Dịch thuật: Tân dân là việc cấp bách hàng đầu ... (kì 2)

TÂN DÂN LÀ VIỆC CẤP BÁCH HÀNG ĐẦU
 CỦA TRUNG QUỐC HIỆN NAY
(kì 2)

          Sao lại nói là liên quan đến ngoại giao?
Từ thế kỉ 16 tới nay (khoảng 400 năm trước), châu Âu sở dĩ phát đạt, thế giới sở dĩ tiến bộ, đều do “dân tộc chủ nghĩa” (Nationalism) hào hùng mạnh mẽ mà ra. Dân tộc chủ nghĩa là gì? Là nhóm người có cùng chủng tộc, cùng ngôn ngữ, cùng tôn giáo, cùng tập tục xem nhau như đồng bào, cùng nhằm hướng đến độc lập tự trị, tổ chức một chính phủ hoàn bị để mưu công ích, phòng ngự các tộc khác. Chủ nghĩa này phát triển đến cuối thế kỉ thứ 19 (gần 20, 30 năm), rồi lại tiến đến “dân tộc đế quốc chủ nghĩa” 民族帝國主義 (National Imperialism). Dân tộc đế quốc chủ nghĩa là gì? Là thực lực quốc dân của nó ứ đầy bên trong không thể không tràn ra bên ngoài,  vì thế đã khuếch trương quyền lực ở các nơi khác, tự cho mình là “vĩ lư” 尾閭 (1). Nó ra tay, hoặc dùng binh lực, hoặc dùng thương nghiệp, hoặc dùng công nghiệp, hoặc dùng giáo dục.
          ……………
          Nay ở đại lục phương đông, có một đất nước lớn nhất, đất đai phì nhiêu nhất, nhưng chính phủ hủ bại nhất, quốc dân yếu ớt nhất. Dân tộc đó, một khi bị thấy rõ nội tình, cái gọi là dân tộc đế quốc chủ nghĩa tìm đến, như bầy kiến tìm đến chỗ tanh, như vạn mũi tên hướng cùng một đích, tạp loạn tập trung một nơi, người Nga ở Mãn Châu, người Đức ở Sơn Đông, người Anh ở lưu vực Dương Tử giang, người Pháp ở Lưỡng Quảng, người Nhật ở Phúc Kiến, cũng đều là trào lưu tân chủ nghĩa.
          Gọi là dân tộc đế quốc chủ nghĩa khác xa với đế quốc chủ nghĩa cổ đại. Thời xưa, như Á Lịch Sơn Đại 亞歷山大 (Alexandre – ND), như Tra Lí Mạn 查理曼 (2), như Thành Cát Tư Hãn 成吉思汗, như Nã Phá Luân 拿破侖 (Napoléon – ND), đều ôm ấp chí lớn, nhắm nơi xa xâm lược, thôn tính nước nhỏ. Tuy đó do hùng tâm của cá nhân, nhưng đây  do sức mạnh của dân tộc, tuy đó do quyền lực sai khiến, nhưng đây do xu thế của thời vụ. Cho nên họ xâm lược, bất quá nhất thời, điều mà gọi là gió thốc mưa mau, chứ không phải suốt cả buổi. Đó tiến thủ, ở chỗ xa lâu, càng khuếch càng lớn, càng nhập càng sâu. Trung Quốc ta bất hạnh gặp phải tâm điểm của nước xoáy, lấy gì để mà đối đãi với nó? Bảo rằng:
          Nó vì lòng ham công danh của một hai người mà tới, ta có thể dựa vào chí anh hùng của một hai người mà địch lại. Nó lấy cái thế quốc dân bất đắc dĩ mà tới, nếu không phải là năng lực của toàn thể dân tộc hợp lại thì không thể kháng cự lại. Nó lấy khí nhất thời mà tiến đến, ta có thể cổ vũ huyết dũng nhất thời để đề phòng. Nó lấy chính sách lâu dài mà tiến dần, nếu chẳng lập mưu tính kế trăm năm mạnh mẽ, thì không có đường nào để tồn tại. Không thấy nước trong bình sao? Nước chỉ còn lưng bình, tức nước khác có thể đổ vào, nếu nội lực có thể tự bổ sung, không có chỗ nào trống, thì nước khác không thể đổ vào được. Cho nên ngày nay muốn chống lại chủ nghĩa đế quốc của các liệt cường, cứu sinh linh trong hạo kiếp, duy chỉ có thực hành kế sách dân tộc chủ nghĩa.  Mà muốn thực hành chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc, nếu bỏ tân dân thì không có cách gì để theo được.
          Nay trong thiên hạ không ai không lo ngoại hoạn, tuy nhiên, khiến ngoại mà quả thành cái hoạn, thì tất không phải chỉ một cái hoạn mà có thể. Phàm dân tộc đế quốc chủ nghĩa đột nhiên ngoan cường tiến đến, mà ta cứ bàn luận cái ngoại đó có thành cái hoạn hay không? cái hoạn đó là gì? Tôi cho rằng hoạn có hay không là không phải tại bên ngoài mà là tại bên trong. Các nước vốn cùng dùng chủ nghĩa này, mà Nga sao lại không thực thi nó ở Anh? Anh sao không thực thi nó ở Đức? Đức sao không thực thi nó ở Mĩ? Các nước Âu Mĩ sao không thực thi nó ở Nhật Bản? đáp rằng chỉ là do có kẽ hở và không có kẽ hỡ mà thôi. Người lo bệnh tật, phong hàn, thử thấp, táo hoả, không bệnh gì là không thể xâm nhập. Nếu với khí huyết cường thịnh, da thịt hồng hào, xông vào gió tuyết, xông vào mưa nắng, xông vào chướng lệ, ba đào, thì có gì phải lo? Không tự bản thân nhiếp sinh mà chỉ biết oán gió tuyết, nắng mưa, ba đào, chướng lệ vô tình, không phải những thứ đó không xâm nhập, ta giỏi oán há có thể tránh được sao? Thế thì vì kế sách cho Trung Quốc hiện nay, tất không thể dựa vào hiền quân hiền tướng nhất thời mà dẹp được loạn, cũng không thể mong một hai vị anh hùng nơi thảo dã quật khởi có thể thành công, mà phải khiến cho 400 triệu nhân dân với dân đức, dân trí, dân lực đều ngang hàng với nhau, thì không phải lo bên ngoài; điều mà chúng ta lo là gì? ấy là công đó không phải trong một sớm một chiều có thể nên! Mạnh Tử có nói:
          Thất niên chi bệnh, cầu tam niên chi ngải. Cẩu vi bất súc, chung thân bất đắc (3).
          七年之病, 求三年之艾. 苟為不蓄, 終身不得
          (Mang bệnh 7 năm, đi tìm loại cỏ ngải mọc được 3 năm. Nếu không tự mình thu thập dự phòng, thì suốt cả đời chỉ lo đi tìm cũng không tìm được)
          Nay bỏ không tính tới, cứ lần lữa lần lữa mãi, qua thêm mấy năm, lúc đó có muốn được như hiện nay thì cũng không thể được.
          Than ôi! Quốc dân chúng ta há không sợ! há không cố gắng!  (hết)

