Dịch thuật: Bí ẩn việc Tần Cối tư thông nước Kim

BÍ ẨN VIỆC TẦN CỐI TƯ THÔNG NƯỚC KIM

          Tần Cối 秦桧 (1090 – 1155), tự Hội Chi 会之, là một Hán gian có tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Thời Nam Tống, Tần Cối nắm giữ triều chính, tư thông với địch phản bội đất nước, tàn hại trung lương. Đặc biệt điều bỉ ổi là ông ta đã dùng tội danh “mạc tu hữu” 莫须有 (không cần phải có) để sát hại Nhạc Phi 岳飞, một danh tướng kháng Kim.
          Tần Cối trở thành gian tế từ lúc nào? Theo suy đoán, năm Tĩnh Khang 靖康 thứ nhất (năm 1126), Tần Cối sau khi bị quân Kim bắt, từ thân phận tù nhân trở thành nội gian. Mọi việc làm của Tần Cối khi ở đất Kim đến nay không thể tra khảo được, nhưng từ việc trở về Nam của Tần Cối có thể nói rõ vấn đề. Tần Cối nói là “giết kẻ canh giữ mình rồi đoạt lấy thuyền về Nam”, đối với việc này người đương thời rất hoài nghi, nhân vì có Tể tướng Phạm Tông Doãn 范宗尹, Tri xu mật viện sự Lí Hồi 李回 ra sức bênh vực, nên mới được Cao Tông 高宗 tiếp nhận, cuối cùng Cao Tông tin tưởng không nghi ngờ, giao cho nhiệm vụ quan trọng. Đầu niên hiệu Thiệu Hưng 绍兴 , người từng giữ qua chức Tể tướng là Chu Thắng Phi 朱胜非 trong Tú thuỷ nhàn cư lục 秀水闲居录 nói rằng:
          Tần Cối theo địch về phương Bắc, được Đại soái Đạt Lãi 达赉 (còn có tên là Đạt Lãn 达懒, Đạt Lan 达兰 tức Hoàn Nhan Xương 完颜昌) tin dùng, đến mức được cùng cả nhà trở về Nam. Cối là rễ họ Vương. Vương Trọng Sơn 王仲山 có một biệt thự ở Tế Nam 济南, quân Kim đã nhận ngàn xâu tiền làm quà, cả nhà Tần Cối được về, ngay cả nô bộc cũng không bị tổn hại, người ta biết rằng không phải là Tần Cối đào thoát.
          Ngoài ra còn có ghi chép rằng Tần Cối tại triều Kim dâng thư nghị hoà, kẻ thống trị triều Kim lúc bấy giờ đã tặng cho Tần Cối vạn quan tiền, vạn xấp lụa. Năm Kiến Viêm 建炎 thứ 4, quân Kim đánh Sở Châu 楚州, Tần Cối được phép dùng thuyền đưa cả nhà trở về, nếu không phải là gian tế thì làm sao có được sự ân sủng của quân Kim như thế? Sự tình là, năm Kiến Viêm thứ 3, khi quân Kim xâm chiếm phương Nam, Tần Cối là tuỳ quân chuyển vận sứ đồng hành cùng Thát Lãn 挞懒, em trai Kim Thái Tông. Trước lúc lên đường, Tần Cối muốn đưa vợ xuống phương Nam nhưng lại sợ Thát Lãn không đồng ý nên mới giả cải nhau, cố ý để Thát Lãn biết, cuối cùng được như ý. Nhiệm vụ quan trọng xuống phương Nam lần này của Tần Cối chính là dụ triều Tống nghị hoà với triều Kim.
          Từ phía người Kim cũng có thể tìm thấy chứng cứ rõ ràng việc Tần Cối đầu hàng người Kim. Năm Gia Định 嘉定 thứ 7 của nhà Tống (tức năm Trinh Hựu 贞祐 thứ 2 nhà Kim), để tránh quân Mông Cổ, Kim Tuyên Tông 金宣宗 đã dời đô đến Nam Kinh 南京 (Biện Kinh 汴京), Trứ tác lang là Trương Sư Nhan 张师颜 trong Nam thiên lục 南迁录 có chép qua việc này, trong đó có 2 lần nói đến Tần Cối:
          - Một là thảo luận có dời đô hay không, Trực học sĩ viện Tôn Đại Đỉnh 大鼎 khi nói đến tính tất yếu phải dời đô đã nói:
          Mùa Đông năm Thiên Hội 天会 thứ 8 (tức năm Kiến Viêm thứ 4 nhà Tống), các đại thần họp ở Liễu (ngự) lâm () tại Hắc Long Giang 黑龙江. Trần Vương Ngộ Thất 陈王悟室 sợ nhà Tống phục hưng trở lại, bề tôi của nhà Tống như Trương Tuấn 张浚, Triệu Đỉnh 赵鼎 lại nuôi chí phục thù, còn các tướng lĩnh như Hàn Thế Trung 韩世忠, Ngô Giới 吴玠 đang ngầm luyện tập binh lính. Trong tình hình đó, đã không thể dùng vũ lực khuất phục Nam Tống mà ngược lại kết oán càng sâu, khó mà để cho triều đình Nam Tống một lần nữa chủ động khuất phục cầu hoà. Nên kế sách đối với Nam Tống của các đại thần là dụ hoà, vì thế quyết định bí mật thả Tần Cối trở về, đúng như Trung Hiến Vương 忠献王 liệu định.
