Dịch thuật: Quang

QUANG

          “Quang” cũng gọi là “tự quang” 兕觥, là loại dùng để đựng và rót rượu thuộc thanh đồng khí, hình dạng có khả năng bắt nguồn từ tê giác khí 犀角器, đặc trưng chủ yếu là, nắp có hình động vật lập thể, bụng hình bầu dục, trước cao sau thấp, chân liền một khối hoặc 3, 4 chân. Tên gọi “tự quang” thường thấy trong cổ tịch thời Tiên Tần, nhưng vật thực loại này đều không tự khắc tên gọi, có phải là “tự” dùng trong trường hợp lễ nghi thời cổ hay không, giới học thuật vẫn còn có ý kiến khác nhau. Những loại hiện nay gọi chung là “tự quang” được định danh bắt đầu từ quyển Tục khảo cổ đồ 续考古图 thời Tống, nhưng với loại “di” tiền nhân thường lẫn lộn nhau. Gần đây, Vương Quốc Duy 王国维 khi viết Thuyết quang 说觥, bắt đầu đã có sự khu biệt. Do bởi “tự quang” lấy hình thể động vật để tạo hình hoặc làm hoa văn trang sức, nên lại lẫn lộn với “hi tôn” 牺尊 trong các loại tửu khí. Có loại quang nơi bụng đặt muỗng dùng để múc rượu, cho nên có thể suy đoán là vật dùng đựng rượu. Với “tự quang”, trừ một số ít tác phẩm như “tẫn dẫn quang” 賮引觥, giản dị chất phác, đại bộ phận tạo hình hoa văn trang sức rất hoa lệ, phức tạp. Nhìn chung, phía trước nắp của “quang” đúc thành đầu con vật dạng lập thể, hoặc động vật tả thực như là trâu, hổ, voi …, hoặc hình dị thú tổng hợp đặc điểm hình thể động vật khác nhau, phía sau nắp đúc thành hình đầu chim hào , hai bên còn gắn thêm hoa văn động vật như hổ, voi, thỏ. Hoa văn trang sức ở phần thân có cái liền với phần đầu của nắp, chỉnh thể khí vật cấu thành hình thể điểu, thú hoàn chỉnh; có cái trên dưới không liên thuộc, phần bụng đơn độc lấy mặt thú hoặc hình chim để trang sức. Chiếc “quang” với hoa văn điểu thú được lưu giữ tại bảo tàng mĩ thuật Phất Lợi Nhĩ 弗利尔 (Freer Gallery of Art) tại Mĩ, chung quanh phần thân có đến hơn 30 loại hình thể cầm thú, phức tạp nhất. “Chiết quang” 折觥 đào được tại Bạch Gia diếu 白家窖 Phù Phong trang 扶风庄 tỉnh Thiểm Tây 陕西 năm 1976 là tinh xảo nhất. “Trường quang” 长觥 hình rồng đào được tại Thạch lâu Đào Hoa trang 石楼桃花庄 tỉnh Thiểm Tây陕西 năm 1959 tạo hình tương đối độc đáo.
          “Tự quang” chủ yếu lưu hành vào hậu kì đời Thương và tiền, trung kì thời Tây Chu, số lượng cực ít. Theo Lịch đại trứ lục cát kim mục 历代著录吉金目, số lượng thu thập được trải qua các đời chỉ có 13 chiếc. Hiện tồn tại cũng chỉ có chừng đó, trong đó “quang” phát hiện tại mộ Phụ Hảo 妇好 đời Thương 2 chiếc thành một cặp, tổng cộng có 8 chiếc. “Tự quang” và “điểu thú tôn” giống nhau, đều là loại thanh đồng khí cổ đại có số lượng cực ít nhưng giá trị nghệ thuật cực cao.

Chú của người dịch
1- “Quang” theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu:
          “Cái chén uống rượu bằng sừng trâu”.
     Theo  Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyên Tôn Nhan:
Chữ âm đọc là “quăng”: “chén rượu bằng sừng con tê”.
Bài Quyển nhĩ 卷耳 Chu Nam 周南 trong Kinh Thi có câu:
Ngã cô chước bỉ tự quang
我姑酌彼兕觥
(Ta chỉ rót rượu vào chén bằng sừng con tự)
(Tạ Quang Phát: Kinh Thi, tập 1 trang 51, 52
Nxb Văn học, Hà Nội - 1999)

 MỘT VÀI LOẠI QUANG
 
Phụng điểu văn tự quang 


Ngưu quang 


Phụ Ất quang


Diện thú văn quang


Truyền thế hổ văn quang

Nguồn http://www.google.com.vn/search?

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 09/12/2014

Nguồn: CỔ NGOẠN 古玩
Tác giả: Đỗ Vệ Dân 杜卫民
Bắc Kinh: Học Uyển xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post