Dịch thuật: Chữ "băng" trong Hán ngữ cổ

CHỮ “BĂNG” TRONG HÁN NGỮ CỔ

          Chữ “băng” có nghĩa là núi lở. Ở Tả truyện – Thành Công ngũ niên 左傳 - 成公五年 có ghi:
Lương sơn băng
梁山崩
(Núi Lương sạt lở)
          Chữ “băng” còn dùng với ý nghĩa trừu tượng, biểu thị “băng hội” 崩潰 (tan vỡ, sụp đổ). Trong Tả truyện - Ẩn Công nguyên niên 左傳 - 隱公元年:
Bất nghĩa bất nật, hậu tương băng
不義不暱, 厚將崩
(Đối với quốc quân bất nghĩa, đối với huynh trưởng không thân, cho dù thế lực có hùng hậu, cũng sẽ sụp đổ)
Luận ngữ - Quý thị 論語 - 季氏:
Bang phân băng li tích nhi bất năng thủ dã
邦分崩離析而不能守也
(Nước sụp đổ, chia rẽ mà không biết bảo vệ)
          Dẫn đến nghĩa chết, đặc biệt chỉ thiên tử. Ở Chiến Quốc Sách – Triệu Sách tam 戰國策 - 趙策三 có ghi:
Chu Liệt Vương băng
周烈王崩
          Xét: dùng “băng” để chỉ thiên tử chết, rõ ràng đây là một loại tỉ dụ. Cho nên trong Chiến Quốc Sách – Triệu Sách戰國策 - 趙策 khi cáo phó Chu Liệt Vương băng có nói:
Thiên băng địa sách, thiên tử hạ tịch
天崩地坼, 天子下席
((Thiên tử băng cũng như) Trời sụp đất lở, vị thiên tử mới nối ngôi phải nằm chiếu cỏ, ở nhà lá)
Xúc Chiệp 觸讋 cũng nói với Triệu Thái Hậu rằng:
Nhất đán sơn lăng băng, Trường An Quân hà dĩ tự thác ư Triệu?
一旦山陵崩, 長安君何以自託於趙?
(Mai kia khi sơn lăng sụp đổ, Trường An Quân biết lấy gì mà gởi thân ở nước Triệu?)
(Triệu Thái Hậu không phải là thiên tử, nhưng lúc bấy giờ Chu thiên tử không có quyền, Triệu Thái Hậu là chủ của một nước, cho nên dùng “sơn lăng” để tỉ dụ)

Phân biệt “băng” , “hoăng” , “tốt” , “tử” , “một” (歿).
          Trong xã hội phong kiến, sự phân biệt đẳng cấp rất nghiêm ngặt, ngay cả chết cũng phân đẳng cấp. Trong Lễ kí – Khúc lễ 禮記 - 曲禮 có ghi:
          Thiên tử tử viết băng, chư hầu viết hoăng, Đại phu viết tốt, sĩ viết bất lộc,
thứ nhân viết tử.
天子死曰崩, 諸侯曰薨, 大夫曰卒, 士曰不祿, 庶人曰死
          (Thiên tử chết gọi là băng, vua chư hầu chết gọi là hoăng, Đại phu chết gọi là tốt, kẻ sĩ chết gọi là bất lộc, dân thường chết gọi là tử)
          Ở Đường thư – Bách quan chí 唐書 - 百官志 cũng có ghi:
Phàm tang, nhị phẩm dĩ thượng xưng hoăng, ngũ phẩm dĩ thượng xưng tốt, tự lục phẩm đạt ư thứ nhân xưng tử.
凡喪, 二品以上稱薨, 五品以上稱卒, 六品達於庶人稱死.
         (Phàm việc tang, các quan từ nhị phẩm trở lên chết gọi là hoăng, từ ngũ phẩm trở lên gọi là tốt, từ lục phẩm trở xuống thứ dân gọi là tử)
 Trong Tả truyện đối với chư hầu cũng có lúc gọi là “tốt”. Ở Hi Công tam thập nhị niên 僖公三十二年 ghi rằng:
Đông, Tấn Văn Công tốt.
, 晉文公卒
          Đến thời Đường, cách dùng chữ “tốt” lại càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Trong bài Tự kinh phó Phụng Tiên huyện vịnh hoài 自京赴奉先縣詠懷 Đỗ Phủ 杜甫 viết rằng:
Nhập môn văn hào đào
Ấu tử cơ dĩ tốt
入門聞號咷
幼子飢已卒
(Bước vào cửa nghe tiếng gào khóc
Đứa con nhỏ vì đói nên đã chết)
Chữ “tốt” này chỉ phiếm chỉ chết. “Một” 歿 cũng phiếm chỉ chết. Thời thượng cổ chỉ viết là . Ở Mạnh Tử - Đằng Văn Công thượng 孟子 - 滕文公上 có câu:
Tích giả Khổng Tử một
昔者孔子沒
(Ngày xưa Khổng Tử mất)
          Trong Quá Tần luận thượng 過秦論上 Giả Nghị 賈誼 viết:
Hiếu Công kí một
孝公既沒
(Hiếu Công đã mất)
          Ở Luận ngữ - Học nhi 論語 - 學而:
Phụ tại quan kì chí, phụ một quan kì hành
父在觀其志, 父沒觀其行
(Khi cha còn sống thì xét chí hướng của cha, khi cha mất rồi thì xét hành vi của cha)
Và trong Sở từ - Hoài sa 楚辭 - 懷沙:
Bá Lạc kí một
伯樂
(Bá Lạc đã mất)
          Trong Sử kí – Khuất Nguyên Giả Sinh liệt truyện 史記 - 屈原賈生列傳  khi dẫn lại viết là
Bá Lạc kí một hề
伯樂歿兮

                                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                                            Quy Nhơn 16/12/2013

Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 1)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
Previous Post Next Post