Dịch thuật: Chế độ giáo dục đời Minh

CHẾ ĐỘ GIÁO DỤC ĐỜI MINH

1- HỆ THỐNG HỌC CHẾ
          Đời Minh, dựa theo cách thiết lập có thể phân trường học ra làm 2 loại lớn quan học trung ương và quan học địa phương.  Quan học trung ương chủ yếu có Quốc tử giám 国子监, ngoài ra còn có Tông học 宗学, Võ học 武学, Âm dương học 阴阳学, Tứ di quán 四夷馆. Quan học địa phương chủ yếu có Phủ học 府学, Châu học 州学, Huyện học 县学 cùng với Giáo ti nho học 教司儒学, Hành đô ti nho học 行都司儒学, Vệ nho học 卫儒学, Đô chuyển vận ti nho học 都转运司儒学, Tuyên uý ti nho học 宣慰司儒学, Án phủ ti nho học 按抚司儒学. Ngoài ra ở các phủ châu huyện cũng đều thiết lập Võ học 武学, Y học 医学, Âm dương học 阴阳学; nông thôn có Xã học 社学. Còn thiết lập Khổng Mạnh Nhan tam thị học 孔孟颜三氏学.

2- QUAN HỌC TRUNG ƯƠNG
2.1- Quốc tử giám
          Quốc tử giám đời Minh vốn được thiết lập vào năm Chí Chính 至正 thứ 25 đời Nguyên (năm 1365), trên cơ sở đổi Ứng Thiên phủ học 应天府学 thành Quốc tử học 国子学, đặt Tế tửu, Bác sĩ, Trợ giáo để dạy hoàng tử và con em quý tộc. Minh Thái Tổ định đô ở Nam Kinh, cho xây lại Quốc học ở dưới núi Kê Minh 鸡鸣. Năm Hồng Vũ 洪武 thứ 15 (năm 1382), đổi Quốc tử học thành Quốc tử giám. Năm Vĩnh Lạc 永乐 thứ 1 (năm 1403), Minh Thành Tổ thiết lập Bắc Kinh Quốc tử giám. Năm Vĩnh Lạc thứ 18 dời đô về Bắc Kinh, lấy Bắc Kinh Quốc tử giám làm Kinh sư Quốc tử giám; còn Quốc tử giám ban đầu đổi tên là Nam Kinh Quốc tử giám. Từ đó có 2 giám là Nam giám, Bắc giám.
          (1)- Cơ cấu quản lí và thiết đặt quan viên
          Quốc tử giám đời Minh có các quan như: Tế tửu 祭酒, Tư nghiệp司业, Giám thừa 监丞, Điển bộ 典簿, Điển tịch 典籍, Bác sĩ 博士, Trợ giáo 助教, Học chính 学正, Học lục 学录.
          (2)- Nguồn và các loại giám sinh
         Nguồn giám sinh đời Minh rất rộng, chủ yếu có 4 loại: cống giám, cử giám, ấm sinh và lệ giám. Ngoài 4 loại giám sinh nêu trên, sinh viên các dân tộc thiểu số ở Vân Nam 云南, Tứ Xuyên 四川 được nhập giám được gọi là Thổ quan sinh 土官生. Lưu học sinh các nước như Nhật Bản, Lưu Cầu, Xiêm La được gọi là Di sinh 夷生.
          (3)- Chế độ giáo học
          Chế độ quản lí giáo học Quốc tử giám đời Minh tương đối hoàn bị hơn các đời trước, chủ yếu biểu hiện ở các mặt như:
          - Kiến lập phân đường giáo học và tích phân chế. Tổ chức giáo học Quốc tử giám phân làm 6 đường, trong đó “Chính nghĩa” 正义, “Sùng chí” 崇志, “Quảng nghiệp” 广业 là sơ cấp; “Tu đạo” 修道, “Thành tâm” 诚心 là trung cấp; “Suất tính” 率性 là cao cấp. Tuỳ theo trình độ, giám sinh vào các đường để học.
- Kiện toàn chế độ quản lí việc học. Đối với việc sắp xếp bài giảng, phương pháp phương thức dạy học cùng với kế hoạch giảng dạy, Quốc tử giám đều quy định rõ ràng.
- Do bởi nhiều lớp, khoá trình tương đối nhiều, Quốc tử giám sắp xếp khoá trình chặt chẽ. Trừ mồng một và ngày rằm được nghỉ ra, mỗi ngày đều có giờ lên lớp, chia làm sáng chiều.
