Dịch thuật: Rượu với văn học cổ đại Trung Quốc

RƯỢU VỚI VĂN HỌC CỔ ĐẠI TRUNG QUỐC

          Nếu không có rượu, văn học cổ đại Trung Quốc sẽ như thế nào? liệu có được những câu thơ lưu truyền thiên cổ? liệu có được phong thái phiêu dật phóng khoáng? Từ Thi kinh (诗经) đến Hồng lâu mộng (红楼梦), trong dòng sông văn học ba ngàn năm dường như đâu đâu cũng tràn đầy hương rượu. Văn hoá rượu cùng với văn học Trung Quốc có mối quan hệ  vô cùng mật thiết.

1- Khởi nguyên của rượu với khởi nguyên của văn học cùng sánh bước.
          Về rượu, sự xuất hiện văn hoá ẩm thực này được thấy sớm nhất ở bài Tửu đức ca (酒德歌) của Triệu Chỉnh (赵整) thời Tiền Tần:
Địa liệt tửu tuyền. Thiên thuỳ tửu trì. Đỗ Khang diệu thức.Nghi Địch tiên tri
地列酒泉. 天垂酒池. 杜康妙识. 仪狄先知
(Đất bày suối rượu. Trời đặt ao rượu. Đỗ Khang biết rõ. Nghi Địch hay trước)
          Ở đây nói rượu là do Đỗ Khang (杜康) và Nghi Địch (仪狄) phát minh ra, sự thực, trước Đỗ Khang và Nghi Địch rượu đã có rồi. Tương truyền các vị đế vương đời Hạ đa phần đều ham rượu: Hạ Khải (夏启), Thái Khang (太康), Kiệt () đều chìm đắm trong men rượu. Thái Khang vì rượu mà mất nước, vua Kiệt đổ rượu thành ao, trên ao cho thuyền đi lại, dùng bã rượu đắp thành núi cao có thể nhìn được 7 sao Bắc đẩu, một lần uống có đến cả mấy ngàn người. Trong bộ tổng tập thi ca sớm nhất của Trung Quốc hơn 300 bài, có nhiều bài liên quan tới rượu như:
Thử hữu xuân tửu. Dĩ giới thọ mi
此有春酒. 以介寿眉
(Làm rượu uống trong ngày xuân. Để giúp tuổi già được sống lâu)
(Theo Tạ Quang Phát: Kinh Thi, tập 1, trang 677, NXB Văn học, 1991)

Vạn ức cập tỉ. Vi tửu vi lễ
万亿及秭. 为酒为醴
(Lúa quá nhiều đến số muôn số ức và số tỉ.Để làm rượu cay để làm rượu ngọt)
(Theo Tạ Quang Phát: sđd, tập 3, trang 1716 và trang 1743)

Chưng tí tổ tỉ. Dĩ hạp bách lễ. Giáng phúc khổng giai
烝畀祖妣. 以洽百礼. 降福孔皆
            (Để dâng lên cúng tế ông bà.Để lo đầy đủ trăm thứ lễ nghi.Cho nên phúc lộc của thần ban xuống dồi dào và khắp cả.)
(Theo Tạ Quang Phát: sđd, tập 3, trang 1716)

Chỉ tửu tư nhu. Bất hoạ bất ngạo. Hồ khảo chi hưu
旨酒思柔. 不吴不敖. 胡考之休
         (Rượu ngon lại hoà dịu. Không ồn ào không ngạo mạn lúc cúng tế. Để được phúc sống lâu)
(Theo Tạ Quang Phát: sđd, tập 3, trang 1753)

          Tại công ẩm tửu. Chấn chấn lộ. Lộ vu phi. Cổ uyên uyên. Tuý ngôn quy. Vu tư  lạc hề.
在公饮酒. 振振露. 露于飞. 鼓咽咽. 醉言归. 于胥乐兮
          (Ở tại công sở mà uống rượu. (Uống rượu rồi thì múa hát) tay cầm những lông cò trắng quơ múa như đàn cò thấp thoáng bay qua. Người  múa cùng quơ lông cò trắng lên như đàn cò bay vụt lên. Tiếng trống khua mạnh vọng ra xa. Uống say rồi trở về. Để cùng vui thích với nhau.)
(Theo Tạ Quang Phát: sđd, tập 3, trang 1771)
          Có thể thấy, từ sự khởi đầu của văn học Trung Quốc đã có mùi thơm nồng nàn của rượu.

