Dịch thuật: Tôn sư trọng đạo là mĩ đức (tiếp theo)

TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO LÀ MĨ ĐỨC
(tiếp theo)

          Tôn sư ở thời cổ mang tính xã hội rộng rãi. Tôn sư kính trưởng không chỉ hình thành phong tục thời thượng trong dân gian, sĩ đại phu, học trò mà còn được giai cấp thống trị ra sức đề xướng, tận lực thực hành. Việc tôn sư của giai cấp thống trị ở chỗ trọng đạo, tức “tôn sư trọng đạo” 尊师重道. Học giả Khổng Hi 孔僖 thời Đông Hán từng tổng kết:
Minh vương thánh chủ, mạc bất tôn sư quý đạo.
明王圣主, 莫不尊师贵道
(Minh vương thánh chúa, không ai là không tôn sư quý đạo)
                                              (Hậu Hán thư – Khổng Hi truyện 后汉书 - 孔僖传)
          Đạo được nói ở đây chủ yếu là chỉ luân lí cương thường bảo vệ phong kiến và giáo nghĩa của tư tưởng Nho gia ở trật tự thống trị. Đối với ông Tổ của Nho học là Khổng Tử, đương nhiên càng phải sùng kính. Như một quan viên triều Minh có nói:
          Khổng Tử thuỳ giáo vạn thế, thiên hạ cộng tôn kì đạo, cố thiên hạ đắc thông tự Khổng Tử.
孔子垂教万世, 天下共尊其道, 故天下得通祀孔子.
          (Khổng Tử dạy cho muôn đời, thiên hạ đều tôn kính đạo của ngài, cho nên thiên hạ đều thờ Khổng Tử)
                                    (Minh hội yếu – Tiên sư Khổng Tử 明会要 - 先师孔子)
          Tôn kính Khổng Tử chính là để tôn kính đạo của ngài, vì thế tế Khổng Tử là nội dung trọng yếu của chế độ điển chương của các triều đại, cũng là đại sự trong sinh hoạt chính trị của đế vương. Học phủ cao nhất bồi dưỡng nhân tài của giai cấp thống trị là Thái học 太学 (về sau gọi là Quốc tử giám 国子监) thờ Khổng Tử. Hoàng đế đích thân đến Quốc tử giám tế Khổng Tử cũng phải quỳ lạy trước bài vị Khổng Tử. Triều đình quy định, hàng năm vào 2 mùa Xuân Thu, Quốc tử giám cử hành lễ Thích điện 释奠, ngày Sóc (mồng 1) và ngày Vọng (ngày rằm) cử hành lễ Thích thái. Ngày giám sinh nhập học, việc đầu tiên là bái lạy Khổng Tử dưới sự hướng dẫn của Tán lễ quan 赞礼官, sau đó ngày Sóc Vọng hàng tháng, giám sinh theo vị trưởng quan Tế tửu và quan Tư nghiệp của Quốc tử giám tiến hành lễ bái yết. Những lễ nghi này cũng thông hành trong trường học các cấp ở cả nước (Sĩ thông bị lãm 士通备览 quyển 12).
          Hoàng để không chỉ bái lạy Khổng Tử mà còn phải kính trọng thầy của mình cũng như thế. Thầy của hoàng đế, hoàng đế không được đối đãi như bề tôi. Trương Vũ 张禹 thời Tây Hán là thầy của Lưu Ngao 刘骜. Sau khi Lưu Ngao lên ngôi hoàng đế (tức Hán Thành Đế), đã ban cho ông tước cao lộc hậu. Lúc già sống ở quê nhà, Hán Thành Đế thường sai người đến thăm hỏi, mỗi khi Trương Vũ bệnh, liền xa giá đến thăm, Đế đích thân đến bên giường bái Trương Vũ (Hậu Hán thư – Trương Vũ truyện 后汉书 - 张禹传). Thời Đông Hán khi Minh Đế còn là Thái tử, Thái phó Hoàn Vinh 桓荣 dạy Kinh học cho Thái tử.  Minh Đế lên ngôi, theo lễ tôn kính Hoàn Vinh rất trọng hậu, tôn làm Thái sư. Minh Đế từng triệu tập văn võ bách quan cùng mấy trăm môn sinh của Hoàn Vinh giảng Kinh học, xếp Hoàn Vinh ngồi ở vị trí tôn quý nhất, đồng thời “thiết kỉ trượng” 设几杖, tức ban cho cưu trượng 鸠杖(gậy dành cho người già); và chiếc kỉ (loại bàn nhỏ và thấp người xưa thường dùng để tựa). Minh Đế đích thân đọc giảng, mỗi lời đều nói, Thái sư ở đây, hướng đến các quan biểu thị bản thân mình vẫn là học trò của vị thầy đang ngồi đó. Khi Hoàn Vinh bệnh, Minh Đế đích thân đến thăm, khi đến phố liền xuống ngựa, rơi nước mắt hỏi thăm, mãi hồi lâu mới ra về. Từ đó, chư hầu đại tướng quân mỗi khi đi thăm người bệnh, không dám ngồi trên xe đến trước cửa, đều phải bái lạy bên giường. Hoàn Vinh mất, Đế thay đổi phục trang đến tống táng (Hậu Hán thư – Hoàn Vinh truyện 后汉书 - 桓荣传). Hoàng đế đối đãi trọng hậu với thầy, giữ lễ học trò, một mặt là để trang sức “mĩ đức” khiêm cung kính sư, thành “lệnh chủ”, đồng thời cũng là để lấy hành vi của mình làm gương cho thần dân.