(4)- Việc đãi ngộ giám sinh và giám quy
          Đời Minh,  việc đãi ngộ giám sinh của Quốc tử giám rất trọng hậu. Sinh đồ nhận được lương thực của chính phủ cấp, đồng thời theo mùa mà nhận được quần áo, chăn mền, mũ nón, giày dép; gặp những ngày lễ tết cũng được ban thưởng; những ai đã lập gia đình được cấp tiền để nuôi dưỡng vợ con, những ai chưa lập gia đình được cấp tiền để làm sính lễ; giám sinh về quê thăm cha mẹ được ban cho quần áo và tiền để làm lộ phí. Đồng thời với đó, Quốc tử giám quản lí giám sinh cũng tương đối nghiêm túc. Quốc tử giám có những quy định nghiêm nhặt, quy định này được tu sửa nhiều lần, tổng cộng có 56 khoản, giám sinh được huấn đạo và quản lí rất nghiêm, đồng thời thực hiện nghiêm nhặt việc khống chế tư tưởng, thực thi những hình phạt tàn khốc như sung quân, làm sai dịch, gông cùm suốt đời, bỏ đói, bêu đầu thị chúng …
2.2- Tông học
          Tông học đời Minh thuộc trường học cho con em quý tộc, thiết lập ở cả 2 kinh. Phàm thế tử chưa đến 20 tuổi, trưởng tử, cùng con em các Trung uý tướng quân đều có thể vào học. Vị thầy ở Tông học được tuyển chọn những người có đạo đức học vấn từ trưởng lại của vương phủ, kỉ thiện, bạn độc, giáo thụ …, tại Tông thất cử 1 người làm Tông chính 宗正 phụ trách công việc hành chính của trường, về sau đặt thêm 2 Tông phó 宗副. Nội dung học gồm các sách như Hoàng Minh tổ huấn 皇明祖训, Hiếu thuận kỉ thực 孝顺纪实, Vi thiện âm chất 为善阴骘, kiêm các sách như Tứ thư 四书, Ngũ kinh 五经, Thông giám 通鉴, Tính lí 性理. Khi học, Hàng năm quan Đề học tổ chức khảo thí, Tông sinh nếu tiến bộ, sẽ được chuẩn tấu tốt nghiệp, nhận lĩnh bổng lộc.
2.3- Võ học
          Võ học đời Minh có vào năm Hồng Vũ 洪武, bắt đầu chỉ thiết lập môn võ học trong Nho học ở Đại Ninh 大宁 dạy cho con em võ quan. Khoảng năm Chính Thống 正统 đời Anh Tông, chính thức lập Võ học ở 2 Kinh, đặt 1 Giáo thụ, 6 Huấn đạo, dạy cho con em chưa tập chức, trù bị huấn luyện để bổ dụng. Võ học phân làm 6 lớp: “Cư nhân” 居仁, “Do nghĩa” 由义, “Sùng lễ” 崇礼, “Hoành trí” 宏智, “Đôn tín” 惇信, “Khuyến trung” 劝忠. Nội dung  học gồm Luận ngữ 论语, Đại học 大学, Mạnh Tử 孟子 cùng Võ kinh thất thư 武经七书, Bách tướng truyện 百将传, yêu cầu phải thông hiểu đại nghĩa. Sự đãi ngộ Võ học cùng biện pháp khảo thí cũng giống như Nho học. Chế độ quản lí Võ học có Võ học giáo điều 武学教条 tấu định lần đầu vào năm Chính Thống 正统Võ học học quy 武学学规 được thẩm định lại vào năm Thành Hoá 成化.

3- QUAN HỌC ĐỊA PHƯƠNG
          Do bởi  triều đình coi trọng giáo dục nên quan học địa phương đời Minh tương đối phát triển. Những năm đầu lập quốc, Minh Thái Tổ cho lập các trường ở phủ, châu, huyện, tại các Phòng khu vệ 防区卫 lập Vệ học 卫学, ở hương thôn lập Xã học 社学, tại các cơ quan hành chính địa phương lập Ti đô nho học 司都儒学, Tuyên uý ti nho học 宣慰司儒学, Án phủ ti nho học 按府司儒学, các Thổ  ti nho học 诸土司儒学, quản lí nghiêm nhặt, chế độ tương đối kiện toàn.
