Dịch thuật: Thực vật cát tường: Quế


THỰC VẬT CÁT TƯỜNG
QUẾ

          Trong dân ca Trung Quốc có câu:
Bát nguyệt quế hoa biến địa khai
八月桂花遍地開
(Tháng Tám hoa quế nở khắp nơi)
vì thế tháng Tám còn được gọi là “Quế nguyệt” 桂月. Còn việc gọi cây quế là “Nguyệt quế” 月桂 thì bắt nguồn từ một câu chuyện thần thoại. Truyền thuyết kể rằng Ngô Cương 吳剛 học phép tiên phạm phải lỗi, bị phạt đi chặt cây quế trên cung trăng, hàng ngày, phần của cây mà anh ta chặt đổ vào buổi chiều, cứ sang ngày hôm sau lại mọc ra cái khác (1) . Nhân đó, người xưa dùng từ “chiết quế” 折桂 để chỉ việc thi đậu, người mà có thể bẻ được cành quế là vô cùng vinh dự, đáng được chúc mừng, cho nên cây quế trở thành vật cát tường.
          “Lan quế tề phương” 蘭桂齊芳, “Lan quế đằng phương” 蘭桂騰芳 dùng để chỉ con đường làm quan của con cháu xương thịnh, hiển quý. “Quế” cũng hài âm với “quý” , vì thế ý nghĩa cát tường của quế là chúc mừng ai đó có “quý tử”. Bức tranh vẽ hoa sen và hoa quế là bức tranh cát tường, mang ý nghĩa “liên sinh quý tử” 連生貴子 (luôn sinh con quý). Bức tranh cát tường vẽ con dơi và hoa quế biểu thị ý nghĩa “phúc tăng quý tử” 福增貴子 (2).

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Chuyện Ngô Cương chặt quế có nhiều truyền thuyết.
- Truyền thuyết thứ 1
          Tương truyền trên cung trăng có một cây Nguyệt quế 月桂 cao 500 trượng. Thời Hán có một người tên là Ngô Cương 吴刚, say mê học phép tiên mà không chịu học tập nên đã bị Thiên Đế giận, giam anh ta trên cung trăng, lệnh cho anh ta chặt cây quế trên đó, đồng thời nói rằng: “Nếu anh chặt đổ được cây quế thì sẽ có lại phép tiên”. Ngô Cương liền bắt đầu chặt, nhưng mỗi lần vung búa chặt, búa vừa rời khỏi cây thì vết chặt lại liền như cũ, ngày lại ngày, nguyện vọng chặt đổ cây của Ngô Cương không thành, cây quế trước sau gì chặt cũng không đổ. Do đó mà người đời sau được thấy hình tượng Ngô Cương chặt cây quế trên cung trăng.
(Xem Dậu Dương tạp trở quyển 1 – Thiên chỉ酉阳杂俎 - 天咫 của Đoàn Thành Thức 段成式.)
- Truyền thuyết thứ 2
          Ngô Cương 吴刚 còn có tên khác là Ngô Quyền 吴权 người ở Tây Hà 西河. Cháu của Viêm Đế 炎帝 là Bá Lăng 伯陵, nhân lúc Ngô Cương rời nhà đi học phép tiên 3 năm đã tư thông với vợ của Ngô Cương, sinh ra được 3 người con. Trong lúc giận dữ, Ngô cương đã giết chết Bá Lăng, khiến Thái dương thần Viêm Đế tức giận, Viêm Đế đày Ngô Cương đến cung trăng, lệnh Ngô Cương phạt cây
Bất tử: Nguyệt quế 月桂. Cây Nguyệt quế cao 500 trượng, nếu chặt đứt thì liền lại ngay. Viêm Đế lợi dụng việc này phạt Ngô Cương lao động không ngừng nghỉ. Vợ của Ngô Cương thấy chồng gặp phải cảnh ngộ đó cảm thấy ăn năn, liền sai 3 đứa con bay lên cung trăng để làm bạn cùng Ngô Cương, một đứa biến thành con cóc, một đứa biến thành con thỏ, và một đứa biến thành con rắn.
                                                                     (Xem Sơn hải kinh 山海经)
- Truyền thuyết thứ 3
          Ngô cương ở Nam Thiên môn 南天门 rất tốt với Thường Nga 嫦娥 trên cung trăng, thường gặp Thường Nga, quên cả công việc của mình. Sau khi Ngọc Hoàng Đại Đế biết được, tức giận phạt Ngô Cương đi chặt một cây có tên là Nguyệt quế, nếu Ngô cương không chặt được thì không thể về lại Nam Thiên môn, cũng không thể gặp được Thường Nga.
