Dịch thuật: Văn bia xã thương thôn Phụng Sơn Tuy Phước cuối thế kỉ 19

VĂN BIA XÃ THƯƠNG THÔN PHỤNG SƠN
TUY PHƯỚC CUỐI THẾ KỈ 19

       奉錄仁恩村秀才阮先生序誌
嗣德拾叁年庚申冬拾月鳳山社倉成予視之堂構廠如也儲積裕如也因問曰孰主張是共事者面予稱謂吾社秀才阮世顯登進吾輩而圖成之也予然後知吾秀才之善於動宮角而使人得以附驥竊駿同垂於不杇此心可對人言矣予是以越俎代庖敢爾弄吾斧操吾戈力為代白妬是舉者目予為諛可好是舉者德予為公可予欲無言得乎是社自丙寅揀點以來村儲闕如而民幾醫瘡剜肉矣兵幾絕指斷腕矣先列人欲整頓之心幾藜藋乎鼪鼬徑矣天啟嘉會吾秀才出於其間引同輩而共圖之登厥民而曉喻之一辰人心山岳其義鴻毛其財惟冀眼一垂青而更恐為周郎所顧則斯倉之積豪自民戶義自秀才而一辰之董工役典出入司準損與奔走其功尤可不少也噫以數年困頓沒所糶糴而迺倉迺積乃在於是年豐凶有備矣水旱無憂矣百世之後其不曰饘於是粥於是以糊予口者哉其不曰之功之德後人而不忘者哉是心也可石白

董工役
鄉紳: 劉文靖
里長: 胡文肅
: 阮文豐
副里長: 陳文運

典出入
鄉紳: 劉文靖
典倉: 胡文職

司準損
知亭: 胡文讓

與奔走
役目: 胡文使
舊里長: 胡文福
班長: 武文學
舊役目: 范文壘

        仁恩村秀才阮琼甫       
       鳳山村色目耆舊鄉職兵民等仝奉錄

         
          (Theo bản chép tay của cụ Vũ Ngọc Liễn in trong quyển Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu, ông đồ nghệ sĩ, từ trang 483 đến 488. NXB Sân khấu, 2011)
  
Phiên âm

          Phụng lục Nhơn Ân thôn Tú tài Nguyễn tiên sinh tự chí.
          Tự Đức thập tam niên (1), Canh Thân đông thập nguyệt, Phụng Sơn xã thương thành. Dư thị chi, đường cấu xưởng như dã, trừ tích dụ như dã. Nhân vấn viết: Thục chủ trương? Thị cộng sự giả diện dư xưng vị: Ngô xã Tú tài Nguyễn Thế Hiển, đăng tiến ngô bối nhi đồ thành chi. Dư nhiên hậu tri, ngô Tú tài chi thiện ư động cung động giốc (2) nhi sử nhân đắc dĩ phụ kí (3) thiết tuấn (4), đồng thuỳ ư bất hủ. Thử tâm khả đối nhân ngôn hĩ. Dư thị dĩ việt trở đại bào (5), cảm nhĩ lộng ngô phủ (6), thao ngô qua (7), lực vi đại bạch. Đố thị cử giả mục dư vi du khả, hảo thị cử giả đức dư vi công khả. Dư dục vô ngôn đắc hồ? Thị xã tự Bính Dần (8)  giản điểm dĩ lai, thôn trừ khuyết như, nhi dân cơ y sang oan nhục (9) hĩ, binh cơ tuyệt chỉ đoạn oản hĩ (10). Tiên liệt nhân dục chỉnh đốn chi tâm, cơ lê điệu hồ sinh dứu kính hĩ (11). Thiên khải gia hội, ngô Tú tài xuất ư kì gian, dẫn đồng bối nhi cộng đồ chi, đăng quyết dân nhi hiểu dụ chi. Nhất thời nhân tâm, sơn nhạc kì nghĩa, hồng mao kì tài. Duy kí nhãn nhất thuỳ thanh (12) nhi cánh khủng Châu Lang sở cố (13). Tắc tư thương chi tích, hào tự dân hộ, nghĩa tự Tú tài, nhi nhất thời chi đổng công dịch, điển xuất nhập, tư chuẩn tổn, dữ bôn tẩu, kì công vưu bất khả thiểu dã.
          Y! dĩ sổ niên khốn đốn, một sở thiếu địch, nhi nãi thương nãi tích (14) tại ư thị niên. Phong hung hữu bị, thuỷ hạn vô ưu hĩ. Bách thế chi hậu, kì bất viết chiên ư thị, chúc ư thị, dĩ hồ dư khẩu giả tai? Kì bất viết chi công chi đức hậu nhân nhi bất vong giả tai? Thị tâm dã khả thạch bạch.
Đổng công dịch
Hương thân: Lưu Văn Tĩnh
Lí trưởng: Hồ Văn Túc
Trùm chức: Nguyễn Văn Phong
Phó lí trưởng: Trần Văn Vận