3.1- Nho học ở các phủ, châu, huyện
          Đời Minh, Nho học ở các phủ châu huyện được thiết lập phổ biến vào năm Hồng Vũ 洪武 thứ 2 (năm 1369). Năm đó “ban chiếu các phủ châu huyện đều lập học”, vì thế các nơi đua  nhau lập trường, đồng thời quy định: Phủ học 1 giáo thụ, 4 huấn đạo; Châu học 1 Học chính, 3 Huấn đạo; Huyện học 1 Giáo dụ, 2 Huấn  đạo. Giáo quan của các trường do hoặc xuất thân cử nhân , hoặc từ cống sinh đảm nhiệm. Có lúc điều bạt từ giám sinh của Quốc tử giám. Danh sách học sinh quy định: Phủ học 40 người, Châu học 30 người, Huyện học 20 người. Về sau, do yêu cầu nhập học ngày càng tăng nên đã tăng thêm số lượng đồng thời chia học sinh ra làm 3 loại: học sinh có từ đầu được học bỗng gọi là Lẫm thiện sinh viên 廪膳生员, học sinh tăng thêm gọi là Tăng quảng sinh viên 增广生员; ngoài 2 loại này còn tăng thêm một số nữa gọi là Phụ học sinh viên 附学生员.
          Nội dung học tập của quan học địa phương là, năm đầu Hồng Vũ “lệnh sinh viên chuyên trị một kinh, lấy lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số lập thành môn để dạy”. Năm Hồng Vũ thứ 2 lại quy định, định ra 4 khoa lễ, xạ, thư, số, ban các sách kinh sử lễ nghi, yêu cầu sinh viên học thuộc, ngày mồng một và ngày rằm học bắn ở trường bắn, mỗi ngày tập viết 500 chữ, về số học phải thông Cửu chương toán pháp 九章算法. Quan học địa phương cũng định ra chế độ khảo thí nghiêm nhặt, Nguyệt khảo 月考 do giáo quan tiến hành mỗi tháng 1 lần; Tuế khảo 岁考, Khoa khảo 科考 do Đề học quan nắm giữ việc hành chính giáo dục của một tỉnh chủ trì.
          Việc quản lí học sinh cũng tương đối nghiêm. Biểu hiện đức hạnh thường ngày của học sinh đều được ghi chép vào sổ, nội dung chia ra làm 3 mục: đức hạnh, kinh nghệ và trị sự. Khảo sát chia làm 3 cấp. Nếu 3 mục đều loại giỏi sẽ được ghi vào sổ thượng đẳng; giỏi đức hạnh mà kém kinh nghệ hoặc giỏi ở trị sự sẽ được ghi vào sổ nhị đẳng; kinh nghệ và trị sự đều giỏi mà đức hạnh còn khiếm khuyết thì được ghi vào sổ tam đẳng. Học sinh học 10 năm mà không thành đạt hoặc mắc phải tội lớn cũng bị phạt giống giám sinh ở Quốc tử giám đồng thời phải trả lại học phí.
3.2- Vệ học và Hữu ti nho học
          Đời Minh từ kinh sư cho đến châu huyện đều lập vệ sở (1). Năm Hồng Vũ thứ 7 (năm 1384), lập Liêu Đông Đô ti nho học 辽东都司儒学, Mân Sơn Vệ nho học 岷山卫儒学. Năm Hồng Vũ thứ 23, lập Bắc Bình Hành đô ti nho học 北平行都司儒学, Đại Ninh Vệ nho học 大宁卫儒学. Năm Hồng Vũ thứ 28 lập Đô chuyển ti nho học, Tuyên uý ti nho học 宣慰司儒学, Án phủ ti nho học 按府司儒学 và các Thổ ti nho học 诸土司儒学. Nho học ở Đô ti, Hành đô ti và Vệ đặt 1 giáo thụ, 2 Huấn đạo, chủ yếu chiêu thu võ sinh và quân sinh. “Con em võ quan gọi là võ sinh, những người ưu tú trong quân đội gọi là quân sinh”, nhà nước cũng cấp học bỗng cho võ sinh và quân sinh. Học sinh có 2 con đường để lập thân:
 -Một là được đưa vào Quốc tử giám để học, về đại thể là Vệ nho học và Huyện học tuế cống số người tương đồng, Đô ti nho học và Phủ học tuế cống  số người tương đồng.
- Hai là tham gia khoa cử khảo thí.
Đối với những người học thành tài, được dự thi Hương ở quê nhà.
