Dịch thuật: Sàng từ đời Hán trở về sau

SÀNG TỪ ĐỜI HÁN TRỞ VỀ SAU

          Đời Hán còn có một loại dụng cụ dùng để ngồi gọi là “Hồ sàng” 胡床, về hình dáng nó khác với các loại sàng tháp thông thường. Hồ sàng là loại dụng cụ duy nhất có chân cao, có thể thấy lúc bấy giờ đã xuất hiện kiểu ngồi thỏng chân. Chân trước và chân sau của Hồ sàng giao tréo nhau, ở điểm giao tiếp là trục để tiện việc xếp lại, bên trên đan những sợi dây dùng để ngồi. Hồ sàng là dụng cụ do dân tộc thiểu số phương bắc Trung Quốc sáng tạo. Thời cổ đa phần gọi dân tộc thiểu số phương bắc là “người Hồ”, nhân đó mới gọi loại sàng này là “Hồ sàng”. Trong Diễn phồn lộ 演繁露 có ghi:
Kim chi giao sàng, chế bản tự lỗ lai,  thuỷ danh ‘Hồ sàng’
今之交床, 制本自虏来, 始名胡床
 (Loại sàng tréo chân ngày nay, vốn đến từ rợ phương bắc, tên gọi ban đầu là ‘Hồ sàng’)
Thời Tuỳ đổi gọi “Hồ sàng” thành “giao sàng” 交床. Từ đời Mục Tông 穆宗 nhà Đường trở về sau lại gọi là “thằng sàng” 绳床. Hồ sàng vốn không có lưng tựa, giống như loại “mã trát” 马札 (một loại ghế xếp) mà ngày nay chúng ta thấy. Trong Thanh dị lục 清异录 đời Tống, ở quyển hạ có nói:
Hồ sàng chuyển chốt trục hai chân sàng giao nhau, đan dây để ngồi, xếp lại nhanh, trọng lượng không đến mấy cân. Tương truyền Đường Minh Hoàng nhiều lần xuất hành, khi hộ giá đăng sơn, không thể leo được, muốn nghỉ nhưng không có chỗ, bèn sáng chế ra như thế, đương thời gọi là “tiêu dao toạ” 逍遥坐.
Hồ sàng lúc bấy giờ có thể đã có lưng tựa. Trong các sách cổ, những ghi chép có liên quan đến Hồ sàng cũng nhiều, như trong Sưu thần kí 搜神记 có nói:
Hồ sàng, nhung địch chi khí dã
胡床, 戎翟之器也
(Hồ sàng là dụng cụ của nhung địch)
Trong Phong tục thông 风俗通 ghi rằng:
Hán Linh Đế hiếu Hồ phục, Cảnh Sư tác Hồ sàng
汉灵帝好胡服, 景师作胡床
(Hán Linh Đế thích y phục người Hồ, Cảnh Sư làm ra Hồ sàng)
Âu Dương Tuân 欧阳询 đời Đường trong Nghệ văn loại tụ - Tào Man truyện 艺文类聚 - 曹瞒传 ghi rằng:
          Tào Tháo với Mã Siêu đánh nhau, Tào Tháo định qua sông, đội quân phía trước đang qua, Mã Siêu đợi đến và đánh úp, Tào Tháo lo sợ, hãy còn ngồi trên Hồ sàng. Trương Cáp thấy sự tình cấp bách, dẫn Tào Tháo lên thuyền, đưa qua sông.
          Thời Đường Tống, Hồ sàng đã thịnh hành, nhưng từ đời Tống trở đi không gọi là “Hồ sàng”, mà gọi là “giao ỷ” 交椅 hoặc “Thái sư ỷ” 太师椅.
          Sàng tháp thời Nguỵ Tấn về hình dáng không biến đổi gì lớn, chỉ là việc ứng dụng tương đối phổ biến hơn so với trước đó, chúng đã trở thành loại toạ cụ rất phổ thông.
          Từ thời Đông Tấn đến thời Nam Bắc triều, dần phá bỏ truyền thống, bắt đầu xuất hiện loại dụng cụ vừa ngồi vừa nằm có chân cao. Quan sàng 棺床 thời Bắc Nguỵ phát hiện ở Lạc Dương (Cung Đại Trung 宫大中: Thí luận Lạc Dương  quan Lâm Trần Liệt đích kỉ kiện Bắc Nguỵ lăng mộ thạch khắc nghệ thuật 试论洛阳关林陈列的几件北魏陵墓石刻艺术, đăng trên Văn vật 文物, năm 1982, kì 3); Sạp ngồi trong Hiệu thư đồ 校书图 đời Bắc Tề, nhìn từ tỉ lệ nhân vật và gia cụ, đều có đủ đặc điểm của loại gia cụ rộng lớn có chân cao.