Điển xuất nhập
Hương thân: Lưu Văn Tĩnh
Điển thương: Hồ Văn Chức

Tư chuẩn tổn
Tri đình: Hồ Văn Nhượng

Dữ bôn tẩu
Dịch mục: Hồ Văn Sử
Cựu lí trưởng: Hồ Văn Phúc
Ban trưởng: Vũ Văn Học
Cựu dịch mục: Phạm Văn Luỹ.
          Nhơn Ân thôn Tú tài Nguyễn Quỳnh Phủ (15)       tự
Phụng Sơn thôn sắc mục kì cựu hương chức binh dân đẳng đồng phụng lục.


Chú thích
  
1- TỰ ĐỨC THẬP TAM NIÊN: năm Tự Đức thứ 13 tức năm Canh Thân 1860.
                                                                        (Theo Đại Nam thực lục, tập 7)

2- ĐỘNG CUNG ĐỘNG GIỐC (動宮動角) :  ý nói có tài cai trị.
        Cung và giốc là hai âm trong hệ thống ngũ âm: cung, thương, giốc, chuỷ, vũ.
          Mật Bất Tề (宓不齊) tự Tử Tiện (子賤), người nước Lỗ thời Xuân Thu, tính tình nhân hậu, có tài trí, từng giữ chức Tể ở Thiện Phụ (單父), gẩy đàn mà cai trị. Khổng Tử khen là tài.

3- PHỤ KÍ (附驥): bám vào đuôi ngựa kí, ý nói nhờ vào người khác mà được nổi tiếng.
          Theo Bá Di liệt truyện (伯夷列傳) trong Sử kí (史記)
          Bá Di, Thúc Tề tuy hiền, đắc Phu tử nhi danh ích chương. Nhan Uyên tuy đốc học, phụ kí vĩ nhi hạnh ích hiển.
          伯夷, 叔齊雖賢, 得夫子而名益彰. 顏淵雖篤學, 附驥尾而行益顯.
          (Bá Di, Thúc Tề tuy là người hiền, nhờ có Khổng Tử mà danh càng vang xa. Nhan Uyên tuy chăm học, nhờ bám vào đuôi ngựa kí mà đức hạnh càng thêm nổi).
         Trong Sách ần (索隱) cũng có ghi:
          Thương dăng phụ kí vĩ nhi trí thiên lí. Dụ Nhan Hồi nhân Khổng Tử nhi danh chương.
          蒼蠅附驥尾而致千里. 喻顏回因孔子而名
          (Con nhặng xanh nhờ bám vào đuôi ngựa kí mà đi được ngàn dặm. Ý nói Nhan Hồi nhờ có Khổng Tử mà được nổi danh.)

4- THIẾT TUẤN (窃駿): chưa rõ điển.

5- VIỆT TRỞ ĐẠI BÀO (越俎代庖): vượt qua cái trở, thay người làm bếp. Ý nói thay người khác làm những việc vượt quá chức phận của mình.
          Thiên Tiêu dao du (逍遙遊) trong Trang Tử (莊子) có ghi:
          Bào nhân tuy bất trị bào, thi chúc bất việt tôn trở nhi đại chi hĩ.
          庖人雖不治庖, 尸祝不越樽俎而代之矣
          (Người làm bếp tuy không quản được công việc bếp núc, nhưng không vì thế mà người làm thi và người đọc chúc vượt qua cái tôn cái trở để làm thay.)

6- LỘNG PHỦ (弄斧): múa búa. Xuất phát từ thành ngữ “Ban môn lộng phủ” (班門弄斧). Thành ngữ này dùng để chỉ những người không tự lượng sức mình, dám khoe tài trước người giỏi hơn mình.
          Mai Chi Hoán (梅之煥) đời Minh trong bài Đề Lí Bạch mộ (題李白墓) đã viết rằng:
Thái Thạch giang biên nhất đôi thổ
Lí Bạch chi danh cao thiên cổ
Lai lai vãng vãng nhất thủ thi
Lỗ Ban môn tiền lộng đại phủ
采石江邊一堆土
李白之名高千古
來來往往一首詩
魯班門前弄大斧
Bên sông vùng Thái Thạch có nấm mộ của Lí Bạch
Danh tiếng của Lí Bạch đã nổi từ xưa
Người qua kẻ lại nơi đây đều để lại thơ của mình
Khác nào múa búa trước nhà Lỗ Ban

