灶
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC ĐẠI TỪ ĐIỂN
中国风俗大辞典
Chủ biên: Thân Sĩ Nghiêu 申士垚, Phó Mĩ Lâm 傅美琳
Trung Quốc Hoà Bình xuất bản xã xuất bản, 1994.
Previous Post Next Post