Thổ ti nho học là trường được thiết lập ở khu vực dân tộc thiểu số vùng biên cương, chuyên chiêu mộ con em của thổ ti để truyền thụ kinh điển nho học. Năm Hồng Vũ thứ 28 dụ cho bộ Lễ rằng: “Nơi biên cương như Vân Nam, Tứ Xuyên đều lập nho học, tuyển chọn con cháu ưu tú của thổ quan để dạy”. Vế sau,
Thổ quan của Tuyên uý, An phủ cũng lập nho học. Thổ ti nho học đặt 1 giáo thụ, 4 Huấn đạo. Chính phủ trợ cấp lương bổng. Số học sinh lúc ban đầu không chế định, dần về sau thống nhất là 30 người, chính phủ cũng trợ cấp lương thực. Chính phủ rất coi trọng việc giáo dục cho các con em thổ ti được tập chức. Năm Hoằng Trị 弘治 thứ 16 yêu cầu con em thổ quan được tập chức đều phải nhập học, nếu không nhập học sẽ không được tập chức. Học sinh thổ ti nho học thông qua cống cử mới có thể vào Quốc tử giám. Ngoài tuyển cống cử ra còn có tuế cống, chiếu theo lệ của châu huyện, cứ 3 năm cử 2 người. Học sinh thổ ti nho học cũng có thể tham gia khoa cử khảo thí.
3.3- Xã học
          Đời Minh theo chế độ đời Nguyên, lập xã học tại các vùng nông thôn. Ban đầu mời thầy dạy cho con em trong dân, kiêm học Ngự chế đại cáo 御制大诰, luật lệnh của triều đình. Năm Hoằng Trị thứ 17 (năm 1504) lệnh các phủ, châu lập Xã học, chọn thầy giỏi, tuyển con em trong dân từ 15 tuổi trở xuống cho đi học, học tập các lễ như: quán, hôn, tang, tế. Thầy dạy ở Xã học gọi là Xã sư 社师, chọn từ những bậc trưởng giả có đạo đức học vấn. Về phương diện hoạt động giáo dục, Xã học đời Minh đối với việc giáo dục nhi đồng, dạy đọc sách, làm văn, bồi dưỡng nhi đồng học tập cùng với việc sắp xếp hoạt động thường ngày đều có quy định cụ thể. Năm Chính Thống 正统 thứ nhất (năm 1436), “ban chiếu những học sinh tuấn tú, được bổ làm sinh viên nho học”, nối liền nho học các phủ châu huyện, điều này đã thúc đẩy sự phát triển nho học đời Minh.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
VỆ SỞ 卫所:  Đầu đời Minh các Hoàng Đế rất chú ý đến việc xây dựng và quản lý quân đội. Chu Nguyên Chương 朱元璋 lập ra chế độ Vệ Sở. Trong Minh sử - Binh chí 明史兵志 ghi rằng:
Tự Kinh Sư đạt vu quận huyện, giai lập Vệ Sở.
自京师达于郡县, 皆立卫所
(Từ Kinh Sư đế quận huyện đều lập Vệ Sở)
          Những nơi trọng yếu về quân sự lập Vệ, những nơi thứ yếu lập Sở. Lúc bấy giờ quân đội triều Minh có khoảng 2 triệu người, đều biên chế vào các Vệ Sở. Đại khái cứ 112 người biên chế thành 1 Bách hộ sở 百户所;  1.200 người biên chế thành 1 Thiên hộ sở 千户所; 5.600 người là một Vệ. Quan trong Vệ Sở gọi là Vệ chỉ huy, Thiên hộ, Bách hộ.
          Tại cả khu vực Nam Kinh Chu Nguyên Chương lập ra 48 Vệ với số quân hơn 200.000 người. Chu Đệ 朱棣 tại Bắc Kinh lập ra 72 Vệ. Năm Hồng Vũ 洪武 thứ 26 (1393), tổng cộng có 17 Đô Ti 都司, 3 Hành Đô Ti 行都司, 1 Lưu Thủ Ti 留守司, 329 Nội Ngoại Vệ 内外卫, 65 Thủ ngự Thiên hộ Sở 守御千户所. Số binh lúc nhiều nhất lên đến 2.700.000 người.
          Nguồn http://military.china.com/zh_cn/history

                                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                                   Quy Nhơn 16/7/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
MINH ĐẠI ĐÍCH HỌC HIỆU GIÁO DỤC CHẾ ĐỘ
明代的学校教育制度
Previous Post Next Post