Dịch thuật: Đặc điểm của phong tục nguyên thuỷ

ĐẶC ĐIỂM CỦA PHONG TỤC NGUYÊN THUỶ

          Phong tục nguyên thuỷ là kiến trúc thượng tầng được kiến lập trên cơ sở kinh tế xã hội nguyên thuỷ, tư duy lúc bấy giờ cũng có điểm đặc biệt, như chủ khách bất phân, phiếm linh luận, huyễn tưởng nhiều hơn thực tế v.v… Những điểm này đối với sự hình thành và phát triển của phong tục nguyên thuỷ đều có ảnh hưởng quan trọng.
1- Tính quần thể
          Phong tục nguyên thuỷ là loại phong tục mang tính quần thể, nó chỉ thịnh hành trong một quần thể, hoặc lưu hành trong bầy người nguyên thuỷ, trong công xã huyết thống, công xã thị tộc, hoặc lưu hành trong bộ lạc, liên minh bộ lạc. Phong tục trong đó, không phải là hành vi cá nhân mà là tín niệm và hành vi của tập thể. Hạt nhân của tính tập thể này là lấy huyết thống làm sợi dây nối. Trong Quốc ngữ - Tấn ngữ 国语 - 晋语 có ghi:
Dị tính tắc dị đức, dị đức tắc dị loại
异姓则异德, 异德则异类
(Khác tính thì khác đức, khác đức thì khác loài)
          Đi kèm theo đó là:
- Phong tục nguyên thuỷ vô cùng hẹp, lấy lợi ích của đơn vị huyết thống làm tiêu chuẩn đúng sai, nếu không phải là cùng tộc với ta thì lòng sẽ khác, chỉ có thân với người thân, nhìn chung làm việc gì đều cự tuyệt người ngoài.
- Phong tục nguyên thuỷ có tính bài xích, tổ chức các loại tế tự nghi thức, chỉ cho phép thành viên trong tập thể của mình tham gia, không cho người ngoài tham gia, nếu không sẽ mang tới tai hoạ và quỷ quái. Người Ma Toa (Thoa) 摩梭 thực hành tẩu hôn, ban đêm hợp lại ban ngày rời xa, con cái về nhà mẹ nuôi dưỡng, vì thế chỉ thân với mẹ, không biết có cha. Cá biệt con trai ảnh hưởng Hán tộc khi đi nhận con thường gặp phải sự khinh thường, thậm chí phát sinh sự kiện con đánh cha. Người Di ở Lương Sơn 凉山 giữa các nhà gây oán với nhau, cuối cùng khi hoà giải phải uống bát máu, họ cho rằng chỉ cần hai bên cùng uống một bát máu thì chính là anh em, máu chảy trong thân thể như nhau, sẽ không nhận cốt nhục là thù địch, nếu không sẽ bị giết như gà, dê, trâu.
2- Tính địa vực
          Do bởi bầy người nguyên thuỷ cư trú tụ tập, hoạt động trong một không gian nhất định nên phong tục của họ cũng có tính địa vực nhất định. Trong Lễ kí – Vương chế 礼记 - 王制 có ghi:
          Đông phương viết Di, bị phát văn thân, hữu bất hoả thực giả hĩ. Nam phương viết Man, điêu đề giao chỉ, hữu bất hoả thực giả hĩ. Tây phương viết Nhung, bị phát ý bì, hữu bất lạp thực giả hĩ. Bắc phương hữu Địch, ý vũ mao huyệt cư, hữu bất lạp thực giả hĩ.
          东方曰夷, 被发文身, 有不火食者矣. 南方曰蛮, 雕题交趾, 有不火食者矣. 西方曰戎, 被发衣皮, 有不粒食者矣. 北方有狄, 衣羽毛穴居, 有不粒食者矣.
          (Tộc người ở phương đông gọi là Di, họ xoả tóc xăm mình, trong đó có  người không ăn thức ăn nấu chín. Tộc người ở phương nam gọi là Man, họ khắc hoa văn trên trán, ngón chân ở hai bàn chân hướng vào nhau, trong đó cũng có người không ăn thức ăn nấu chín. Tộc người ở phương tây gọi là Nhung, họ xoả tóc mặc áo làm bằng da thú, trong đó có người không ăn ngũ cốc. Tộc người ở phương bắc gọi là Địch, họ mặc áo làm bằng lông chim lông cừu, đào hố để ở, trong đó cũng có người không ăn ngũ cốc.)
          Điều kiện tự nhiên các nơi khác nhau, lại thêm tâm lí và tín ngưỡng của cư dân khác nhau cho nên phong tục cũng khác nhau. “Thập lí bất đồng phong, bách lí bất đồng tục” 十里不同风, 百里不同俗, nói một cách khái quát, vùng Giang Nam 江南 có tục làm lúa đạo , phương bắc có tục làm lúa túc , vùng tây bắc thì lưu hành nghề du mục. Bộ lạc nông canh coi trọng đất nên khó di dời, xem đất đai là sinh mạng; bộ lạc du mục thì coi trọng nước và cỏ, sống theo nước và cỏ. Đó là sự phân định phong tục kiếm sống, phản ánh các phương diện như chỗ ở, ẩm thực, vui chơi, tín ngưỡng cũng có điểm khác nhau.
          Theo sự sản sinh tính địa vực, tại địa vực khác nhau sẽ hình thành phong tục có loại hình khác nhau. Điều này càng rõ ở khảo cổ. Lấy khảo cổ tiền sử vùng Sơn Đông 山东 làm ví dụ, trước sau có văn hoá Bắc Tân 北辛 – văn hoá Đại Vấn Khẩu 大汶口 – văn hoá Long Sơn 龙山 – văn hoá Nhạc Thạch 岳石. Mỗi giai đoạn lại có thể phân ra một số loại hình. Trong đó văn hoá Long Sơn có 2 loại hình: Thành Tử Nhai 城子崖 và Tây Ngô Tự 西吴寺, mỗi loại hình có một số đặc điểm, đây là phản ánh sự sai biệt phong tục khu vực khác nhau. Tư liệu dân tộc học cũng như thế, như người ở Đài Loan 台湾 có 9 loại, tộc người Lê ở Hải Nam 海南 có 5 loại, tộc người Di ở Vân Nam 云南 có hơn 10 loại. Sự phân chia các chi hệ của mỗi tộc chủ yếu là căn cứ vào phong tục khác nhau mà xác nhận.    (còn tiếp)

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 05/5/2014

Nguyên tác Trung văn
NGUYÊN THUỶ PHONG TỤC ĐÍCH ĐẶC ĐIỂM
原始风俗的特点
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC THÔNG SỬ
NGUYÊN THUỶ XÃ HỘI QUYỂN
中国风俗通史
原始社会卷
Tác giả: Tống Triệu Lân宋兆麟
Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã, 2001.
Previous Post Next Post