          Ngô Cương liền chặt, từ mùa Đông đến mùa Hạ, cả nửa năm. Nhìn thấy cây chặt sắp xong, Ngọc Đế liền sai con quạ đến bên cạnh cây Nguyệt quế, kêu lên một tiếng, cắp chiếc áo của Ngô Cương đang móc trên cành cây. Ngô Cương vội bỏ búa đuổi theo con quạ. Sau khi lấy được áo, về lại bên cây, những cành những lá bị chặt đã mọc ra trở lại. Vì thế, từ đó trở đi, mỗi khi Ngô Cương sắp chặt xong, con quạ lại đậu trên cây kêu lên, chỉ cần Ngô Cương dừng búa nhìn nó, cây sẽ mọc ra cành lá mới.
          Và cứ như thế, năm này sang năm khác, Ngô Cương chặt không đổ được cây. Chỉ có hàng năm vào ngày 16 tháng 8 mới có một chiếc lá từ mặt trăng rơi xuống mặt đất. Người nào nhặt được chiếc lá của cây Nguyệt quế đó, người đó sẽ có được bạc vàng châu báu dùng không bao giờ hết.
- Truyền thuyết thứ 4
     Thời cổ, nơi 2 ngọn núi ở Hàng Châu, có một quả phụ bán nho rừng, tính tình hào sảng lương thiện, ai cũng tôn kính. Bà ủ được một loại rượu ngon nên mọi người gọi bà là “Tiên tửu nương tử”. Mùa Đông năm nọ, trời đầy băng tuyết, sáng sớm khi mở cửa, Tiên tửu nương tử bỗng thấy ngoài cửa có một người trạc tuổi trung niên gầy như que củi, quần áo không đủ che thân đang nằm, xem dáng vẻ như là một người ăn xin. Tiên tửu nương tử sờ nơi mũi thấy hãy còn hơi thở liền động mối từ tâm, bà mặc kệ cho người đời dị nghị, đưa anh ta vào trong nhà lau qua nước ấm rồi cho uống nửa li rượu. Anh ta dần tỉnh lại cảm động nói rằng: “Cảm tạ ơn cứu mạng của bà. Tôi bị tê bại, bây giờ ra đi nếu không chết vì lạnh thì cũng chết vì đói, xin bà cho lưu lại vài hôm.” Tiên tửu nương tử cảm thấy khó xử, bởi vì người đời thường nói, trước cửa nhà quả phụ có nhiều chuyện thị phi. Nếu có đàn ông trong nhà, người đời sẽ đàm tiếu. Bà nghĩ đi nghĩ lại, không thể để cho anh ta chết vì rét, chết vì đói nên cuối cùng gật đầu đồng ý cho anh ta lưu lại. Quả nhiên không ngoài dự đoán, tin tức nhanh chóng lan đi, mọi người xa lánh bà, người đến mua rượu ngày càng ít.
          Nhưng Tiên tửu nương tử nén nỗi thống khổ, tận tâm tận lực giúp người đàn ông đó. Về sau, mọi người đều không đến mua rượu, bà quả thực không thể duy trì tình trạng đó, còn người đàn ông nọ cũng đã bỏ đi mà không từ biệt, không biết đi đâu. Tiên tửu nương tử không yên tâm, đi tìm khắp nơi, bên triền núi bà gặp một ông lão tóc bạc phơ, gánh một gánh củi khô đang ra sức bước đi. Bà định đến giúp, ông lão đột nhiên té ngã, củi đổ đầy mặt đất. Ông lão hai mắt nhắm nghiền, môi mấp máy cất giọng yếu ớt: “Nước, nước …” Nơi núi hoang tìm đâu ra nước?  Tiên tửu nương tử liền cắn ngón tay giữa, trong phút chốc máu tươi nhỏ xuống miệng ông lão, ông lão đột nhiên không thấy đâu.  Một trận gió thổi qua, từ trời bay xuống một túi vải màu vàng, trong túi chứa đầy những bao giấy nhỏ màu vàng, ngoài ra còn có một tờ giấy vàng, bên trên viết rằng:
          Nguyệt cung tứ quế tử, tưởng thưởng thiện nhân gia. Phúc cao quế thụ bích, thọ cao mãn thụ hoa. Thái hoa nhưỡng quế tửu, tiên tống đa hoà ma. Ngô Cương trợ thiện giả, giáng tai gian trá hoạt.
