Dịch thuật: Lịch trình phát triển của hội hoạ Trung Quốc (tiếp theo)

LỊCH TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA HỘI HOẠ TRUNG QUỐC
(tiếp theo)

          Đời Minh, hội hoạ cung đình đã kế thừa viện thể thời lưỡng Tống hưng thịnh trở lại, xuất hiện những đại gia viện thể hoạ như Biên Cảnh Chiêu 边景昭, Lâm Lương 林良, Lữ Kỉ 吕纪, Tạ Hoàn 谢环. Phong cách hội hoạ của họ lại hình thành nét đặc sắc của lưu phái khu vực, sản sinh ra “Triết phái” 浙派 mà đứng đầu là Đới Tiến 戴进, Ngô Vĩ 吴伟. Đến giữa và cuối đời Minh, phong cách hội hoạ thuỷ mặc của văn nhân đời Tống Nguyên mới được phục hưng trở lại, phát triển thành “Ngô môn hoạ phái” 吴门画派 mà Thẩm Chu 沈周, Văn Trưng Minh 文徵明, Đường Dần 唐寅 là đại biểu, cùng với Đổng Kì Xương 董其昌 là đại biểu “Tùng Giang phái” 松江派. Về phương diện hoa điểu hoạ, kĩ pháp luôn có sự sáng tạo, Trần Thuần 陈淳, Từ Vị 徐渭 đã khai thác được bút mực hào hùng về tả ý hoa điểu, có ảnh hưởng rất lớn đối với hoạ đàn hoa điểu đời Thanh.
          Hoạ đàn hai thời Minh Thanh có 4 đặc điểm lớn:
          - Sự phục hưng của hội hoạ cung đình, đời Minh có chế độ hoạ gia chuyên môn, đời Thanh thì thiết lập Như Ý quán 如意馆 dành cho hoạ gia.
          - Sự dịch chuyển ngầm của văn nhân hoạ và sự hưng khởi thương phẩm hoá hội hoạ.
          - Sự truyền nhập hội hoạ phương tây.
          - Các lưu phái hội hoạ nổi lên nhiều và hoạ gia đều toàn năng đối với các đề tài hội hoạ.
          Từ giữa và cuối đời Minh đến đời Thanh, lịch sử hội hoạ giai đoạn này đã không dựa theo sự phân loại khoa mục như nhân vật, hoa điểu, sơn thuỷ để giới thiệu, mà dựa theo hoạ phái của hoạ gia quy thuộc lại để triển hiện. Hoạ đàn đầu đời Thanh xuất hiện một số lưu phái hội hoạ mang đậm nét đặc sắc địa phương: sơn thuỷ hoạ mô phỏng theo cổ của “tứ Vương” 四王 (1) chiếm địa vị thống trị; “tứ tăng” 四僧 (2), “Kim Lăng bát gia” 金陵八家 (3) chú trọng đến tự nhiên, mỗi phái đều có sự sáng tạo đặc biệt; Uẩn Thọ Bình 恽寿平 của “Thường Châu hoạ phái” 常州画派 đã thay đổi “một cốt pháp” 没骨法 của Từ Sùng Tự 徐崇嗣, mở ra một cảnh giới mới tả hoa cỏ; “Dương Châu hoạ phái” 扬州画派 đã tạo nên sự khác lạ, cá tính mạnh mẽ. Cuối đời Thanh các hoạ gia tập trung tại Thượng Hải, về nội dung đề tài và hình thức nghệ thuật cũng có nét mới, trở thành “Hải thượng hoạ phái” 海上画派.
          Thế kỉ 20 là thời kì rất đặc biệt trong lịch sử Trung Quốc, xã hội chuyển biến, ngoại hoạn nội loạn, “đại cách mạng văn hoá” và sự xâm nhập làn gió tây dương. Nhân đó, sơn thuỷ hoạ với thời gian cả trăm năm đã phát sinh sự biến hoá rõ nét tương ứng với nó. Đầu thế kỉ 20, Triệu Chi Khiêm 赵之谦, Nhậm Hùng 任熊, Hư Cốc 虚谷, Ngô Xương Thạc 吴昌硕 trong “Hải thượng hoạ phái” với nét đặc sắc của mình đã đả phá cục diện hoạ đàn trầm lắng thời Gia Khánh 嘉庆, Đạo Quang 道光 nhà Thanh trở đi, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển hội hoạ Trung Quốc ở thế kỉ 20.
          Đầu những năm Dân Quốc, “Hải thượng hoạ phái” và “Lĩnh Nam phái” 岭南派 với Cao Kiếm Phụ 高剑父, Trần Thụ Nhân 陈树人, Cao Kì Phong 高其峰 là đại biểu, cùng với “Kinh phái” 京派 với Kim Thành 金城, Trần Sư Tăng 陈师曾, Diêu Hoa 姚华 là đại biểu đã tạo thành thế chân vạc. Thời kì này, một số hoạ gia học từ nước ngoài trở về ra sức đổi mới quốc hoạ. Trong số họ có Từ Bi Hồng 徐悲鸿 là đại biểu đề xuất chủ trương kiến lập “tân quốc hoạ”. Quốc hoạ đầu những năm 50 của thế kỉ 20 được xem là đã mở màn cho “tân sơn thuỷ hoạ”, tìm được cho quốc hoạ phương pháp thoát khỏi cách cũ về phương diện biểu hiện hiện thực cuốc sống. Trong quá trình này, biểu hiện xây dựng cuộc sống, thánh địa cách mạng và thi ý của Mao Trạch Đông 毛泽东 trở thành 3 đại chủ đề của “tân sơn thuỷ hoạ”. Phó Bão Thạch 傅抱石, Lí Khả Nhiễm 李可染, Tần Trọng Văn 秦仲文, Quan Sơn Nguyệt 关山月 đếu là hoạ gia đại biểu của thời kì này.
          Những năm 50 của thế kỉ 20, Hoàng Tân Hồng 黄宾虹, Tề Bạch Thạch 齐白石 – nhất đại tông sư, vẫn sáng tạo được phong cách sơn thuỷ hoạ của riêng mình trong cách vẽ truyền thống, và đã ảnh hưởng đến người sau. Thời kì “văn cách” 文革, thời đại quá yêu cầu cường điệu đề tài khiến sơn thuỷ hoạ xuất hiện sự phát triển dị dạng. Từ cải cách mở cửa đến nay, văn hoá hội hoạ Trung Tây tiến một dung hợp, khiến văn hoá hội hoạ truyền thống Trung Quốc chịu sự va chạm mãnh liệt, xuất hiện văn hoá mới: một mặt hoạ gia Trung Quốc bắt đầu có cơ hội lĩnh hội tinh hoa về hội hoạ sơn dầu châu Âu, về phương diện chế tác, tài liệu, kĩ pháp vẽ tranh sơn dầu đã có một số biến đổi mới mẻ, từ chú trọng tỉ lệ màu sắc nóng lạnh chuyển hoá hướng đến chú trọng kết cấu bức tranh và mối quan hệ sáng tối; mặt khác, nghệ thuật hội hoạ dân gian Trung Quốc đã từng bước phát triển trở thành hội hoạ dân gian hiện đại, vừa có tính thời đại tươi sáng, lại có ý vị cuộc sống. Cả hai hỗ tương giao thao dung hợp, khiến nghệ thuật hội hoạ Trung Quốc không ngừng được nâng cao.

