Dịch thuật: Vô nhục linh nhân sấu, vô trúc linh nhân tục


VÔ NHỤC LINH NHÂN SẤU, VÔ TRÚC LINH NHÂN TỤC

宁可食无肉, 不可居无竹
无肉令人瘦, 无竹令人俗
人瘦尚可肥, 士俗不可医
傍人笑此言, 似高还似痴
若对此君仍大嚼, 世间那有扬州鹤?
                                                       (苏轼 – “於潜僧绿筠轩”)

Ninh khả thực vô nhục, bất khả cư vô trúc
Vô nhục linh nhân sấu, vô trúc linh nhân tục
Nhân sấu thượng khả phì, sĩ tục bất khả y
Bàng nhân tiếu thử ngôn, tự cao hoàn tự si
Nhược đối thử quân nhưng đại tước, thế gian na hữu Dương Châu hạc
                                                   (Tô Thức – “Ư Tiềm tăng Lục Quân hiên )

Thà ăn cơm không có thịt chứ không thể ở mà không có trúc
Không có thịt làm cho người hoá gầy, không có trúc khiến cho người hoá tục
Người gầy thì có thể mập lại, chứ kẻ sĩ đã tục rồi thì không thể chữa trị được
Tục sĩ cười những lời này, phải là như thanh cao mà cũng là như si ngốc
Nếu đối diện với trúc mà lòng vẫn luôn ham món ngon, trên thế gian này làm gì có người cưỡi hạc đi đến Dương Châu

