Dịch thuật: Điện Trung Hoà


ĐIỆN TRUNG HOÀ

          Điện Trung Hoà 中和 là một trong 3 điện thuộc khu vực ngoại triều của Cố cung, nằm giữa điện Thái Hoà 太和 và điện Bảo Hoà 保和 ở Tử cấm thành. Điện được xây vào năm Vĩnh Lạc 永乐 thứ 18 (năm 1420), đầu đời Minh gọi là điện Hoa Cái 华盖. Thời Gia Tĩnh 嘉靖 điện bị hoả tai, sau khi trùng tu đổi tên là điện Trung Cực 中极. Năm Thuận Trị 顺治 thứ nhất nhà Thanh (năm 1644), hoàng thất nhà Thanh làm chủ Tử cấm thành, năm sau đổi điện Trung Cực thành điện Trung Hoà 中和.
          Điện Trung Hoà là toà điện có mô hình một toà đình vuông, hình dáng riêng một kiểu, khiến toà điện trở nên đặc biệt nổi bật ở vị trí giữa điện Thái Hoà và điện Bảo Hoà. Bề sâu và bề rộng của điện Trung Hoà mỗi bề 3 gian, diện tích kiến trúc là 580m2. Chính giữa đỉnh trên mái lắp một khối tròn mạ vàng, giống như một viên minh châu. Do bởi phần chóp nhọn của mái là nơi giao nhau của các rường, cấu kiện bằng gỗ rất dễ mục nát khi bị thấm nước, nên trên chóp nhọn chụp lên một khối tròn hoàn chỉnh mạ vàng có thể bảo vệ hữu hiệu cấu kiện đồng thời tăng thêm được vẻ mĩ quan.
          Hình chế của các cửa ở điện Trung Hoà lấy theo kiểu ở “Minh đường” 明堂 mà trong Đại Đới lễ kí 大戴礼记 nói đến, tránh được 3 toà điện lớn giống nhau.
          Về cơ bản, điện Trung Hoà là nơi chuẩn bị cho những hoạt động ở điện Thái Hoà. Hoàng đế tạm nghỉ nơi đây trước khi ra điện Thái Hoà, trước tiên tiếp nhận việc hành lễ của đại thần nội các cùng quan viên bộ Lễ, sau đó mới tiến vào điện Thái Hoà cử hành nghi thức. Ngoài ra, trước khi hoàng đế tế thiên địa và tế Thái miếu, cũng phải dừng nơi đây thẩm duyệt qua “chúc bản” 祝版 (1), để thể hiện lòng thành kính; và trước khi đến Trung Nam Hải 中南海 (2) diễn canh (3), cũng phải dừng ở đây kiểm tra nông cụ để thể hiện sự chân thành.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- CHÚC BẢN 祝版: cũng được viết là 祝板, tức những bản gỗ hoặc giấy bên trên có chúc văn dùng trong lúc tế quỷ thần hoặc tổ tiên.
(2)- TRUNG NAM HẢI 中南海: tức “Trung Hải” 中海 và “Nam Hải” 南海 hợp xưng. Ngoài ra còn một “hải” nữa đó là “Bắc Hải” 北海 (hiện nay là công viên Bắc Hải). Bắc Hải, Trung Hải, Nam Hải gọi chung cả 3 là Tam Hải, nằm ở phía tây Cố cung. Trung Nam Hải có diện tích khoảng 1.500 mẫu,  trong đó diện tích mặt nước là 700 mẫu. Chữ “Hải” trong Trung Nam Hải là nói tắt từ “hải tử” 海子 trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là khu vực có nước. Do bởi nằm ở phương vị trung và nam của Bắc Kinh nên gọi là Trung Nam Hải. Tên gọi này có từ đời Nguyên và được dùng cho đến hiện nay.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view.16122.htm
(3)- DIỄN CANH 演耕: tức “diễn thí thân canh” 演试亲耕 (đích thân cày tượng trưng).  
 Năm 1644 sau khi nhà Thanh kiến lập vương triều, để hiểu về việc nông, biết được thời tiết, các vị hoàng đế nhà Thanh vào khoảng tiết Kinh trập 惊蛰 ngồi liễn từ cửa Chính Dương 正阳 đến đàn Tiên nông 先农 cày tượng trưng. Nơi đây quy hoạch một khoảnh đất gọi là “diễn canh điền” 演耕田, hàng năm hoàng đế hoàng hậu đến đây “đích thân cày”, biểu thị khắp thiên hạ đã đến lúc trồng ngũ cốc, đồng thời qua đó cũng thể hiện sự coi trọng sản xuất nông nghiệp. Cách làm này các đời sau nối tiếp nhau không thay đổi.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/27924.htm

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 14/9/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
PHƯƠNG PHƯƠNG CHÍNH CHÍNH ĐÍCH ĐÌNH TỬ HÌNH CUNG ĐIỆN
TRUNG HOÀ ĐIỆN
方方正正的亭子型宫殿
中和殿
Trong quyển
TRUNG QUỐC VĂN MINH KÌ TÍCH
中国文明奇迹
Chủ biên: Mặc Nhân (墨人)
Trung Quốc hí kịch xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post