Dịch thuật: Múa rồng


MÚA RỒNG

          Ở thời đại nông nghiệp, mưa là ân huệ lớn nhất mà trời ban cho con người. Hoạt động cầu mưa chí ít cũng được sản sinh theo thời đại nông nghiệp. Trong Xuân Thu Công Dương truyện – Hoàn Công ngũ niên 春秋公羊传 - 桓公五年 có ghi:
Đại Vu giả hà? Hạn tế dã.
大雩者何? 旱祭也
(Đại Vu là gì? Là tế cầu mưa lúc trời hạn hán)
          Trong Xuân Thu phồn lộ - Tinh hoa 春秋繁露 - 精华 cũng có ghi:
Đại hạn, Vu tế nhi thỉnh vũ.
大旱雩祭而请雨
(Đại hạn, tế Vu để cầu mưa)
          Phục Kiền 服虔 nói rằng:
Đại Vu, Hạ tế Thiên danh.
大雩, 夏祭天名
(Đại Vu là tên lễ tế Thiên vào mùa Hạ)
          Theo sự khảo chứng của Văn Nhất Đa 闻一多, mùa Hạ là long tộc, totem là rồng, tế Thiên và tế tổ vào thời thượng cổ là ngang nhau. Vì thế, “đại Vu” 大雩 trên thực tế là “tế long” 祭龙. Trong Lễ kí – Lễ vận 礼记 - 礼运 có ghi:
Lân, phụng, quy, long, vị chi tứ linh.
, , , , 谓之四灵
(Lân, phụng, quy, long, gọi là tứ linh)
          Trong Chu Dịch – Văn ngôn 周易 - 文言 có câu:
Vân tùng long, phong tùng hổ.
云从龙, 风从虎
(Mây theo rồng, gió theo cọp)
          Và trong Tân luận 新论 :
          Long hiện giả, triếp hữu phong vũ hưng khởi, dĩ nghinh tống chi, cố duyên kì tượng loại nhi vi chi.
          龙见者, 辄有风雨兴起, 以迎送之, 故缘其象类而为之.
          (Rồng hiện ra, gió và mưa liền nổi lên, để đưa đón, cho nên theo tượng loại đó mà làm theo)
          (Xem Hậu Hán thư – Lễ nghi chí trung 后汉书 - 礼仪志中, dẫn chú)
          Theo nhận thức của người xưa, rồng luôn đồng thời cùng gió và mưa, sự xuất hiện của rồng đương nhiên sẽ có gió mưa “nghinh tống”. Đây chính là căn cứ cho việc cầu mưa không thể thiếu được rồng.
          Từ đời Hán đã lưu hành múa rồng. Theo Xuân Thu phồn lộ 春秋繁露 , quyển 16, Cầu vũ 求雨, cầu mưa đời Hán nhân vì thời tiết khác nhau nên tế lễ cũng có chỗ khác nhau, nhưng đều không thể thiếu múa rồng. Hạn vào mùa Xuân, khi cầu mưa múa rồng xanh:
          Dĩ Giáp, Ất nhật vi đại thanh long nhất, trường bát trượng, cư trung ương; vi tiểu long thất, các trường tứ trượng, vu đông phương, giai đông hương, kì gian tương khứ bát xích. Tiểu đồng bát nhân, giai trai tam nhật, phục thanh y nhi vũ chi.
          以甲, 乙日为大青龙一, 长八丈, 居中央; 为小龙七, 各长四丈, 于东方, 皆东乡, 其间相去八尺. 小僮八人, 皆斋三日, 服青衣而舞之.
          (Vào ngày Giáp, Ất làm 1 con rồng lớn màu xanh, dài 8 trượng, ở chính giữa; làm 7 con rồng nhỏ, mỗi con dài 4 trượng, ở phía đông, đều hướng về đông, giữa mỗi con cách 8 xích. 8 em nhỏ, trai giới 3 ngày, mặc áo xanh múa)
          Hạn vào mùa Hạ, khi cầu mưa múa  rồng đỏ:
          Dĩ Bính, Đinh nhật vi đại xích long nhất, trường thất trượng, cư trung ương, hựu vi tiểu long lục, các trường tam trượng ngũ xích, vu nam phương, giai nam hương, kì gian tương khứ thất xích. Tráng giả thất nhân, giai trai tam nhật, phục xích y nhi vũ chi.
          以丙, 丁日为大赤龙一, 长七丈, 居中央; 又为小龙六, 各长三丈五尺, 于南方, 皆南乡, 其间相去七尺. 壮者七人, 皆斋三日, 服赤衣而舞之.
          (Vào ngày Bính, Đinh làm 1 con rồng lớn màu đỏ, dài 7 trượng, ở chính giữa; lại làm 6 con rồng nhỏ, mỗi con dài 3 trượng 5 xích, ở phía nam, đều hướng về nam, giữa mỗi con cách 7 xích. 7 tráng niên, trai giới 3 ngày, mặc áo đỏ múa)
          Mùa Thu cầu mưa múa rồng trắng,
          Dĩ Canh, Tân nhật vi đại bạch long nhất, trường cửu trượng, cư trung ương, vi tiểu long bát, các trường tứ trượng ngũ xích, vu tây phương, giai tây hương, kì gian tương khứ cửu xích. Quan giả cửu nhân, giai trai tam nhật, phục bạch y nhi vũ chi.