2- Rượu với văn nhân các đời
          Đây là đề tài rất hay. Từ khi được phát minh đến nay, rượu luôn được sự yêu thích của các tầng lớp văn sĩ. Biết bao phàm phu tục tử, anh hùng hào kiệt, đạt quan hiển quý, nhân nhân chí sĩ, tài tử giai nhân đều say, tạo ra biết bao phong lưu, truyền lại biết bao giai thoại. Trong số văn nhân uống rượu nổi tiếng, đầu tiên phải kể đến Lí Bạch (李白) và Tô Đông Pha (苏东坡). Đỗ Phủ (杜甫) từng viết những câu thơ làm chứng:
Lí Bạch đẩu tửu thi bách thiên,
Trường An thị thượng tửu gia miên.
Thiên tử hô lai bất thướng thuyền,
Tự xưng thần thị tửu trung tiên.
李白斗酒诗百篇
长安市上酒家眠
天子呼来不上船
自称臣是酒中仙
(Khi Lí Bạch uống một đấu rượu có thể làm được thơ cả trăm bài
Thường đến quán rượu ở Trường An uống say rồi ngủ luôn ở đó.
Thiên tử ngự yến bên hồ truyền gọi đến, Lí Bạch không chịu xuống thuyền
Tự xưng rằng mình là tửu trung tiên.)
          Lí Bạch cả đời thích thơ thích rượu, đối với Lí Bạch thơ và rượu là một bộ phận không thể tách rời, đến nay vẫn còn nhiều quán rượu viết câu “Thái Bạch di phong” (太白遗风) để thu hút khách. Lí Bạch viết rất nhiều bài thơ liên quan đến rượu, truy cầu ý nghĩa “cái chân thực trong  cơn say”, xem niềm vui uống rượu còn hơn tiên đắc đạo, đã có rượu ngon cần gì phải là thần tiên?  Đã say nắm ở đài cao, dù chưa đến được cảnh tiên thì chẳng ngại gì. Ngoài ra, đản nguyện trường tuý bất nguyện tỉnh (但愿长醉不愿醒 – chỉ muốn say mãi không muốn tỉnh), cũng khiến cho Lí Bạch thoát được những ưu phiền của thế tục. Đáng tiếc, vì luôn mãi say nên đã tổn hại đến sức khoẻ của thi nhân, việc ông mất sớm không thể không liên quan đến rượu.
Minh nguyệt kỉ thời hữu, bả tửu vấn thanh thiên.
明月几时有, 把酒问青天
(Trăng sáng đã có tự bao giờ, nâng chén hỏi trời xanh)
          Lời bài từ rất hay này của Tô Thức (苏轼) đã lấy rượu mở đầu, phảng phất như thấy được tính cách hào phóng và đặc trưng thích rượu của ông. Kì thực Tô Thức thích rượu nhưng uống không giỏi, ông thấy rượu liền uống, hễ uống là say. Ông từng nói qua, những người trong thiên hạ thích uống rượu, trở lên không có ông ta; những người trong thiên hạ không thể uống rượu, trở xuống không có ông ta. Đây có thể nói là “hào tửu” (豪酒). Tô Thức thiếu niên vọng tửu trản nhi tuý (少年望酒盏而醉 – lúc còn trẻ nhìn thấy chén rượu là say), nhưng vẫn mộ những người có tửu lượng cao, bởi tuy chỉ uống một hai chén là say nhưng cũng rất lâm li sảng khoái. Rượu đã thắp lên ngọn lửa linh cảm sáng tác trong con người Tô Thức, thơ văn từ phú của ông đa phần là những kiệt tác sau khi uống rượu.
Dục bả Tây hồ tỉ Tây tử,
Đạm trang nùng mạt tổng tương nghi.
欲把西湖比西子
淡妆浓抹总相宜
(Muốn sánh Tây hồ với Tây Thi
Khi Tây Thi điểm trang đậm hay nhạt đều thấy đẹp)
          Đây chính là sáng tác lúc nửa tỉnh nữa say khi Tô Thức cùng với bạn uống rượu ở giữa Tây hồ.
Dạ ẩm Đông Pha tỉnh phục tuý, quy lai phảng phất tam canh.
夜饮东坡醒复醉, 归来仿佛三更
(Đêm uống rượu ở Đông Pha tỉnh rồi lại say, lúc trở về dường như canh ba)
          Vì trở về quá muộn, cửa đã đóng phải ở bên ngoài, cơn gió thổi qua lại làm cho tỉnh rượu, liền cảm khái:
Tiểu chu tùng thử thệ, giang hải kí dư sinh.
小舟从此逝, 江海寄余生
(Thuyền nhỏ từ nơi đây ra đi, gửi cuộc đời còn lại trên sông nước)
          Tô Thức còn là một chuyên gia về rượu, ông đích thân ủ rượu, viết nên một bộ luận văn chuyên đề tổng kết kinh nghiệm, bộ Tửu kinh (酒经) còn lưu truyền đến nay, quả không thẹn với lời ngợi khen là “tửu chuyên gia”. Đáng nhắc đến là Tô Thức từng viết qua bài từ có câu Tôn tửu hà nhân hoài Lí Bạch (尊酒何人怀李白). Có thể thấy, chỗ mà hai nhà thơ lớn cùng mượn đó là chữ “tửu”. Có lẽ, rượu có tính cách của hoả, có ngoại hình của thuỷ, văn nhân mặc khách các đời không ai không kết bạn cùng rượu. Tào Tháo (曹操) khảng khái bi ca Đối tửu đương ca, nhân sinh kỉ hà? (对酒当歌, 人生几何? – trước rượu hát ca, đời người mấy chốc? ). Trúc lâm thất hiền đều uống rượu 8 đấu 1 thạch. Người xưa nói rằng thơ của họ Đào “bài nào cũng có rượu”, tuy có hơi khoa trương, đại thể là thực. Có thể nói Đào Uyên Minh (陶渊明) là văn nhân do rượu với văn học kết thành. Các nhà thơ lớn thời Đường dường như không ai không uống rượu, không có người nào mà trong thơ không viết về rượu. Vương Duy (王维) từng nâng chén tiễn khách, Đỗ Phủ “phóng ca” (放歌) cũng cần “túng tửu” (纵酒). Tuý ngâm tiên sinh Bạch Cư Dị (白居易) càng thích rượu giỏi thơ, với 3800 bài đã có 800 bài về rượu. Từ nhân thời Tống cũng đều “vô tửu bất thành cú”. Tửu thánh Tân Khí Tật (辛弃疾) thời Nam Tống với 629 bài (Giá Hiên từ 稼轩词) đã có 347 bài liên quan tới rượu. … Có thể thấy, trong bộ sử về văn học, rượu đã trở thành nét điểm xuyết không thể thiếu được: và bộ sử về rượu nhân vì có sự can dự của văn nhân cũng đã tăng thêm sắc thái văn hoá.