Phân tích và thưởng thức
          Ư Tiềm 於潜 là tên một huyện cũ, nay ở địa phận huyện Lâm An 临安 tỉnh Triết Giang 浙江. Tăng Ư Tiềm có tên là Tư , tự Tuệ Giác 慧觉, xuất gia tu tại chùa Tịch Chiếu 寂照 làng Phong Quốc 丰国 phía nam huyện Ư Tiềm於潜. Trong chùa có “Lục Quân hiên” 绿筠轩 (hiên Lục Quân), trồng trúc điểm xuyết chung quanh, phong cảnh vô cùng u nhã. Bài này mượn tiêu đề Ư Tiềm tăng Lục Quân hiên 於潜僧绿筠轩 ca ngợi phong nhã cao tiết, phê phán vật dục tục cốt. Bài thơ lấy nghị luận làm chính, viết rất đặc sắc.
          Theo Tấn thư – Vương Huy Chi truyện 晋书 - 王徽之传, con của Vương Hi chi 王羲之 là Vương Huy Chi 王徽之 tính tình cao nhã, rất thích trúc. Có một lần, Vương Huy Chi đến ở tạm một căn nhà trống, liền sai người nhà trồng trúc. Có người hỏi nguyên do, ông không giải thích thẳng mà “ngâm vịnh một hồi rồi chỉ cây trúc nói rằng:
 Hà khả nhất nhật vô thử quân
何可一日无此君
(Làm sao có thể một ngày không có anh này)
Câu Ninh khả thực vô nhục, bất khả cư vô trúc chính là mượn điển này để ca tụng tăng Ư Tiềm. Nhân vì điển cố có hình tượng với phong thái hơn đời, trong thơ lại dùng ngữ khí lựa chọn “khả” và “bất khả” để khẳng định nên hình tượng một vị cao tăng siêu nhiên bất tục càng đậm nét hiện lên trang giấy.
          “Vô nhục linh nhân sấu, vô trúc linh nhân tục” là tiến thêm một bước phát huy câu “bất khả cư vô trúc”, nó giàu chất triết lí, viết ra giá trị so sánh giữa vật chất với tinh thần, giữa mĩ đức và mĩ thực. Ăn không có những món ngon, không đủ chất bổ dưỡng thì chỉ “linh nhân sấu” mà thôi; còn như người không có tiết như cây tùng cây trúc, không có lòng ham thích nhã thượng thì sẽ “linh nhân tục”. Đây vừa là những lời ca tụng khí tiết của tăng Ư Tiềm, vừa là lời cảnh báo đối với những hạng người thiếu khí tiết. Tiếp đó với câu “Nhân sấu thượng khả phì, sĩ tục bất khả y” đã làm ý này càng thêm khúc chiết, sáng rõ ngọn ngành. Với một người, điều quan trọng nhất đó là phẩm cách tư tưởng và cảnh giới tinh thần. Chỉ cần có tâm lí cao thượng, sẽ có được sự thẳng ngay như tùng bách, sẽ có được mùi hương thanh khiết như trúc mai, không sợ cường bạo, cứ theo đúng đạo lí mà làm, hơn hẳn người thường; ngược lại sẽ bị lợi danh cuốn hút, so đo giữa cái được cái mất, theo quyền thế mà ngẩng đầu cúi đầu, theo hướng gió mà dời chuyển, thái độ khúm núm nịnh nọt, cuối cùng những hành động xấu xa sẽ lộ ra. Loại người này luôn tự cho mình là cao minh, tự cho mình là đắc kế, nghe không lọt những lời khuyên can, sửa không được tính cách, cho nên thi nhân mới nói loại người này là “sĩ tục bất khả y” – thuốc không có tác dụng gì. Từ đây trở lên là đoạn thứ nhất. Đặc điểm của đoạn này là đưa ra lời cảnh báo, nghị luận sâu sắc khiến người đọc tỉnh ngộ.
          Đọc bài văn phải giống như ngắm nhìn núi, không thích bằng phẳng. Phần trên là nghị luận của thi nhân, tuy xuất ngữ bất phàm, nhưng nếu cứ nghị luận tiếp thì sẽ có chỗ bằng phẳng, vì toàn những lời thuyết giáo. Đoạn dưới bắt đầu gợn sóng, chuyển sang ý mới, loại tục sĩ “bất khả y” đứng dậy tự mình biểu diễn, đây chính là cách mà trong Tu từ học gọi là “thị hiện” 示现. “Bàng nhân” trong câu “Bàng nhân tiếu thử ngôn”: Tự cao hoàn tự si” chính là loại tục sĩ mà ở trên nói đến. Nghe những lời nghị luận của thi nhân, họ không cho là đúng; họ tuy cho rằng “bất khả cư vô trúc” là những lời vu khoát, là cách nhìn của hủ nho; nhưng ngoài miệng lại đem lời nghị luận này nói thành “tự cao, tự si”, từ ngữ khí ba phải này đã thể hiện đặc điểm khôn khéo, cách xử thế của loại người này; họ tuyệt nhiên không gây thù địch từ những lời biện luận.
          Tiếp đó là những lời trào lộng và phản vấn của thi nhân đối với loại tục sĩ:
Nhược đối thử quân nhưng đại tước, thế gian na hữu Dương Châu hạc, “thử quân” từ này xuất phát từ câu nói Hà khả nhất nhật vô thử quân của Vương Huy Chi, tức chỉ trúc. “Đại tước” xuất phát từ bài Dữ Ngô Chất thư 与吴质书 của Tào Thực 曹植:
Quá đồ môn nhi đại tước, tuy bất đắc nhục, quý thả khoái ý
过屠门而大嚼, 虽不得肉贵且快意
(Qua cửa hàng thịt mà miệng nhai, tuy không ăn được thịt nhưng trong lòng cũng đã cảm thấy vui thích)
“Dương Châu hạc” xuất phát từ Ân Vân tiểu thuyết 殷芸小说, đại ý câu chuyện là: có mấy người khách cùng đi với nhau, mỗi người nói lên chí hướng của mình. Có người nói muốn làm Thứ sử Dương Châu, có người lại thích được nhiều tiền, có người lại muốn cưỡi hạc lên trời trở thành thần tiên. Trong đó có một người nói rằng muốn: ‘Bên hông đeo mười vạn quan tiền, cưỡi hạc bay đến Dương Châu’, vừa được thăng quan lại được phát tài thành tiên. Ý Tô Thức muốn nói rằng: vừa muốn trồng trúc để có được danh tiếng thanh cao, lại muốn đối diện với trúc mà ham món ăn ngon ngọt, thì ở đâu trên nhân gian này có người “bên hông đeo mười vạn quan tiền, cưỡi hạc bay đến Dương Châu.” Người mà danh tiết cao thì khó mà giàu có, người mà giàu có thì khó mà có được danh tiết cao; người làm quan không rảnh để học tiên thuật, người đắc đạo không rảnh để làm quan; người ăn thịt không có cao tiết, người cao tiết không ăn thịt; không thể kiêm được cả hai cái tốt, càng không thể cùng một lúc có được nhiều cái tốt.
          Bài thơ lấy ngũ ngôn làm chính, lấy nghị luận làm chủ, nhưng do bởi có dùng cú thức tản văn hoá, cùng với một số thủ pháp biểu hiện của phú, nên có thể từ trong nghị luận mà thấy được phong thái, thấy có gợn sóng, trong nghị luận gởi gắm hình tượng. Tô Thức rất giỏi ở việc phát huy đề tài, có sức liên tưởng phong phú, từ một đề tài bình thường mà có được một ý mới, ngôn ngữ bất phàm, bài thơ này là một ví dụ.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 27/12/2014

Previous Post Next Post