CHẾ ĐỘ MIỆN QUAN
(tiếp theo)
Phía dưới miện bản là thân miện, dùng sợi thép, dây
mây đan thành khung hình tròn, bên ngoài bọc vải the. Thân miện này gọi là “vũ”
武, cũng còn gọi là “quan quyển” 冠卷. Hai bên quan quyển, mỗi bên có 1 lỗ nhỏ dùng để
xuyên cây kê, gọi là “nữu” 纽. Khi đội, đem quan
quyển chụp lên đỉnh đầu, xuyên kê vào, để thân miện và búi tóc kết chặt với
nhau, không giống như trước đó chỉ thuần tuý dựa vào dây mũ. Nhưng dây mũ vẫn
còn được bảo lưu lại, chỉ có điều là hình chế có sự biến đổi: dây mũ nguyên lúc
ban đầu đa phần dùng 2 dây, trái phải mỗi bên 1 dây, khi dùng từ trên xuống cột
lại ở dưới cằm. Dây mũ của miện quan dùng 1 dây, 1 đầu của dây cột vào đầu cây
kê, đầu dây còn lại vòng qua dưới cằm, rồi ngược lên cột vào đầu cây kê phía
bên kia, dưới cằm không thắt nút, cũng không buộc dây thả thòng xuống.
Hai bên miện bản còn thả 2 sợi dây tơ màu, phía dưới
dây gắn 2 viên ngọc thạch tròn, gọi là “thiến” 瑱,
còn gọi là “sung nhĩ” 充耳; cũng có thể dùng
tơ hoặc bông có sắc vàng viên thành hình cầu thay thế cho ngọc thạch, gọi là “cản
khoáng” 赶纩 (1). Vị trí của “thiến” và “khoáng” ở vào chỗ lỗ tai của
người đội miện. Bên cạnh tai có ngọc thạch hoặc trái cầu nhỏ mục đích là để “chỉ
thính” 止听, tức nhắc người đội miện chớ nghe những lời sàm nịnh.
Thành ngữ “Sung nhĩ bất văn” 充耳不闻, tương ứng với
thành ngữ “Thị nhi bất kiến” 视而不见, từ đây mà ra.
Thời
Đông Hán xác lập chế độ miện quan, sau đó cũng đã có sự biến đổi, như đời Tấn
đem miện bản đặt lên trên “thông thiên quan” 通天冠,
gọi đó là “bình quan” 平冠. Tuyên Đế triều Bắc
Chu truyền ngôi cho thái tử đã dùng miện 24 lưu, để khu biệt miện 12 lưu của ấu
đế. Thời Đường trở về sau, kéo dài dây mũ ra, phần trên nằm ngang qua miện bản
rồi rủ xuống trước ngực, có lúc rủ dài chấm đất, gọi là “thiên hà đới” 天河带. Riêng trên thân miện (quan vũ 冠武) có gắn thêm con ve làm bằng vàng để trang sức. Miện
quan của vị Hoàng đế trong bức vẽ Lịch đại
Đế vương đồ 历代帝王图 của Diêm Lập Bản 阎立本,
hoạ gia đầu đời Đường, thuộc loại này. Miện quan của các vị Hoàng đế trên những
bích hoạ thời sơ Đường ở các động Mạc Cao 莫高
tại Đôn Hoàng 敦煌 cũng thuộc loại này. Đời Minh khôi phục lại chế độ cũ,
dưới miện bản là thân miện (quan vũ 冠武) nhưng không có
“thông thiên quan”. Vật thực miện quan thời kì này phát hiện được tại mộ Lỗ
Hoang Vương Chu Đàn 鲁荒王朱檀 (2) đời Minh: miện cao 18cm, dài 4cm, rộng 30cm. Trên miện
bản bọc lụa đen, trước và sau đều có 9 lưu, xâu ngọc 5 màu đỏ, trắng, xanh,
vàng, đen; 2 bên mỗi bên có 1 viên ngọc “thiến”. Nơi quan nữu còn xuyên một cây kê bằng vàng.
Sau khi nhà Minh diệt vong, chế độ quan miện cũng bị phế bỏ không còn được lưu
hành.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- CẢN KHOÁNG 赶纩:
trong Trung Quốc y kinh 中国衣经 do Mậu Lương Vân 缪良云
chủ biên gọi là “thẩu khoáng” 黈纩.
(Thượng Hải văn hoá xuất bản
xã, 2000, trang 16)
(2)- LỖ HOANG VƯƠNG CHU
ĐÀN鲁荒王朱檀 (1370 – 1389): con thứ 10 của Minh Thái Tổ, được
phong là Lỗ Vương 鲁王, 15 tuổi, ra trấn Duyện Châu 兖州.
Chu Đàn học rộng biết nhiều, tính tình khiêm tốn,
được Chu Nguyên Chương yêu quý. Về sau ông tin theo Đạo giáo, suốt ngày luyện
“tiên đan” để cầu trường sinh bất lão. Kết quả chất độc phát tác làm hư mắt,
ông chỉ sống đến năm 19 tuổi. Chu Nguyên Chương biết được rất giận, cho rằng
hành vi ấy là hoang đường, nên khi Chu Đàn mất
có tên thuỵ là “Hoang”, người đời gọi ông là “Lỗ Hoang Vương”. Ông được táng tại
huyện Trâu 邹 tỉnh Sơn Đông 山东,
lăng mộ ông được gọi là “Hoang Vương lăng”.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 11/5/2013
Nguyên tác Trung văn
MIỆN QUAN CHI CHẾ
冕冠之制
Trong quyển
PHỤC SỨC
服饰
Biên soạn: Vân Trung Thiên 云中天
Bách Hoa Châu văn nghệ xuất bản xã, 2006
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật