Dịch thuật: Quách Mạt Nhược có nhiều bút danh mang ý nghĩa sâu xa

QUÁCH MẠT NHƯỢC
 CÓ NHIỀU BÚT DANH MANG Ý NGHĨA SÂU XA

          Quách Mạt Nhược 郭沫若 là văn học gia, thi nhân kiệt xuất của Trung Quốc. Cả một đời, ông sáng tác nhiều những tác phẩm hay, có tác phẩm đã trở thành kinh điển nổi tiếng trong và ngoài nước. Ông với tri thức uyên bác, tài hoa tràn đầy, bút danh đương nhiên cũng được ông chú trọng, mang ý nghĩa sâu xa, trong đó, bút danh “Mạt Nhược” 沫若 có ảnh hưởng nhất.
          Quách Mạt Nhược vốn tên là Quách Khai Trinh 郭开贞, bút danh “Mạt Nhược” được ông sử dụng lần đầu tiên khi đăng bài thơ “Lộ ti” 鹭鸶 trên tờ “Thời sự tân báo” 时事新报 tại Thượng Hải vào năm 1919. Bút danh này gởi gắm lòng yêu mến và nhớ nhung sông núi ở quê nhà của ông. “Mạt” tức “Mạt thuỷ” 沫水, tên một dòng sông cổ, tức Đại độ hà 大渡河 ngày nay; “nhược” tức “Nhược thuỷ” 若水, cũng là tên một dòng sông cổ, tức Nhã Lung giang 雅砻江 ngày nay. Đây là hai dòng sông chảy qua quê hương của Quách Mạt Nhược. Quách Mạt Nhược thời niên thiếu sống ở quê nhà, ông rất có cảm tình đối với hai dòng sông đã nuôi dưỡng ông, cho nên khi dùng bút danh này, đầu tiên là nhớ đến chúng. Về sau bút danh này luôn theo ông, đồng thời nó đã thay thế tên vốn có của ông.
          Đối với mẫu thân, Quách Mạt Nhược có cảm tình rất sâu đậm. Ông tôn kính mẫu thân, từng dùng qua hai bút danh kỉ niệm mẫu thân. Một là “Đỗ Khản” 杜衎, hai là “Đỗ Ngoan Thứ” 杜顽庶. Mẫu thân của Quách Mạt Nhược họ Đỗ, tính cách cương trực, ý chí ngoan cường. “Khản” cũng mang ý nghĩa cương trực, “Đỗ Khản” ngụ ý mẫu thân của ông là người có tính cách cương trực. “ngoan thứ” có ý là thứ nhân ngoan cường, ngụ ý mẫu thân của ông là một bà lão ý chí ngoan cường được mọi người kính trọng.
          Quách Mạt Nhược còn có bút danh “Dịch Khảm Nhân” 易坎人. Bút danh này được đặt vào năm 1927, năm đó Quách Mạt Nhược tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Xương, sau khi khởi nghĩa thất bại, ông vượt quan bao hiểm nguy để đến Thượng Hải, ẩn cư tại một căn phòng tại đường Đậu An Lạc 窦安乐. Cuối tháng 11, tại nơi đây Quách Mạt Nhược đã tiếp một đôi vợ chồng người Nhật, đồng thời mời họ ở lại một đêm. Đó là viện trưởng của  Quảng Châu Trung Sơn đại học y học viện 广州中山大学医学院 Đỗ Dục Thái 杜毓泰 cùng phu nhân. Sau khi hai vợ chồng họ rời nhà Quách Mạt Nhược để đi Nhật khoảng 10 ngày, đột nhiên Quách Mạt Nhược bắt đầu đau đầu, sốt cao đến 40 độ, mặt đỏ và sưng lên. Ông bị ban và mắc chứng thương hàn. Sốt sang ngày thứ 3, ông được bí mật đưa đến y viện Nhật Bản để chữa trị. Lúc bấy giờ, chưa có thuốc đặc trị loại bệnh này. Cuối cùng kì tích đã cứu sống Quách Mạt Nhược, nhưng để lại di chứng điếc tai. Quách Mạt Nhược cảm thấy gặp đại nạn nhưng không chết, vì thế đã đặt cho mình bút danh “Dịch Khảm Nhân”. Ở quẻ Khảm trong kinh Dịch có câu:
Vu nhân dã nhĩ lung
于人也耳聋
          Quách Mạt Nhược đã lấy 3 chữ “dịch”, “khảm”, “nhân” trong đó tổ hợp thành “dịch khảm nhân”, hàm nghĩa là người tai điếc.
          Quách Mạt Nhược còn dùng qua hai bút hiệu dịch âm từ ngoại văn, như “Viên Mâu” 爰牟, “Mạch Khắc Ngang” 麦克昂. Hai bút hiệu dịch âm này ông sử dụng lúc thời kì khủng bố trắng nhằm để tránh kẻ địch.
          Ngoài ra, Quách Mạt Nhược còn dùng qua một số bút danh khác như “Cốc Nhân” 谷人, “Long Tử” 龙子, “Giang Ngẫu” 江耦, “Khắc Lạp Khắc” 克拉克, “Dương Dịch Chi” 羊易之 …những bút danh này đều có ngụ ý sâu xa.

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 04/7/2015

Nguyên tác Trung văn
QUÁCH MẠT NHƯỢC HỮU HỨA ĐA
NGỤ Ý THÂM KHẮC ĐÍCH BÚT DANH
郭沫若有许多寓意深刻的笔名
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Previous Post Next Post