Dịch thuật: Chế độ miện quan


CHẾ ĐỘ MIỆN QUAN

          Miện là một loại mũ lễ dành cho đế vương, chư hầu, khanh đại phu đội. Trong các loại mũ lễ, miện là loại quý trọng nhất, chuyên dùng trong những buổi tế trọng đại. Đời Hạ đã có chế độ về loại mũ này, gọi là “thu” . Đời Thương theo đó, gọi là “hu” (1). Đời Chu có một dạo gọi là “tước biền” 爵弁, sau đổi gọi là “miện” , cũng còn gọi là “miện quan” 冕冠. Đời Hán dùng theo tên gọi này. Hình chế của miện quan trước đời Chu, từ đời Hán đã thất truyền. Miện quan dùng trong tế tự đầu đời Hán là loại “trường quan” 长冠 do Lưu Bang 刘邦 sáng chế ra, đến thời Minh Đế nhà Đông Hán, để chỉnh đốn lại lễ chế, đã ra lệnh cho Hữu ti cùng các đại sư Nho học tham cứu kinh điển xưa chế định lại chế độ miện quan.  Từ đó trở đi, các đời nối tiếp nhau dùng cho đến thời Minh Thanh.
          Bộ phận đỉnh của miện quan là một tấm ván, gọi là “diên” , cũng còn gọi là “miện bản” 冕版. Miện bản đa phần dài, trước tròn sau vuông, phía trước thấp hơn phía sau khoảng 1 thốn, có thế nghiêng về phía trước, tượng trưng cho người đội khiêm tốn. Bề mặt của miện bản đa phần được bọc một lớp vải mịn, mặt trên màu đen, đại biểu cho trời; mặt dưới màu vải gai, đại biểu cho đất. Hai đầu của miện bản rủ xuống những xâu chuỗi ngọc, gọi là “lưu” . Dây dùng để xuyên các lưu là dùng loại dây ngũ sắc bện lại mà thành, gọi là “tảo” . Số lượng lưu nhiều ít là một tiêu chí lớn để phân biệt thân phận: 12 lưu là tôn quý nhất chuyên dùng cho đế vương; trở xuống có 9 lưu, 7 lưu, 5 lưu, 3  lưu, tuỳ theo đẳng cấp mà giảm dần. 1 lưu tức chỉ có 1 xâu chuỗi ngọc. Màu của ngọc cũng được quy định, như thời Thương Chu thông thường dùng 5 loại màu, tức trong mỗi một lưu có ngọc màu đỏ, xanh, vàng, trắng, đen, sắp xếp theo thứ tự là đỏ, trắng, xanh, vàng, đen, cứ như thế vòng trở lại. Đến thời Hán, thống nhất dùng một màu ngọc. Đời sau số lưu dùng không câu nệ theo cổ, ngoài 3, 5, 7, 9, 12 lưu ra, lại thêm 8 lưu và 6 lưu, như thời Đường quy định trang phục của quần thần: nhất phẩm dùng 9 lưu; nhị phẩm 8 lưu; tam phẩm 7 lưu, tứ phẩm 6 lưu, ngũ phẩm 5 lưu. Từ lục phẩm trở xuống không có lưu. Chất liệu của hạt châu cũng khác nhau, thời kì đầu là bạch ngọc, phỉ thuý, san hô, về sau dùng các nguyên liệu như mã não, tử thạch anh chế thành. Cách xuyên hạt châu cũng đại đồng tiểu dị, thông thường trên một dây tảo, thắt một nút nhỏ, gọi là “tựu” , mỗi tựu xỏ 1 hạt. Hạt châu và tựu gián cách nhau để tránh va vào nhau. Miện quan 12 lưu, mỗi lưu có 12 tựu, xỏ 12 hạt. Giữa 2 tựu cách nhau 1 thốn (2), dây tảo dài 12 thốn. Miện quan 9 lưu dùng 9 hạt, dây tảo dài 9 thốn, từ đó có thể suy ra các miện quan khác. Ngọc càng nhiều, miện lưu rủ xuống càng dài. Lưu của Thiên tử có thể dài đến vai. Ý nghĩa của miện lưu là:
          - Làm rõ thân phận
     - Hạn chế tầm nhìn, để người đội miện quan mắt không nhìn những gì tà vạy, tức không nhìn những gì không chính đáng. Thành ngữ “Thị nhi bất kiến” 视而不见  từ đây mà ra.
                                                                    (còn tiếp)
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Đời Thương gọi miện là “hu” . Ở nguyên tác in nhầm là “tầm” .
Trong Trung Quốc y kinh 中国衣经  do Mậu Lương Vân 缪良云 chủ  biên có ghi:
          Cứ truyền giá chủng miện quan tại Hạ đại tức dĩ xuất hiện, đương thời xưng “thu”; Thương triều cải xưng “hu”; cập chí Chu triều thuỷ xưng “miện quan”, tỉnh xưng vi “miện”.
          据传这种冕冠在夏代即已出现, 当时称”; 商朝改称”; 及至周朝始称冕冠”, 省称为”.
          (Theo truyền thuyết, loại miện quan này vào thời Hạ đã xuất hiện, lúc bấy giờ gọi là “thu”; triều Thương đổi gọi là “hu”; đến triều Chu mới bắt đầu gọi là “miện quan”, gọi tắt là “miện”).
                                         (Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 2000, trang 16)
          Trong Khang Hi tự điển, mục chữ , trang 56 có ghi:
          Đường vận 唐韻phiên thiết là HUỐNG VU 况于
          Tập vận 集韻, Vận hội 韻會 phiên thiết là HUNG VU 匈于
Đều có âm là (HU). Trong Ngọc thiên 玉篇 giải thích là
Phú dã, Ân chi miện dã
覆也,殷之冕也
(Dùng để đội, miện của nhà Ân)
                                                        (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003)
(2)- Trượng , xích , thốn của các triều đại có khác nhau.
- Thời Hán là:
1 dẫn = 10 trượng, 1 trượng = 10 xích, 1 xích = 10 thốn, 1 thốn = 10 phân.
                                                                 (1 xích = 27.7cm)
- Thời Đường, Ngũ đại là:
1 trượng = 10 xích, 1 xích = 10 thốn, 1 thốn = 10 phân
                            (tiểu xích:  1 xích = 31.1cm;     đại xích:  1 xích = 36cm)
- Hiện đại là:
          1 trượng = 10 xích, 1 xích = 10 thốn, 1 thốn = 10 phân
                                                                (1 xích = 33.33cm)
          Nguồn http://zhidao.baidu.com/question/34640537

                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                              Quy Nhơn 10/5/2013

Nguyên tác Trung văn
MIỆN QUAN CHI CHẾ
冕冠之制
Trong quyển
PHỤC SỨC
服饰
Biên soạn: Vân Trung Thiên 云中天
Bách Hoa Châu văn nghệ xuất bản xã, 2006
Previous Post Next Post