Dịch thuật: Chữ "Hoá" trong Hán ngữ cổ

CHỮ “HOÁ” 化 TRONG HÁN NGỮ CỔ

1- Biến hoá : ở quẻ Càn trong Chu dịch 周易 có câu:
Càn đạo biến hoá
乾道變化
(Đạo Càn biến đổi)
     Trong Sở từ  - Li Tao 楚辭 -離騷  :
Thương linh tu chi sác hoá
傷靈脩之數化
(Điều đau lòng đó là nhà vua luôn biến đổi)
          Trong Lễ kí – Nguyệt lệnh禮記  -月令 :
Điền thử hoá vi như (1)
田鼠化為鴽
(Chuột đồng hoá thành chim như)
          Ở bài Thục đạo nan 蜀道難, của Lí Bạch 李白 :
Sở thủ hoặc phỉ thân
Hoá vi lang dữ sài
所守或匪親
化為狼與豺
(Lính trấn thủ quan ải nếu không phải là người thân
Sẽ hoá thành lang sói)
          Dẫn đến nghĩa “chết”, đây là uyển ngữ. Trong Mạnh Tử - Công Tôn Sửu hạ 孟子 - 公孫丑下  có câu:
Thả tỉ hoá giả vô sử thổ thân phu
且比化者無使土親膚
(Vả lại vì người chết chớ để đất cát dính vào thân)
          Trong Trang Tử - Đại tông sư 莊子 - 大宗師 :
Vô đát hoá
無怛化
(Chớ làm kinh động người chết)
          Trong Tự tế văn 自祭文, của Đào Tiềm 陶潛 :
Dư kim tư hoá, khả dĩ vô hận
余今斯化,可以無恨
(Nay ta mất, không có phải ân hận)
          “Tạo hoá” 造化 vốn chỉ sáng tạo và làm cho biến hoá. Dùng làm từ song âm, biểu thị chủ tể của vũ trụ. Trong Trang Tử - Đại tông sư 莊子 - 大宗師  có câu:
Vĩ tai tạo hoá
偉哉造化
(Vĩ đại thay tạo hoá)
          Và câu:
Phù tạo hoá giả tất dĩ vi bất tường chi nhân
夫造化者必以為不祥之人
(Tạo hoá cho là người bất tường)
          Trong Văn tâm điêu long – Lệ từ 文心雕龍 - 麗辭 :
Tạo hoá phú hình, chi thể tất song
造化賦形,支體必雙
(Tạo hoá phú cho hình hài, chi thể tất có đôi)
2- Giáo hoá : làm cho phong tục của nhân dân trở nên thuần hậu.
          Trong Mạnh Tử - Tận tâm thượng 孟子 - 盡心上 ghi rằng:
Phù quân tử sở quá giả hoá.
夫君子所過者化
(Phàm nơi nào bậc quân tử đi qua, bách tính nơi đó đều được giáo hoá)
          Trong Ngục trung thướng Lương Vương thư 獄中上梁王書  của Trâu Dương 鄒陽:
Thị dĩ thánh vương chế tục, độc hoá ư đào quân chi thượng (2).
是以聖王制俗,獨化於陶鈞之上
(Cho nên vị quân chủ thánh minh cai trị đất nước giống như người thợ làm gốm xoay chuyển bàn xoay tự mình có riêng đạo trị nước để giáo hoá thiên hạ)
Trong Báo Tôn Hội Tông thư  報孫會宗書  của Dương Uẩn 楊惲:
Minh minh cầu nhân nghĩa, thường khủng bất năng hoá dân giả, khanh đại phu chi ý dã.
明明求仁義,常恐不能化民者,卿大夫之意也.
(Gấp mong tìm nhân nghĩa, nhưng luôn lo không thể dùng nhân nghĩa để giáo hoá dân, đó là việc mà khanh đại phu nghĩ đến)
Trong Tử Sản bất huỷ hương hiệu tụng 子產不毀鄉校頌  của Hàn Dũ 韓愈 :
Hoá chỉ nhất quốc
化止一國
(Giáo hoá chỉ dừng lại ở một nước)
“Hoá” là danh từ : sự giáo hoá.
          Trong Trần tình biểu 陳情表 của Lí Mật 李密 :
Đãi phụng thánh triều, mộc dục thanh hoá
逮奉聖朝,木浴清化.
(Đến lúc thánh triều kiến lập, thần có được sự giáo hoá anh minh)
          Trong Vĩnh Châu Vi sứ quân tân đường kí 永州韋使君新堂記 của Liễu Tông Nguyên 柳宗元 :
Khởi bất dục nhân tục dĩ thành hoá?
豈不欲因俗以成化
(Lẽ nào không muốn thuận theo phong tục nơi đó để hình thành sự giáo hoá?)

Phân biệt “biến” và “hoá” :
          - “Biến” : là thay đổi, biến đổi.
     - “Hoá” : là từ một vật nào đó chuyển hoá thành một vật khác.
          Vì vậy, “thiên biến” 天變 không thể nói thành “thiên hoá” 天化; còn “điền thử hoá vi như” 田鼠化為鴽 không thể nói thành ““điền thử biến vi như” 田鼠變為鴽.
Phân biệt “giáo” và “hoá” :
          - “Giáo” : là giáo dục
          - “Hoá” : là ảnh hưởng do giáo dục sinh ra.
          Có lúc “hoá” còn có thể chỉ sự thay đổi một cách vô tri vô giác, thay đổi lúc nào không hay biết, cả hai hoàn toàn không giống nhau. Vì vậy “nhân tục dĩ thành hoá” 因俗以成化 không thể nói thành “nhân tục dĩ thành giáo” 因俗以成教.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Chữ “như” trong nguyên tác có ghi rõ trong ngoặt đơn là rú: điểu danh”.
Trong Lễ kí dịch giải 禮記譯解 do Vương Văn Cẩm 王文錦 dịch giải, chữ “” được dịch là “am thuần” 鵪鶉 (chim cút).
(Tập thượng, trang 206, Trung Hoa thư cục, 2007)
(2)- Theo http://www.china001.com/show­_hdr.php câu này là:
Thị dĩ thánh vương chế thế ngự tục, độc hoá ư đào quân chi thượng.
是以聖王制世御俗,獨化於陶鈞之上

                                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                                             Quy Nhơn 17/8/2013

Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
Previous Post Next Post