3- Văn hoá rượu trong tác phẩm văn học cổ đại
          Lịch sử của rượu có thể nói là rất lâu đời, tửu cụ (酒具 - dụng cụ đựng và uống rượu),  tửu tứ (酒肆 - quán rượu), tửu lệnh (酒令 - một hình thức dùng rượu để vui) hình thành nên văn hoá rượu mang nét đặc sắc Trung Quốc, và cũng là nét chấm phá trong lịch sử văn học Trung Quốc. Tửu cụ có thể làm 3 loại: loại để đựng, loại để hâm nóng, loại để uống.
           Lí Bạch với những câu như:
Cử bôi yêu minh nguyệt, đối ẩm thành tam nhân
举杯邀明月, 对饮成三人
(Nâng chén mời trăng, với bóng thành ba người đối ẩm)

Mĩ tửu tôn trung trí thiên hộc
美酒尊中置千斛
(Rượu ngon trong chén bên ngàn hộc)

Phi vũ thương nhi tuý nguyệt
飞羽觞而醉月
(Chén rượu nhanh như bay truyền đưa đến, say dưới ánh trăng)

          Ở bữa tiệc Hồng môn (鸿门), Tư Mã Thiên (司马迁) đã viết:
Bái Công bất thăng bôi thược
沛公不胜桮杓
(Bái Công không thể uống được nhiều rượu)

          Đỗ Phủ cũng có câu:
Thập thương diệc bất tuý, cảm tử cố ý trường
十觞亦不醉, 感子故意长
(Mười chén cũng không say, vì cảm kích tình ý dài lâu của anh)
          Những chữ như “bôi” (), “tôn” (), “thương” (), “thược” () đều là những dụng cụ dùng để uống rượu. Và những câu như:
Bái Công phụng chi tửu vi thọ
沛公奉卮酒为寿
(Bái Công nâng chén rượu lên chúc thọ Hạng Bá)

Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ
一片冰心在玉壶
(Một tấm lòng trắng trong như băng trong bình ngọc)
(Vương Xương Linh - 王昌龄)
“chi” () và “hồ” ( ) là những dụng cụ dùng để đựng rượu.
          Về tửu tứ, sau khi xuất hiện từ thời Hán, nhìn chung các tiệm đều dùng bảng hiệu. Trong bài Thanh minh (清明) của Đỗ Mục (杜牧):
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn
借问酒家何处有
牧童摇指杏花村
(Hỏi xem quán rượu ở nơi đâu
Mục đồng chỉ Hạnh Hoa thôn ở xa xa)
“Hạnh hoa thôn” ở đây là bảng hiệu của quán rượu. Từ thời Tống trở đi, theo sự phát triển của nền kinh tế thành thị, quán rượu mọc lên như rừng, có những ghi chép như:
Tú kì tương chiêu, yểm ế thiên nhật
绣旗相招, 掩翳天日
(Cờ thêu phất phới, che khuất mặt trời)
Trên cờ còn xuất hiện những lời quảng cáo văn vẻ, như:
Tuý lí càn khôn đại, hồ trung nhật nguyệt trường
醉里乾坤大, 壶中日月长
(Trong cơn say thấy càn khôn to lớn, bên bình rượu thấy ngày tháng rộng dài)

Văn hương há mã, tri vị đình xa
闻香下马, 知味停车
(Ngửi mùi hương liền xuống ngựa, biết được vị liền dừng xe)

Nhân sinh quang âm hoa thượng lộ, giang hồ phong nguyệt tửu trung tiên
人生光阴花上露, 江湖风月酒中仙
           (Thời gian của đời người ngắn ngủi như giọt sương trên hoa, được thưởng thức gió trăng trên chốn sông hồ ấy là tiên trong rượu)
          Về tửu lệnh, tửu lệnh là một trò chơi dùng rượu để vui, trò chơi này cũng làm cho việc uống rượu thêm tao nhã. Trong Tả truyện (左传) nói rằng: Tấn Văn Công uống rượu, ngay trong tiệc rượu hát ca, về sau, Tấn Tương Công, Tề Chiêu Công lại có trò chơi đầu hồ khi uống rượu, đây là “tửu lệnh” sớm nhất được ghi chép trong tác phẩm văn học. Riêng tác phẩm văn học có ghi chép về tửu lệnh, không tác phẩm nào qua được Kính hoa duyên (镜花缘)Hồng lâu mộng (
楼梦). Tào Tuyết Cần (曹雪芹) miêu tả không ít việc dùng rượu phú thi để truyền lệnh, trò chơi thực hiện tửu lệnh, làm câu đối v.v… đã thể hiện một cách sinh động văn hoá thơ rượu thịnh hành ở đời Thanh.

