Dịch thuật: Truyền thuyết Hàn Tương Tử

TRUYỀN THUYẾT HÀN TƯƠNG TỬ

          Hàn Tương Tử 韩湘子 vốn là nhân vật trong truyền thuyết, nhưng từ sau khi có vị trí ổn định trong bát tiên, văn nhân học giả thích khảo chứng thân thế của ông. Nhưng sức thuyết phục chân chính vẫn là một số câu chuyện lưu hành trong dân gian.
Nhất phong triêu tấu cửu trủng thiên
Tịch biếm Triều Dương lộ bát thiên
Dục vị thánh triều trừ tệ sự
Khẳng tương suy hủ tích tàn niên?
Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại?
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền.
Tri nhữ viễn lai ưng hữu ý
Hảo thu ngô cốt chướng giang biên
一封朝奏九重天
夕贬潮阳路八千
欲为圣朝除弊事
肯将衰朽惜残年?
云横秦岭家何在?
雪拥蓝关马不前
知汝远来应有意
好收吾骨瘴江边
(Buổi sáng dâng bài biểu lên Hoàng thượng
Buổi chiều đã bị biếm đến Triều Dương xa cả ngàn dặm
Muốn vì thánh triều dẹp trừ những tệ nạn
Đâu phải vì thân già suy yếu mà tiếc lúc tàn niên?
Mây giăng ngang Tần Lĩnh, nhà ta ở chốn nào?
Tuyết đầy cả Lam Quan khiến ngựa không thể nào tiến được.
Biết rằng cháu đường xa đến đây là có ý
Nhờ thu nhặt lấy xương của ta ở bên sông đầy chướng khí này mang về.)
          Đây là bài thơ nổi tiếng của đại văn hào Hàn Dũ 韩愈 đời Tống tặng cho người cháu của mình là Hàn Tương 韩湘. Hàn Tương ở đây chính là “Hàn Tương Tử”, một trong bát tiên của truyền thuyết dân gian. Hàn Tương là cháu Hàn Dũ, con của Hàn Lão Thành 韩老成, đậu Tiến sĩ vào năm Trường Khánh 长庆 thứ 3 đời Đường Mục Tông 唐穆宗, giữ chức Đại lí thừa 大理丞. Truyền thuyết kể rằng ông ưa thích Đạo gia, chuộng huyền đàm thanh thoại, những việc thần tiên không việc gì là không tìm hiểu, vả lại có bản lĩnh kì dị, có thể làm cho hoa nở ra 3 màu, khiến Hàn Dũ vô cùng kinh ngạc. Theo Tân Đường thư – Tể tướng thế hệ biểu 新唐书 - 宰相世系表 (quyển 73 thượng) có ghi:
Hàn Dũ huynh Hàn Giới, tử Bách Xuyên, Lão Thành, Lão Thành tử Hàn Tương, tự Bắc Tự, quan chí Đại lí thừa.
韩愈兄韩介, 子百川, 老成, 老成子韩湘, 字北绪, 官至大理丞.
(Anh của Hàn Dũ là Hàn Giới, có con là Bách Xuyên và Lão Thành, con Lão Thành là Hàn Tương, tự Bắc Tự, làm quan đến chức Đại lí thừa)
Tương tự với câu chuyện ở trên còn có thuyết khác. Tương truyền Hàn Tương Tử là do Lữ Động Tân 吕洞宾 điểm hoá thành tiên. Ông vốn là cháu của Hàn Dũ, từ nhỏ đã thích theo các Đạo sĩ, thường bỏ nhà đi đến mấy năm không về. Một ngày nọ, Hàn Dũ tổ chức sinh nhật, đang yến tiệc cùng khách, Hàn Tương rời nhà rất lâu đột nhiên trở về, đầu bù tóc rối. Hàn Dũ rất giận, đang định trách mắng, thấy ông đem tới một cái chậu, tưới nước vào, từ bùn đất bỗng đâm chồi cây, ra lá rồi trổ hoa, trong phút chốc, một đoá mẫu đơn xanh lớn bằng cái bát hiện ra trước mặt mọi người, trên cánh hoa còn có hai hàng chữ bằng vàng:
Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại?
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền.
Hàn Dũ không hiểu ý nghĩa hai câu này, Tương Tử bảo rằng:
Ngày sau tự nghiệm ra, thiên cơ không thể tiết lộ
