Dịch thuật: Danh, tự và hiệu của người Trung Quốc (kì 2)

 

DANH, TỰ VÀ HIỆU CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC

(kì 2)

          Người Trung Quốc cổ đại không chỉ có danh (tên), mà còn có tự , tự từ danh diễn hoá mà ra, cho nên gọi chung là “danh tự” 名字. Do bởi người xưa chú trọng lễ nghi, nhân đó mà xưng danh xưng tự đều có sự chú trọng. Trong giao tiếp, danh nhìn chung dùng để khiêm xưng, ti xưng (cách xưng hô hạ thấp bản thân mình), hoặc người trên đối với kẻ dưới, lớn đối với nhỏ; còn tự dùng để kẻ dưới đối với người trên, nhỏ đối với lớn hoặc tôn xưng đối với người khác. Trong nhiều tình huống, gọi thẳng tên là rất không lễ phép. Nhìn từ cách đặt tự ở các đời, danh và tự có quan hệ mật thiết, có thể nói là “nhân danh thủ tự” 因名取字 (nhân theo danh mà đặt tự), người xưa gọi rằng “danh chi dữ tự, nghĩa tương tỉ phụ” 名之与字, 义相比附 , “nghĩa tương tỉ phụ” ở đây chính là nguyên tắc đặt tự. Tóm lại mối quan hệ giữa danh và tự đại khái có mấy loại sau:

          1- Danh và tự ý nghĩa tương đồng.

          Như đại thi nhân Khuất Nguyên 屈原của nước Sở, vốn tên là Bình , Nguyên là tự, “bình” và “nguyên” đồng nghĩa.

          Tất Điêu Khải 漆雕启 nước Lỗ tự là Khai , “khai” và “khải” đồng nghĩa.

          Hạ Cung 夏恭 đời Hán tự Kính Công 敬公, “cung” và “kính” đồng nghĩa.

          Chư Cát Lượng 诸葛亮 thời Tam Quốc tự Khổng Minh 孔明, “lượng” và “minh” đồng nghĩa.

          Liễu Công Xước 柳公绰đời Đường tự là Khoan , “khoan” và “xước” đồng nghĩa.

          Chu Quyền 周权 đời Nguyên tự Hành Chi 衡之, “quyền” và “hành” đồng nghĩa.

          Học giả Phương Đông Thụ 方东树đời Thanh tự Thực Chi 植之, “thụ” và “thực” đồng nghĩa v.v…

          2- Danh và tự ý nghĩa tương quan

          Như Khổng Khâu 孔丘 nước Lỗ tự là Trọng Ni 仲尼, “khâu” tức “sơn” , Khổng Tử sinh ở Ni sơn 尼山, lại thuộc hàng thứ hai, cho nên tự là Trọng Ni 仲尼.

          Tăng Tham 曾参 (1) tự Tử Dư 子舆, “Tham” tức “tham” , ý nghĩa là một xe đóng ba con ngựa, “mã” và “xa” (dư ) có liên quan.

         Sơn Đào 山涛  đời Tấn tự Cự Nguyên 巨源, ba đào trong núi tự nhiên là đầu nguồn to lớn.

          Triệu Vân 赵云 thời Tam Quốc tự Tử Long 子龙, người xưa cho rằng “vân tùng long, phong tùng hổ” 云从龙, 风从虎 (mây theo rồng, gió theo cọp), nhân đó “vân”  và “long” tương quan.

          Lục Du 陆游 đời Tống tự Vụ Quán 务观, mà Tần Quán 秦观 tự Thiếu Du 少游, “du” và “quán” tương quan.

          Danh tướng kháng Kim Nhạc Phi 岳飞 thời Nam Tống tự Bằng Cử 鹏举, “phi” và “bằng” tương quan.

          Học giả đời Thanh Phan Lỗi 潘耒tự Thứ Canh 次耕, “lỗi” và “canh” tương quan v.v…

          3- Danh và tự ý nghĩa tương phản

          Như Công Tôn Hắc 公孙黑nước Trịnh thời Xuân Thu tự Tiểu Tích 小皙. “Tích” là sắc trắng của da, “hắc” và “bạch” tự nghĩa tương phản.

          Triệu Suy 赵衰 (2) nước Tấn tự Tử Dư 子余, “suy” ý nghĩa là giảm thiểu, “dư” thì dư dả, “suy” và “dư” tự nghĩa tương phản.

          Ngô Bình 吴平đời Hán tự Quân Cao 君高, “cao” và “bình” tự nghĩa tương phản.

          Thi nhân đời Đường La Ẩn 罗隐 tự Chiêu Gián 昭谏, “ẩn” và “chiêu” tự nghĩa tương phản.