7- THAO QUA (操戈): trở cây giáo. Xuất phát từ thành ngữ “Nhập thất thao qua” (入室操戈). Thành ngữ này dùng để chỉ việc dùng học thuyết của một người nào đó để phản công lại họ.
          Theo Trịnh Huyền truyện (鄭玄傳) trong Hậu Hán thư (後漢書), Hà Hưu (何休) người thời Hậu Hán có viết Công Dương mặc thủ (公羊墨守), Tả thị cao hoang (左氏膏肓), Cốc Lương phế tật (谷梁廢疾). Trịnh Huyền tự là Khang Thành (康成) bèn viết Phát mặc thủ (發墨守), Châm cao hoang (針膏肓), Khởi phế tật (起廢疾). Hà Hưu than rằng:
Khang Thành nhập ngô thất, thao ngô mâu dĩ phạt ngô hồ
康成入吾室, 操吾矛以伐吾乎
(Khang Thành vào nhà ta, cầm mâu của ta đánh lại ta)

8- BÍNH DẦN (丙寅): năm Bính Dần nói ở đây là năm Gia Long thứ 5 tức năm 1806.
                                                              (Theo Đại Nam thực lục, tập 1)

9- Y SANG OAN NHỤC (醫瘡剜肉): tức “Oan nhục y sang”, khoét thịt để chữa vết thương. Ý nói chỉ biết lo việc trước mắt mà không có kế lâu dài cho mai sau.    
           Nhiếp Di Trung (聶夷中) đời Đường trong bài Điền gia thi (田家詩) đã viết rằng
Nhị nguyệt mại tân ti,
Ngũ nguyệt thiếu tân cốc.
Y đắc nhãn tiền sang,
Oan khước tâm đầu nhục
二月賣新絲
五月新穀
醫得眼前瘡
剜却心頭肉
Tháng hai bán tơ mới dệt
Tháng năm bán thóc mới có.
Tuy chữa được vết thương trước mắt,
Nhưng lại khoét mất thịt trong lòng.
          Tháng hai bán tơ, tháng năm bán thóc đều là không đúng thời vụ

10- TUYỆT CHỈ ĐOẠN OẢN (絕指斷腕): chặt ngón tay, chặt cánh tay.
          Thiên Đại thủ (大取) trong MặcTử (墨子) có ghi:
          Ư sở thể chi trung, nhi quyền khinh trọng chi vị quyền. Quyền phi vi thị dã, diệc phi vi phi dã. Quyền chính dã. Đoạn chỉ dĩ tồn oản, lợi chi trung thủ đại, hại chi trung thủ tiểu. Hại chi trung thủ tiểu dã, phi thủ hại dã, thủ lợi dã. Kì sở thủ giả, nhân chi sở chấp dã. Ngộ đạo nhân, nhi đoạn chỉ dĩ miễn thân, lợi dã; kì ngộ đạo nhân, hại dã. Đoạn chỉ dữ đoạn oản, lợi ư thiên hạ tương nhược, vô trạch dã. Tử sinh lợi nhược, nhất vô trạch dã.
          於所體中, 而權輕重之謂權. 權非為是也, 亦非為非也, 權正也. 斷指以存腕. 利之中取大, 害之中取小. 害之中取小也, 非取害也, 取利也. 其所取者, 人之所執也. 遇盜人, 而斷指以免身, 利也; 其遇盜人, 害也. 斷指與斷腕, 利於天下相若, 無擇也. 死生利若, 一無擇也.
          (Khi làm việc, cân nhắc nặng nhẹ gọi là “quyền”. Quyền không hẳn là đúng mà cũng không hẳn là sai. Quyền là chính xác. Ví dụ khi tay bị thương, chặt ngón tay để bảo  toàn cánh tay, đó chính là trong cái lợi chọn cái lớn, trong cái hại chọn cái nhỏ.Trong cái hại chọn cái nhỏ, đó không phải là chọn cái hại, mà là chọn cái lợi. việc chọn này, ai cũng đều quyết định như thế. Gặp phải cường đạo, chặt đứt ngón tay để tránh cái hoạ vào thân, đó là chọn cái lợi;  việc gặp phải cường đạo là cái hại. Chặt ngón tay và chặt cánh tay, đối với cái lợi của thiên hạ là như nhau, không có sự lựa chọn, thậm chí, chỉ cần có lợi, ngay cả việc sống chết cũng gác bỏ.)
          Ở đây ý nói binh lính tự huỷ hoại thân thể để trốn tránh nghĩa vụ

