Dịch thuật: Người xưa yêu thích hạc


NGƯỜI XƯA YÊU THÍCH HẠC

          Trong lịch sử Trung Quốc, hạc được xem là “tiên cầm” 仙禽, có phong độ của cao nhân ẩn sĩ. Trừ những lúc bị sát hại ra, thông thường nếu bắt được hạc người ta thường nuôi để thưởng ngoạn. Trong Mao Thi nghĩa sớ 毛诗义疏 có ghi:
Ngô nhân viên trung cập sĩ đại phu gia giai dưỡng chi.
吴人园中及士大夫家皆养之
(Trong vườn của người ở đất Ngô cùng nhà của các sĩ đại phu đều có nuôi hạc)
          Tập tục thời thượng này đến nay vẫn không suy giảm. Thời cổ còn có những người đặc biệt yêu thích hạc, rất nhiều ghi chép được lưu lại, sớm nhất phải kể đến Vệ Ý Công 卫懿公. Chuyện kể rằng:
          Người Địch đánh nước Vệ, Vệ Ý Công yêu quý hạc, cho hạc đi xe. Sắp đánh nhau, dân trong nước đều cầm binh khí, họ nói: ‘Hãy sai hạc, hạc có tước vị bổng lộc, chúng tôi thì  đánh trận sao được?
                                            (Tả truyện – Mẫn  Công nhị niên 左传 - 闵公二年)
          Ý Công nhân vì yêu hạc mà phải thân bại danh liệt. Người đời sau thường lấy đó làm gương. Đời Tấn, Nữu Thao Mẫu 钮滔母 cũng rất thích hạc, người em họ là Hiếu Trưng 孝徵 cho là không hay nên đã dẫn câu chuyện trên để khuyên, Nữu Thao Mẫu đáp rằng:
          Em chê ta nuôi hạc, lấy cái hoạ của Vệ Ý Công khuyên ta, lời đó không đúng. Ta không theo cái thích của Ý Công: dân không có xe để đi, hạc lại có xe để ngồi; tai hoạ ấy là do việc làm không thích đáng.
          Bởi theo cách nhìn của thế tục, một số nơi vì mắc nghẹn mà bỏ cơm. Đời Tấn, tập tục nuôi hạc thịnh hành nhất thời. Dương Hỗ 羊祜 là một vị tướng nổi tiếng, trong Phương dư thắng lãm 方舆胜览  đã nói về ông rằng:
          Lúc trấn nhậm Kinh Châu 荆州, nơi đầm ở Giang Lăng 江陵 có nhiều hạc, ông từng đem chúng về dạy múa để giúp vui tân khách.
          Do vậy, đầm ở Giang Lăng có tên là Hạc trạch 鹤泽; về sau ngay cả quận Giang Lăng cũng gọi là Hạc trạch. Đến như Lục Cơ 陆机 bị Thành Đô Vương 成都王 giết, đến khi chết vẫn còn “nhìn tả hữu mà than rằng: ‘Nay muốn được nghe tiếng hạc kêu ở Hoa đình cũng không được nữa rồi’”
                                                                (Tấn bát vương cố sự 晋八王故事)
có thể thấy ông yêu hạc biết bao.
          Mãi đến thời Đường, hạc dường như vẫn chưa kết duyên cùng ẩn sĩ, nhưng liên quan đến truyền thuyết tiên nhân hoặc thành tiên thì rất nhiều. Việc yêu hạc lúc bấy giờ đại khái bắt nguồn từ tính cách hoặc thị hiếu cá nhân, không giống như sau này, mượn đó để mà tự ví với sự ẩn dật cao thượng. Chỉ nhìn những bài thơ vịnh hạc lúc bấy giờ, sẽ thấy biểu hiện 3 loại tư tưởng:
          - Loại biệt hạc, dùng để ví nỗi bi ai khi li biệt.
          - Loại vịnh vật tả tình thông thường.
          - Loại tự thuật thần tiên mờ mịt.