          月宫赐桂子, 奖赏善人家. 福高桂树碧, 寿高满树花. 采花酿桂酒, 仙送爹和妈. 吴刚助善者, 降灾奸诈滑.
          (Cung trăng ban cây quế, thưởng cho người thiện tâm. Phúc cao thì quế xanh biếc, thọ cao thì quế đầy hoa. Hái hoa ủ thành rượu, trước tiên dâng tặng cha mẹ. Ngô cương giúp người thiện, giáng hoạ những kẻ gian trá).
          Lúc này Tiên tửu nương tử mới biết, người đàn ông bị tê bại và ông lão gánh củi đều là do Ngô Cương biến thành. Việc này lan truyền, xa gần đều đến mua rượu hoa quế của Tiên tửu nương tử.
          Người có thiện tâm đem giống trồng, cây nhanh chóng mọc lên và trổ hoa, khắp sân nhà thơm ngát. Đối với những ai có lòng bất chính, đem giống trồng xuống không nẩy chối, họ cảm thấy xấu hổ nên đem lòng hướng thiện  Mọi người rất cảm kích Tiên tửu nương tử, việc làm của bà đã cảm động đến đại tiên Ngô Cương quản lí cây quế trên cung trăng, nên đã ban cây quế xuống nhân gian, từ đó nhân gian mới có hoa quế và rượu hoa quế.
          Năm đó, vợ của Ngô Cương cảm thấy mình có lỗi nên đã sai 3 người con, một người tên Cổ , một người tên Diên , một người tên Thù Thương 殳斨 bay lên cung trăng để làm bạn với người cha trên danh nghĩa, sống qua những năm tháng dài lạnh lẽo. Người con tên Cổ biến thành con cóc, người con tên Diên biến thành con thỏ, người con tên Thù Thương biến thành thiên quý “bất tường”. Từ đó Thù Thương bắt đầu chế ra mũi tên, Cổ và Diên chế ra chuông và khánh, định ra chương pháp của nhạc, cho nên nơi cung quảng hàn tịch mịch thường nghe có tiếng nhạc du dương.
- Truyền thuyết thứ 5
          Ngày xưa ở Hàm Ninh 咸宁 phát sinh trận ôn dịch, người chết hơn một phần ba, mọi người dùng mọi cách để tránh nhưng không có hiệu quả. Dưới núi Quải Bảng 挂榜 có một chàng trai dũng cảm, trung hậu và hiếu thuận tên là Ngô Cương. Mẹ của Ngô Cương cũng mắc phải bệnh không dậy nổi, chàng trai mỗi ngày đều lên núi hái thuốc để cứu mẹ. Một ngày nọ, Quan Âm đông du trở về dự tết Trung Thu ở tây thiên. Hôm ấy trên đường đi qua Quan Âm trông thấy chàng trai đang hái thuốc liền cảm động, đêm đến thác mộng bảo với chàng trai rằng:
          Trên cung trăng có một cây tên là Mộc tê 木樨, cũng gọi là cây quế, nở những hoa nhỏ có sắc vàng kim, lấy hoa đó ngâm nước để uống có thể trị được ôn dịch. Ngày rằm tháng 8, trên núi Quải Bảng có chiếc thang trời có thể lên đến cung trăng.
