Dịch thuật: Tên tự

TÊN TỰ

          Cách đặt tên tự hình thành vào lúc nào? Trong Lễ kí – Khúc lễ 礼记 - 曲礼 có ghi:
Nam tử nhị thập, quán nhi tự
男子二十, 冠而字
(Con trai đến 20 tuổi làm lễ đội mũ và đặt tên tự)
Nữ tử hứa giá, kê nhi tự
女子许嫁, 笄而字
(Con gái đến tuổi lấy chồng làm lễ cài trâm và đặt tên tự)
          Tương truyền Lễ kí là sách do Đới Thánh 戴圣 thời Tây Hán biên soạn, nó là bộ tuyển tập những trứ thuật các loại lễ nghi từ thời Tần Hán trở về trước, luận trứ chủ yếu là lễ nghi. Có thể thấy, vào thời Chu con trai đến 20 tuổi thực hiện Quán lễ 冠礼, tức làm lễ đội mũ; con gái vấn tóc cài trâm biểu thị đã thành niên (1). Tức là nói, người thời Tiên Tần, bất luận là nam hay nữ đều sau khi thành niên mới đặt tên tự. Có tên tự không chỉ biểu hiện họ đã thành niên mà còn bắt đầu được người khác tôn trọng.
          “Tự”, nói chung là sự giải thích và bổ sung cho “danh”, cùng thể hiện mặt trong và ngoài của “danh”, cho nên còn gọi là “biểu tự” 表字. Trong Nhan thị gia huấn – Phong tháo 颜氏家训 - 风操 có ghi:
Cổ giả, danh dĩ chính thể, tự dĩ biểu đức
古者, 名以正体, 字以表德
(Thời cổ, danh là để thể hiện thân phận, còn tự là để biểu thị đức hạnh)
Ở đây đã nói một cách cụ thể mối quan hệ và tác dụng của “danh” và “tự”. Trong Tam quốc diễn nghĩa 三国演义, một số nhân vật khi nói về thân thế mình thường nói tính là …, danh là …., biểu tự là … “Biểu tự” ở đây cũng có ý nghĩa như thế.
          CÁC LOẠI QUAN HỆ GIỮA DANH VÀ TỰ
1- Quan hệ đồng nghĩa
Khuất Nguyên 屈原: danh là Bình , tự là Nguyên. “Nguyên” cũng có nghĩa là “Bình”. Trong Nhĩ nhã – Thích địa 尔雅 - 释地 ghi rằng:
Quảng bình viết nguyên
广平曰原
(Vùng đất rộng phẳng gọi là nguyên)
Nhan Hồi 颜回: tính là Nhan , danh là Hồi, tự là Tử Uyên 子渊. “Uyên” cũng có nghĩa là“Hồi”. Trong Thuyết văn 说文 ghi rằng:
Uyên, hồi thuỷ dã
, 回水也
(Uyên là nước lượn vòng)
Tể Dư 宰予: tự  Tử Ngã 子我. “Dư” cũng chính là “Ngã”. Phàn Tu 樊须: tự Tử Trì 子迟. “Tu” và “Trì” đều có nghĩa là “đãi” (đợi)
          Có lúc tuy nghĩa bất đồng nhưng ý lại tương cận.
          Gia Cát Lượng 诸葛亮: tự Khổng Minh 孔明. “Minh” và “Lượng” ý gần nhau. Nhạc Phi 岳飞: tự Bằng Cử 鹏举. “Phi” và “Bằng Cử” ý gần nhau.
2- Quan hệ bổ trợ:
          Quan Vũ 关羽: tự Vân Trường 云长. Danh và tự bổ trợ nhau, lấy ý giương cánh bay vào mây.Triệu Vân 赵云: tự Tử Long 子龙. Lấy ý “vân tùng long” 云从龙. Văn học gia Triệu Bổ Chi 赵补之 đời Tống, tự là Vô Cữu 无咎. Danh và tự tương hợp, do “bổ” nên “vô cữu” (không lỗi lầm). Văn tự âm vận huấn hỗ học gia Vương Niệm Tôn 王念孙 đời Thanh, tự là Hoài Tổ 怀祖. “Niệm” với “Hoài”, “Tôn” với “Tổ”, danh và tự của ông về mặt ý nghĩa không chỉ có quan hệ mà còn đối nhau nghiêm chỉnh.
