Dịch thuật: Lễ hội miếu Ba La ở Quảng Châu


LỄ HỘI MIẾU BA LA Ở QUẢNG CHÂU

          Lễ hội miếu Ba La 波罗 từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 2 âm lịch là một trong những miếu hội truyền thống dân gian lớn nhất ở Quảng Châu, đến nay đã có lịch sử cả ngàn năm, người dân nơi đây có câu:
Đệ nhất du Ba La, đệ nhị thú lão bà
第一游波罗, 第二娶老婆
(Thứ nhất là đi chơi ở Ba La, thứ nhì là cưới vợ)
          Mua gà Ba La là một tập tục còn bảo lưu ở lễ hội. Gà Ba La là loại hàng thủ công dân gian bằng giấy phết hồ, mọi người bảo rằng đó là “thần kê”, trong số 100.000 con gà giấy chỉ có 1 con có thể gáy giống như gà thật. Người nào may mắn mua được con gà Ba La biết gáy đó sẽ phát tài.
          Truyền thuyết kể rằng, vào thời xưa gần miếu Ba La có một bà lão họ Trương, nuôi một con gà trống rất có thần khí, tiếng gáy rất vang. Một tên nhà giàu thích con gà đó ra giá cao muốn mua nhưng bà lão không bán. Hắn thẹn quá hoá giận sai tên giúp việc bắt trộm đem về. Không ngờ, từ đó trở đi con gà không gáy nữa, tên nhà giàu căm tức giết chết con gà. Bà lão đau buồn nhặt đám lông gà về nhà, dùng đất sét và giấy làm thành con gà trống, lấy từng sợi lông gà cắm vào. Sáng sớm ngày hôm sau, con gà giấy ấy bỗng gáy lên. Bà lão vô cùng  vui mừng làm nhiều con gà như thế, đem đến lễ hội miếu Ba La bán. Và tập tục đã được lưu truyền lại.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
          Miếu Ba La 波罗 vốn có tên là Nam Hải Thần miếu 南海神庙, toạ lạc tại thôn Miếu Đầu 庙头, phố Tuệ Đông 穗东, khu Hoàng Phố 黄埔, thành phố Quảng Châu 广州.
          Nam Hải Thần miếu được xây vào năm Khai Hoàng 开皇 thứ 14 đời Tuỳ (năm 594) để thờ thần Nam Hải Chúc Dung 祝融. Đây là miếu lớn nhất và cổ nhất trong 4 miếu Hải Thần cổ đại Trung Quốc.
          Tương truyền vào thời Đường, nước Ba La phái sứ giả đến Trung Quốc triều cống. Trên đường về khi đi ngang qua Quảng Châu, đến Nam Hải Thần miếu, vị sứ giả lên bờ vào bái yết, đồng thời trồng nơi miếu 2 hạt Ba La đem từ nước Ba La đến. Do bởi lưu luyến trước cảnh đẹp của miếu, vị sứ giả đã lỡ chuyến trở về, chỉ biết nhìn biển khóc than, đưa tay lên trán ngóng trông hi vọng thuyền quay trở lại. Về sau mất ở nơi đó, mọi người chôn cất ông rất trọng hậu đồng thời dựa theo hình dạng đưa tay lên trán ngóng thuyền, tạc tượng ông thờ trong Nam Hải Thần miếu, mặc cho ông trang phục kiểu Trung Quốc, phong là Đạt Hề Tư Không 达奚司空. Những năm Thiệu Hưng 绍兴 đời Tống Cao Tông, phong ông là Đạt Hề Vi Trợ Lợi Hầu 达奚为助利侯. Do bởi vị sứ giả là người nước Ba La, lại trồng cây Ba La nơi miếu, ngày ngày trông ngóng thuyền Ba La quay lại đón để đưa về nước, nên người dân trong thôn đã gọi tượng của ông là “Phiên quỷ vọng Ba La” 番鬼望波罗, miếu nhân đó cũng được gọi là miếu Ba la.
          Năm 1962, miếu Ba La được xếp vào đơn vị bảo hộ văn vật trọng điểm cấp tỉnh.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/574590.htm
                      http://baike.baidu.com/view/58736.htm

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 26/8/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
BA LA ĐẢN MIẾU HỘI
波罗诞庙会
Trong quyển
HUỀ TRÌNH TẨU TRUNG QUỐC
PHÚC KIẾN – QUẢNG ĐÔNG – HẢI NAM
携程走中国
福建 - 广东 - 海南
Chủ biên: Huề trình lữ hành phục vụ công ti
Thượng Hải Tam Liên thư điếm, 2001.
Previous Post Next Post