Dịch thuật: Mấy ý kiến về tội danh "mạc tu hữu" mà Tần Cối gán cho Nhạc Phi

MẤY Ý KIẾN VỀ TỘI DANH “MẠC TU HỮU”
 MÀ TẦN CỐI GÁN CHO NHẠC PHI (1)

 Trong Tống sử - Nhạc Phi truyện 宋史 - 岳飞传 có ghi, sau khi Tần Cối hại chết Nhạc Phi 岳飞 (2), Hàn Thế Trung 韩世忠bất bình đến chất vấn Tần Cối và 3 chữ “mạc tu hữu” 莫须有 là lời của Tần Cối trả lời Hàn Thế Trung. Hàm nghĩa của 3 chữ này xưa nay có nhiều tranh
luận, tổng kết lại đại thể có mấy ý kiến dưới đây:
- Hoặc hứa hữu 或许有: có lẽ có
          Từ điển Từ nguyên 辞源 theo quan điểm này. “Hoặc hứa hữu” có thành phần suy đoán, từ mơ hồ, đối với một vị quan cấp cao mà chấp nhận thái độ không chịu gánh trách nhiệm, đương nhiên là mọi người không phục, cho nên càng nổi bật nỗi oan khúc của Nhạc Phi. Nhưng cách giải thích này có một vấn đề rất lớn: Nhạc Phi có tội danh, hơn nữa tội danh rất rõ. Lúc bấy giờ tội danh chủ yếu của Nhạc Phi bị gian thần Vạn Hầu Tiết 万侯禼 hãm hại theo sự xúi giục của Tần Cối là:
Phi tằng thường tự ngôn ‘Kỉ dữ Thái Tổ giai tam thập tuế kiến tiết …’
飞曾尝自言己与太祖皆三十岁建节 …’
(Nhạc Phi từng nói ‘Ta và Thái Tổ đến 30 tuổi đều làm Tiết độ sứ …’)
Thụ chiếu bất cứu Hoài Tây tội
受诏不救淮西罪
(Tội tiếp chiếu nhưng không chịu cứu Hoài Tây)
Lệnh Trương Hiến hư thân cảnh báo dĩ động triều đình
令张宪虚申警报以动朝廷
(Lệnh cho Trương Hiến giả báo làm kinh động triều đình)
Như vậy không cần phải dùng từ mơ hồ. Hơn nữa, trả lời như vậy không phù hợp với thân phận Tần Cối. Tần Cối là Tể tướng, có học thức, đối với sự kiện trọng đại như thế, lại chuyên tâm sắp đặt, có thể đối đáp trôi chảy, không thể vội vàng như vậy.
- Tất tu hữu 必须有: phải có.
          Cách giải thích này cho rằng “mạc tu hữu” là viết nhầm của 3 chữ “tất tu hữu”. Theo quan điểm này có Từ Càn Học 徐乾学 (Tư trị thông giám hậu biên 司治通鉴后编), Tất Nguyên 毕沅 (Tư trị thông giám khảo dị 司治通鉴考异), Chu Di Tôn  朱彝尊… lại có Hoàng triều trung hưng kỉ sự bản mạt 黄朝中兴纪事本末 làm luận cứ phụ. Nhưng cách giải thích này cũng khiên cưỡng, bởi vì “mạc tu hữu” xuất hiện trong nhiều bộ thư tịch đời Tống, 3 chữ “tất tu hữu” trong thư tịch cá biệt hoàn toàn có khả năng là sự sai dị; đồng thời xem “tất tu hữu” là câu trả lời cũng hoàn toàn không hợp logique.
- Mạc, tu hữu , 须有: có lẽ, chắc là có.
          Du Chính Nhiếp 俞正燮 trong Quý Tị tồn cảo 癸巳存稿 cho rằng, 3 chữ “mạc tu hữu” phải ngắt câu là “mạc, tu hữu”. “Mạc” biểu thị sự do dự của Tần Cối, “tu hữu” biểu thị phải có. “Hàn Thế Trung đã hợp lại để mắng Tần Cối xằng bậy”. Cách giải thích này thuần tuý là suy đoán, thiếu chứng cứ tương ứng.
- Nan đạo một hữu? 难道没有?: lẽ nào không có?
          Đây là quan điểm mới xuất hiện những năm gần đây. Học giả Lí Ngao 李敖 thông qua sự khảo chứng các thư tịch triều Tống đã cho rằng, khẩu ngữ “mạc tu” triều Tống có nghĩa là “lẽ nào không có”. Đích xác, trong tư liệu thư tịch triều Tống hiện tồn, chí ít có thể tìm thấy mấy chục ví dụ trong những đoạn đối thoại có sử dụng “mạc tu”.
- Bất tu hữu 不须有: không cần phải có.
          Bài viết Thiên cổ nghi án “mạc tu hữu” 千古疑案莫须有” đăng trên Bắc Kinh thanh niên báo đã có cách giải thích đánh đổ 4 cách giải thích trước. Muốn làm rõ hàm nghĩa chân chính của 3 chữ đó nhất định phải từ sự phân tích hoàn cảnh chính trị lúc bấy giờ và hoàn cảnh ngôn ngữ của 2 người. Tội danh của Nhạc Phi hoàn toàn do một tay Tần Cối tạo ra, đây chính là bối cảnh chính trị của sự kiện, nhưng ở đây vẫn còn một bối cảnh lớn hơn mà thường bị nhiều người xem nhẹ, đó chính là Tống Cao Tông. Nhân vật như Nhạc Phi, tuyệt đối không phải  những hãm hại thông thường có thể hãm hại được, nếu tra xét không có chứng cự thực thì không thể thành án. Sự thực vụ án của Nhạc Phi quả đúng là tra xét không có chứng cứ thực, nếu như không có sự trợ giúp ngầm của Tống Cao Tông, Nhạc Phi không thể bị giết. Có thể nói, Tống Cao Tông đã ủng hộ việc giết Nhạc Phi. Trong hình thế chính trị lúc bấy giờ, Nhạc Phi đã có được ưu thế nhất định trong quân sự, rất có khả năng đánh bại quân Kim, đồng thời rước 2 vị Hoàng đế bị quân Kim bắt về lại, điều này Tống Cao Tông không chấp nhận. Thời gian đầu Tống Cao Tông trọng dụng Nhạc Phi là muốn Nhạc Phi bảo vệ triều Nam Tống được yên ổn, nhưng Nhạc Phi đã đi quá xa, và điều đó đã không phù hợp với ý đồ của Cao Tông., vì thế rất có thể Cao Tông đã ngầm ra hiệu cho Tần Cối hành động đối với Nhạc Phi. Điều này người đời không hề rõ, nhưng Tần Cối rất rõ, cho nên khi gặp phải Hàn Thế Trung chất vấn, Tần Cối đã trả lời một cách đơn giản “mạc tu hữu”. Với 3 chữ này hoàn toàn có thể từ mặt chữ trực tiếp lí giải là: “bất tu hữu” (không cần phải có), cũng chính là nói không cần phải có lí do. Tại sao không cần phải có lí do? Bởi Tần Cối rất rõ đó là nguyện vọng của hoàng đế. Tần Cối trả lời Hàn Thế Trung như thế kì thực là đã mượn uy của thiên tử, câu trả lời vô cùng hàm súc, không lộ chân tướng, đồng nghĩa với việc cảnh cáo Hàn Thế Trung không nên nhiều chuyện. Cần phải biết là ý đồ của Cao Tông là hết sức bí mật, bất cứ ai tiết lộ sẽ gặp phải tai hoạ, vì thế Tần Cối cũng chỉ ám thị. Hai người là đại thần vị cao quyền trọng của triều đình, trong lời đối thoại của họ thấp thoáng bối cảnh cũng là phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ. Đương nhiên, việc ám thị như thế chỉ có thể giảng giải trong trường hợp bí ấn, cho nên Hàn Thế Trung rất căm giận nhưng không biết phải làm thế nào. Ông ta hỏi Tần Cối:
Mạc tu hữu hà dĩ phục thiên hạ
莫须有何以服天下
          Hàn Thế Trung nói không thể phục thiên hạ chứ không phải nói bản thân mình không phục. Câu đó dịch theo ngôn ngữ hiện nay là:
 Không cần phải có? Ông có thể nói như thế với tôi, chứ làm sao mà ăn nói với thiên hạ.
Chỉ có lí giải như vậy mới có thể hoàn toàn phù hợp với mối quan hệ giữa câu trên và câu dưới. Đương nhiên Tần Cối không cần quan tâm đến thiên hạ, bởi hắn đã có sự hậu thuẫn to lớn.


CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Tiêu đề của người dịch.
(2)- NHẠC PHI 岳飞 (1103 – 1142): tự Bằng Cử 鹏举, người Thang Âm 汤阴 Tương Châu 相州 (nay thuộc Hà Nam 河南). Nhạc Phi xuất thân bần hàn, là vị tướng lĩnh yêu nước kiệt xuất thời Nam Tống. Trải qua trăm trận, lập được nhiều công, giữ các chức Kinh Hồ đông lộ an phủ đô tổng 荆湖东路安抚都总, Hà Nam bắc chư lộ chiêu thảo sứ 河南北诸路招讨使, từng đánh bại tướng Kim là Ngột Truật 兀术, tiến quân đến trấn Chu Tiên 朱仙. Về sau bị Triệu Cấu 赵构 (tức Tống Cao Tông), Tần Cối 秦桧 gán cho tội danh “mạc tu hữu” 莫须有 ra tay sát hại. Thời Hiếu Tông, Nhạc Phi được truy tặng tên thuỵ là Vũ Mục 武穆; thời Ninh Tông được truy phong là Ngạc Vương 鄂王.
(Nguồn Tống từ tam bách thủ 宋词三百,Thượng Cương Thôn Dân 上彊村民 biên soạn, Lưu Văn Lan 刘文兰 chú dịch. Sùng văn thư cục, 2003, trang 5)

                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                    Quy Nhơn 26/10/2013
Previous Post Next Post