Chú của người dịch
(1)- Tứ Vương 四王: cũng gọi là  “Tứ Vương hoạ phái” 四王画派, “Giang Tả tứ Vương” 江左四王 gồm: Vương Thời Mẫn 王时敏, Vương Giám 王鉴, Vương Huy 王翬, Vương Nguyên Kì 王原祁.
(2)- Tứ tăng 四僧: tức “Thanh sơ tứ tăng” 清初四僧 gồm Hoằng Nhân 弘仁, Khôn Tàn 髡残, Thạch Đào 石涛, Chu Đáp 朱耷.
(3)- Kim Lăng bát gia 金陵八家: gồm Cung Hiền 龚贤, Phàn Kì 樊圻, Cao Sầm 高岑, Trâu Triết     , Ngô Hoành 吴宏, Diệp Hân 叶欣, Hồ Tạo 胡造, Tạ Tôn 谢荪
          Theo http://zh.wikipedia.org.wiki

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 05/11/2014

Nguyên tác Trung văn
TRUNG QUỐC HỘI HOẠ PHÁT TRIỂN LỊCH TRÌNH
中国绘画发展历程
Trong quyển
TRUNG QUỐC HỘI HOẠ VĂN HOÁ
中国绘画文化
Tác giả: Tần Mộng Na 秦梦娜
Thời Sự xuất bản xã, 2008.
Previous Post Next Post