Dịch thuật: Bảo toạ điện Kim Loan

BẢO TOẠ  ĐIỆN KIM LOAN

          Sau khi nhà Thanh vào trung nguyên định đỉnh tại Bắc Kinh, hoàng đế các triều vào 3 dịp lễ lớn hàng năm là Vạn thọ, Nguyên đán, Đông chí đều lên ngự tại bảo toạ ở điện Kim Loan 金銮, tiếp nhận lời chúc mừng của văn võ bá quan. Lúc bấy giờ, trong điện Kim Loan huy hoàng rực rỡ, hương khói ngào ngạt, bao trùm một không khí thần bí trang nghiêm, hiển thị sự uy nghiêm của “chân long thiên tử”.
          Điện Kim Loan cũng chính là điện Thái Hoà 太和, chính giữa điện đặt bảo toạ mang hình dáng “Tu Di toạ” 须弥座 (1), đây là di vật của đời Minh, khoảng thời hoàng đế Gia Tĩnh嘉靖 trùng tu điện Hoàng Cực 皇极 đã dùng. Các hoàng đế đời Thanh theo đó sử dụng bảo toạ này mãi cho đến cuối đời.
          Chính diện và hai bên trái phải của bảo toạ đều có bệ (tức bậc cấp lên xuống, tục gọi là “đạp đoá” 踏跺), trên bảo toạ đặt một chiếc ghế lớn chạm rồng thếp vàng, đó chính là ngự toạ của hoàng đế. Ngự toạ có dạng là một chiếc ghế dựa, 6 trụ tròn chạm 6 con rồng, dạng hình vòng cung từ cao dần xuống thấp, tạo thành tay vịn của ghế. Hai trụ chính diện mỗi trụ có 1 con rồng quấn quanh, đầu vươn lên đỉnh, nhe nanh trợn mắt, râu dựng ngược, thể hiện tư thế vươn lên. Ngự toạ tức “ỷ toạ” 椅座 và “để toạ” 底座 liền nhau. Để toạ có dạng “Tu Di toạ” dài khoảng 5 xích,  rộng khoảng hơn 2 xích, để toạ không có chân ghế, tay ghế mà dùng hình thức “Tu Di toạ”, như vậy để toạ đã kiêm hình rồng bay và phong cách một toạ vị chắc chắn ổn định. Sau lưng ngự toạ đặt một bình phong chạm rồng thếp vàng, bên trái bên phải có ống hương. Bên trái và bên phải của bệ phía trước bảo toạ còn có mấy hương kỉ, trên mỗi hương kỉ có 3 lư hương. Khi hoàng thượng lên điện, lư sẽ đốt trầm hương.
          Về sau, khi Viên Thế Khải 袁世凯 xưng đế (2), đã đem tấm biển có 4 chữ “Kiến cực tuy du” 建极绥猷 nguyên do Càn Long 乾隆 viết, cùng liễn đối tả hữu lấy xuống; ghế chạm rồng thếp vàng cũng không biết bị đem đi nơi đâu, riêng bình phong chạm rồng phía sau còn giữ nguyên, trước bình phong đặt một chiếc ghế lớn được làm theo kiểu Trung Tây kết hợp, đầu Ngô mình Sở, lưng ghế cực cao, mặt ghế lại cực thấp. Nghe nói là do Viên Thế Khải chân lùn, nhưng lại muốn biểu hiện khí phái đế vương cho nên mới theo kiểu tây làm ghế lớn lưng cao.
          Hiện tại bảo toạ trong điện Kim Loan là bảo toạ chạm rồng thếp vàng đã trải qua sự tu sửa làm lại theo nguyên mẫu trước đó.

Chú của người dịch
1- Tu Di toạ 须弥座: còn gọi là “Kim Cương toạ” 金刚座, “Tu Di đàn” 须弥坛, có nguồn gốc từ Ấn Độ, dùng để an trí bệ tượng Phật hoặc Bồ Tát.
          Tu Di chỉ Tu Di sơn 须弥山. Trong truyền thuyết cổ đại của Ấn Độ, Tu Di sơn là trung tâm của thế giới. Một thuyết khác, Tu Di sơn chỉ núi Himalayas (còn gọi là Đại Tuyết sơn 大雪山).
          Dùng Tu Di sơn làm bệ  nhằm để hiển thị sự vĩ đại thần thánh của Phật.
          Nguồn http://baike.baidu.com/subview/91914/91914htm  
2- Viên Thế Khải xưng đế:
          Viên Thế Khải 袁世凯 (1859 – 1916): tự Uý Đình 慰亭, hiệu Dung Am 容庵, đại thần cuối triều Thanh.
          Theo Nguyễn Hiến Lê: 
….. tháng 10 năm Dân quốc thứ 4 (1915), đại biểu quốc dân các tỉnh đều bỏ phiếu chủ trương quân chủ lập hiến và uỷ Tham chính viện thay mặt quốc dân tôn Viên Thế Khải lên ngôi hoàng đế
(Sử Trung Quốc, tập 3 trang 21, nxb Văn hoá 1997)

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 11/6/2015

Nguyên tác Trung văn
KIM LOAN ĐIỆN BẢO TOẠ
金銮殿宝座
Tác giả: Vương Tử Lâm 王子林
Trong quyển
TỬ CẤM CHI ĐIÊN LƯỢC ẢNH
紫禁之巅掠影
Chủ biên: Thôi Trắc 崔陟
Bắc Kinh, Trung Hoa văn sử xuất bản xã, 2006
Previous Post Next Post