Dịch thuật: Những thánh nhân cổ đại Trung Quốc nổi tiếng nhất

NHỮNG THÁNH NHÂN CỔ ĐẠI TRUNG QUỐC NỔI TIẾNG NHẤT

          1- Chí thánh Khổng Tử (至圣孔子):
          Khổng Tử tên Khâu (), tự Trọng Ni (仲尼), người ấp Tưu () nước Lỗ thời Xuân Thu (nay là đông nam huyện Khúc Phụ 曲阜 tỉnh Sơn Đông 山东), là tư tưởng gia, chính trị gia, giáo dục gia và cũng là người sáng lập học thuyết Nho gia của Trung Quốc. Học thuyết của Khổng Tử đã thành chính thống trong văn hoá phong kiến Trung Quốc hơn hai ngàn năm nay, cho nên giai cấp thống trị phong kiến luôn xem ông là “thánh nhân”, tôn xưng là “Chí thánh tiên sư”.
          2- Á thánh Mạnh Tử (亚圣孟子):
          Mạnh Tử tên Kha (), tự Tử Dư (子舆), người nước Trâu () thời Chiến quốc (nay là đông nam huyện Trâu tỉnh Sơn Đông 山东), ông cũng là tư tưởng gia, chính trị gia, giáo dục gia. Bộ Mạnh Tử (孟子) của ông là một trong những kinh điển của Nho gia. Mạnh Tử được xem là người kế thừa chính tông học thuyết Khổng Tử, và được tôn là “Á thánh”.
          3- Sử thánh Tư Mã Thiên (史圣司马迁):
          Tư Mã Thiên tự Tử Trường (子长), người Hạ Dương (夏阳), sử học gia, văn học gia nổi tiếng thời Tây Hán. Tư Mã Thiên là tác giả của Sử kí (史记), bộ kỉ truyện theo thể thông sử.
          4- Thi thánh Đỗ Phủ (诗圣杜甫):
          Đỗ Phủ tự Tử Mĩ (子美), hiệu Thiếu Lăng (少陵), người huyện Củng () tỉnh Hà Nam (河南), là nhà thơ vĩ đại thời Đường. Thơ của Đỗ Phủ đa phần phản ánh mâu thuẫn xã hội và cuộc sống hiện thực lúc bấy giờ, trong đó nổi tiếng nhất là Tam lại (三吏) Tam biệt (三别), những bài thơ này đã vạch trần sự áp bức tàn khốc của giai cấp thống trị đối với nhân dân. Nhân vì thơ của ông phản ánh tương đối chân thực một thời đại lịch sử phức tạp đầy động loạn nên ông được tôn là “Thi sử” “Thi thánh”.
          5- Từ thánh Tô Thức (词圣苏轼):
          Tô Thức tự Tử Chiêm (子瞻), hiệu Đông Pha cư sĩ (东坡居士), người huyện Mi Sơn (眉山) tỉnh Tứ Xuyên (四川), văn học gia, thư hoạ gia và là từ nhân nổi tiếng thời Tống, một trong “Đường Tống bát đại gia”. Tô Thức đã có những cống hiến nổi bật đối với thể loại từ. Những bài từ của ông, bút lực tung hoành, khí phách hào hùng phóng khoáng, có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sau nên ông được tôn là “Từ thánh”.
          6- Văn thánh Âu Dương Tu (文圣欧阳修):
          Âu Dương Tu tự Vĩnh Thúc (永叔), hiệu Tuý Ông (醉翁), một hiệu khác là Lục nhất cư sĩ (六一居士), người Cát thuỷ (吉水) thời Bắc Tống (nay thuộc tỉnh  Giang Tây 江西), văn học gia, sử học gia nổi tiếng, và cũng là một trong “Đường Tống bát đại gia”. Văn chương của ông thuyết lí thông đạt, trữ tình uyển chuyển, chủ trương trí dụng “minh đạo”, phản đối văn phong mang hình thức hoa lệ. Ông tích cực bồi dưỡng lớp hậu tiến trên văn đàn, trở thành lãnh tụ của phong trào cổ văn thời Bắc tống, đời sau tôn ông là “Văn thánh”.
          7- Thư thánh Vương Hi Chi (书圣王羲之):