11- LÊ ĐIỆU HỒ SINH DỨU KÍNH HĨ (藜藋乎鼪鼬徑矣): cỏ lê cỏ điệu mọc lấp cả đường của loại chồn loài cheo.
          Thiên Từ Vô Quỷ (徐無鬼) trong Trang Tử (莊子) ghi rằng:
Phù đào hư không giả, lê điệu trụ hồ sinh dứu chi kính.
夫逃虛空者, 藜藋柱乎鼪鼬之徑
          (Một người lạc đến một nơi hoang vắng, cỏ lê cỏ điệu mọc lấp cả đường của loài chồn loài cheo)
          Câu này ý nói không có cách giải quyết.

12- NHÃN NHẤT THUỲ THANH (眼一垂青): ý nói có được người lưu tâm đến.
          Nguyễn Tịch (阮籍), tự Tự Tông (嗣宗), người Trần Lưu (陳留) là thi nhân nổi tiếng thời Nguỵ Tấn. Truyền thuyết kể rằng: khi tôn kính, coi trọng người nào đó, Nguyễn Tịch nhìn thẳng mắt để lộ tròng đen, đó là “thanh nhãn”; khi ghét ai, ông nhìn nghiêng mắt để lộ tròng trắng, đó là “bạch nhãn”. Về sau “thanh nhãn” được dùng để biểu thị sự kính trọng hoặc yêu thích một người nào đó.

13- CHÂU LANG SỞ CỐ (周郎所顧): xuất phát từ thành ngữ “Chu Lang cố khúc” (周郎顧曲). Châu Du truyện (周瑜傳)Ngô thư (吳書) trong (三國志) ghi rằng:
          Du thiếu tinh ý ư âm nhạc, tuy tam tước chi hậu, kì hữu khuyết ngộ, Du tất tri chi. Tri chi tất cố. Cố thời hữu nhân dao viết:
“Khúc hữu ngộ, Châu Lang cố”
          瑜少精意於音樂, 雖三爵之後, 其有闕誤, 瑜必知之. 知之必顧, 故時有人謠曰:
曲有誤,周郎顧
          (Châu Du thiếu thời rất tinh ý về âm nhạc, tuy sau khi uống ba chén, khúc nhạc nào có chỗ sai ông đều biết. Đã biết tất xem xét lại. Cho nên người đương thời hát rằng:
“Khúc nhạc có chỗ nào sai sót, Châu lang đều nhìn lại” ) 
          Ở đây ý nói chỉ sợ có chỗ sai sót.

14- NÃI THƯƠNG NÃI TÍCH (迺倉迺積): kho lẫm như thế này, chất chứa như thế này.
          Bài Công Lưu (公劉) phần Đại nhã trong Kinh thi có câu:
Nãi tích nãi thương
迺積迺倉
          Tạ Quang Phát đã dịch là:
Bèn lo chất trữ vựa bồ.

15- NGUYỄN QUỲNH PHỦ (阮琼甫): tức Nguyễn Diêu, Quỳnh Phủ là tên tự, người làng Nhơn Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, sinh ngày 21 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 2 (1822), đậu Tú tài khoa Canh Thân năm Tự Đức thứ 13 (1860), mọi người thường thân mật gọi ông là Ông Tú Nhơn Ân. Những sáng tác của Nguyễn Diêu hiện còn thấy là các vở tuồng như: Ngũ hổ bình tây, Chém cáo, Liệu đố và một số bài thơ Nôm như: Chán đời, An phận, Con muỗi cùng bài phú Hàn sĩ vịnh. Nguyễn Diêu chính là thầy dạy của Đào Tấn.
          Nguyễn Diêu mất ngày 19 tháng 3 năm Tự Đức thứ 33 (1880).
          Tư liệu theo http://www.baobinhdinh.com/vn/568/2003/4/3158/