          Đến thời Tống, hạc bắt đầu kết bạn với ẩn sĩ, trên mình hạc được khoác lên vô số sắc màu ẩn dật. Nhân vật ẩn dật nổi tiếng là Lâm Bô 林逋 (1). Ông một thân cô độc, ẩn cư nơi Cô sơn 孤山 ở Tây hồ Hàng Châu, xem mai là vợ, xem hạc là con, có thể gọi là “cao phong lượng tiết” 高风亮节 (phong cách cao thượng, khí tiết trong sáng), tiêu sái thoát trần. Theo truyền thuyết, hạc mà ông nuôi còn có thể sai được việc. Trong Mộng Khê bút đàm 梦溪笔谈 ghi rằng:
          Lâm Bô ẩn cư nơi Cô sơn, nuôi hai con hạc, lúc thả ra chúng bay vào đám mây trên trời cao, lượn một hồi lâu lại bay về lồng. Lâm Bô thường thả thuyền dạo chơi ở các chùa nơi Tây Hồ. Có khách đến nhà, tiểu đồng ra cửa đón, mời khách ngồi xong liền mở cửa lồng thả hạc. Một hồi lâu, ông quay thuyền trở về, ấy là dùng hạc bay đến báo.
          Hiện nay tại Cô sơn còn có thắng tích đình “Phóng hạc” 放鹤, hoa mai tuy không thiếu nhưng hạc đã không còn.
         Và dưới đây là câu chuyện được chép trong Dương Châu phủ chí 扬州府志
Lô Thủ Thường 卢守常 lúc làm việc ở Trần Châu, có nuôi hai con hạc rất khôn. Khi một con chết, con còn lại không ăn, đau buồn kêu ; ông gắng cho ăn mới chịu ăn. Một ngày nọ, hạc quẩn bên chân ông kêu lên, ông hỏi: “Mày muốn đi sao?  có trời cao có thể bay, có rừng sâu có thể nghỉ, ta không giữ mày nữa”. Hạc vỗ cánh bay lên lượn mấy vòng rồi đi mất. Sau 3 năm, Lô Thủ Thường già yếu bệnh tật, lại không có con, về sống ở bên khe Hoàng Bồ 黄蒲. Cuối thu tiêu sơ, ông chống gậy đi trong rừng, bỗng có một con chim hạc lượn vòng trên không, cất tiếng kêu đau buồn. Ông ngẩng đầu lên nói rằng: “Mày có phải là bạn của ta ở Trần Châu không? Nếu là phải thì xuống đây”. Hạc liền bay vào lòng, dùng mỏ cắn áo ông nhảy múa không ngừng. Lô Thủ Thường vuốt ve hạc, khóc nói rằng: “Ta già rồi nhưng không có con cháu, chỉ hình với bóng, nay may mắn có mày ở lại, như Lâm Bô ở Cô sơn, cùng nhau sống đến tuổi già”. Liền dẫn hạc về. Khi ông mất, hạc cũng không ăn và chết. Gia nhân đem chôn, mộ ở Đinh Yển丁堰.
                                                                (Dương Châu phủ chí 扬州府志)

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- LÂM BÔ 林逋 (967 – 1029): tự Quân Phục 君复, người Tiền Đường 钱塘 (nay là Hàng Châu, Triết Giang). Ông ẩn cư nơi Cô sơn 孤山 ở Tây hồ 西湖 20 năm, trồng mai nuôi hạc, suốt đời không làm quan, không lập gia đình, người đời gọi là “mai thê hạc tử” 梅妻鹤子. Khi mất có tên thuỵ là Hoà Tĩnh tiên sinh 和靖先生. Người đời sau gọi ông là Lâm xử sĩ. Lâm Bô giỏi về thơ, có tài về thư pháp đặc biệt là hành thảo.
          Tác phẩm để lại có Lâm Hoà Tĩnh thi tập 林和靖诗集, cùng 4 bài từ.
          Nguồn: Đường Tống từ giám thưởng từ điển 唐宋词鉴赏辞典, tập Nam Tống . Liêu . Kim. Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1988.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 29/8/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
CỔ CHI HIẾU HẠC GIẢ
古之好鹤者
Trong quyển
ĐIỂU DỮ VĂN HỌC
鸟与文学
Tác giả: Giả Tổ Chương 贾祖璋
Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 2001.
Previous Post Next Post