3- Quan hệ trái nghĩa:
          Tăng Điểm 曾点học trò của Khổng Tử, tự là Tích . Nghĩa gốc của “Điểm” là chấm đen, dẫn đến nghĩa là dơ, còn “Tích” nghĩa gốc là người có da trắng. Lí học gia Chu Hi 朱熹 đời Tống, tự là Nguyên Hối 元晦; thư hoạ gia Triệu Mạnh Phủ 赵孟頫 đời Nguyên, tự là Tử Ngang 子昂; tản văn gia Quản Đồng 管同 đời Thanh, tự là Dị Chi 异之 danh và tự của họ đều có ý nghĩa trái ngược nhau.
4- Quan hệ phối hợp:
          Có lúc danh và tự vừa không phải đồng nghĩa cũng không phải trái nghĩa mà là cùng phối hợp nhau. Như Tô Thức 苏轼, tự là Tử Chiêm 子瞻. “Thức” là thanh ngang trên xe thời cổ dùng để vịn. “Chiêm” là nhìn, xem. “Thức” và “Chiêm” có quan hệ phối hợp. Khổng Tử 孔子 danh là Khâu , tự Trọng Ni 仲尼, lấy ý ở phía đông của Khúc Phụ 曲阜 có Ni sơn 尼山.
          Danh và tự của người xưa thường lấy từ trong sách cổ hoặc thành ngữ, cũng từ đó mà giữa danh và tự thường có quan hệ về ý nghĩa. Như trong Khổng tùng tử 孔丛子 có câu:
Phi bất vĩ kì thể cán dã
非不伟其体干也
(Vóc dáng không phải không kì vĩ)
Từ Cán 徐干, một trong “Kiến An thất tử” cuối thời Đông Hán có tên tự là Vĩ Trường 伟长. Danh “Cán” và tự “Vĩ” ở đây có lẽ là xuất phát từ đó. Trong Tuân Tử 荀子 có câu:
Phù thị chi vị đức tháo
夫是之谓德操
(Gọi đó là đức tháo)
Tào Tháo 曹操, tự là Mạnh Đức 孟德. Danh “Tháo” và tự “Mạnh Đức” xuất phát từ sách Tuân Tử. Trong Chu dịch 周易 có câu:
Hồng Tiệm vu lục, kì vũ khả dụng vi nghi
鸿渐于陆, 其羽可用为仪
            (Chim hồng nhạn đã dần về đất liền, bộ lông đẹp của nó có thể làm ra vật trang sức dùng trong lễ nghi)
Tác giả của quyển Trà kinh 茶经 là Lục Vũ 陆羽 có tên tự là Hồng Tiệm 鸿渐. Danh “Vũ” và tự “Hồng Tiệm” xuất phát từ đó.
          KẾT CẤU CỦA TỰ
1- Dùng liền với “Tử” . Thời Xuân Thu, con trai khi đặt tên tự thường thêm chữ “Tử” ở trước. Như: Nhan Uyên, học trò của Khổng Tử, tính là Nhan, danh là Hồi, tự là Tử Uyên. Và những học trò khác như: Tử Du 子游, Tử Hạ 子夏. Nhân vì “Tử” là mĩ xưng và tôn xưng của phái nam cho nên cũng dùng để xưng hô khách sáo.
2- Phía trước thêm chữ “Bá” , “Trọng” , “Thúc”, “Quý” để biểu thị thứ bậc. Như Tản văn gia Lưu Cơ 刘基 cuối đời Nguyên đầu đời Minh có tên tự là Bá Ôn 伯温. Khổng Tử danh là Khâu, tự Trọng Ni.
3- Phía sau thêm “Phụ” , “Phủ” biểu thị giới tính. Như Vương An Thạch 王安石 có tên tự là Giới Phủ 介甫.
          Có lúc hợp xưng giữa thứ bậc với “Phụ” hoặc “Phủ”, cấu thành toàn xưng, tức “Trọng ….. phụ”, “Bá …. phủ”. Ví dụ: “Trọng Ni Phụ” 仲尼父.
          Tên tự có lúc chỉ có 1 chữ. Như:
Ngô Quảng giả, Hạ Dương nhân dã, tự Thúc.
