Dịch thuật: Câu chuyện trong tên của Từ Văn Trường

CÂU CHUYỆN TRONG TÊN CỦA TỪ VĂN TRƯỜNG

          Từ Vị 徐谓 đời Minh, nổi tiếng “quái kiệt” nghệ thuật, rất đa tài đa nghệ, thi, thư, hoạ, văn đều tinh thông. Từ Vị từng tự phụ nói rằng:
Ngô thư đệ nhất, thi nhị, văn tam, hoạ tứ.
吾书第一, 诗二, 文三, 画四
(Ta thư thứ nhất, thi thứ hai, văn thứ ba, hoạ thứ tư)
          Từ Vị, tự Văn Thanh 文清, sau đổi là Văn Trường 文长, hiệu Thiên Trì Sơn Nhân 天池山人, Thanh Đằng Đạo Sĩ 青藤道士, người Sơn Âm 山阴 (nay là Thiệu Hưng 绍兴 Triết Giang 浙江). Ông từ nhỏ đã thông tuệ, lúc 13, 14 tuổi đã hạ bút thành chương, từng bắt chước bài Giải trào 解嘲 của Dương Hùng 杨雄 viết bài Thích huỷ 释毁 chấn động khắp làng. 20 tuổi đỗ Tú tài, nhưng không muốn làm quan, và trong những lần thi sau đều rớt, nhưng lưu lại rất nhiều giai thoại. Tương truyền tên tự “Văn Trường” của ông nhân ứng thí mà có.
          Một lần ứng thí nọ, sau khi nhìn đề, ông suy nghĩ một tí rồi cất bút viết thành, văn chương ngắn nhưng tinh tế. Làm bài xong còn dư thời gian, ông liền vẽ ở chỗ trống trong quyển thi. Trước tiên vẽ hình tổ tiên, sau đó vẽ bàn thờ cùng tế phẩm rồi vẽ bản thân mình mặc trang phục Cử nhân tế tổ. Lại còn viết 4 chữ “bất quá như thử” 不过如此 (bất quá là như thế này). Quan chủ khảo nhìn quyển của ông , với bài văn ngắn rất bội phục, nhưng với bức vẽ cảm thấy rất phản cảm, cho rằng ông quá cuồng vọng, nên đã phê vào quyển 2 câu:
Văn chương thái đoản kiểm thái hậu
Danh tự bài tại Tôn Sơn hậu (1)
文章太短脸太厚
名字排在孙山后
(Văn chương quá ngắn mặt quá dày
Cho tên xếp sau tên Tôn Sơn)
Như vậy, lần đó Từ Vị đã thi rớt.
          Ba năm sau, Từ Vị lại đi thi, lần này cũng gặp phải quan chủ khảo mà 3 năm trước đã giễu ông. Từ Vị rất giận, quyết định làm một bài văn dài. Cả quyển thi ông viết chi chít, vẫn chưa xong mà quyển thi không đủ dùng, ông bèn viết lên bàn, lên ghế. Khi nộp quyển, ông nộp quyển cùng bàn lẫn ghế. Quan chủ khảo kinh ngạc, hỏi duyên cớ. Từ Vị đáp rằng:
          Ngài thích bài văn dài, tôi viết dài cho ngài xem.
          Về sau Từ Vị đặt tên tự cho mình là “Văn Trường”, để bày tỏ sự bất mãn đối với khoa cử khảo thí. Câu chuyện này có thể có chút diễn nghĩa, nhưng phù hợp với tính cách của Từ Vị, cũng khớp với việc Từ Vị nhiều lần đi thi nhưng bị rớt.
          Hiệu của Từ Vị là “Thiên Trì Sơn Nhân”, “Thanh Đằng Đạo Sĩ” cũng có lai lịch. Ông từng đào trong sân nhà mình một cái ao, tuy nhỏ nhưng lại đặt tên là “Thiên Trì”, đồng thời tự gọi mình là “Thiên Trì sinh” 天池生, “Thiên Trì Sơn nhân” 天池山人. Từ Vị còn dựng trong ao một trụ đá nhỏ, bên trên khắc 4 chữ “Để trụ trung lưu” 砥柱中流, để sánh với “Để trụ sơn” 砥柱山 trong giòng chảy xiết của Hoàng Hà. Từ Vị còn trồng trong sân cây thanh đằng, tự đặt hiệu là “Thanh Đằng Đạo Sĩ”, đem chỗ ở của mình gọi là “Thanh Đằng thư ốc” 青藤书屋. Đến nay nơi cố cư của Từ Vị ở hẽm Đại Thừa 大乘 tại Thiệu Hưng 绍兴 vẫn còn ao nhỏ, trong ao vẫn còn bia đá hình trụ với 4 chữ “Để trụ trung lưu”.
          Từ Vị còn có một biệt hiệu là “Điền Thuỷ Nguyệt” 田水月, đây là ông từ chữ “Vị” tên mình phân tích ra.
         Từ Vị một đời gập ghềnh, từng là mạc khách của Triết Giang Đốc soái Hồ Tông Hiến 胡宗宪. Hồ Tông Hiến về sau thất thế, bị bắt và chết trong ngục. Từ Vị nhân vì sợ liên luỵ, tinh thần có một dạo thất thường, trong cơn thác loạn đã ngộ sát người vợ, kết quả bị bắt bỏ ngục. Sau khi ra ngục, ông làm thơ vẽ tranh để duy trì cuộc sống.
          Thư pháp của Từ Vị, bút lực mạnh mẽ, tung hoành ngang dọc. Hội hoạ của ông, nhất là vẽ nho, mẫu đơn, thế bút hào phóng, rất được người đời sau hâm mộ. Nhiều nghệ thuật gia bái phục ông. Trịnh Bản Kiều 郑板桥, một trong “Dương Châu bát quái” 扬州八怪 đời Thanh, Tề Bạch Thạch 齐白石, hội hoạ nghệ thuật đại sư đương đại, đều từng cam nguyện làm “tẩu cẩu” 走狗 cho ông.

Chú của người dịch
1- Tôn Sơn 孙山: Trong Quá đình lục 过庭录 của Phạm Công Xứng 范公偁 đời Tống có chép câu chuyện như sau:
          Tôn Sơn người đất Ngô, là vị tài tử rất thích khôi hài. Một lần nọ đến một quận khác để ứng thí. Người trong làng gởi người con đi cùng. Khi ra bảng, người nọ rớt,  tên của Tôn Sơn xếp cuối cùng. Tôn Sơn về trước, người cha hỏi con mình đậu hay rớt, Tôn Sơn đáp rằng:
Giải danh tận xứ thị Tôn Sơn
Hiền lang cánh tại Tôn Sơn ngoại
解名尽处是孙山
贤郎更在孙山外
(Xếp bảng tận cùng là Tôn Sơn
Hiền lang thì ở dưới tên Tôn Sơn)
          Thành ngữ “Danh lạc Tôn Sơn” 名落孙山 dùng để ví thi rớt.
          (Theo Thành ngữ đại từ điển, Trung Hoa ấn thư quán, 2004)

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                       Quy Nhơn 23/11/2015

Nguyên tác Trung văn
TỪ VĂN TRƯỜNG DANH TỰ LÍ ĐÍCH CỐ SỰ
徐文长名字里的故事
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Previous Post Next Post