Dịch thuật: "Tam sảnh lục bộ" được sáng lập từ khi nào?

“TAM SẢNH LỤC BỘ” ĐƯỢC SÁNG LẬP TỪ KHI NÀO?

          Trong lịch sử Trung Quốc từng thực hành qua chế độ tam sảnh lục bộ, nó là phương thức phân định quyền lực hành chính. Tam sảnh lục bộ là chế được bắt đầu từ triều Hán, xác lập vào triều Tuỳ, đến triều Đường thì hoàn thiện. Trong đó tam sảnh chỉ Trung thư sảnh 中书省, Môn Hạ sảnh 门下省, Thượng Thư sảnh 尚书省. Lục bộ chỉ Lại bộ 吏部, Hộ bộ 户部, Lễ bộ 礼部, Binh bộ 兵部, Hình bộ 刑部, Công bộ 工部.
          Triều Đường, tam sảnh là cơ quan chính vụ tối cao của trung ương, nhìn chung, Trung Thư quyết sách, Môn Hạ thẩm tra, Thượng Thư chấp hành. Trưởng quan của tam sảnh lần lượt là Trung Thư Lệnh 中书令 (triều Tuỳ là Nội Sử Lệnh 内史令), Môn Hạ Thị Trung 门下侍中 (triều Tuỳ là Nạp Ngôn 纳言), Thượng Thư Lệnh 尚书令, cùng giữ chức ngang với Tể tướng. Lục bộ là cơ quan hành chính trung ương thuộc Thượng Thư Sảnh, chia nhau nắm giữ chính vụ cùng chấp hành triệt để chính lệnh, đồng thời đảm nhiệm sự vụ cụ thể của cửu tự ngũ giám (1) cùng quyền  lãnh đạo, giám đốc ở các phủ, châu, huyện.
          Trưởng quan của tam sảnh cùng nghị bàn chính sự, nắm giữ chức ngang Tể tướng, nơi họ nghị bàn chính sự gọi là Chính sự đường 政事堂. Thượng Thư Lệnh vị cao quyền lớn, từ triều Tuỳ trở đi, cơ bản không thiết lập (Dạng Đế 炀帝 từng phong Dương Tố 杨素 làm Thượng Thư Lệnh). Đường Thái Tông từng giữ qua chức này. Từ đó, triều Đường không trao cho ai  chức vụ Thượng Thư Lệnh này. Tả, Hữu Bộc Xạ 左右仆射 giúp Thượng Thư Lệnh, chức vụ cũng ngang cùng Tể tướng. Thời Trinh Quán 贞观, Đường Thái Tông cũng thường triệu kiến các quan viên phẩm vị tương đối thấp cùng nghị bàn chính sự với trưởng quan của tam sảnh, đồng thời gia thêm hàm Tham tri chính sự 参知政事, Tham dự triều chính 参预朝政, Tham nghị đắc thất 参议得失… Về sau lại xuất hiện danh hiệu Tể tướng như Đồng Trung thư Môn hạ tam phẩm 同中书门下三品, Đồng Trung thư Môn hạ bình chương sự 同中书门下平章事
          Những cách làm này thể hiện phạm vị nhậm dụng Tể tướng của hoàng đế đã không còn giới hạn ở trưởng quan tam sảnh. Thành viên Tể tướng tăng nhiều, vừa tiện cho việc tập trung tư tưởng bàn nghị, lại vừa khống chế lẫn nhau, từ đó tránh được sự xuất hiện cục diện quyền thần chuyên quyền. Như vậy, đã tăng cường trung ương tập quyền, đề phòng đại quyền của hoàng đế lọt vào tay kẻ khác. Nhưng do bởi chức vị trùng phục cùng phổ biến hoá, cho nên chế độ tam sảnh lục bộ từ cuối đời Đường trở về sau, có xu hướng đi đến chỗ danh tồn thực vong.
          Triều Tống theo chế độ triều Đường, cũng thiết lập tam sảnh lục bộ. Triều Nguyên chỉ bảo lưu Trung Thư sảnh, về sau Chu Nguyên Chương 朱元璋 triều Minh phế bỏ Trung Thư sảnh, hoàng đế trực tiếp lãnh đạo lục bộ. Triều Thanh theo chế độ triều Minh, đến đây chế độ tam sảnh lục bộ đã rút lui khỏi vũ đại chính trị.

Chú của người dịch
1- Cửu tự, ngũ giám 九寺, 五监:
          Cửu tự: Thái phủ 太府, Tư Nông 司农, Tông chính 宗正, Thái thường 太常, Quang Lộc 光禄, Hồng lô 鸿胪, Vệ Uý 卫尉, Thái Bộc 太仆, Đại lí 大理
          Ngũ giám: Quốc tử 国子, Quân khí 军器, Thiếu phủ 少府, Tương tác 将作, Đô thuỷ 都水
          Theo http://www.baike.com/wiki/

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 25/02/2016

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post