          Từ nhân thời Bắc Tống Án Thù 晏殊 tự Đồng Thúc 同叔, “thù” và “đồng” tự nghĩa tương phản v.v…

          4- Danh và tự, ý nghĩa lấy từ ngũ hành tương sinh

          Như Sở công tử Nhâm Phu 壬夫, tự Tử Tân 子辛, nhâm là thuỷ, tân là kim, danh là Nhâm ,tự là Tân , lấy ý từ thuỷ sinh từ kim.

          Đế vương đời Minh lấy kim, mộc, thuỷ, hoả thổ đặt tên. Như Minh Thành Tổ Chu Đệ 明成祖朱棣 (mộc ), con là Minh Nhân Tông Chu Cao Xí 明仁宗朱高炽 (hoả ), cháu là Minh Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ 明宣宗朱瞻基 (thổ ), đời sau nữa là Minh Anh Tông Chu Kì Trấn 明英宗朱祁镇 (kim ), Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm 明宪宗朱见深 (thuỷ ) v.v…

          5- Lấy thứ tự Mạnh , Trọng , Thúc , Quý làm tự

          Như Lỗ công tử Khánh Phủ 庆父tự Trọng .

          Hán Cao Tổ Lưu Bang 刘邦tự Quý .

          Văn học gia Ban Cố 班固 đời Hán tự Mạnh Kiên 孟坚 (“kiên” và “cố” đồng nghĩa)

          Trương Hàn 张翰 đời Tấn tự Quý Ưng 季鹰.

          Âu Dương Tu 欧阳修 đời Tống tự Vĩnh Thúc 永叔.

          Phùng Tùng Ngô 冯从吾đời Minh tự Trọng Hảo 仲好.

          Văn học gia Tiết Phúc Thành 薛福成đời Thanh tự Thúc Vân 叔耘 v.v…

                                                                                   (còn tiếp)

Chú của người dịch

1- Về tên của 曾参:

     Chữ trong Khang Hi tự điển 康熙字典có ghi mấy âm đọc như sau:

- Âm THAM , bính âm là cān”

          Đường vận 唐韻, Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻đều phiên thiết là THƯƠNG HÀM 倉含, âm (tham)

- Âm SÂM, bính âm là shēn

          Đường vận 唐韻phiên thiết là SỞ CÂM 所今;

Tập vận集韻, Vận hội韻會, Chính vận 正韻 phiên thiết là SƠ TRÂM 疏簪, đều có âm là (sâm)

- Âm SÂM, bính âm là “cēn”

Đường vận 唐韻phiên thiết là SỞ TRÂM 楚簪

Tập vận 集韻, Vận hội 韻會 phiên thiết là SƠ TRÂM 初簪

Với ý nghĩa là “so le, không đều”. (Sâm si hạnh thái – Thi – Chu Nam)

- Âm TÁM, bính âm làsăn”

          Đường vận 唐韻, Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻đều phiên thiết là TANG CẢM 桑感, âm (tảm)

- Âm TAM / THAM , bính âm là “càn”

          Chính vận 正韻phiên thiết là THẤT CÁM 七紺, âm (tam / tham)

(Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 95)

          Trong nguyên tác ghi là:

Tăng tự Tử Dư. tức

曾參 字子舆, 参即骖

          Như vậy theo nguyên tác, tên 曾參đọc là TĂNG THAM.

2- Về tên của 赵衰

          Chữ trong Khang Hi tự điển 康熙字典có ghi mấy âm đọc như sau:

- Âm SUY, bính âm là  “suī”

          Đường vận 唐韻phiên thiết là SỞ NGUY 所危

          Tập vận 集韻phiên thiết là SONG CHUY 雙隹

          Đều có âm là (suy) với ý nghĩa là “nhỏ”, “giảm”, “giết”.

- Âm THÔI, bính âm là “cuī”

          Tập vận 集韻phiên thiết là THƯƠNG HỒI 倉回, âm (thôi), một loại tang phục.

- Âm THUẾ, bính âm là “shuāi”

          Vận bổ 韻補phiên thiết là SỞ LOẠI 所類. Âm (thuế)

(Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 1087)

Trong nguyên tác cho chữ có nghĩa là giảm thiểu, ghi là:

Triệu tự Tử Dư, ý vi giảm thiểu

趙衰字子余衰意為減少

Như vậy theo nguyên tác, tên 赵衰đọc là TRIỆU SUY.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng

                                                                           Quy Nhơn 25/12/2022

Nguyên tác Trung văn

TRUNG QUỐC NHÂN ĐÍCH DANH, TỰ DỮ HIỆU

中国人的名字与号

Trong quyển

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ YẾU LƯỢC

中国文化要略

Tác giả: Trình Dụ Trinh 程裕祯

Bắc Kinh: Ngoại ngữ giáo học dữ nghiên cứu xuất bản xã, 2017

Previous Post Next Post