Dịch nghĩa

             Phụng khắc bài chí của vị Tú tài họ Nguyễn thôn Nhơn Ân
          Năm Tự Đức thứ 13, tháng 10 mùa Đông năm Canh Thân, kho lẫm thôn Phụng Sơn hoàn thành. Tôi nhìn thấy được cơ ngơi to lớn, chất chứa dồi dào, mới hỏi: Ai chủ trương mà được như thế? Những người đang làm việc ở địa phương này nhìn tôi và nói một cách ngợi khen rằng: Ông Tú tài Nguyễn Thế Hiển đã hướng dẫn bàn tính mà xây dựng nên. Tôi mới biết ông Tú tài ấy đã giỏi khảy điệu cung điệu giốc, khiến cho mọi người bám được vào ngựa kí ngựa tuấn, cùng lưu danh bất hủ. Tấm lòng ấy có thể nói cho mọi người cùng biết. Vì thế tôi mạo muội thay lời, đâu dám múa búa trở qua, chỉ gắng sức tỏ bày. Kẻ ganh ghét cho tôi là dua nịnh, người có lòng cho tôi là công tâm. Tôi muốn im tiếng có được chăng? Xã này từ năm Bính Dần tuyển binh, xóm làng thiếu thốn, người dân hầu như chỉ lo kiếm ăn trước mắt mà không có kế sách lâu dài. Binh lính hầu như chỉ biết tự huỷ hoại thân mình để trốn tránh nghĩa vụ. Các bậc tiên liệt có lòng muốn chỉnh đốn nhưng cũng chỉ thấy cỏ lê cỏ điệu mọc lấp đường đi của loài chồn loài cheo. Trời mở ra vân hội, có được ông Tú tài (Nguyễn Thế Hiển), ông đã cùng với những người đồng trang lứa bàn bạc, lại nhóm họp dân mà hiểu dụ. Trong phút chốc, lòng người xem việc nghĩa nặng như non Thái, xem của cải nhẹ tựa lông hồng. Những mong được mắt xanh ngó đến mà cũng lo Châu Lang nhìn lại. Kho lẫm này lập nên là do lòng hào hiệp của dân mà nghĩa cử là ở ông Tú. Trong một thời gian, đốc suất công việc, giám sát xuất nhập, quản lí chi tiêu, chạy ngược chạy xuôi, công lao ấy không thể cho là nhỏ.
          Ôi! Bao năm khốn đốn, không có thóc bán ra mua vào, mà nay kho lẫm như thế này, chất chứa như thế này là bắt đầu từ năm đó. Được mùa mất mùa đều có dự phòng, bão lụt khô hạn cũng không lo sợ. Trăm đời sau há không cho rằng cơm là đây, cháo là đây, để đổ vào miệng ta ư?; há không cho rằng việc lập công để đức cho đời sau chẳng thể nào quên được ư?.
          Tấm lòng ấy phải khắc vào bia đá.
Đôn đốc và giám sát
Hương thân: Lưu Văn Tĩnh
Lí trưởng: Hồ Văn Túc
Trùm chức: Nguyễn Văn Phong
Phó lí trưởng: Trần Văn Vận

Quản lí sổ sách xuất nhập
Hương thân: Lưu Văn Tĩnh
Điển thương: Hồ Văn Chức

Kế toán chi tiêu
Tri đình: Hồ Văn Nhượng

Chạy việc
Dịch mục: Hồ Văn Sử
Cựu lí trưởng: Hồ Văn Phúc
Ban trưởng: Vũ Văn Học
Cựu dịch mục: Phạm Văn Luỹ
Cụ Tú tài Nguyễn Quỳnh Phủ viết bài kí
              Các vị sắc mục, kì cựu, hương chức và binh dân thôn Phụng Sơn đồng phụng lục

          (Huỳnh Chương Hưng phiên âm, chú thích và dịch nghĩa)
                                                                              Ngày 31/5/2006
                                                            Chỉnh lí lại ngày 15/4/2012


TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH


1- Hán Việt tự điển : Thiều Chửu, NXB Tp/ Hồ Chí Minh, HCM, 1993.
2- Khang Hi tự điển (康熙字典): Trương Ngọc Thư 張玉書 chủ biên, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1985, in lại năm 2005 (bản Trung văn)
3- Mặc Tử tân thích (墨子新釋): Trí Dương xuất bản xã, 2003. (bản Trung văn)
4-Thuyết văn giải tự  (說文解字): Hứa Thận 許慎 (Hán), Trung Hoa thư cục xuất bản, 1996 . (bản Trung văn)
5 -Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng : Nguyễn Tôn Nhan. NXB Tp/ Hồ Chí Minh, HCM, 2002.
6-Từ điển Trung – Việt : NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.
7-Từ Hải (辭海): Thượng Hải Phúc châu lộ, Trung Hoa thư  cục xuất bản, năm 1967 (bản Trung văn)
8- Trang Tử kim chú kim dịch (莊子今注今譯): Trần Cổ Ứng 陳鼓應 chú dịch. Trung Hoa thư cục, 2007. (bản Trung văn)



Previous Post Next Post