Dịch thuật: Mãng Thiên động phủ cùng với truyền thuyết về Tam sứ

 MÃNG THIÊN ĐỘNG PHỦ CÙNG VỚI
TRUYỀN THUYẾT VÊ TAM SỨ

          Văn hoá sùng bái rắn của người Mân không chỉ tồn tại trong tập tục, mà còn tồn tại trong câu chuyện dân gian. Vùng duyên hải Phúc Châu 福州 có câu chuyện người và rắn thông hôn. Học giả Phúc Châu đời Minh là Từ Bột 徐勃 trong quyển Dung ấm tân kiểm 榕荫新检có chép câu chuyện như sau:
          Thời Đường Hi Tông 唐僖宗 tại núi Hoàng Phách 黄檗 ở Phúc Thanh 福清 có con mãng xà được sùng kính, người trong ấp là Lưu Tôn Lễ 刘孙礼 có cô em gái là Tam Nương 三娘, tư thái xinh đẹp, mãng xà cắp lấy về động làm vợ. Tôn Lễ tức giận, quyết giết chết mãng xà, bèn từ bỏ nhà viễn du, gặp được dị nhân truyền cho “khu lôi bí pháp” 驱雷秘法. Tôn Lễ quay về đấu với mãng xà. Lúc bấy giờ, cô em gái đã sinh được 11 người con, Tôn Lễ giết chết 8 đứa. Em gái chạy ra bái lạy xin được tha mạng, Tôn Lễ mới dừng tay. Về sau, 3 người con còn lại thành thần, là: Cửu sứ, Thập sứ, Thập nhất sứ. Vùng đất Mân lập miếu phụng thờ.
          Trong Mân đô biệt kí 闽都别记 hồi 85 cũng có chép một câu chuyện với nội dung đại để tương đồng, chỉ tăng thêm tình tiết Tôn Lễ dâng tấu lên thiên đình, xin được phong cho cháu.
          Trong dân gian Phúc Châu, miếu Tam sứ 三使 được gọi là “Mãng Thiên động phủ” 蟒天洞府府, hiện vùng ngoại ô Phúc Châu còn bảo lưu không ít. Tôi từng nhìn thấy một toà miếu nhỏ gần Phẩm Thạch nham 品石岩 thôn Quan Lục Nhân 关绿茵 tại thành Liên Giang 连江, đó là Mãng Thiên động phủ. Thần chủ trong miếu là một nam tráng niên, râu dài, mặc vương phục, trên vương tượng có bức hoành phi với 4 chữ “Mãng Thiên động chủ” 蟒天洞主. Bên trái tượng thần chủ có 3 tượng nhỏ đề tên là Cửu sứ, Thập sứ, Thập nhất sứ. Tôi hỏi người giữ miếu:
          Thứ tự của họ dựa vào đâu mà sắp đặt như thế? Còn 8 vị sứ trước đi đâu?
Người giữ miếu đáp rằng:
          Tám vị trước đánh nhau với người bị đánh chết.
          Đem câu trả lời này so với câu chuyện Tôn Lễ, có thể xác định toà miếu này là toà miếu của xà tinh tam sứ, nhân vật chính trong câu chuyện Lưu Tôn Lễ.
          Trong truyền thuyết dân gian Phúc Châu, Tam sứ là thần chính nghĩa, họ đi tuần trong dân, diệt trừ thảo mộc tinh quái – cho đến xà quái. Cũng trong Dung ấm tân kiểm 榕荫新检  có câu chuyện như sau:
          Có một con mãng xà tinh giả mạo Tam sứ, tác quái chốn nhân gian.
          Tại núi Cao Cái 高盖 huyện Hầu Quan 侯官 cũng có một con mãng xà, dưới núi có hơn 100 người họ Tề sinh sống, nhiều đời bị độc. Phàm cưới vợ,  đêm hợp cẩn chú rễ phải đi ngủ chỗ khác để nhường cho mãng xà. Đêm sau mới dám thành hôn. Đầu thời Gia Tĩnh 嘉靖, có một thiếu phụ biết trước được chuyện đó, liền sai người cầu khấn ở miếu Cửu sứ 九使, rồi  lén giấu dao trong người. Khi đến nhà quả nhiên thấy có một thiếu niên mặc áo trắng vào nhà, theo sau là những người mặc áo giáp vàng. Thiếu phụ liền lén đâm, thiếu niên thất sắc bỏ chạy. Hôm sau, có một con mãng xà chết ở trong núi, từ đó chấm dứt những chuyện quái lạ.
         Theo người dân nơi đó, thiếu phụ có thể chiến thắng xà tinh đó là được sự bảo hộ của Cửu sứ. Do bởi xà tinh là thiện thần hơn nữa lại linh ứng, nên người dân nguyện phụng thờ. Ven sông góc núi vùng ngoại ô quanh Phúc Châu thường thấy có miếu “Mãng Thiên động phủ”.
          Ngày nay khoa học kĩ thuật phát triển nhanh chóng, Phúc Kiến 福建 được xem là khu vực kinh tế thương phẩm và văn hoá tương đối phát triển, nhưng cục bộ vẫn bảo lưu được sự sùng bái rắn cổ xưa, đây quả là một hiện tượng văn hoá kì lạ. Thẳng thắn mà nói, sự tồn tại của nó đã phản ánh văn hoá Việt cổ còn có một địa vị nhất định trong lòng người Mân, cho dù người Mân luôn nói mình là di dân của Hà Nam 河南, trên thực tế, mỗi nét văn hoá của họ đã cho họ biết: huyết thống của người Việt cổ vẫn để lại cho họ ảnh hưởng sâu sắc. 
                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 14/01/2015

Nguyên tác Trung văn
MÃNG THIÊN ĐỘNG PHỦ DỮ TAM SỨ ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT
蟒天洞府与三使的传说
Trong quyển
MA TỔ ĐÍCH TỬ DÂN
妈祖的子民
Tác giả: Từ Hiểu Vọng 徐晓望
Thượng Hải - Học Lâm xuất bản xã, 1999
Previous Post Next Post