Dịch thuật: Tại sao triều Hán lại gọi là "Tây Hán" "Đông Hán" ...

TẠI SAO TRIỀU HÁN LẠI GỌI LÀ “TÂY HÁN” “ĐÔNG HÁN”,
TRIỀU TỐNG LẠI LÀ “BẮC TỐNG” “NAM TỐNG”

          Trong lịch sử Trung Quốc có một hiện tượng rất thú vị, các triều đại nối  nhau với hình thức thành đôi xuất hiện. Ví dụ: sau “Tây Chu” có “Đông Chu”, sau “Tây Hán” có “Đông Hán”, sau “Tây Tấn” có “Đông Tấn”, sau “Bắc Tống” có “Nam Tống”. Phân tích kĩ sẽ phát hiện, ban đầu lấy “Tây” và “Đông” để phân định, sau lấy “Bắc” và “Nam” để phân định, như sau Đường có “Nam Đường”, sau Minh có “Nam Minh”, tuy thời gian tồn tại đều rất ngắn, nhưng đã phản ánh đặc trưng biến thiên địa vực.
          Sau khi Hán Sở tranh nhau, Lưu Bang 刘邦 đoạt lấy thiên hạ, định đô tại Trường An 长安, sử xưng là “Tây Hán” (bắt đầu từ năm 202 trước công nguyên đến năm 8 Vương Mãng 王莽 soán ngôi thì kết thúc). Sau khi Vương Mãng đoạt lấy chính quyền, đã thực thi một loạt biện pháp để ổn định kinh tế, nhưng hiệu quả ngược lại, dẫn đến những cuộc khởi nghĩa lớn như Lục Lâm 绿林, Xích Mi 赤眉. Trong đó bà con xa của hoàng tộc Tây Hán là Lưu Tú 刘秀 trải qua mấy năm cố gắng, đã diệt được các thế lực khác, thống nhất toàn quốc, sử xưng là “Đông Hán”.
          “Tây Hán” và “Đông Hán” tồn tại trước sau quan hệ nối tiếp nhau, cũng gọi là “Tiền Hán” và “Hậu Hán”, Lưu Tú cũng không cho rằng bản thân mình kiến lập một triều đại mới, mà chỉ là khôi phục triều Hán. Ông tự cho mình là người kế thừa của Hán Tuyên Đế, sau khi lên ngôi, truy tôn Tuyên Đế là Trung Tông. Do bởi lúc bấy giờ Trường An trong chiến loạn bị hư hại nghiêm trọng, cho nên đã định đô tại Lạc Dương 洛阳. Từ vị ví địa lí mà nói, Lạc Dương ở phía đông Trường An, cho nên người ta gọi triều đại do Lưu Tú kiến lập là “Đông Hán”.
          Ngũ Đại Thập Quốc hậu kì, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận 赵匡胤 hoàng bào gia thân làm hoàng đế, định đô tại Đông Kinh Biện Lương 汴梁 (nay là thành phố Khai Phong 开封Nam 河南), sử xưng là “Bắc Tống”. Từ năm 960 lên ngôi đến năm 1127 thì chấm dứt, trước sau trải qua 168 năm, truyền được 9 đời đế. Cuối thời Bắc Tống, quân Kim công phá thành Biện Lương, bắt hai đế là Huy Tông 徽宗, Khâm Tông 钦宗. Người con thứ 9 của Huy Tông là Triệu Cấu 赵构 tại phủ Ứng Thiên 应天 lên ngôi, sau dời đô đến Lâm An 临安 (nay là Hàng Châu 杭州 Triết Giang 浙江), sử xưng là “Nam Tống”. Sự phân định “Bắc Tống” và “Nam Tống” là từ vị trí và cương giới đô thành mà định, Biện Lương ở phía bắc Hoài Hà 淮河, Lâm An thì tại khu vực trung và hạ du Trường Giang 长江; đất đai Bắc Tống đại bộ phận ở phương bắc, còn Nam Tống thì lại thiên về khu vực phía nam.
          Từ giác độ phát triển chính trị và kinh tế mà nói, lãnh thổ Trung Quốc từ thời Hán Đường đến thời Tống Nguyên, có quá trình dần mở rộng, đồng thời trung tâm kinh tế di chuyển từ phía tây đến phía đông, di chuyển từ phía bắc xuống phía nam. Để tăng cường sự không chế đối với những khu vực này, giai cấp thống trị đã dần đem đô thành dời về phía đông. Khi dân tộc du mục phương bắc mạnh lên thì có thể dời xuống phía nam. Điều này phản ánh các vương triều nối tiếp nhau, đó là, trước “Tây Hán” sau “Đông Hán”, trước “Bắc Tống”, sau “Nam Tống”.

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 12/4/2016

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post