          Vương Hi Chi tự Dật Thiếu (逸少), người đời gọi ông là Vương Hữu quân (王右军), người Lâm Nghi (临沂) tỉnh Sơn Đông (山东) thời Đông Tấn, thư pháp gia nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Chữ của ông hấp thu tinh hoa của các thư pháp gia thời Nguỵ Tấn, từ đó sáng tạo ra một phong cách đặc biệt  Thể chữ khải do ông viết đã tiến một bước thoát khỏi hình bóng của thể chữ lệ, đạt đến một trình độ hoàn mĩ độc lập. Người đời khen chữ của ông là “phiêu nhược phù vân” (飘若浮云 – bồng bềnh như mây bay) “kiểu nhược kinh long” (矫若惊龙 – mạnh tựa rồng cuốn), công nhận ông là “Thư thánh”.
          8- Thảo thánh Trương Chi (草圣张芝):
          Trương Chi là thư pháp gia thời Hán, ông sở trường về thảo thư, đối với thể viết thảo của chữ lệ cũ, trình độ càng cao hơn.
          9- Hoạ thánh Ngô Đạo Tử (画圣吴道子):
          Ngô Đạo Tử tên là Đạo Huyền (道玄), người Dương Địch (阳翟) thời Đường (nay là huyện Vũ tỉnh Hà Nam 河南). Cảm xúc lập thể trong tranh của ông rất mạnh, ông sở trường về vẽ nhân vật, dùng phấn đỏ đậm nhạt biểu hiện cốt nhục cao thấp, chân thực như tượng. Ông cũng sở trường vẽ tượng Phật, rất sống động. Dải áo ở nhân vật ông vẽ phất phới như bay, nên có lời khen “Ngô đới đương phong” (吴带当风 – dải áo của Ngô Đạo Tử vẽ tung bay trong gió). Đời sau tôn ông là “Hoạ thánh”.
          10- Y thánh Trương Trọng Cảnh (医圣张仲景):
          Trương Trọng Cảnh tên Cơ (), người Nam Dương (南阳) cuối thời Hán, y học gia kiệt xuất thời cổ Trung Quốc. Bộ sách Thương hàn nhiễm bệnh luận (伤寒染病论) của ông được xem là “Y kinh”. Thiên Biện chứng luận trị (辩证论治) trong sách đã trình bày lí luận Trung y và nguyên tắc trị liệu, đặt nền móng cho trị liệu học Trung y. Đời sau tôn ông là “Y thánh”.
          11- Dược thánh Lí Thời Trân (药圣李时珍):
          Lí Thời Trân tự Đông Bích (东璧), hiệu Tần Hồ (濒湖), người Kì Châu (蕲州) thời Minh (nay là Kì Xuân 蕲春 tỉnh Hồ Bắc湖北), y dược học gia kiệt xuất thời cổ Trung Quốc. Ông đã mất 27 năm gian khổ để viết bộ Bản thảo cương mục (本草纲目) gồm 190 vạn chữ, thu lục 1892 chủng loại dược vật, tổng kết được kinh nghiệm dược vật phong phú trong nhân dân lao động Trung Quốc từ 16 thế kỉ trước, có cống hiến to lớn đối với sự phát triển dược vật học đời sau, và ông đã được tôn là “Dược thánh”.
          12- Trà thánh Lục Vũ (茶圣陆羽):
          Lục Vũ tự Hồng Tiệm (鸿渐), hiệu Đông Cương Tử (东冈子), người Cánh Lăng (竟陵) Phục Châu (复州) thời Đường (nay là Thiên Môn 天门tỉnh Hồ Bắc 湖北), chuyên gia về trà nổi tiếng thời cổ Trung Quốc. Lục Vũ có soạn quyển Trà kinh (茶经), bộ sách chuyên trứ về trà đầu tiên trên thế giới, nên người đời gọi ông là “Trà thần” “Trà thánh”.
          13- Tửu thành Đỗ Khang (酒圣杜康):
          Đỗ Khang tức Thiếu Khang (少康), người phát minh ra việc ủ rượu trong truyền thuyết cổ đại Trung Quốc.

                                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn ngày 11 tháng 5 năm 2012


Dịch từ nguyên tác Trung văn
TỐI HỮU DANH ĐÍCH CỔ ĐẠI THÁNH NHÂN
最有名的古代圣人
Trong quyển
TRUNG QUỐC CHI TỐI
QUỐC GIA CHÍNH TRỊ - LỊCH SỬ VĂN HOÁ
中国之最
国家政治 - 历史文化
Chủ biên: Lưu Chấn Vũ (刘振宇)
Kinh Hoa xuất bản xã, 2007.


Previous Post Next Post