          Tiệc tan, Tương Tử lại ra ngoài viễn du. Cách mấy năm sau, Hàn Dũ đắc tội với Hoàng thượng, bị biếm đến Triều Châu 潮州. Hàn Dũ cưỡi ngựa ra đi, vượt qua một ngọn núi cao, đến một nơi gần quan ải, đột nhiên trời đổ tuyết khiến không có cách nào tiến lên. Bỗng bên đường vang đến tiếng sáo, hoá ra là người cháu Hàn Tương thổi sáo ngọc đang đợi ông. Hàn Tương tiến lên hỏi Hàn Dũ:
Ông còn nhớ câu thơ lúc hoa nở không?
          Hàn Dũ hỏi đây là nơi nào, Hàn Tương Tử bảo nơi đây là Lam Quan. Hàn Dũ than một hồi lâu rồi nói:
Việc đời có định số, ta đem hai câu thơ trước đây làm thêm thành một bài.
 Vì vậy nên mới có bài thơ nổi tiếng Hàn Dũ tặng cho Hàn Tương nói ở trên. Thơ làm xong, hai người thu thập hành lí tiến vào Lam Quan. Từ đó Hàn Dũ mới tin những dự đoán của Hàn Tương Tử không phải là không có căn cứ. Đêm đến hai người bàn chuyện cũ, luận về việc tu chân, Hàn Dũ rất vui mừng. Hàn Tương Tử một lần nữa lại dự đoán rằng:
          Ông chẳng bao lâu nữa sẽ về phía Tây, không những bình an mà còn được triều đình trọng dụng lại.
          Hàn Dũ hỏi thời gian lần sau gặp lại nhưng Hàn Tương Tử không chịu nói. Truyền thuyết kể rằng cuối cùng Hàn Tương Tử độ Hàn Dũ thành tiên rồi đi.
          Trong Liệt tiên toàn truyện 列仙全传 quyển 6 có ghi:
          Hàn Tương Tử từ nhỏ học đạo, theo Lã Thuần Dương 吕纯阳, sau leo lên cây đào bị té chết thấy hoá lên tiên. Khi Hàn Dũ được giữ chức Hình bộ Thị lang, tân khách đầy nhà, bạn bè đến chúc mừng. Hàn Tương Tử khuyên Hàn Dũ bỏ quan để học đạo, còn Hàn Dũ thì khuyên Hàn Tương Tử bỏ đạo để theo việc học. Hàn Tương Tử từ chiếc hồ lô nhỏ rót rượu cho tất cả tân khách, thế mà hồ lô không cạn, lại lấy đất bỏ vào chậu, nở ra hai đoá hoa, bên hoa có hai câu bằng vàng:
Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại?
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền.
          Hàn Dũ không hiểu ý nghĩa, sau do bởi can vua rước Phật cốt nên bị biếm trích đến Triều Châu, từ biệt nhà ra đi, đến Lam Quan gặp lúc tuyết rơi, ngựa không thể đi được. Hàn Tương Tử đội tuyết đến, Hàn Dũ hỏi nơi này, biết đó là Lam Quan, mới than những dự đoán của Hàn Tương Tử là linh nghiệm. Truyền thuyết này so với truyền thuyết trên là cùng nguồn gốc, câu chuyện đều xoay quanh hai câu thơ trong bài Tả thiên chí Lam Quan thị điệt tôn Tương 左迁至蓝关示侄孙湘 của Hàn Dũ  trên đường bị biếm đến Triều Châu, từ đó triển khai phụ hoạ.
          Dương Nhĩ Tăng 杨尔曾 đời Minh trong Hàn Tương Tử toàn truyện 韩湘子全传, hồi thứ 30 có thuật lại việc Hàn Tương Tử đắc đạo thành tiên, nói rằng ông vốn là chim hạc trắng, nhận được sự độ thoát của Hán Chung Li 汉钟离 và Lữ Động Tân 吕洞宾, chuyển thế đến Hàn gia làm cháu Hàn Dũ, qua 7 lần Lữ Động Tân thử nghiệm, cuối cùng độ hoá thành tiên.
          Trong nghệ thuật tạo hình dân gian, Hàn Tương Tử là một thiếu niên thổi sáo, cây sáo cũng trở thành pháp bảo.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 23/12/2013

Nguyên tác Trung văn
HÀN TƯƠNG TỬ ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT
韩湘子的传说
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI BÁT TIÊN TẠO HÌNH NGHỆ THUẬT
中国历代八仙造型艺术
Biên soạn: Trịnh Quân 郑军, Lưu Đông Vân 刘冬云
Nhân dân mĩ thuật xuất bản xã, 2007.
Previous Post Next Post