Dịch thuật: Tết Ảo cửu ở Phúc Châu


TẾT ẢO CỬU Ở PHÚC CHÂU

            Tết Ảo cửu (Ảo cửu tiết 拗九节) vào ngày 29 tháng Giêng hàng năm, cũng còn gọi là tết Hiếu thuận (Hiếu thuận tiết 孝顺节), tết Tống cùng (Tống cùng tiết 送穷节). Vào ngày này ở Phúc Châu nhà nhà đều lấy nếp cùng với đường nấu cháo Ảo cửu (Ảo cửu chúc 拗九粥) (có nhà bắt đầu nấu vào đêm trước), trong cháo có táo đỏ, đậu phụng, đậu đũa, mè. Sau khi nấu xong đem cúng tổ tiên, đồng thời làm món ăn sáng cho cả nhà. Những cô gái đã lấy chồng thường biếu cháo Ảo cửu cho nhà mẹ đẻ để tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ, cầu chúc cha mẹ bình an qua được cửa ải “cửu”.
          Theo truyền thuyết, nguồn gốc của tết này là vào thời xưa mẫu thân của Mục Liên 目连 hung ác, sau khi chết bị đày xuống địa ngục chịu khổ. Sau khi Mục Liên trưởng thành, cơm đem cho mẹ mỗi ngày đều bị lũ tiểu quỷ ăn mất. Về sau Mục Liên dùng gạo đen nấu cháo, cháo có màu đen, lũ tiểu quỷ sợ không dám ăn. Mẹ của Mục Liên cuối cùng ăn được cháo do con mình đem đến, không phải chịu đói nữa. Người đời sau đã gọi ngày này là tết Hiếu thuận.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
          Tết Ảo cửu có mấy truyền thuyết như sau:
          Truyền thuyết thứ 1:
          Thời xưa, có một người tên Mục Liên 目连, mẹ của Mục Liên lúc sinh thời rất hung ác, sau khi chết bị xuống địa ngục. Khi Mục Liên đến thăm đưa thức ăn cho mẹ bị lũ tiểu quỷ canh ngục ăn mất. Về sau Mục Liên nghĩ ra một cách, dùng mã thầy, đậu phụng, táo đỏ, quế, đường nấu cùng với nếp thành món cháo. Cháo đựng ra bát, lại rắc lên trên một lớp mè đen. Khi đem cho mẹ, lũ tiểu quỷ trông thấy bát cháo có màu đen liền hỏi: “Đây là thứ gì?” Mục Liên đáp liền: “Đây là ảo cấu” (拗垢). Trong tiếng Phúc Châu, chữ “cửu” số 9 hài âm với chữ “cấu” là dơ bẩn. Lũ tiểu quỷ cho là thật không dám ăn bát cháo dơ. Nhân đó  “Ảo cửu chúc” 拗九粥 mới đến được mẹ Mục Liên. Hôm đó đúng vào ngày 29 tháng Giêng, mẹ của Mục Liên năm đó cũng vừa 29 tuổi. Trong tập tục ở đất Mân , tháng Giêng phân làm “tam cửu”: mồng 9 tháng Giêng là “Thượng cửu” 上九, 19 tháng Giêng là “Trung cửu” 中九, 29 tháng Giêng là “Hậu cửu” 后九, cho nên cháo này còn được gọi là “Hậu cửu chúc” 后九粥. Về sau do bởi cháo có màu đen nên còn có tên là “Ảo cửu chúc” 拗九粥, và cũng vì Mục Liên hiếu thuận với mẹ nên cũng gọi là “Hiếu cửu chúc” 孝九粥. Bất kể là ngày 29 tháng Giêng hay là 29 tuổi đều là năm tháng mà mẹ của Mục Liên chịu nạn, vì thế đối với người Phúc Châu gặp “cửu” là phạm kị, họ cho rằng “cửu” là năm tháng tai ách, cho nên, phàm người nào gặp “cửu” phải ăn mì thái bình, con gái xuất giá cũng cần phải tống “cửu” cho cha mẹ để cầu mong cha mẹ được bình an, mạnh khoẻ.
          Truyền thuyết thứ 2:
          Nguồn gốc của thuyết này là “Tống cùng” 送穷. Học giả đời Minh là Tạ Triệu Chế 谢肇制 nói rằng:
          Cao Dương thị tử, ý tệ thực mi, Chinh nguyệt hối nhật tử, thế tác mi, sung phá, cập nhai hạng khẩu, trừ bần quỷ.
          高阳氏子, 衣敝食糜, 正月晦日死, 世作糜, 充破及街巷口, 除贫鬼
          (Con của họ Cao Dương mặc áo rách ăn cháo, mất vào ngày cuối tháng Giêng. Người đời nấu cháo, dâng áo rách, cúng nơi ngõ hẻm để trừ quỷ nghèo)
          Các học giả đời Thanh đa phần tán thành thuyết này. Bài thơ Mân trung tuế thời tạp vịnh 闽中岁时杂咏 của Lâm Tổ Đào 林祖焘 có ghi:
Tương truyền Ao cửu giới phương thần
Các chử di mi tạp tảo trăn
Tảo tận trần phong đầu tận uế
Tống tha cùng quỷ nhạ tiền thần
相传拗九届芳辰
各煮饴糜杂枣榛
扫尽尘封头尽秽
送他贫鬼迓钱神
Tương truyền đến ngày o cửu
Nhà nhà đều nấu cháo đường có hạt táo hạt trăn
