Dịch thuật: Triều Thương

 

TRIỀU THƯƠNG

(Khoảng năm 1600 – khoảng năm 1046 trước công nguyên)

          Truyền thuyết người Thương là con cháu đời sau của ông Tiết – con của Đế Khốc 帝喾, nhân vì ông Tiết giúp ông Vũ trị thuỷ có công cho nên được phong ở đất Thương , trải qua 500 năm phát triển, đến thời Thành Thang 成汤 đã thành một phương quốc lớn mạnh lấy Bạc ấp 亳邑 làm đô thành. Dưới sự phò tá của Y Doãn 伊尹, vào năm 1600 trước công nguyên, Thành Thang diệt nhà Hạ kiến lập nhà Thương . Thương vương triều trải qua 17 đời với 31 vị vương, đến năm 1046 trước công nguyên bị nhà Chu diệt, trải qua được hơn 600 năm. Triều Thương đã kiến lập một bộ máy nhà nước ở dưới vương bao gồm nhiều quan lại và quân đội, đồng thời còn xuất hiện hình phạt, giám ngục. Nông nghiệp, thủ công nghiệp triều Thương có sự tiến bộ hơn trước, đặc biệt là trình độ đúc thanh đồng được nâng cao rõ rệt, có thể chế tạo các loại khí vật cỡ lớn tinh mĩ. Thương nghiệp triều Thương cũng có sự phát triển sơ bộ, do bởi sự tăng gia hoạt động trao đổi thương nghiệp, đã xuất hiện loại tệ ở thời kì đầu. Văn hoá triều Thương có được sự phát triển đột xuất. Tại Ân Khư 殷墟 khai quật một số lượng lớn giáp cốt văn có bốc từ, những chữ này đều có đủ kết cấu cơ bản của chữ Hán. Triều Thương có lịch pháp tương đối hoàn bị, nắm giữ tri thức thiên văn nhất định. Đồng thời, một số lượng lớn vật thực được khai quật, cũng phản ánh lĩnh vực nghệ đương thời như âm nhạc, mĩ thuật cùng với phương diện sinh hoạt cũng có được thành tựu mới. Triều Thương là một giai đoạn phát triển trọng yếu của xã hội nô lệ Trung Quốc. Đặc biệt là sự phát hiện giáp cốt văn đã cung cấp nhưng tư liệu quý báu cho việc nghiên cứu lịch sử đời Thương. Đồng thời, kĩ thuật thanh đồng và văn hoá xán lạn huy hoàng của triều Thương đã đặt nền móng cho sự phát triển một bước về văn hoá cổ đại Trung Quốc, có một vị trí trọng yếu trong lịch sử văn minh thế giới.

KHỞI NGUYÊN CỦA TRIỀU THƯƠNG

          Thuỷ tổ của người Ân Thương 殷商tên là Tiết , sống vào khoảng năm 1562 trước công nguyên.

          Theo truyền thuyết, ông Tiết do bà thứ phi Giản Địch 简狄của Đế Khốc 帝喾 (Cao Tân thị 高辛氏) sinh ra. Giản Địch là con gái của bộ lạc Hữu Nhung thị 有绒氏, một lần nọ bà cùng ba cô gái đến tắm ở Hà thuỷ 河水, nuốt phải trứng huyền điểu 玄鸟 (chim yến) mà có thai sinh ra ông Tiết. Ông Tiết sau khi trưởng thành, làm việc dưới tay Đế Thuấn 帝舜, về sau lại giúp Đại Vũ 大禹trị thuỷ, nhân công lao rất lớn, cho nên được trao chức Tư đồ 司徒, phong ở đất Thương , “Thương” cũng trở thành tộc danh của họ. Di chỉ đất Thương tại vùng hạ du Hoàng hà 黄河, tức bên trong vùng Hà Nam 河南 hoặc Hà Bắc 河北 ngày nay. Cho nên, người Ân Thương cũng là dân tộc phương đông.

                                                            Huỳnh Chương Hưng

                                                            Quy Nhơn 07/12/2022

Nguồn

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ

中国通史

(quyển 1)

Biên soạn: Thiệu Sĩ Mai 邵士梅

                  Tưởng Tiểu Ba 蒋筱波

Tam Xuân xuất bản xã, 2008

Previous Post Next Post