          Tư thế ngồi của người thời kì này cũng đã có thay đổi, đa phần đều không ngồi theo kiểu quỳ gối mà là ngồi xếp bằng hai giao nhau hướng về trong. Theo sự phổ cập của loại toạ cụ chân cao, tư thế ngồi của người tất nhiên cũng phải có sự biến đổi ngồi theo kiểu thỏng chân. Trong bức vẽ “Nữ sử châm” 女史箴 của Cố Khải Chi 顾恺之 có 2 người ngồi trên sàng nói chuyện, trong đó có một người ngổi thỏng chân.
          Sàng tháp từ thời Lục triều đến thời Ngũ đại về hình dáng tương đối rộng lớn,  như 4 chiếc sàng tháp thời Ngũ đại phát hiện ở Thái trang 蔡庄 huyện Hàn Giang 邗江 tỉnh Giang Tô 江苏 (nhà bảo tàng Dương Châu 扬州: Giang Tô Hàn Giang Thái trang Ngũ đại mộ thanh lí giản báo 江苏邗江蔡庄五代墓清理简报, đăng trên Văn vật 文物, năm 1980, kì 8), dài 1,8m; rộng 0,92m; cao 0,5m; gần bằng thước tấc loại sàng dành cho một người hiện nay. Từ tư liệu về hình dáng, có thể thấy được đặc điểm rộng lớn của sàng tháp thời kì đó so với trước. Như chiếc tháp trong Bịnh Duy Ma tượng 病维摩像 thời Bắc Nguỵ ở Tân Dương động 宾阳洞, Long Môn 龙门, Lạc dương 洛阳; tháp ngồi trong Hiệu thư đồ 校书图 đời Bắc Tề, có thể ngồi được 5, 6 người cùng yến ẩm hoặc chơi các trò chơi; Tháp ngồi trong bức bích hoạ “Từ thị lang phu phụ yến hưởng hành lạc đồ” 徐侍郎夫妇宴享行乐图 trong mộ số 1 đời Tuỳ tại Anh sơn 英山 Gia Tường 嘉祥 Sơn Đông 山东 (viện bảo tàng tỉnh Sơn Đông: Sơn Đông Gia Tường Anh sơn nhất hiệu Tuỳ mộ thanh lí giản báo 山东嘉祥英山一号隋清理简报, đăng trên Văn vật 文物, năm 1981, kì 4), 2 người ngồi trên tháp, bên cạnh có chiếc kỉ, túi dựa, trước mặt còn để chiếc đậu đựng đầy trái cây.
          Đáng để nhắc đến là 2 chiếc sàng tháp trong “Hàn Hi Tải dạ yến đồ” 韩熙载夜宴图 của Cố Hoành Trung 顾闳中 thời Ngũ đại, 5 người cùng ngồi trên một chiếc sàng mà vẫn còn rộng chỗ, có thể thấy hình dáng của nó rất lớn. Hình dáng của 2 chiếc sàng đại để như nhau, bên trái bên phải và phía sau đều có tấm ván tương đối cao, hai bên của chính diện có hai tấm để gác tay, chính giữa chừa một lối lên xuống. Trên bức hoạ, bên cạnh sàng tháp còn có một chiếc ngoạ sàng ở phòng ngủ.
          Tháp từ đời Tống trở về trước, đa phần đều không có tấm vây chung quanh, chỉ có loại sàng dành để ngủ mới có. Sàng gỗ thời Chiến quốc, quan sàng thời Bắc Nguỵ phát hiện ở Lạc Dương; sàng trong bức vẽ “Nữ sử châm” 女史箴 thời Đông Tấn đều thuộc loại sàng dùng để nằm. Với chiếc sàng được vẽ trong “Hàn Hi Tải dạ yến đồ” 韩熙载夜宴图, chúng ta có thể biết loại sàng dùng để nằm thời Ngũ đại cũng có tấm vây chung quanh.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 4/8/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
HÁN ĐẠI DĨ HẬU ĐÍCH SÀNG
汉代以后的床
Trong quyển
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI GIA CỤ
中国古代家具
Tác giả: Hồ Đức Sinh 胡德生
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1997.
Previous Post Next Post