Dịch thuật: Táo thần


TÁO THẦN

          Táo thần 灶神, dân gian gọi là Táo vương 灶王, Táo vương gia 灶王爺, Táo quân Bồ tát 灶君菩薩, Táo quân灶君… Người xưa cho rằng Táo thần có thể bảo hộ gia đình bình an, mạnh khoẻ, nắm giữ việc thọ yểu hoạ phúc của con người, Táo thần cũng là gia thần mà thời cổ các nhà đều thờ phụng. Trên đến hoàng tộc quyền quý, dưới đến bình dân bách tính, không ai là không kính phụng Táo thần.
          Phạm vi quản lí của Táo thần lúc ban đầu chỉ là việc cư trú đi lại ăn uống, về sau quyền lực ngày càng mở rộng, quản lí luôn việc thọ yểu hoạ phúc. Táo thần lúc ban đầu là một người nữ, trong sách Trang Tử 莊子 có nói bà mặc bộ đồ màu đỏ, dung mạo như mĩ nữ (1). Về sau trong các sách của Đạo giáo cho Táo thần là một bà lão trên núi Côn Luân 昆侖, gọi là “Chủng hoả lão mẫu nguyên quân” 種火老母元君, quản lí nơi ở của nhân gian, ghi chép lại việc thiện ác của mỗi nhà, nửa đêm dâng tấu lên thiên đình. Từ đời Hán trở về sau, xuất hiện Táo thần nam. Lúc bấy giờ Táo thần rất được mọi người kính trọng, nhà nhà đều hết lòng thờ cúng, những người được cho là Táo thần đều là những danh nhân. Trong Hoài Nam Tử 淮南子 có ghi:
Hoàng Đế tác táo, tử vi Táo thần.
黃帝作灶,死為灶神
(Hoàng Đế làm ra bếp, khi mất hoá thành Táo thần)
          Và
Viêm Đế ư hoả, tử nhi vi Táo
炎帝於火,死而為灶
(Viêm Đế làm ra lửa, khi mất hoá thành Táo thần)
          Trong Ngũ kinh dị nghĩa 五經異義 thì cho rằng:
Hoả chính Chúc Dung vi Táo thần
火正祝融為灶神
(Hoả chính Chúc Dung là Táo thần)
          Táo thần không chỉ bảo hộ chúng sinh nơi hạ giới mà còn giám sát việc thiện ác của các nhà để báo cáo lại với Ngọc Hoàng Đại Đế. Nhà càng giàu có việc xấu càng nhiều, cho nên một số gia chủ đã nghĩ ra cách dối trời. Theo truyền thuyết, hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, Táo vương gia lên trời đến trước mặt Ngọc Đế báo cáo. Để bịt miệng Táo thần, vào ngày hôm đó họ dâng cúng cho Táo thần loại kẹo dính, nhang đèn cùng ngựa giấy, thỉnh Táo thần từ thần vị xuống đốt đi đưa tiễn ông lên trời. Mọi người còn dán cặp câu đối bên cạnh thần vị:
Thượng thiên ngôn hảo sự
Hạ giới giáng cát tường
上天言好事
下界降吉祥
(Trên trời nói lời tốt đẹp
Dưới trần ban điều may mắn)
          Kì thực, những ngày tốt đẹp của Táo thần chẳng có là bao, chỉ từ ngày 23 tháng Chạp Táo vương gia lên trời cho đến ngày trừ tịch “rước về lại”, qua đến rằm tháng Giêng, còn lại nhìn chung mọi nhà đều không ngó ngàng gì đến Táo thần. Điều kiện nơi ở của Táo thần cũng rất kém, cả ngày khói ám, mặt mày đầy tro bụi. Mọi người thường gọi những ai mặt đầy bụi bẩn là mặt ông Táo là từ đây mà ra.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Thiên Đạt sinh 达生 trong sách Trang Tử 庄子 có ghi:
 Tề Hoàn Công 齐桓公 hỏi Hoàng Tử Cáo Ngao 皇子告敖 rằng:
           Nhiên tắc hữu quỷ hồ?
          然则有鬼乎?
          (Thế thì có quỷ không?)
          Hoàng Tử Cáo Ngao đáp rằng:
          Hữu. Trầm hữu Lí, táo hữu Cát.
          . 沉有履, 灶有髻.
          (Có. Trong vũng có Lí, trong bếp có Cát)
          Tư Mã Bưu 司马彪 thời Tây Tấn chú rằng:
          Táo thần, kì trạng như mĩ nữ, trước xích y, danh Cát dã.
          灶神, 其状如美女, 著赤衣, 名髻也.
          (Táo thần, dung mạo như mĩ nữ, mặc áo đỏ, tên là Cát)
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/114067.htm?
         
                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 03/02/2013
                                                              Ngày 23 tháng Chạp năm Nhâm Thìn

Dịch từ nguyên tác Trung văn
TÁO THẦN
灶神
Trong quyển
CÁT TƯỜNG ĐÍCH TRUNG QUỐC
吉祥的中國
Bản công ti biên tập bộ biên soạn
Ngọc thụ đồ thư ấn loát hữu hạn công ti, năm Dân Quốc thứ 90.
Previous Post Next Post