          Để thực hiện rộng rãi tôn chỉ tôn sư trọng đạo, triều đình đã định ra những chuẩn tắc tôn sư đối với việc giáo dục của các giai tầng. Đầu tiên là hoàng gia. Thời Đường quy định, khi thầy của hoàng thái tử dạy học, thái tử phải ra khỏi điện để nghinh đón, làm lễ bái kiến, thầy đáp lại. Mỗi khi đến một cửa phải mời thầy vào trước, thái tử theo sau. Vào điện, thầy ngồi xong thái tử mới được ngồi. Lễ tiết này đã thành định chế ở thời Đường. Con của Đức Tông nhà Đường là Lí Tụng 李诵 khi còn là hoàng thái tử cũng đã lấy lễ trọng hậu tiếp đãi thầy, gặp thầy liền bái lạy (Tân Đường thư – Thuận Tông bản kỉ 新唐书 - 顺宗本几). Đối với trường học các cấp, triều đình cũng chế định những chuẩn tắc tôn sư như thế. Đời Thanh quy định, học trò Quốc tử giám lần đầu ra mắt thầy, thầy ngồi trong phòng đợi, học trò bước lên từ tam cấp phía đông để vào phòng (tam cấp phía đông là thấp kém, tam cấp phía tây là tôn quý), hướng đến thầy hành lễ 3 vái, thầy đứng dậy nhận lễ. Sau đó học trò đứng hầu bên cạnh thầy. Thầy ngồi bên phía tây, học trò ngồi bên phía đông mặt hướng về phía thầy nghe thầy giảng. Dạy xong, học trò hành lễ 3 vái rồi thoái lui. Nếu đến nhà riêng của thầy để bái kiến, trước tiên phải đợi bên ngoài. Khi được triệu kiến, thầy đứng trên bậc thềm đón, học trò bước lên thềm hành lễ. Khi vào cửa, thầy đi trước, trò theo sau. Vào đến trong phòng, học trò quỳ lạy thầy, thầy vái đáp lại, học trò đứng lên dìu thầy vào chỗ ngồi. Thầy cho ngồi, học trò vái tạ lại. Khi trà đưa đến hoặc khi thỉnh giáo, học trò đều phải vái. Lúc từ biệt, hướng đến thầy hành lễ 3 vái, thầy ra trước, học trò theo sau, đến cửa thứ 2, học trò hành lễ 3 vái và mời thầy trở vô sau đó mới đi. (Thanh sử cảo – Lễ chí thập 清史稿 - 礼志十). Học trò ở các huyện, châu, phủ khi gặp thầy của mình cũng hành lễ giống như học trò ở Quốc tử giám gặp Quốc tử sư (Sĩ thứ bị lãm - 士庶备览, quyển 1). Các trường nói ở trên đều thuộc quan học do nhà nước lập ra. Trong dân gian cũng có rất nhiều tư thục. Lễ tiết giữa thầy và trò ở các tư thục cũng do triều đình quy định. Những quy định này được các trường đưa vào thành quy định của trường mình.
          Hành vi tôn sư thời cổ đương nhiên có tính hạn chế của nó, trong đó cũng có những cặn bã phong kiến, nhưng tinh thần tôn sư kính trưởng mà nó thể hiện và lưu truyền lại đáng để cho ngày nay kế thừa và đề xướng.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                    Quy Nhơn ngày 5 tháng 6 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
TÔN SƯ TRỌNG GIÁO THỊ MĨ ĐỨC
尊师重教是美德
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
LỄ NGHI
中国民俗文化
礼仪
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Previous Post Next Post