Hôm đó là đêm ngày 12 tháng 8, còn 3 ngày nữa mới đến tết Trung Thu. Muốn lên đỉnh núi phải qua 7 khe sâu, vượt qua 7 vách núi cao, như vậy tối thiểu phải mất 7 ngày 7 đêm, nhưng thời gian không đợi người, nếu rằm năm nay để lõ dịp ra hoa của cây quế thì phải đợi đến năm sau. Ngô Cương vô cùng gian khổ cuối cùng vào đêm rằm tháng 8 lên được đỉnh Quải Bảng, vội bước lên thang trời hướng đến cung trăng. Tháng 8 là lúc hoa quế nở, mùi hương tràn khắp trời, Ngô Cương theo mùi hương đến dưới cây quế, nhìn hoa vàng rực rỡ trong lòng rất vui mừng bèn cố hái, muốn hái thật nhiều để đem về cứu mẹ, cứu người trong làng. Nhưng hái nhiều gói không được, vì vậy chàng ta nghĩ ra một cách là rung cây quế để hoa quế rụng, rơi xuống dòng sông ở dưới núi Quải Bảng. Trong phút chốc, mùi hương từ mặt sông bốc lên, nước sông nhuộm thành sắc vàng, mọi người uống nước sông này đều khỏi bệnh. Họ cho rằng, nước sông này quý hơn vàng vì thế đã đặt tên cho sông này là Kim thuỷ 金水. Về sau, thêm 3 chấm thuỷ bên cạnh chữ “kim”,  gọi tên là “Kim hà” 淦河. Đêm đó chư tiên ở thiên cung dự hội rằm tháng 8. Lúc bấy giờ mùi hương của hoa quế bay đến thiên cung làm kinh động chư tiên, Ngọc Đế sai người điều tra, sai quan đến cung trăng nhìn thấy hoa trên cây quế đã rụng hết xuống “Kim hà” 淦河 ở chốn nhân gian liền báo cùng Ngọc Đế. Ngọc Đế đại nộ sai thiên binh thiên tướng đi bắt Ngô Cương.
Sau khi bị bắt, Ngô Cương đã thuật lại cho Ngọc Đế nghe sự việc đã phát sinh. Nghe qua Ngọc Đế trong lòng kính phục Ngô Cương, nhưng Ngô Cương đã phạm vào thiên quy, nếu không phạt thì không thể tạo được thiên uy. Ngọc Đế hỏi Ngô Cương có yêu cầu gì, Ngô Cương nói rằng chỉ muốn đem cây quế đến nhân gian để cứu giúp mọi người. Ngọc Đế liền nghĩ ra một cách, vừa có thể phạt Ngô Cương vừa có thể đáp ứng được yêu cầu của anh ta. Ngọc Đế bảo Ngô Cương, chỉ cần anh ta chặt đổ cây quế thì có thể đem nó đi. Ngô Cương tìm búa muốn nhanh chóng chặt đổ cây quế. Ai ngờ, Ngọc Đế triển khai phép thuật, chặt một búa, nơi đó liền lành lại. Ngô Cương chặt từ năm này qua năm khác, chặt đến mấy ngàn năm. Ngô Cương nhớ mẹ nhớ quê nhà, nên đêm Trung Thu hàng năm đều ném một cành hoa quế xuống núi Quải Bảng để gởi gắm nỗi lòng nhớ quê hương. Năm lại năm, những cây quế trên núi Quải Bảng đều trổ đầy hoa, người trong làng lấy hoa pha trà uống, vùng Hàm Ninh không còn bệnh dịch.
Cùng thôn của Ngô Cương có một cô gái tên Thường Nga, là bạn với Ngô Cương từ lúc nhỏ, hai người rất hợp nhau. Từ khi Ngô Cương lên cung trăng, Thường Nga săn sóc mẹ Ngô Cương, cho đến khi bà lão qua đời. Ngô Cương và Thường Nga cách xa nhau. Ngô Cương chặt không đổ cây nên không thể trở về, Thường Nga không thể lên cung trăng để gặp. Một ngày nọ, Vương Mẫu nương nương dẫn 7 người con gái của mình đến tắm ở suối Minh thuỷ 鸣水dưới núi Quải Bảng. Thường Nga nhìn thấy, liền lén lấy linh đơn Hồi thiên 回天 của thất tiên nữ đem về nhà uống, rồi bồng thỏ ngọc bay lên trời gặp Ngô Cương. Thất tiên nữ không có linh đơn không thể về trời đành phải đợi  các bà chị 3 ngày sau đến tắm đem đến cho. Một ngày trên trời bằng một năm chốn nhân gian, trong 3 năm đó thất tiên nữ đã gặp Đổng Vĩnh 董永, và đã xảy ra một câu chuyện cảm động mà như mọi người đều biết.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/50750.htm
(2)- Con dơi, tiếng Hán là “biển bức” 蝙蝠, chữ “bức” trong “biển bức” hài âm với chữ “phúc” , vì thế con dơi trở thành con vật tượng trưng cho cát tường.

                                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                                             Quy Nhơn 06/4/2013

Nguyên tác Trung văn
QUẾ
Trong quyển
CÁT TƯỜNG ĐÍCH TRUNG QUỐC
吉祥的中國
Bản công ti biên tập bộ biên soạn
Ngọc thụ đồ thư ấn loát hữu hạn công ti, năm Dân Quốc thứ 90.
Previous Post Next Post