Dịch thuật: Người xưa thích dùng chữ "Quy" để đặt tên

NGƯỜI XƯA THÍCH DÙNG CHỮ “QUY”
ĐỂ ĐẶT TÊN

          Người thời nay rất ít dùng chữ Quy để đặt tên, nhưng vào thời xưa mọi người rất thích. Thời xưa, Quy là một trong “Tứ linh”, nó cùng với Long, Lân, Phụng được xem là những con vật cát tường, biểu thị cho phẩm cách cao thượng. Quy là loài động vật sống lâu, dùng Quy để đặt tên còn thể hiện ước muốn được trường thọ. Thành ngữ Quy niên Hạc thọ 龟年鹤寿 biểu thị cho ý nghĩa này. Vì thế thời xưa, người có tên Quy thường rất nhiều, như: Tự Sở Vương Lý Linh Quy 嗣楚王李灵龟 thời Trinh Quán 贞观 nhà Đường; Lý Quy Niên 李龟年, nghệ nhân nổi tiếng thời Đường Huyền Tông. Đỗ Phủ 杜甫 từng sáng tác bài Giang Nam phùng Lý Quy Niên 江南逢李龟年. Bạch Cư Dị 白居易 cũng có một người cháu tên A Quy 阿龟 rất được ông yêu quý. Trong bài Lộng Quy La 弄龟罗, Bạch Cư Dị viết rằng:
Hữu điệt thuỷ lục tuế,
Tự chi vi A Quy
有侄始六岁
字之为阿龟
Có cháu mới sáu tuổi
Đặt tên là A Quy
          Xem kỹ, quả thật Quy là loài động vật được con người sủng ái. Từ thời viễn cổ, mai của nó được dùng làm tiền tệ và để thực hiện chiêm bốc đoán việc cát hung. Về sau được khắc chữ lên trên tạo ra văn tự Giáp cốt cổ xưa của Trung quốc lưu truyền đến ngày nay. Quy là con vật đã có những cống hiến quan trọng trong quá trình phát triển nền văn minh Trung quốc. Trong bốn con vật mà người xưa cho là “Tứ linh”, thì Long, Lân, Phụng là những con vật mơ hồ hư ảo, chỉ có Quy là hiển hiện xác thực. Nó là con vật duy nhất tồn tại khách quan, tập trung được ý nghĩa trường thọ và cát tường. Nhưng không hiểu vì sao đến thời Minh, thanh danh của loài Quy bị xuống dốc, hình tượng của nó cũng trở nên xấu xí. Chữ Quy đã trở thành từ dùng để thoá mạ và có liên quan đến sinh thực khí của nam. Hiện tượng rút đầu của nó được ví với đàn ông  có vợ tư thông với kẻ khác, điều này mang tính sỉ nhục, vì thế không ai dùng Quy để đặt tên, nó đã trở thành chữ kỵ huý.
          Một số năm lại đây, hình tượng Quy đã có những thay đổi, hiện tượng dùng Quy để thoá mạ và sỉ nhục người khác đã giảm đi, những người buôn bán nó trên thị trường động vật quý hiếm đã dần nhiều lên, danh xưng Ô quy 乌龟 cũng đã dược đổi thành Thọ quy 寿龟, người mua đã xem nó là con vật cát tường trường thọ.
          Trên thực tế, những ai biết được lịch sử của chữ Quy vẫn thích chữ này và cũng không ngại dùng Quy để đặt tên. Lý Đại Chiêu 李大钊 có biệt danh là Lý Quy Niên 李龟年, ông đã viết tác phẩm “Canh danh Quy Niên tiểu khải” 更名龟年小启. Thời gian du học ở Nhật, Úc Nghi 郁嶷đã viết cho ông bài Tống Lý Quy Niên du Nhật Bản tự  送李龟年游日本序.
          Chúng ta có thể dự đoán rằng, dần theo sự hiểu biết của mọi người về lịch sử của chữ Quy, thanh danh của Quy sẽ dần được khôi phục, hình tượng biểu thị cho cát tường trường thọ sẽ lại được mọi người tiếp nhận. Đến lúc đó, dùng chữ Quy để đặt tên biết đâu sẽ trở thành thời thượng.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 10/7/2012

Dịch theo nguyên tác Trung văn
CỔ NHÂN TẰNG HỶ HOAN DỤNG “QUY” TỰ VI DANH
古人曾喜欢用字为名
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005.
Previous Post Next Post