          - Một lần khác khi quân Mông Cổ công hãm Phục Châu 复州, Thuận Châu 顺州, 2 người bị bắt là Đồng tri huyện Triệu Tử Dần 赵子寅, Đốc vận thiên sứ Trương Nguyên Ứng 张元应 đào thoát được, sau khi về lại họ kiến nghị cầu hoà với Mông Cổ. Kim Tuyên Tông hạ chỉ phong Triệu Tử Dần làm Trực Chiếu Văn quán 直昭文馆, Trương Nguyên Ứng làm Tổng thiên mã phi long thập thất giám 总天马飞龙十七监. Quyền Cấp sự trung kiêm Tri chế cáo Tôn Đại Đỉnh 孙大鼎được phong Hoàn lục hoàng 还录黄 dâng tấu rằng:
          Đời đương lúc đa sự, kẻ sĩ không thường giữ mình, bên ngoài thì thuận bên trong thì nghịch, chỉ biết điều lợi. Tử Dần, Nguyên Ứng trở về, triều đình nghe theo lời họ cho là thành thực, thần rất nghi ngờ. Từ năm Thiên Thống 天统 đến nay đã 30 năm, quân phương Bắc tiến đánh bắt đi không biết bao nhiêu quan lại, không biết ai còn ai mất, nghe truyền rằng trong chốn ngục tù  khổ sở, hết thảy đều mong được chết. Chỉ riêng có 2 người này bỗng thoát được trở về, trong tình thế kinh hãi mà khí mạo không thay đổi, e rằng là kẻ gian của địch. Việc xưa thần không nói, chỉ dựa vào quốc sử. Mùa Đông năm Thiên Hội 天会 thứ 8, các đại thần lo sợ vua tôi Nam Tống khắc khổ phục thù, nên tìm cách ngăn lại. Lỗ vương nói rằng: ‘Chỉ có cách trước tiên thả một bề tôi của họ quay trở về, để nhân đó mà uy hiếp khiến triều đình Nam Tống quy thuận, cầu hoà. Chúng ta giả vờ không đáp ứng, đợi họ sau nhiều lần thỉnh cầu, mới tỏ thái độ miễn cưỡng đồng ý, như vậy mới có thể được.’ Trung Hiến Vương 忠献王bảo rằng: ‘Quân ta lúc đầu đến Thái Nguyên 太原, Trương Hiếu Thuần 孝纯 trông thấy sứ của nước Hoắc An 霍安, liền đến nghinh hàng. Sau khi chúng ta công chiếm Thái Nguyên, nhân đó tiến thẳng vào, vượt sông, lấy được Lạc Dương 洛阳, bao vây Đại Lương 大梁, đó là đều do trước tiên lấy được Hà Đông, người Nam triều ai mà không giận không thù Trương Hiếu Thuần. Thả ông ta về, ông ta làm sao có được chỗ đứng trong triều đình, làm sao đắc chí đắc vị? Việc này trong lòng tôi đã liệu định 3 năm rồi, chỉ có một mình Tần Cối là có thể dùng được. Tần Cối khi mới bị bắt từng nói nhà Tống còn được lòng người, cho dù có phế truất Triệu Cát 赵佶, Triệu Hằng 赵恒, người Tống cũng sẽ lập người họ Triệu; còn uy vọng của Trương Bang Xương 张邦昌 thì không đủ để mọi người phục, có lập ông ta làm Đế cũng không giúp được sự việc. Chưa đầy nửa năm lời của ông ta đều ứng nghiệm. Tôi thích con người Tần Cối, có thể lưu ông ta lại trong quân, lấy những sự việc để dò xét, con người này ngoài mặt tỏ thái độ kháng cự nhưng trong lòng và hành vi thực tế lại thuận tùng. Có lúc cùng với ông ta bàn về việc lợi hại của hai triều Tống và Kim, ông ta luôn nói rằng: người Nam về Nam, người Bắc về Bắc’.
          Với câu “chỉ hữu nhất Tần Cối khả dụng” 只有一秦桧可用 (chỉ có một mình Tần Cối là có thể dùng được), và câu “nhi Cối thuỷ ngôn Nam tự Nam, Bắc tự Bắc” 而桧始言南自南, 北自北 (Tần Cối luôn nói rằng: người Nam về với Nam triều, người Bắc về với Bắc triều) trong bản tấu, cho thấy rõ Tần Cối đã thật bụng đầu hàng triều Kim.
          Sau khi Tần Cối về lại triều đình nhà Tống, do bởi được Cao Tông tin dùng nên quan vận hanh thông, chiếm được chức vị cao là Tể tướng. Từ đó, Tần Cối độc chiếm đại quyền trong triều, tích cực theo đuổi việc đầu hàng phản quốc. Năm Thiệu Hưng 绍兴 thứ 8, Tần Cối thay Cao Tông nhận chiếu thư của triều Kim, chấp nhận “hoà nghị”. Sau đó để lấy lòng người Kim, Tần Cối đã gán cho Nhạc Phi 岳飞 , một vị tướng yêu nước chủ lực kháng Kim tội “mưu phản”, giết chết Nhạc Phi. Tháng 10 năm Thiệu Hưng thứ 25 (năm 1155) Tần Cối, tay đại Hán gian ô danh trong lịch sử Trung Quốc bệnh chết ở Lâm An 临安, thuỵ hiệu là Mậu Xú 缪丑. Hành vi bán nước của Tần Cối đã khiến Tần Cối trở thành tội nhân thiên cổ bị người đời sau phỉ nhổ.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 25/10/2013

Nguyên tác Trung văn
TẦN CỐI TƯ THÔNG KIM QUỐC CHI MÊ
秦桧私通金国之迷
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.
Previous Post Next Post