Dịch thuật: Kê


          Vào thời cổ ở Trung Quốc, nam nữ đều vấn tóc, và để giữ cho búi tóc được chặt cần phải dùng cây trâm để cài. Tiền thân của cây trâm gọi là “kê” . Thời Tây Chu, Xuân Thu đã có kê rồi. Trong Thi kinh – Quân tử giai lão 诗经 - 君子偕老 có câu:
Phó kê lục gia
副笄六珈
(Đầu tóc giả cài trâm có kết sáu viên ngọc)
(Theo Tạ Quang Phát: Kinh Thi, tập 1, trang 225. NXB Văn học, 1991)
          Trịnh Huyền 郑玄 chú rằng:
Phó giả, Hậu phu nhân chi thủ sức, biên phát vi chi. Kê, hành kê dã.
副者, 后夫人之首饰, 编发为之. , 衡笄也
          (Phó là đồ trang sức trên đầu của Hậu phu nhân, dùng tóc kết lại. Kê là cây kê cài ngang trên tóc)
          Thời kì đầu, kê có 2 loại: quát kê 鬠笄 và quan kê冠笄. Quát kê là loại kê mà nam nữ dùng để gắn búi tóc giữ tóc cho chặt, còn quan kê là loại mà nam dùng để giữ cố định mũ miện. Trong Nghi lễ - Sĩ tang lễ 仪礼 - 士丧礼  có câu:
Quát kê dụng tang
鬠笄用桑
(Quát kê thì dùng gỗ dâu để làm)
ở dưới câu đó có lời sớ rằng:
          Phàm kê hữu nhị chủng: nhất thị an phát chi kê, nam tử nữ nhân câu hữu, tức thử kê thị dã. Nhất thị quan kê, bì biền kê, tước biền kê, duy nam tử hữu nhi phụ nhân vô dã.
          凡笄有二种: 一是安发之笄, 男子女人俱有, 即此笄是也. 一是冠笄, 皮弁笄, 爵弁笄, 唯男子有而妇人无也.
          (Phàm kê có 2 loại: một là loại dùng để giữ tóc, nam nữ đều có, tức là loại kê này. Còn loại kia là quan kê, bì biền kê, tước biền kê, chỉ nam mới có, nữ không có loại kê này)
          Hình thức kê thời cổ rất đa dạng. Từ chất liệu mà nói, có loại làm bằng xương, bằng gai, hoặc trúc, ngà voi, ngọc, đồi mồi, đồng, vàng… . Về hình dáng, nhìn chung là dài khoảng từ 2 đến 3, 4 thốn, hai đầu hơi rộng, giữa hẹp. “Trâm” mà thời Tần Hán trở đi gọi cùng với “kê” thời Tiên Tần, kì thực là cùng một vật mà khác tên, tác dụng và kiểu dáng của chúng nhất trí với nhau. Trong bài Hán nhạc phủ Hữu sở tư 有所思 có câu:
Song châu đại mạo trâm,
Dụng ngọc thiệu liễu chi.
双珠玳瑁簪
用玉绍缭之
(Cây trâm đồi mồi với 2 viên minh châu
Dùng ngọc xâu quanh cây trâm ấy)
cây trâm nói ở đây là loại trâm đẹp, tương đối quý.
          Thời cổ ở  Trung Quốc, nữ cài kê được xem là một sự kiện rất quan trọng. Đến lúc đó cần phải cử hành một nghi thức, tức “Kê lễ” (笄礼). Thiếu nữ thực hiện qua Kê lễ được xem là đã trưởng thành. Vì thế, Kê lễ của nữ và Quán lễ của nam là lễ tục tương ứng. Kê lễ sản sinh vào thời Chu. Trong Nghi lễ - Sĩ hôn lễ 仪礼 - 士昏礼 ghi rằng:
Nữ tử hứa giá, kê nhi lễ chi xưng tự
女子许嫁, 笄而醴之称姒
(Con gái đính hôn, làm lễ Kê và dùng tự để xưng)
          Trịnh Huyền chú rằng:
Kê, nữ tử lễ, do Quán nam dã.
, 女子礼, 犹冠男
(Kê là lễ của nữ, giống như Quán lễ của nam)
          Trong Xuân Thu Công Dương truyện 春秋公羊传 cũng ghi:
Nữ tử hứa giá, Kê nhi tự, tử tắc dĩ thành nhân chi táng trị chi, thử Chu chế dã.
女子许嫁, 笄而字, 死则成人之丧治之, 此周制也.
          (Con gái đính hôn, thực hiện Kê lễ và đặt tên tự, khi mất sẽ được an táng theo nghi thức thành nhân, đó là chế độ của nhà Chu)
          Ở đây nói, thiếu nữ thực hiện qua Kê lễ, bất luận là đã thành hôn hay chưa đều được hưởng sự đãi ngộ với tư cách đã thành nhân, ngay cả khi mất cũng như thế.
          Thiếu nữ thực hiện qua Kê lễ, phải đủ 15 tuổi, đồng thời đã được hứa gã (tức đính hôn). Nếu đã 15 tuổi mà chưa được hứa gã, cũng không được cài kê. Trong Lễ kí – Nội tắc 礼记 - 内则 nói rằng:
Nữ tử “thập hữu ngũ nhi kê”
女子十有五而笄
(Con gái “đến 15 tuổi thực hiện Kê lễ”)
          Mã Cảo 马缟 thời Ngũ đại trong Trung Hoa cổ kim chú 中华古今注 viết rằng:
          Nữ tử thập ngũ nhi Kê, hứa giá vu nhân, dĩ hệ tha tộc, cố viết Kế. Nhi cát trăn mộc vi kê.