吴广者, 夏阳人也, 字叔
(Ngô Quảng là người Hạ Dương, tự là Thúc)
                                               (Sử kí – Trần Thiệp thế gia 史记 - 陈涉世家)
          Thông thường tên tự có 2 chữ.Như: Mạnh Tử 孟子, tính là Mạnh , danh là Kha , tự Tử Dư 子舆.
          TRƯỜNG HỢP SỬ DỤNG
          Khi nào dùng danh, khi nào dùng tự, người xưa rất coi trọng. Nhìn chung, tôn đối với ti xưng danh, ti tự xưng cũng xưng danh. Lấy Luận ngữ 论语 dẫn chứng: Khổng Tử (tôn) đối với học trò (ti) xưng danh:
Xích (tức Công Tây Hoa), nhĩ hà như?
(公西华), 尔何如?
(Anh Xích (tức Công Tây Hoa) thì như thế nào?)
Sài dã ngu. Sâm dã lỗ. Sư dã tịch. Do dã ngạn.
柴也愚, 參也魯, 師也辟, 由也喭.
            (Cao Sài (Tử Cao) thì ngu nhưng thẳng thắng, Tăng Sâm thì chậm chạp. Chuyên Tôn Sư thì thiên kiến thiếu thành thực. Tử Lộ thì thô tục quê mùa.”) 
                                                     (Luận ngữ - Tiên tiến - 论语 - 先进)
          Học trò (ti) khi tự xưng cũng xưng danh:
          Phương lục thất thập, như ngũ lục thập, Cầu dã vi chi, tỉ cập tam niên, khả sử túc dân.
方六七十, 如五六十, 求也为之, 比及三年可使足民
          (Một vùng đất vuông sáu bảy chục dặm hoặc năm sáu chục dặm, Cầu tôi
cầm quyền, chỉ trong ba năm có thể khiến dân no đủ.)
                                                     (Luận ngữ - Tiên tiến - 论语 - 先进)
         Đối với ngang hàng hoặc bậc trưởng bối thì xưng tự để biểu thị thân cận hoặc tôn kính. Ví dụ:
          Đức hạnh: Nhan Uyên, Tử Khiên, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung. Ngôn ngữ: Tể Ngã, Tử Cống. Chính sự: Nhiễm Hữu, Quý Lộ. Văn học: Tử Du, Tử Hạ.
          德行: 颜渊, 子骞, 冉伯牛, 仲弓. 言语: 宰我, 子贡. 政事: 冉有, 季路. 文学: 子游, 子夏.
          (Về đức hạnh có: Nhan Uyên, Tử Khiên, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung. Về ngôn ngữ có: Tể Ngã, Tử Cống. Về Chính sự có: Nhiễm Hữu, Quý Lộ.Về văn học có: Tử Du,Tử Hạ)
                                                         (Luận ngữ - Tiên tiến - 论语 - 先进)
          Đoạn văn trên được ghi chép ở góc độ của người thứ 3, thuộc ngang hàng với nhau, cho nên đều dùng tên tự.
          Người xưa cũng không thường xưng danh, lấy xưng tự làm chính. Ví dụ, Quản Trọng, Khuất Nguyên đều là xưng tự (Trọng, Nguyên) chứ không xưng danh.. Còn tên của họ là Quản Di Ngô 管夷吾, Khuất Bình 屈平 thì lại ít người biết đến.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Thiên Nội tắc 内则 trong Lễ kí 礼记 có câu:
Nữ tử thập niên bất xuất, ………. Thập hữu ngũ niên nhi kê….
女子十年不出, ……….十有五年而笄
(Con gái đến 10 tuổi chưa được xuất giá, ………. Đến 15 tuổi làm lễ cài trâm)
           Vương Văn Cẩm 王文锦: Lễ kí dịch giải 礼记译解, tập thượng, trang 399
Trung Hoa thư cục, 2007.
                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                 Quy Nhơn ngày 13 tháng 6 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
TỰ
Trong quyển
BÁT TỰ HÔN NHÂN HỌC
八字婚姻学
Tác giả: Vương Trạch Thụ 王泽树
Thanh Hải nhân dân xuất bản xã, 2005.
Previous Post Next Post