Chú của nguyên tác
1- Vĩ lư尾閭: nơi nước biển đổ dồn về.
          Trong Trang Tử - Thu thuỷ 莊子 - 秋水 có câu:
Thiên hạ chi thuỷ, mạc đại ư hải, vạn xuyên quy chi, bất tri hà thời chỉ nhi bất doanh; vĩ lư tiết chi, bất tri hà thời dĩ nhi bất hư.
          天下之水, 莫大於海, 萬川歸之, 不知何時止而不盈, 尾閭泄之, 不知何時已而不虛.
          (Nước trong thiên hạ, không đâu lớn hơn biển, muôn dòng nước đổ về,
Không biết khi nào ngừng mà không bao giờ đầy, vĩ lư tuôn ra, không biết khi nào dừng mà không bao giờ vơi.)
2- Tra Lí Mạn 查理曼: Pháp Lan Khắc Vương 法蘭克王 (tức Charlemagne – ND), phục hưng Tây La Mã đế quốc, sáng lập chế độ phong kiến châu Âu. Thế xưng Tra Lí Đại Đế.
3- Thất niên chi bệnh, cầu tam niên chi ngải. Cẩu vi bất súc, chung thân bất đắc :
          Câu này xuất xứ từ thiên Li Lâu 離婁 trong Mạnh Tử 孟子.

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 13/4/2016

Nguyên tác Trung văn
LUẬN TÂN DÂN VI KIM NHẬT TRUNG QUỐC ĐỆ NHẤT CẤP VỤ
論新民為今日中國第一急務
Trong quyển
ẨM BĂNG THẤT TOÀN TẬP
飲氷室全集
Tác giả: Lương Khải Siêu 梁啟超
Văn hoá đồ thư công ti ấn hành
Previous Post Next Post