女子十五而笄, 许嫁于人, 以系他族, 故曰髻. 而吉榛木为笄
          (Con gái đến 15 tuổi thực hiện Kê lễ, được hứa gã cho người, thuộc về tộc khác, cho nên gọi là Kế. Dùng gỗ trăn để làm kê)
          Cho nên thời cổ, gọi thiếu nữ đến tuổi thành niên là “cập kê” 及笄. Trong vở U khuê kí 幽闺记  hồi thứ 8 của Thi Quân Mĩ 施君美 đời Nguyên, Vương Thuỵ Lan 王瑞兰 đã hát rằng:
Sinh cư hoạ các lan đường lí
Chính thanh xuân tuế phương cập kê
生居画阁兰堂里
正青春岁方及笄
(Sống nơi gác đẹp nhà lan
Đương độ thanh xuân đến tuổi cập kê)
ý nói đã đến tuổi 15, hiện đang sống nơi khuê các.
          Thời cổ thiếu nữ tham gia Kê lễ cũng được gọi là “thướng đầu” 上头 (vấn tóc). Giản Văn Đế 简文帝 nhà Lương trong bài thơ Hoạ nhân độ thuỷ 和人渡水 có viết:
Uyển uyển tân thướng đầu
Tiên cư xuất lạc du
婉婉新上头
湔裾出乐游
(Vừa mới vấn tóc trông có vẻ dịu dàng
Giặt áo để vui chơi)
          Hoa Nhuỵ phu nhân 花蕊夫人 trong Cung từ 宫词  viết rằng:
Niên sơ thập ngũ tối phong lưu
Tân tứ vân hoàn tiện thướng đầu
年初十五最风流
新赐云鬟便上头
(Tuổi mới mười lăm rất mực phong lưu
Được làm lễ vấn tóc nên đã vấn lên)
đây là vịnh Kê lễ. Mãi đến thời Tống, vẫn còn tập tục này. Ngô Tự Mục 吴自牧 đời Tống trong Mộng lương lục 梦梁录 có viết:
          Thanh minh giao tam nguyệt, tiết tiền lưỡng nhật vị chi Hàn thực ….. Phàm quan dân bất luận đại tiểu gia, tử nữ vị Quán Kê giả, dĩ thử nhật thướng đầu.
          清明交三月, 节前两日谓之寒食 ….. 凡官民不论大小家, 子女未冠笄者, 以此日上头.
          (Tiết Thanh Minh vào tháng 3, trước tiết 2 ngày là tiết Hàn thực ….. từ quan đến dân, bất luận nhà lớn nhỏ, con trai con gái chưa thực hiện Quán lễ và Kê lễ sẽ lấy ngày này vấn tóc lên)
          Từ thời Minh Thanh trở về sau, Kê lễ nguyên thuỷ không còn tồn tại, nhưng ảnh hưởng của tập tục này vẫn không mất đi. Trên cơ sở đó lại phát sinh lễ tục “thướng kế” 上髻 (vấn tóc). Thẩm Bàng 沈滂 đời Minh trong Uyển thự tạp kí 宛署杂记 quyển 17 mục Dân tục 民俗 nói rằng:
          Quán lễ, tự sĩ đại phu gia chi ngoại, đa bất đặc cử. Duy vu giá thú chi thời, nam gia khiển nhân vi tân phụ thướng kế, nữ gia khiển nhân vi tân tế quán cân. Tiên kì các tuỳ sở hữu bị phục sức , dĩ nhất nhân lễ tống kì gia, do hữu cổ ý.
          冠礼, 自士大夫家之外, 多不特举. 惟于嫁娶之时, 男家遣人为新妇上髻, 女家遣人为新婿冠巾. 先期各随所有备服饰, 以一人礼送其家, 犹有古意.
          (Quán lễ, trừ nhà sĩ đại phu ra, đa phần đều không tổ chức. Duy chỉ khi cưới gã, nhà trai sai người vấn tóc cho cô dâu, nhà gái sai người đội khăn cho chú rễ. Trước tiên theo những gì đã có mà phục sức, một người mang lễ tới nhà, theo
như xưa).
          Một số tiểu thuyết thời Minh Thanh cũng thường viết về “thướng đầu”. Trong Kim Bình Mai 金瓶梅  hồi thứ 88:
          Lão gia suốt 3 đêm liền nghỉ tại phòng của Xuân Mai, thay cô ấy may y phục cho 4 mùa và vấn tóc.
          Trong Hồng lâu mộng 红楼梦 hồi thứ 20, Bảo Ngọc chải đầu cho Xạ Nguyệt. Tình Văn trông thấy liền cười nhạt và nói rằng:
Chà! Chén giao bôi chưa uống mà đã vấn tóc rồi!
          Ngoài ra, trong hí khúc tiểu thuyết cũng viết nhiều về việc nam nữ lấy trâm làm lễ vật để tặng cho người yêu. Vở Bích ngọc trâm 碧玉簪  đã lấy trâm làm môi giới cho tình yêu.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 17/7/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC ĐẠI TỪ ĐIỂN
中国风俗大辞典
Chủ biên: Thân Sĩ Nghiêu 申士垚
           Phó Mĩ Lâm 傅美琳
Trung Quốc Hoà Bình xuất bản xã, 1994.
Previous Post Next Post