Dịch thuật: Tô Vũ chăn dê

TÔ VŨ CHĂN DÊ

          Năm 119 trước công nguyên, Hán Vũ Đế 汉武帝 phái Đại tướng quân Vệ Thanh 卫青 và Phiêu kị tướng quân Hoắc Khứ Bệnh 霍去病 viễn chinh Hung Nô, người Hung Nô bị giết chết rất nhiều, số còn lại chạy lên phía bắc. Nguyên khí Hung Nô bị tổn thương, không còn sức và can đảm quấy nhiễu biên cảnh triều Hán. Qua mấy năm sau, Hung Nô lần lượt phái sứ giả đến thăm triều Hán. Để biểu thị tình hữu hảo, triều Hán cũng phái sứ giả thăm Hung Nô. Nhưng Hung Nô chỉ giả vờ hữu hảo, thường khấu lưu sứ giả do triều Hán phái đến. Năm 100 trước công nguyên, Hán Vũ Đế hạ một đạo chiếu thư kể tội ác của Hung Nô, chuẩn bị cử binh thảo phạt. Hung Nô sợ vũ lực triều Hán bèn thả sứ giả triều Hán trở về. Lúc bấy giờ Hán Vũ Đế không nghĩ đến việc dùng vũ lực đối với Hung Nô, thấy Hung Nô đã thả sứ giả, liền phái Tô Vũ 苏武 làm chánh sứ, Trương Thắng 张胜 làm phó sứ, dẫn trợ thủ Thường Huệ 常惠 và hơn 100 binh sĩ, hộ tống sứ giả Hung Nô bị triều Hán khấu lưu, đồng thời mang rất nhiều lễ vật như vàng bạc lụa là để tặng cho Thiền Vu Hung Nô.
          Tô Vũ苏武 tự Tử Khanh 子卿, con thứ hai của Bình Lăng Hầu Tô Kiến 平陵侯苏建, ông cùng anh em trai của mình đều làm quan cho triều Hán.
          Trước khi Tô Vũ đi sứ Hung Nô, Hán sứ là Vệ Luật 卫律 đã đầu hàng Hung Nô. Tô Vũ đi sứ lần này có quen với một sứ giả đầu hàng khác là Ngu Thường . Ngu Thường lúc ban đầu trước áp lực của Thiền Vu Hung Nô, giả bộ đầu hàng, luôn tìm cách giết phản đồ triều Hán là Vệ Luật. Ngu Thường thấy Tô Vũ đến là cơ hột tốt, liền ngầm tìm đến Tô Vũ thương lượng kế sách. Không ngờ, sự việc xảy ra ngoài ý muốn, kế sách của Tô Vũ chưa thực hiện đã bị lộ. Ngu Thường bị tra khảo tàn khốc. Vệ Luật sai người triệu Tô vũ đến để thẩm tra.
          Tô Vũ nghe tin thất kinh, nói rằng:
          Ta đường đường là sứ giả triều Hán, nếu để người ta thẩm vấn coi như làm nhục triều Hán.
          Nói xong, rút con dao chuỷ thủ định đâm vào cổ mình. Được mọi người cứu, Tô Vũ tự sát không thành. Sau đó, Thiền Vu nhốt Tô Vũ vào một căn hầm, không cho ăn, không cho uống, bức Tô Vũ phải đầu hàng. Đất Hung Nô ở vào phương bắc, mùa đông vô cùng lạnh, gió tây bắc gào thét cả ngày, tuyết rơi không ngớt. Nhưng với ý chí kiên cường bất khuất, Tô Vũ không hề dao động. Khát, vốc tuyết ngậm; đói, nhai tấm thảm da. Qua mấy ngày liền như thế, Tô Vũ không chết.
          Thiền Vu Hung Nô thấy Tô Vũ không ăn không uống mà vẫn sống, cho rằng có “thần linh” phù hộ. Thế là giao cho Tô Vũ một bầy dê đực, bảo đến Bắc Hải 北海 (nay là hồ Baikal) để chăn. Trước khi Tô Vũ đi, Thiền Vu Hung Nô nói với Tô Vũ rằng:
          Đợi đến khi nào dê đực sinh con, ngươi mới có thể về lại triều Hán.
          Kì thực chính là đày Tô Vũ ở Bắc Hải vĩnh viễn.
          Bắc Hải ở phía bắc Hung Nô. Tô Vũ đưa bầy dê đực đến Bắc Hải, nơi đây hoang vu vắng vẻ, khắp nơi chỉ toàn là băng tuyết, khí hậu lại vô cùng khắc nghiệt. Sáng sớm, Tô Vũ cầm cây sứ tiết xua bầy dê đi đến vùng thảo nguyên mênh mông; chiều tối về lại nơi ở, ôm cây sứ tiết vào lòng, an nhiên ngủ. Cứ như vậy năm này qua năm khác, bông trên cây sứ tiết rụng dần, nhưng không hề rời khỏi tay Tô Vũ.
          Năm 87 trước công nguyên, Hán Vũ Đế qua đời. Các đại thần như Hoắc Quang 霍光, Thượng Quan Kiệt 上官桀 lập con của Hán Vũ Đế là Phất Lăng 弗陵 kế thừa ngôi vị, xưng là Hán Chiêu Đế 汉昭帝 (tại vị từ năm 86 đến năm 74 trước công nguyên). Đương thời Hán Chiêu Đế chỉ mới là đứa bé 8 tuổi, chính sự quốc gia chủ yếu do Hoắc Quang chủ trì.
          Sau khi Hán Chiêu Đế tức vị, liên tục nhiều năm mất mùa, sản lượng nông nghiệp giảm, lương thực cùng hạt giống nông dân cũng khó mà tự cấp, kẻ thống trị không thể không hỏi thăm nỗi thống khổ của dân, cứu tế họ, miễn giảm tô thuế để nhân dân lao động được dễ thở. Lúc bấy giờ Thiền Vu Hồ Diễn Đề 壶衍提 trong cuộc chiến tranh quyền đoạt lợi của quý tộc Hung Nô là người kế vị, nội bộ Hung Nô đối mặt với sự chia rẽ trầm trọng. Cho nên hai bên đều có ý muốn cải thiện mối quan hệ. Thiền vu Hung Nô vừa mới lên ngôi đã ngầm ra hiệu với sứ giả triều Hán, hi vọng hoà thân cùng với triều Hán. Đến năm 81 trước công nguyên, Hán Chiêu Đế đồng ý hoà nghị cùng Hung Nô. Như vậy, mối quan hệ Hán – Hung đã có sự cải thiện, nguyện vọng trở về triều Hán của Tô Vũ cũng có khả năng thực hiện được.    (còn tiếp)

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 29/5/2015

Nguyên tác Trung văn
TÔ VŨ MỤC DƯƠNG
苏武牧羊
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post