Dịch thuật: Tôn Thúc Ngao (Thanh quan truyện)

 

TÔN THÚC NGAO

Lời dẫn

          Tôn Thúc Ngao 孙叔敖là vị thanh quan, hiền tướng nổi tiếng thời Xuân Thu. Ông là người Kì Tư 期思 nước Sở (nay là huyện Cố Thuỷ 固始 Hà Nam 河南), tên Ngao tự Thúc Ngao 叔敖, một tự khác là Ngải Liệp 艾猎, xuất thân ở giai tầng sĩ, năm sinh và năm mất hiện không rõ. Tôn Thúc Ngao vốn ẩn cư ở quê nhà, do bởi đạo đức, học thức và tài năng của ông, trải qua sự tiến cử của Ngu Khâu 虞丘, ông đảm nhậm chức Tể tướng nước Sở. Thời gian nhậm chức Tể tướng hơn 10 năm khoảng năm 591 trước công nguyên. Chính tích của Tôn Thúc Ngao vô cùng xuất sắc. Biện pháp chính trị hoà hoãn mà nghiêm túc, công chính không vì tình riêng, chú trọng sản xuất khiến bách tính được an cư lạc nghiệp. Lại chú trọng việc giáo hoá khiến phong khí xã hội tốt đẹp, chủ trì tu sửa công trình thuỷ lợi, tăng cường xây dựng quân đội nước Sở, giúp Sở Trang Vương 楚庄王chỉ huy giành được thắng lợi trong trận chiến đất Bật với quân Tấn. Dưới sự phò tá của ông, Sở Trang Vương trở thành một trong ngũ bá thời Xuân Thu.

          Tôn Thúc Ngao rất nghiêm khắc với bản thân, có cuộc sống đơn giản, áo vải thô cơm rau dưa, sau khi mất nhà không có tài sản, con ông phải dựa vào việc kiếm củi để sống qua ngày. Thời Xuân Thu trí sĩ, danh thần, năng tướng có khồn ít, nhưng đồng thời thanh liêm như ông lại không nhiều.

          Sự tích của Tôn Thúc Ngao thấy rải rác trong các điển tịch thời Tiên Tần, Lưỡng Hán, như “Sử kí” 史记, “Tả truyện” 左传, “Tuân Tử” 荀子, “Mạnh Tử” 孟子, “Lã Thị Xuân Thu” 呂氏春秋, “Thuyết uyển” 说苑, “Tân tự” 新序, “Liệt nữ truyện” 列女传, “Luận Hành” 论衡, “Liệt Tử” 列子

          Tôn Thúc Ngao 孙叔敖, là kẻ sĩ hiền năng ẩn cư của nước Sở. Ngu Khâu 虞丘 tiến cử ông lên Sở Trang vương 楚庄王, để ông thay mình tiếp nhận chức Tể tướng. Tôn Thúc Ngao làm Tể tướng 3 tháng, thực thi giáo hoá, hướng dẫn nhân dân, khiến cả nước trên dưới đồng tâm hoà mục, phong khí xã hội rất tốt, chính tình hoà hoãn; quan lại không có ai làm bậy, án kiện trộm cắp cũng không phát sinh. Môi khi gặp thời tiết thu đông, ông khuyên nhân dân vào rừng chặt  cây cối tre trúc để làm sản phẩm; khoàng mùa xuân mùa thu, nhân lúc mưa nhiều thì thả theo dòng nước chuyển về. Bách tính ai ai cũng tìm được con đường mưu sinh thích hợp cho mình, ai ai cũng đều an cư lạc nghiệp.

          Sở Trang Vương cho rằng tiền tệ của nước Sở quá nhẹ, thế là hạ lệnh đem tiểu tệ đúc thành đại tệ . Bách tính cảm thấy không tiện lợi, lần lượt bỏ nghề nghiệp vốn có của mình. Thị lệnh 市令, trưởng quan quản lí thị trường báo cáo lên Tôn Thúc Ngao, nói rằng:

          -Thị trường hỗn loạn, bách tính không muốn cư trú nơi đây, việc mưu sinh, cùng trật tự không ổn định.

          Tể tướng hỏi rằng:

          -Tình hình như thế đã được bao lâu rồi?

          Viên thị lệnh đáp rằng:

          -Đã 3 tháng rồi.

          Tể tướng nói:

          -Không nói nữa. Để ta đến bảo họ khôi phục lại như cũ.

          Qua 5 ngày sau, cử hành triều hội, Tôn Thúc Ngao nói với Sở Trang Vương:

          -Mấy ngày trước thay đổi tiền tệ, cho rằng tiền tệ vốn có quá nhẹ. Hiện viên Thị lệnh báo cáo rằng: ‘Thị trường hỗn loạn, bách tính không thể an cư lạc nghiệp, trật tự thị trường không ổn định.’ Thần thỉnh cầu hạ lệnh khôi phục tiền tệ vốn đã sử dụng từ trước.

          Sở Trang Vương đồng ý, lệnh xuống trong 3 ngày, thị trường đã khôi phục như cũ.

          Thích ngồi xe thấp lùn là phong tục của người nước Sở, Sở Trang Vương cho rằng thân xe thấp lùn không có lợi cho việc điểu khiển, định hạ lệnh chế tạo xe có thân cao. Tể tướng nói rằng:

          -Chính phủ nhiều lần ban các loại mệnh lệnh, bách tính sẽ không có chỗ theo kịp, không thể làm như thế được. Nếu đại vương nhất định muốn đổi sang xe cao, thì thần hạ thỉnh cầu trước tiên để cho bách tính trong thành đem ngạch cửa của nhà nâng cao lên. Người ngồi xe đều là quan lại quý tộc, họ sẽ không nhiều lần lên xuống xe.

          Sở Trang Vương đồng ý với ý kiến của ông. Qua nửa năm, mọi người đều tự động nâng cao thân xe.

          Như vậy không cần phải ra lệnh mà bách tính tự nhiên có được sự giáo hoá, người ở cách rất gần, tận mắt nhìn thấy mà bắt chước theo; người ở cách rất xa, từ bốn phương tám hướng quan sát mà làm theo. Cho nên, Tôn Thúc Ngao ba lần được Tướng vị mà không tự cao, biết rằng đó là dựa vào tài năng của mình mà có được; ba lần mất Tướng vị mà không hối hận, biết rằng đó là do sai lầm của mình gây ra.

                          (Tuyển từ “Sử kí – Tuần lại liệt truyện” 史记 - 循吏列传)

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 18/8/2024

Nguồn

TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI THANH QUAN TRUYỆN

中国历代清官传

Biên dịch: Vi Tổ Huy 韦祖辉, Nhan Cát Hạc 颜吉鹤

Quốc tế Văn hoá xuất bản công ti, 1992

         

Previous Post Next Post