          以庚, 辛日为大白龙一, 长九丈, 居中央; 为小龙八, 各长四丈五尺, 于西方, 皆西乡, 其间相去九尺. 鳏者九人, 皆斋三日, 服白衣而舞之.
          (Vào ngày Canh, Tân làm 1 con rồng lớn màu trắng, dài 9 trượng, ở chính giữa; làm 8 con rồng nhỏ, mỗi con dài 4 trượng 5 xích, ở phía tây, đều hướng về tây, giữa mỗi con cách 9 xích. 9 người đàn ông goá vợ, trai giới 3 ngày, mặc áo trắng múa)
          Mùa Đông cầu mưa múa rồng đen:
Vũ long lục nhật, đảo vu danh sơn dĩ trợ chi.
舞龙六日, 祷于名山以助之
(Múa rồng  6 ngày, cầu đảo ở danh sơn để trợ giúp)
          Dĩ Nhâm, Quý nhật vi đại hắc long nhất, trường lục trượng, cư trung ương, hựu vi tiểu long ngũ, các trường tam trượng, vu bắc phương, giai bắc hương, kì gian tương khứ lục xích. Lão giả lục nhân, giai trai tam nhật, phục hắc y nhi vũ chi.
          以壬, 癸日为大黑龙一, 长六丈, 居中央; 又为小龙五, 各长三丈, 于北方, 皆北乡, 其间相去六尺. 老者六人, 皆斋三日, 服黑衣而舞之.
          (Vào ngày Nhâm, Quý làm 1 con rồng lớn màu đen, dài 6 trượng, ở chính giữa; lại làm 5 con rồng nhỏ, mỗi con dài 3 trượng, ở phía bắc, đều hướng về bắc, giữa mỗi con cách 6 xích. 6 người đàn ông goá vợ, trai giới 3 ngày, mặc áo đen múa)
          ((Xem Hậu Hán thư – Lễ nghi chí trung 后汉书 - 礼仪志中, dẫn chú) 
          Đời Hán “hưng thổ long” 兴土龙để múa. Theo những ghi chép trong Xuân Thu phồn lộ 春秋繁露  , nhìn từ yêu cầu đối với “thổ long”, lúc bấy giờ dựa theo con rồng mà mọi người tưởng tượng làm thành mô hình con rồng để múa. Điều này có thể có được sự chứng minh từ dụng cụ múa hình rồng được dẫn ra từ “Ngư long bách hí”  鱼龙百戏 trên đá có khắc hình vào thời Hán. “Ngư long” 鱼龙 ở đây còn được gọi là “Ngư long mạn diên” 鱼龙漫延 (cá rồng uốn khúc). Trong Tây kinh phú 西京赋 của Trương Hành 张衡 có câu:
Cự thú bách tầm, thị vi mạn diên
巨兽百寻, 是为曼延
(Thú lớn trăm tầm, đó là mạn diên)
          Tiết Tông 薛宗 chú rằng:
Tác đại thú bát thập trượng, sở vị xà long mạn diên dã.
作大兽八十丈, 所谓蛇龙曼延
(Làm một con thú lớn dài đến 80 trượng, gọi là rắn rồng uốn khúc)
          Ngoài ra còn có câu:
Hải lân biến nhi thành long, trạng uyển uyển dĩ vân vân.
海鳞变而成龙, 状蜿蜿以蝹蝹
(Loài có vảy ngoài biển biến thành rồng, hình trạng uốn khúc quanh co)
          Tiết Tông 薛宗 chú rằng:
Uyển uyển vân vân, long hình mạo dã
状蜿蜿以蝹蝹龙形貌也
(Uốn khúc quanh co là hình dạng của rồng)
(Xem Văn tuyển 文选, quyển 2)
          Thú lớn dài đến 80 trượng đương nhiên là thuộc loại rồng rắn. “Mạn diên” 曼延 tức mô phỏng hình trạng uốn khúc của rồng, “phi long thừa vân, đằng xà du vụ” 飞龙乘云腾蛇游雾 (rồng bay theo mây, rắn trườn theo sương mù), đại thể từ xa xưa đã có hình thức múa rồng của ngày hôm nay
          Ở Long hư thiên 龙虚篇, Minh Vu thiên 明雩篇 trong Luận Hành 论衡 của Vương Sung 王充 đối với việc múa rồng để cầu mưa đã phê bình mạnh mẽ, cho đó là mê tín. Nhưng tiết mục “Ngư long mạn diên” 鱼龙漫延 được sản sinh trên cơ sở tế tự này, đến nay vẫn là một nội dung quan trọng trong hoạt động lễ tết của dân tục.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 20/9/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
VŨ LONG
舞龙
Trong quyển
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI THỂ DỤC SỬ
中国古代体育史
Quốc gia thể uỷ thể dục văn sử công tác uỷ viên hội
Trung Quốc thể dục sử học hội, 1990
Previous Post Next Post