4- Dùng rượu để tô điểm tình cảm trong tác phẩm văn học cổ đại
          Nếu văn nhân mặc khách đã có duyên với rượu như thế thì trong tác phẩm của họ rượu đương nhiên cũng thành một đạo cụ không thể thiếu được, dùng rượu để tô điểm tình cảm, mượn rượu để nói lên chí hướng. Đào Uyên Minh (陶渊明) sáng tác 20 bài Ẩm tửu (饮酒), bài nào cũng lộ rõ niềm vui điền viên, say trong đó, thơ trong đó. Trong Đào hoa nguyên kí (桃花源记), ông đã miêu tả lòng hiếu khách chất phác:
Thiết tửu sát kê tác thực
设酒杀鸡作食
(Bày rượu mổ gà làm tiệc đãi)
          Không chỉ có Đào Uyên Minh, Mạnh Hạo Nhiên (孟浩然) trong Quá cố nhân trang (过故人庄) cũng đã thể hiện lòng hiếu khách của chủ nhân:
Khai hiên diện trường phố, bả tửu thoại tang ma.
开轩面场圃, 把酒话桑麻
          (Mở cửa sổ nơi căn nhà nhỏ đối diện với vườn rau, cùng nâng chén rượu nói về chuyện mùa màng)
          Trong tác phẩm văn học, văn nhân mượn rượu để khiển hứng, vịnh vật để bộc lộ tình cảm. Thi thánh Đỗ Phủ khi nghe tin quan quân lấy lại vùng đất bị mất, đã phấn khích viết ra câu:
Bạch nhật phóng ca tu túng tửu
白日放歌须纵酒
(Cả ngày hát vang nâng chén rượu)
Đã “phóng ca” lại thêm “túng tửu”, đây chính là sự thể hiện cụ thể hỉ dục cuồng (喜欲狂 – mừng đến nỗi muốn phát cuồng) của thi nhân. Phạm Trọng Yêm (范仲淹) lúc xuân hoà cảnh minh (春和景明 - ngày xuân ấm áp cảnh sắc đẹp tươi) lên lầu Nhạc Dương (岳阳) bả tửu lâm phong (把酒临风 - nâng chén rượu đón gió) tự nhiên kì hỉ dương dương giả hĩ (其喜洋洋者矣- vui mừng tràn ngập). Còn Liễu Vĩnh (柳永) trong cảnh lãnh lạc thanh thu tiết (冷落清秋节 - tiết thu lạnh lẽo thê lương) chia tay người yêu, nâng chén rượu uống say, tỉnh lại thấy cũng sầu chẳng khác lúc chưa say:
Kim tiêu tửu tinh hà xứ? Dương liễu ngạn, hiểu phong tàn nguyệt.
今宵酒醒何处? 杨柳岸, 晓风残月
          (Đêm nay tỉnh rượu không biết đang ở nơi đâu? Dương liễu bên bờ, gió sớm thổi qua trăng sắp lặn)
          Có thể nói rằng: đa tình tự cổ thương li biệt (多情自古伤离别- xưa nay người đa tình thường đau nỗi đau li biệt). Lí Thanh Chiếu (李清照) trong tiết Trùng Dương, vợ chồng li biệt, chỉ biết:
Đông li bả tửu hoàng hôn hậu
东篱把酒黄昏后
(Bên giậu đông nâng chén rượu sau lúc hoàng hôn)
Bên khóm cúc nâng chén, chỉ một mình càng thêm buồn, càng thêm thẩn thờ. Tân Khí Tật (辛弃疾) với câu từ nổi tiếng:
Tuý lí khiêu đăng khán kiếm
醉里挑灯看剑
(Trong cơn say, khêu đèn xem kiếm)
“khán kiếm” biểu thị hùng tâm, trong lúc say còn khêu đèn xem kiếm, tấm lòng báo quốc khẩn thiết hiện ra trên giấy. Đó là những giai tác thiên cổ vô cùng tuyệt mĩ, khiến người điên đảo, khiến người mê say. Trong tiểu thuyết cổ đại, cũng có nhiều câu chuyện hay liên quan tới rượu: bữa tiệc ở Hồng Môn (鸿门), Phàn Khoái (樊哙) nhận chén rượu từ Hạng Vũ (项羽), mượn rượu ra oai, khảng khái tỏ bày:
Thần tử thả bất từ, chi tửu an túc từ
臣死且不辞, 卮酒安足辞
(Thần đến cái chết còn chưa từ huống hồ một chén rượu)
Hình tượng tráng sĩ rất oai phong. Ôn tửu trảm Hoa Hùng (温酒斩华雄), Chử tửu luận anh hùng (煮酒论英雄), Tuý đả Tưởng Môn Thần (醉打蒋门神); Võ Tòng (武松) tại đồi Cảnh Dương (景阳) uống liền 18 bát, tay không đánh cọp; Tống Giang (宋江) nơi tửu lầu ở Lạc Dương nhân say viết “phản thi”, gây ra một trường kinh thiên động địa… Chỉ một chữ “tửu” mà có biết bao “điều thắng lợi”.
           Văn học cổ đại Trung Quốc bác đại tinh thông cùng văn hoá rượu Trung Quốc có nguồn gốc lâu đời đã dung hợp với nhau cấu thành tuyến phong cảnh đặc biệt, cùng hoà nhập bước vào lịch sử văn minh của mấy ngàn năm.

                                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn ngày 17 tháng 5 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
TỬU DỮ TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HỌC
酒与中国古代文学
Tác giả: Thân Học Lợi (申学莉)
   Lưu Ngọc (刘玉)
                Giải Ngạn Quân (解彦军)
Previous Post Next Post