Quét sạch những gì cũ kĩ, ném sạch những gì ô uế
Tống quỷ nghèo đi đón thần tiền bạc đến
          Thuyết thứ 3
          Cha của vị tăng nhân cổ Ấn Độ Mục Liên 目连 quanh năm buôn bán, trong nhà có đầy lừa ngựa, tài sản thì nhiều vô kể. Mẹ là Thanh Đề 青提 thì ngược lại, bà rất ghét người xuất gia. Mục Liên một lòng hướng đến Phật, Pháp, Tăng. Sau khi lớn lên, một lần nọ ra ngoài buôn bán, trước lúc đi, Mục Liên nói với mẹ rằng:
          Con ra ngoài buôn bán, mẹ ở nhà nên tích đức tích thiện, với người xuất gia mẹ nên đối đãi như mẹ đối đãi với con.
          Bà mẹ bằng lòng. Ai ngờ sau khi Mục Liên đi, bà ta vẫn như xưa, hung hãn đuổi những vị tăng hoá duyên trước cửa, bủn xỉn đến mức không bố thí cho một bát cơm. Sau nửa năm Mục Liên về nhà, nghe nói mẹ đối đãi không tốt với các vị tăng, bèn hỏi mẹ nguyên nhân. Bà mẹ giận dữ, nói rằng:
          Con không tin mẹ của con sao? Nếu mẹ đối đãi không tốt với người xuất gia thì nội trong 7 ngày mẹ sẽ chêt, sẽ bị xuống địa ngục.
          Quả nhiên 7 ngày sau bà mẹ chết. Mục Liên lo mai táng mẹ, sau đó vất bỏ vinh hoa phú quý, quy y cửa Phật, tu thành A La Hán 阿罗汉, là 1 trong 10 đại đệ tử của Phật. Mục Liên hỏi thăm biết được mẹ mình sau khi chết bị đày xuống địa ngục. Mục Liên xuống địa ngục tìm thấy mẹ biến thành quỷ đói, đang chịu khổ hình, nên vô cùng đau xót, liền lấy cơm trong bình bát đút cho mẹ ăn. Nhưng cơm chưa tới miệng đã biến thành lửa. Mục Liên kêu khóc bi ai. Phật tổ Như Lai thấy Mục Liên chí hiếu liền nói với Mục Liên rằng:
          Con tuy đã tu thành A La Hán, nhưng dựa vào sức của con sẽ cứu không được mẹ, nên lập hội Vu Lan Bồn 盂兰盆, để quỷ đói trong thiên hạ đều được ăn no, mẹ của con mới được cứu.
          Mục Liên thỉnh tăng chúng mười phương lập hội Vu Lan Bồn, siêu độ bầy quỷ đói, mẹ của Mục Liên rời khỏi được địa ngục.
          Thuyết thứ 4
          Mẹ của Mục Liên là Thanh Đề 青提, nhà rất giàu nhưng tham lam keo kiệt, người con lại có đạo tâm và hiếu thuận. Nhân khi người con ra ngoài, người mẹ ngày ngày giết súc vật nấu ăn, không nghĩ đến tấm lòng của con nên càng không theo điều thiện. Sau khi người mẹ chết bị bắt xuống âm tào địa phủ, chịu sự trừng phạt. Để cứu mẹ, Mục Liên xuất gia tu hành, được phép thần thông đến địa ngục thấy mẹ đang chịu khổ. Mục Liên đau xót, nhưng vì những tội nghiệt của mẹ lúc sống nên không thể thoát khỏi con đường quỷ đói, thức ăn đưa đến miệng người mẹ liền biến thành lửa. Mục Liên không có cách nào nên cầu cứu Phật. Phật chỉ Mục Liên vào ngày rằm tháng 7 lập hội Vu Lan bồn 盂兰盆, mượn sức của tăng chúng mười phương để mẹ được ăn no. Mục Liên làm theo lời Phật dạy, vì thế có điển cố Phật giáo vào ngày rằm tháng 7 lập hội Vu Lan cúng dường tăng chúng mười phương để siêu độ những người đã mất. Mẹ Mục Liên được ăn no chuyển nhập nhân thế, biến thành chó. Mục Liên lại tụng kinh 7 ngày 7 đêm, người mẹ thoát khỏi kiếp chó, được vào thiên đường. Điển cố Phật giáo này có thể từ thời Tây Tấn lưu truyền đến hiện nay, mấu chốt là ở chỗ khuyên mọi người hướng thiện, khuyên con cái hiếu thảo.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/846157.htm

                                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 10/3/2013
                                                            Ngày 29 tháng Giêng năm Quý Tị

Nguyên tác Trung văn
ẢO CỬU TIẾT
拗九节
Trong quyển
HUỀ TRÌNH TẨU TRUNG QUỐC
PHÚC KIẾN – QUẢNG ĐÔNG – HẢI NAM
携程走中国
福建 - 广东 - 海南
Chủ biên: Huề trình lữ hành phục vụ công ti
Thượng Hải Tam Liên thư điếm, 2001.
Previous Post Next Post